Bìm Bịp Kêu Chiều-Xướng Họa

 

Bài xướng:

BÌM BỊP KÊU CHIỀU

Não lòng thay mấy tiếng kêu sầu,
Những lúc hoàng hôn tím bể dâu!
Mắt đỏ chao làn con sóng bạc,
Cành xanh che bóng giống chim nâu.
Cữ đầu, thúc gió tuôn miền ngược, (1)
Hiệp cuối, giục dòng xuôi miệt sâu. (2)
Bìm bịp kêu chiều trong thổn thức, (3)
Người đây kẻ đó nhớ nhau lâu… (4)

Nguyên Bông.

(1) Ý nói bìm bịp kêu nước lớn.
(2) Nước ròng.
(3) Bìm bịp: loại chim có đôi mắt đỏ, lông nâu, thích sống ở bụi rậm ven bờ sông suối. Chúng dựa vào thủy triều lên xuống để bay đi kiếm ăn. Do vậy mới có câu… “Bìm bịp kêu chiều”, “Bìm bịp kêu nước lớn ròng”,… trong dân gian.
– Bìm bịp thích ăn mồi sống, thường tha về tích trữ ở ổ, nhất là rắn, cho nên những ai láu táu thọc tay vào ổ để bắt bìm bịp con, có thể bị rắn cắn. Tương truyền, những người đi săn gặp ổ chim bìm bịp con, liền bẻ gãy chân chúng. Chim cha mẹ sẽ tìm thuốc về đắp lên vết thương. Sau nhiều lần như vậy, người ta mới bắt chim con về làm thịt sấy khô mà ngâm làm rượu thuốc, uống rất phê.
– Theo chuyện cổ tích, một tên tướng cướp gặp một thầy tu trên đường đi tìm Đức Phật để học đạo, bèn hỏi… “Xin thầy cho biết cách tu?”. Nhà sư đáp… “Phải do tâm của mình mới được”. Tướng cướp bèn mổ tim của mình gởi cho nhà sư nhờ trao lên Đức Phật. Dọc đường, trái tim thối nên nhà sư buộc phải quăng đi. Về sau, nhà sư gặp được Phật, Phật hỏi… “Trên đường đi, có ai gởi gì cho ngươi không?”. Sau khi nghe nhà sư kể lại mọi chuyện, Phật phán… “Nhà ngươi hãy quay trở lại tìm trái tim rồi trở lại gặp ta”. Nhà sư hóa kiếp thành giống chim bìm bịp, cứ lủi tìm trái tim trong bụi rậm…
– Đây là loại chim rất hung dữ nên người ta thường nuôi để giữ nhà…
(4) Ý nói cuộc tình trắc trở, người ở đầu sông, kẻ cuối sông, nhớ nhau hoài…

Bài họa 2:

CHIỀU QUÊ NHỚ NHÀ

Chiều xuống vàng rơi tiếng quốc sầu,
Đìu hiu thôn vắng mấy nương dâu.
Mênh mông đồng lúa bầy cò trắng,
Thấp thoáng bờ đê tấm áo nâu.
Nhớ bát cơm rau đầy nghĩa nặng,
Thương manh chiếu rách ấm tình sâu.
Bâng khuâng cô khách đăm chiêu mộng,
Màu mắt hoàng hôn tim tím lâu.

Ta.

Vài Cảm Nhận:

Tôi rất vui khi đọc “Chiều Quê Nhớ Nhà” của nhà thơ Tạo Ân. Bài thơ có những nét tự nhiên, nhẹ nhàng, thanh thoát như một bức tranh thủy mặc “man mác hơi sương” làm mát lòng người đọc, gợi cho tôi nhớ lại lúc còn học ở trường, giáo sư bảo phải làm những bài luận văn về thơ của Bà Huyện Thanh Quan như “Cảnh Chiều Hôm” (luật bằng vần bằng) và “Qua Đèo Ngang” (luật trắc vần bằng). Đó là hai bài thơ tả cảnh “khuông vàng thước ngọc” đã giúp cho một kẻ yêu thích thơ Đường như tôi học hỏi làm thơ.
Bây giờ, chúng ta hãy thử hòa mình vào tâm hồn của nhà thơ Tạo Ân, để xem những điều gì xảy ra trong tám câu thơ trau chuốt về ý và lời đó.

Theo thói quen, tôi đọc lướt qua một lần để xem cái cảm giác từ nguồn thơ len vào tâm hồn mình như thế nào. Quả thực, trong một chuỗi năm mươi sáu chữ mượt mà đó có một cái gì đó hấp dẫn và lôi cuốn bắt người đọc phải đọc tiếp. Trong lần thứ hai, đến câu thứ bảy, tôi dừng lại ngay ở hai chữ “cô khách” và tôi cảm nhận ra rằng tác giả đang là thân lữ khách vừa dừng chân lại nơi một vùng thôn quê hẻo lánh nào đó nơi xứ người. Cảnh tượng diễn ra trước mắt sao trông na ná giống nơi xứ mình quá, làm cho tác giả bỗng nhiên nhớ về quê cũ, một nỗi nhớ nhung trĩu nặng như một gốc đại thụ bám chặt rễ ở trong lòng. Đứa con từ lâu lạc loài nơi đất khách bỗng thấy bước chân mình chùn lại, lặng đứng một mình lắng nghe tiếng lòng bồi hồi xao xuyến, khi mà từng vạt nắng vàng còn đang nằm ngủ yên trên mặt cỏ trong khi bóng hoàng hôn mờ nhạt dần ở phía chân trời xa. Văng vẳng đâu đây, tiếng quốc đong sầu chợt vọng lại và trong thoáng chốc, điệu nhạc buồn thê lương đó vang xa trong màn sương khói lam chiều bảng lảng nơi miền thôn dã…

“Chiều xuống vàng rơi tiếng quốc sầu,
Đìu hiu thôn vắng mấy nương dâu”.

Trên không, đàn cò trắng nhấp nhô đôi cánh trong ráng nắng buổi chiều tà, nghiêng mình chào tạm biệt cánh đồng lúa quen thuộc ở phía dưới trước khi vầy đàn chuyển hướng bay về tổ ấm phía rặng tre xanh ở cuối thôn. Xa xa phía con đê, bóng một nông dân nhô một nửa thân mình lên lằn chân trời mờ mịt hơi sương, dáng dấp vội vã đang rảo bước chân về trong xóm…

“Mênh mông đồng lúa bầy cò trắng,
Thấp thoáng bờ đê tấm áo nâu”.

Lòng lữ khách bỗng se lại, khi hồi tưởng lại nơi đã từng cưu mang và nuôi nấng mình lớn khôn lên từng ngày. Và cũng chính nơi vùng “cò bay thẳng cánh chó chạy cong đuôi” đó, mối tình quê nghĩa nặng của ngày nào vẫn còn canh cánh trong lòng…
“Nhớ bát cơm rau đầy nghĩa nặng,
Thương manh chiếu rách ấm tình sâu”.
Cảnh chiều hôm đang diễn ra trước mắt, khiến cho người thơ tưởng như mình đang mơ. Giữa cảnh mênh mông trời đất, cái mộng và thực cứ thấp thoáng chập chờn như ảnh ảo, lòng bỗng dưng buồn da diết và qua màn lệ nhạt nhòa, ánh mắt của kẻ độc hành bỗng trở nên… tim tím dài lâu…
“Bâng khuâng cô khách đăm chiêu mộng,
Màu mắt hoàng hôn tim tím lâu”…

“Chiều Quê Nhớ Nhà” là một bài thơ được tác giả gởi gấm nỗi lòng của mình và người đọc cũng qua đó, dễ dàng cảm nhận ra rằng đó cũng là tâm trạng của chính mình. Với khổ thơ Đường luật trắc vần bằng, những từ được chọn lọc rồi đặt vào “khuôn” đúng chỗ theo luật thơ qui định và với cách thể hiện theo một trình tự… xuôi chèo theo dòng cuốn Phá, Thừa, Thực, Luận và Kết, do vậy, từ trong bài thơ tỏa ra một bức tranh quê với các cảnh tượng quen thuộc diễn tả được nội tâm rất sâu sắc. Từ chữ đầu đến chữ cuối nối đuôi nhau trước sau… như những “vũ công tài ba” lả lướt trên một một sàn nhảy di động là dòng suối mát rượi và từng cặp đối vững vàng, nếu như ta thử ngâm lên nho nhỏ, sẽ cảm thấy một chuỗi thanh âm êm tai đang rót nhẹ vào lòng. Trong thơ có nhạc là vậy.
Đề tài tuy cũ nhưng là muôn thuở, lại là một nguồn thơ bất tận để cho những người thơ “khai thác, vẫn cho ta một sự thích thú dẫn đến kết luận “Chiều Quê Nhớ Nhà” là một bài thơ hay từ hình thức đến nội dung.
Thật đáng trang trọng vậy…
Xin cám ơn nhà thơ/ nhạc sĩ Tạo Ân đã họa bài “Bìm Bịp Kêu Chiều” của Nguyên Bông.

Nguyên Bông.