TÔI CÒN GÌ SAU CUỘC CHIẾN

Mai bình Phương

Tôi là giữa trong gia đình có ba chị em. Chúng tôi không có anh em trai. Thỉnh thoảng nghe ba má và chị nhắc lại chuyện xưa đều không quên nhắc tôi là loại mít-ướt hạng nặng. cả nhà đều chán ngấy sự mau nước mắt này mà tôi hầu như muốn sao được vậy…Nhớ lại năm tôi rớt tú tài toàn phần chán học tiếp phổ thông nên tôi quyết định thi vào trường Cán Sự Điều Dưỡng. Tuy là tin tuyệt vọng nhưng ba cũng nhỏ nhẹ “Việc làm sau này không những vất vả mà còn phải nhẫn nại chịu đựng con có chịu nỗi không”

Ba má yên tâm con có đủ can đảm và nhẫn nại.Thời gian những năm học qua nhanh. Tôi ra trường và được nhận làm việc tại bệnh viện An Giang thuộc thành phố Long Xuyên Tỉnh An Giang. Trước mặt bệnh viện là dòng Angiang thơ mộng khiến khách du lịch dù chỉ một lần qua đây vẫn nhớ: “ Dòng Angiang lơ thơ nước biếc- đây những người thôn nữ xinh- duyên dáng chuyền tay dắt nhau- múc mấy vầng trăng đổ đi ( NS Anh Việt thu)….” Đối diện bên kia sông là doanh trại Giang Đỉnh Biệt Kích. Vào một đêm trực thì có một anh lính hớt hải đưa mẹ đến cấp cứu. Nhìn dáng mệt mỏi trong bộ quân phục nhầu nát đầy bùn dơ thì như anh vừa về từ chiến trường. Nhưng qua nét phong sương bất cần đời, sự lo âu cho tính mệnh của mẹ vẫn lộ rõ. Anh vẫn đến thăm mẹ thường xuyên và chính những chăm sóc thương yêu, anh trang trọng dành cho mẹ anh khiến tôi lưu ý và có cảm tình. Rồi chúng tôi quen nhau. Mẹ anh là người nối nhịp cầu cho chúng tôi thành vợ chồng trong một lễ cưới nhà binh thật đơn giản.

Chồng tôi là lính nên những ngày trăng mật không dài vì anh hết phép… “Đời lính tính liền.”Anh vẫn khôi hài như thế mỗi khi tạm biệt tôi trở lại đơn vị. Tết Mậu Thân, được tin anh bị thương và đang được điều trị tại Tổng Y Viện Công Hòa, tôi vội vả đi thăm. Tuy vết đau còn đó nhưng anh vẫn cười toại nguyện khi biết tôi đã có thai.
-Anh không giúp gì được cho em. Làm vợ lính thì thật cô đơn phải không em? Tôi rưng rưng nắm chặt tay anh. “Lính chiến thì phải vậy thôi. Anh đừng quá bận tâm cho em.”

Tôi sanh được một cháu trai giống anh như khuôn. Tuy bận hành quân liên miên, nhưng nhận được tin vui anh không quên gởi thư chúc an bình và sức khỏe đến mẹ con tôi, cùng những hứa hẹn đền bù thật nhiều khi về phép. Mỗi lần đọc thư anh tôi không cầm được nước mắt vì quá thương và nhớ anh. Bất ngờ một đêm khuya anh về và bảo thu xếp chuẩn bị di tản. Tôi run sợ hỏi anh: “Di tản đi đâu? Còn anh thế nào?”
Anh im lặng giây lâu:
-Anh không thể bỏ đồng đội… “Sống cùng sống và chết cùng chết”. Tôi quyết định ở lại cùng anh.

Ba mươi tháng tư một ngàn chín trăm bảy lăm, ngày tàn cuộc chiến, anh âm thầm về nhà trong tâm trạng người thua cuộc. Anh như thấy tàn phai giết chết giấc mơ đời. Qua những tháng năm làm vợ lính, lúc này tôi mới thấy nét buồn ưu tư trên mặt anh. Và chỉ sau hơn một tháng sống khép kín bên vợ con, anh đi trình diện vào tù. Đi cùng anh đến cuối đường, tôi buồn rười rượi và con chúng tôi ràn rụa nước mắt đòi ba.

-Trời sắp mưa, em mau đưa con về kẻo em và con bị cảm. Tôi chỉ biết khóc, nước mắt trào ra khóe như mỗi lần nghe tiếng súng vọng về với những đóm hỏa châu lơ lửng từ vùng xa. Mỗi lần như thế tôi chỉ biết thì thầm cầu nguyện cho anh và đồng đội được bình an.

Ngày anh vào tù cũng là ngày tôi mất việc làm. Cuộc sống mỗi ngày mỗi khó khăn thêm, buộc tôi phải buôn tảo bán tần kiếm tiền nuôi con và chắt chiu hy vọng có ngày thăm chồng. Ngày ngày chờ đợi nhưng sự mong đợi ngày chồng về càng mỏi mòn hơn. Cuối cùng thì được tin anh đang bị nhốt ở vùng núi đèo heo gió hú miền Thương Du Bắc Việt.

Tôi xin giấy phép thăm nuôi. Nhìn anh xanh xao gầy guộc chỉ còn da bọc xương và hai mắt như lạc thần, tôi òa khóc.

-Hết giờ mọi người khẩn trương xếp hàng về lán. Tên cán bộ quát lớn. Mười lăm phút thăm nuôi ngắn ngủi. Anh vội nắm tay tôi bóp nhẹ. “ Em ốm quá nhớ giữ gìn sức khỏe. Đừng lo, anh có đi thì phải có về”

Năm kế tiếp nhờ sự giúp đỡ của hai bên gia đình, tôi lại đi thăm anh dù đường đi gian khổ lên đèo xuống ải nơi rừng thiêng nước độc, mùa hè nắng cháy da và mùa đông lạnh thấu xương. Tôi vẫn không ngăn được nước mắt khi gặp anh dù anh như có chút ít sinh lực. Anh ôm chặt con vào lòng như tìm như nhớ những gì đã mất.

-Cám ơn em đã thay anh lo cho mẹ và chăm sóc dạy dỗ con. Nhìn con khỏe mạnh anh không biết phải nói gì với em, chả lẽ nói cám ơn mãi thì cũng thừa. Anh cũng mong em cố gắng giữ gìn sức khỏe chờ anh về.

Anh về trong một đêm giao thừa. Mẹ chồng tôi ôm anh khóc sướt mướt. Cả nhà mừng sum họp trong những giọt nước mắt hạnh phúc. Tuy nhiên nghiệt ngã lại đến với chúng tôi vì gia đình đoàn tựu chưa được bao lâu thì được biết anh mắc bệnh nan y và sống chỉ tính từng ngày. Từng ngày chờ đợi tử thần đến đón anh tôi chỉ biết giấu mình khóc thầm.

Và anh vĩnh viễn ra đi vài tháng sau đó. Mười năm làm vợ lính với nhiều nước mắt vì lo sợ lúc nào cũng canh cánh trong lòng. Sáu năm làm vợ tù với bao lo lắng nhớ thương chồng chất. Và làm vợ-người-dân chỉ được vài tháng ngắn ngủi để cuối đời thành góa phụ sống trong cảnh cô đơn thui thủi một mình. Ba mươi mùa Xuân trôi qua. Đêm nay cũng là đêm giao thừa. Nghe tiếng pháo nổ đì đùng mà tôi cứ ngỡ là tiếng súng từ xa vọng về và như vỗ về sự mong nhớ của tôi.

Tôi cảm thấy lạnh vội khoác thêm chiếc áo len. Như thường đêm, tôi thắp nhang cho anh trên bàn thờ. Khói nhang bay vào mông lung làm tim tôi đau nhói. Tôi còn gì sau cuộc chiến ngoài những giọt nước mắt nhớ thương – Anh…Anh bây giờ đang ở đâu? Tôi thì thầm…“Vùng cao hoa vàng đang nở. Nếu phải anh về đêm nay….”

Mai bình Phương