Nối Chí Tiền Nhân

Tôi tiến, hãy theo tôi;
tôi lùi, hãy bắn tôi;
tôi chết, hãy nối chí tôi.

(Ngô Đình Diệm)

Kính thưa quý vị, đó những lời nói như trăn trối của TT Diệm vào ngày Quốc Khánh 26-10-1963.  Chỉ sau đó 5 ngày xảy ra biến cố đảo chính và sáng ngày 2-11 TT Diệm bị giết.    Ngay sau khi đảo chánh ba tháng, Việt Cộng nổi loạn khắp nơi.  Ấp chiến lược hoàn tàn tan vỡ.  Việt Cộng chiếm lại 50% đất đai. Bốn năm sau đó là những hỗn loạn chính trị và kẽ hở cho CS lợi dụng, chứng tỏ cuộc cách mạng không có tầm nhìn xa.

Năm nay cũng là năm thứ 50 kỷ niệm đau thương biến cố Tết Mậu Thân.  Thay vì thương tiếc cho 5.000 người dân vô tội Huê chết tức tưởi, CSVN lại tổ chức ăn mừng cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân một cách vô cảm.  Nếu còn người viết sử chân thật sau này, có lẽ họ sẽ đặt câu hỏi:  “Nếu không có  đảo chính 1-11, cuộc thảm sát Mậu Thân ở Huế có xảy ra hay không?”

Cuộc đời của hai Ông Diệm Nhu ngậm ngùi cũng như số mệnh đất nước.  Mười hai năm sau miền nam VN hoàn toàn rơi vào tay CS Bắc Việt.  Câu hỏi trên lại một lần nữa được đặt ra ở tầm mức rộng hơn:  Có phải sự thất bại giữ vững miền Nam bắt đầu suy thoái từ cuộc đảo chánh ông Diệm?

ooOOoo

Chúng ta có thể kết luận một cách khá chính xác là cho tới ngày hôm nay, mặc dù đã qua 55 năm sau ngày TT Ngô Đình Diệm bị giết, nhưng những tranh cãi, kể cả hiểu lầm, xoay quanh con người Ngô Đình Diệm và nền ĐỆ NHẤT CH, những nghi kỵ đó vẫn còn tiếp tục, do đó ảnh hưởng đến cái nhìn khách quan về lịch sử cũng như công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa CS.  Vì thời gian có hạn, tôi chỉ xin kể lại một việc làm khá cảm động của TT Diệm vào thời đệ Nhất CH mà có rất nhiều người không biết hoạc không tin.

Như tất cả mọi người đều biết tôn giáo là khắc tinh của chủ nghĩa Cộng Sàn.  Vì vậy vào tháng mười năm 1959, Mao Trạch Đông ra lệnh đánh phá Phật Giáo Tây Tạng.  Tây tạng còn được gọi là xứ Phật.  Phật giáo trải bao thế hệ vẫn là quốc giáo.  Qua các hình ảnh tăng ni bị đánh bằng dùi cui, vỡ đầu máu chảy loang đất, người ta mới thấy rõ thế nào là tàn ác CS. Người dân xứ Phật chưa bao giờ chịu cảnh tang thương như vây.  Tăng ni bị ép buộc kết hôn.  Biết bao nhiêu người bị bắt giết.  Rất nhiều chùa chiền bị thiêu hủy.  Số người tử vong lên đến hang chục triệu.  Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt buộc phải lưu vong đến Ân Độ.  Người dân tỵ nạn bỏ nước theo chân đức Phật Sống rất đông.  Lúc đó người dân tỵ nạn Tây Tạng khốn khổ vô cùng.  Con người vốn có khả năng quay mặt trước đau khổ của kẻ khác. Thế giới hầu như làm ngơ với một nước nghèo nàn lạc hậu, nhất là vì Tây Tạng mà chống lại CS Trung Hoa thì chả có lợi lộc gì hết.

May thay, Ông Diệm cảm nhận được thế nào là tỵ nạn CS qua việc tản cư hơn một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào nam năm 54.   Không phải một lần mà đến hai lần chính phủ Diệm tổng cộng đã tặng 1.500 tấn gạo qua trung gian chính phủ Ấn Độ.  Khi tin này lần đầu xuất hiện trên báo chí vào thập niên 60, đã gặp sự phản bác của rất nhiều người.  Họ cho rằng Ông Diệm vốn là một người kỳ thị và đàn áp Phật Giáo thì không bao giờ có lòng tốt với dân xứ Phật như vậy.

Mãi cho tới ngày 7, tháng 8, năm 2014, có người kiếm ra được tài liệu xác nhận việc TT Diệm tặng gạo.  Tài liệu được lấy từ Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Hội và Chính Sách của Tây Tạng.  Tài liệu ghi lại lần phỏng vấn với thủ Tường Ấn lúc bấy giờ là Nehru.  Thủ Tướng nêu ra bốn quốc gia:  Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, và Việt Nam Cộng Hòa.  VN tuy nghèo nhất vẫn giúp 1.300 tấn gạo.  Lần thứ hai phỏng vấn bộ Trưởng Ngoại Giao Menon, ông cũng công nhận VN lần này giúp thêm 200 tấn gạo.

Tài liệu này được Hòa Thượng Thích Như Điển, phương trượng chùa Viên Giác ở Hannover, Đức Quốc thậu thâp.  Hòa Thượng có nhiều đệ tử tu học ở Ân.  Tập tài liệu này được giao lại cho nhà thơ Trần Trung Đạo, nhờ công bố để làm sáng tỏ sự thật.

Ông Diệm mặc dầu bị Mỹ nhúng tay thao túng vào việc đảo chính, nhưng, đau hơn, đối với VN ông lại bị người ta gán cho tiếng oan là đàn áp tôn giáo.  Cái chết tức tưởi và thật cô đơn.  Chúng ta hãy tưởng tượng ra những giờ phút cuối trong cái xe bít bùng, bị đánh đập dã man trước khi họ kết liễu mạng sống, ông đau buồn thế nào? Cả cuộc đời dành cho quê hương nhưng cuối cùng lại như thế.  Bị đồng minh bỏ rơi!  Bị bạn bè, thuộc cấp bán đứng!  Canh bạc đã thua cháy túi thì chỉ còn gì để nói nữa nữa!  Đành thí luôn cái mạng mà thôi, vì vậy, mặc dù được chọn lựa, ông đã không chọn con đường lưu vong.

Nhìn chung, các tổ chức người Việt tranh đấu ngày hôm nay còn rất rời rạc và đố ky.  Người Việt hải ngoại vẫn chưa thể nào có một tiếng nói phản ảnh tình đoàn kết dân tộc và mục đích chung.  Các tập thể vẫn còn gay gắt chống đối lẫn nhau vì khác biệt quan điểm chính trị hay tôn giáo.  CS VN chỉ đợi thời cơ như vậy và tung đòn ly gián.  Thế là chúng làm ngư ông đắc lợi, bất chiến tự nhiên thành.  Đau lòng thay!

Đề tài chính cho ngày giỗ thứ 55 của TT NĐD, theo đề nghị của ban tổ chức, là “Nối Chí Tiền Nhân”.  Có một câu nói tôi nghe được mấy chục năm trước và tôi hằng suy nghĩ: “Làm người Công Giáo VN chúng ta hai vai mang hai trách nhiệm: trách nhiệm với Tổ Quốc và Giáo Hội.  Cuộc đời Ông Diệm đã đi theo con đường đó. Tất cả cũng không đi ra ngoài hai điểm chính của Đạo Công Giáo là mến Chúa, yêu người.  Giáo lý Công Giáo từ xưa cho đến nay vẫn là giáo lý của yêu thương.  Ngày xưa Ông Diệm cứu người Tây Tạng bằng cách cho 1.500 tấn gạo.  Ngày nay chúng ta, ước gì, cũng bắt chước người xưa chở hàng tấn yêu thương đến anh em đồng bào nhằm hàn gắn lại những vết nứt của nghi kỵ, hiểu lầm, và sai trái.  Vì chỉ có đoàn kết một lòng, người Việt hải ngoại mới có sức mạnh tranh đấu cho tự do dân tộc.

Bài nói chuyện hôm nay có hai mục đích.  Thứ nhất giải oan phần nào cho TT Diệm qua chứng cớ lịch sử như đã trình bày ở trên.  Thứ hai, chúng ta rút tỉa được gì qua cuộc đời Ông?  Ngô Đình Diệm, theo nhiều người kể lại, là một người mẫn cán, thanh liêm.  Lúc sống, mặc dầu là TT, nhưng sinh hoạt đạm bạc, đơn sơ.  Buổi cơm chiều, một tô canh, một dĩa cá kho.  Tiếp khách ngoại quốc bằng quốc phục khăn đống áo dài.  Lúc chết tay trắng.  Ngay cả kẻ thù của ông cũng nói ông thanh bần, thật đúng như khẩu hiệu “Tiết trực tâm hư”.  Ông có lẽ là người lãnh đạo duy nhất có kiến thức Tây Âu nhưng lại hành xử như một nhà nho tiết tháo.  Ông làm việc chăm chỉ và bắt những người chung quanh cũng phải chăm chỉ như ông.  Ông không chỉ là một nhà lãnh đạo chính trị mà còn là một nhà tư tưởng.  Để chống lại tà thuyết CS lấy đấu tranh giai cấp làm căn bản, ông đưa ra tư tưởng “nhân vị”, lấy con người làm trọng tâm mọi hoạt động.  Tiếc thay, có lẽ ông cũng đoán trước được vận mệnh; những việc cần làm còn quá nhiều mà thời vận đã tận.  Bậc hiền tài chả có mấy mà phường “bán lợi mua danh chợ vẫn đông”.   Ông có làm một bài thơ cảm khái vận đước điêu linh, mà lòng người còn ly tán.

Xin được kết thúc bài nói chuyện này bằng bài thơ Nỗi Lòng của cụ Ngô Đình Diệm

Gươm đàn nửa gánh muốn sang sông
Hỏi bến: thuyền không, lái cũng không!
Xe muối nặng nề thương vó ký
Đường mây rộng rãi tiếc chim hồng
Vá trời lấp biển người đâu vắng?
Bán lợi mua danh chợ vẫn đông!
Lần lữa nắng mưa theo cuộc thế
Cắm sào đợi nước, thuở nào trong?

Ngô Đình Diệm, 1953

Xin đa tạ và cám ơn quý vị đã lắng nghe.

 

Tạo Ân

27/10/2018, Orlando, FL