TÔI THAM GIA CỨU NGƯỜI VƯỢT BIỂN

Trang Châu

Hậu quả của ngày 30 tháng 4 năm 1975 là cả triệu người Việt bỏ nước ra đi, tạo nên thảm trạng thuyền nhân kéo dài hơn 15 năm. Hàng trăm ngàn người đã vùi thây dưới đáy biển trên bước đường tìm tự do. Thảm cảnh chìm ghe cùng nạn hải tặc đã đánh động lương tâm thế giới.Hai con tàu ân nhân: Cap Annamur của Đức và Ánh Sáng của hội Médecins du Monde của Pháp xuất hiện hàng năm ở biển Đông tìm vớt những người vượt biển.

Đầu năm 1988 một phái đoàn của hội Médecins du Monde của Pháp sang Montréal.Tôi nhớ hội Y Sĩ Việt Nam tại Canada có tổ chức một buổi tiệc tiếp đón họ. Trong phần thuyết trình, ông bác sĩ trưởng phái đoàn ngỏ ý mong muốn mỗi chuyến tàu của hội, khi đến vùng biển Đông vớt “boat people”, thì trên tàu lúc nào cũng có mặt một bác sĩ Việt Nam cạnh một bác sĩ Pháp.Và sau đó hội Y Sĩ Việt Nam tại Canada kêu gọi các đồng nghiệp ghi danh tình nguyện tham gia. Có 5 người ghi tên tình nguyện.Người đứng hàng thứ 5 là tôi.Hôm đó tôi chần chừ một chút vì thấy người không được khoẻ với cái tuổi vừa chẳn 50 của mình.

Chương trình ra khơi vớt người vượt biển hàng năm của hội Y Sĩ Thế Giới bắt đầu từ đầu tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 7.Thời gian này vùng biển Đông thời tiết tốt cho nên số người vượt biển rất đông. Chiếc tàu được đưa ra khơi năm 1988 là một chiếc tàu chở hàng nhỏ, chở tối đa 500 người, được một ông tỷ phú người Pháp ở Cannes tài trợ.

Đầu tháng 4 năm 1988, trong chuyến ra khơi đầu tiên, bác sĩ Việt trên tàu là là bác sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ đi từ Cali.Sau 2 tuần trên biển, tàu không vớt được ghe vượt biển nào, ông bác sĩ người Pháp trên tàu chịu không nỗi bỏ cuộc, đòi được thay thế sớm.Khi nhận lời tham gia, tình nguyện viên phải hứa đi 4 tuần.Phía người Pháp đã có bác sĩ chờ đợi thay thế. Điện tới tấp gọi về Montréal cử người ra thay bác sĩ Kỳ để tàu tiếp tục đợt 2. Cả 4 tình nguyện viên trước tôi đều từ chối, vì quá bất ngờ, không kịp chuẩn bị.Còn một mình tôi.Và tôi nhận lời thế bác sĩ Kỳ.

Nhận lời hôm thứ tư, trưa thứ năm tôi đã ngồi trên máy bay, từ Montréal liên tục bay qua các phi trường Toronto,San Francisco, Honolulu, Manille để đến Puerto Princesa, thuộc đảo Palawan của Phi Luật Tân.Sau 3 ngày chờ đợi ở khách sạn, tôi lên tàu Mary’s Kingstown, rời hải cảng Puerto Princesa, trực chỉ biển Đông. Cũng 2 tuần trôi qua, tàu không gặp chiếc ghe vượt biển nào. Tôi chỉ bị một trận say sóng nhưng không mất tinh thần, trong khi tay nhiếp ảnh trẻ người Pháp thì suy sụp tinh thần nặng, nằm lì không ăn không nói, vì anh chưa chụp được tấm ảnh nào của “boat people” để mang về cho sở của anh.

Thuyền trưởng cho biết Radar của tàu bị hư nên phải ghé Tân Gia Ba để sửa chữa.Sau 2 ngày nằm ở Tân Gia Ba, một hôm điều hợp viên chương trình người Pháp,tên Laurent, gặp tôi và cho biết Paris đã quyết định ra khơi lại lần này, nếu trong tháng 5 mà tàu không vớt được ai, thì sẽ chạy tiếp cho hết tháng 6 rồi chấm dứt chương trình luôn. Vậy tôi phải quyết định, nếu tiếp tục thì phải chấp nhận, nếu cần, đi cho đến hết tháng 6, bằng không Laurent sẽ xin người thay thế tôi và lo việc lấy vé máy bay cho tôi về lại Montréal.Sau một đêm trằn trọc, sáng hôm sau tôi cho Laurent hay tôi sẽ tiếp tục.

Tàu rời Tân Gia Ba sau một tuần sửa chửa.Có lẽ trời không phụ lòng thành của tôi, trong 2 tuần tiếp theo tàu đã gặp 5 ghe vượt biển, tổng cọng vớt được 327 thuyền nhân.Vớt chiếc ghe đầu tiên tôi gặp một người quen, một đồng nghiệp đàn anh của tôi, bác sĩ Phùng Văn Hạnh. ( Hình 2 ). Bác sĩ Hạnh sau này định cư ở Montréal và đã từng là Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Vùng Montréal.Ghe vượt biển thứ hai là một chiếc thuyền buồm chở 81 người đang bị một tàu công an biên phòng VC rượt đuổi ( Hình 3 ).Tàu Mary trương cờ Pháp, chạy tới trước. Kết quả tàu Mary vớt được 81 thuyền nhân, tàu công an vớt được chiếc thuyền buồm. Ghe vượt biển thứ năm được vớt trong một trường hợp hi hữu. Trong đêm tối,tài công của ghe này thấy bóng của tàu Mary từ xa đang tiến tới, tưởng là tàu VC nên xả hết tốc lực mong chạy thoát.Không ngờ bị cháy máy tàu, đành nằm im chờ bị bắt.Khi tàu Mary lại gần, rọi đền pha, tôi cầm loa lớn tiếng hỏi:”Có phải ghe vượt biển không?”.Có tiếng ngập ngừng trả lời:”Không phải ghe.. vượt biển.”Tôi nói tiếp:” Đây là tàu Pháp đi cứu người vượt biển.Nếu đúng là ghe vượt biển, xin xác nhận, tàu chúng tôi sẽ vớt.” Sau câu nói của tôi, 75 người núp dưới mui ghe lần lượt chui ra. Và tiếp đó là tiếng vổ tay, tiếng reo hò.

Tàu Mary được lệnh đưa các các thuyền nhân về trại Puerto Princesa.Như vậy coi như chấm dứt cuộc hành trình của tôi. Đêm họp mặt chia tay, đại diện 5 ghe vượt biển đọc diễn văn cảm tạ, là cựu trung úy Trương Quang Tá. Tôi dịch từng đoạn ra Pháp văn. Tôi còn nhớ một đoạn lời của trung úy Tá:”Tàu Mary đã đưa chúng tôi từ cõi chết về với cuộc sống, từ những con người bị tước đoạt hết mọi quyền tự do căn bản, ở trong một chế độ mà giá trị con người được xem kém hơn giá trị của một con vật, để trở thành những con người có nhân quyền, sống trong một xã hội trong đó giá trị con người được tôn trọng. Chúng tôi nghĩ là chúng tôi đang mơ vì những giấc mơ được tàu cứu vớt thường chợt biến, chợt hiện trong những đêm thao thức trắng mắt của chúng tôi…”.

Tôi vui vì chuyến đi thành công ( Hình 4 ) .Ba lô tôi nặng thêm một chút vì những chồng thư cám ơn của các thuyền nhân.Tôi nhớ nhạc sĩ Mạnh Cường, sáng tác nhạc phẩm rất hay “ Con tàu ân nhân” ngay trên tàu Mary.Cô Kim Dung, người bị xỉu tôi phải cho truyền dung dịch, là một nhà thơ.Cô làm 3 bài thơ sau khi được tàu Mary vớt.Bài thơ thứ nhất:Cảm xúc khi bước lên tàu Mary:Bước lên tàu cứu vớt/Ta đã thấy vững tin/Niềm mong ta đã được/Nhe bớt nỗi lắng lo/Tàu của người đi trước/Tiếp rước người đi sau/Thêm thắm nghĩa đồng bào/Vô vàn lòng nhân ái/Mong ngày mai trở lại/Đất nước ta Việt Nam/Cùng nhau lo xây đắp/Tự do cho quê hương.Bài thơ thứ hai:Niềm vui khi gặp cờ vàng:Trên đường tìm tự do/Ta gặp lại cờ vàng/Cờ quê hương muôn thưở/Nghe lòng dâng thân thương/Cờ của ta vàng mãi/Dù bao năm tha hương/Lòng ta càng mong muốn/Cờ về với quê hương/Để dân ta thoát khỗ/Được sống trong tự do/Để dân ta mãi mãi/Được áo ấm cơm no/.Bài thơ thứ ba riêng tặng tôi, tôi không chép ra đây vì cảm thấy mình không xứng đáng với những lời khen tặng trong bài thơ. Trong cuốn bút ký Về Biển Đông do Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông ở Hoa Kỳ ấn hành năm 1995 tôi có viết, rất chân tình:”Hởi những thuyền nhân, hỡi những đồng bào thương mến của tôi ơi! Xin đừng cám ơn tôi về những gì tôi đã làm mà hãy để tôi cám ơn quý vị đã cho tôi được sống những giây phút trong cuộc đời mà tôi ao ước sống/”.

Trước khi chia tay, tôi đưa lá cờ quốc gia, mà ông Chủ Tịch Cộng Đồng Montréal trao để tôi mang theo, cho tất cả thuyền nhân ký tên vào đó ( Hình 5 ).Lúc về Montréal tôi đã trao lại lá cờ cùng một số hình ảnh cho Cộng Đồng Montréal. Không biết giờ đây lá cờ đó cùng số hình ảnh ai giữ?
Thấm thoát thế mà đã 33 năm trôi qua kể từ chuyến đi của tôi.Chuyện hàng trăm ngàn người liều chết để đi tìm sự sống nay đã trở thành quá khứ.Có người đã quên, có người muốn quên nhưng có rất nhiều người không bao giờ quên.Không quên để cánh cánh đợi một ngày về, ngày về sống ở một đất nước mà mình không bao giờ nghĩ đến chuyện phải ra đi.

 

TRANG CHÂU

Phụ bản:

VỀ BIỂN ĐÔNG

Một chớm bình minh tôi ra khơi
Trùng dương bát ngát, người mong người
Dang tay ôm cả chân trời rộng
Sóng vỗ thân tàu, bọt biển bơi

Hỡi những sông ngòi trên quê hương
Có nghe lòng rộn tiếng lên đường?
Những con thuyền nhỏ, con thuyền nhỏ
Xuôi nước âm thầm ra đại dương

Ôi! Những phong ba sóng thét gào
Những phường thủy khấu sặc gươm đao
Những bàn tay yếu trong tay yếu
Nhưng mắt ngời lên ánh lửa sao!

Này chị, này anh, này chú, cha
Này những em thơ, những mẹ già
Một đi một thoát đời nô lệ
Hay chết trong lòng biển tự do

Tôi ở phương trời tuyết trắng che
Đường xa chi lắm mấy sơn khê
Tình thương, như nước bao la ấy
Xui một người đi trở gót về

Mẹ bước lên tàu, cha đẩy ghe
Em lau giọt tủi, chị lòng se
Ai cười, ánh mắt thơ ngây quá!
Ôi! Buồn xa quê, vui bỏ quê!

Đã hết thôi rồi cơn ác mộng:
Mùa xuân đang tới. Chừ đêm nay
Có người đứng nhớ, hồn tê dại
Quê nhà, qua một thoáng mây bay…

TRANG CHÂU