BÁT CANH KHỔ QUA

Mai Bình Phương

Cô gái mặc áo blouse trắng dáng vẻ Á Đông bước vào phòng giải trí dành cho các vị lão niên của viện hưu dưỡng khiến ai cũng ngạc nhiên, và ông Phước cũng không ngoại lệ. Ngạc nhiên vì họ chưa hề thấy một cô gái Á Đông nào khác ngoài cô lần đầu tiên họ gặp. Cô từ tốn đứng giữa phòng làm một cử chỉ như thầm yêu cầu mọi người chú ý rồi tự giới thiệu về mình. Cô tên Phước Tâm, y tá.
Sau lời tự giới thiệu ngắn, gọn, cô đến hỏi thăm sức khỏe từng người với nụ cười thật hiền trên khóe môi. Cô bước lại chỗ ông Phước ngồi ở cuối phòng .
– Chào bác…Theo hồ sơ thì cháu biết bác là người Việt Nam nên cháu xin phép được dùng tiếng Việt với bác nhé!
Ông Phước vừa bối rối vừa xúc động
– Chào cô Phước Tâm! Còn gì vui cho tôi hơn được gặp đồng hương trong hoàn cảnh này. Thế cô sẽ làm việc thường xuyên ở đây hay chỉ đặc biệt hôm nay?
– Dạ cháu làm việc mỗi ngày trừ thứ bảy…
– Như vậy, ngày mai cô vẫn đến làm việc. Ông Phước ngần ngừ như muốn nói gì thêm nhưng không hiểu sao ông im lặng. Phước Tâm như hiểu ý, vui vẻ hỏi ông Phước.
– Bác cần gì không? Nếu giúp được cháu sẵn sàng giúp bác!
Ông Phước không mong gì hơn, vội chốm người về phía trước nói nhỏ vừa đủ cho Phước Tâm nghe.
-Tôi ao ước được ăn lại một bát canh khổ qua mà hơn ba mươi năm trước, hương vị của nó vẫn luôn đầy trong tâm thức…Tôi biết là khó tìm lại được những gì đã mất nhưng thú thực tôi thật thèm….
– Không biết cô có giúp được không?
– Dạ…Cháu sẽ cố gắng.

Phước Tâm đã nhờ mẹ nấu canh khổ qua và mang đến. Ông Phước xúc động rơm rớm nước mắt bưng bát canh khổ qua đưa lên mũi hít một hơi dài…mùi thơm của khổ qua, của tôm giã nhỏ hòa với tiêu, hành huyện bay theo hơi nóng làm ông nhớ đến những kỷ niệm thương thương ngày cũ…Ngày mà ba mươi năm về trước Thục Vinh đã khéo nấu một bát canh khổ qua cho ông ăn ngay ngày đầu tiên khi ông vừa từ trại tù cộng sản về….Tiếng cô y tá làm ông Phước tỉnh mộng :
-Bác ăn canh khổ qua thấy có được không bác?
– Ngon lắm…ngon lắm…Cám ơn cháu.
Ông còn định nói là không thua gì canh khổ qua do Thục Vinh ngày xưa nấu nhưng ông đánh trống lảng…
-Thế cháu qua đây lâu chưa?
– Dạ cháu qua được ba mươi năm rồi…
– Cháu thật giỏi. Qua đây lâu vậy mà vẫn còn nhớ nấu những món ăn Việt Nam đầy hương vị quê hương. Thế cháu có thích ăn những món ăn bên này không?
– Dạ cháu cũng thích ăn những món vừa nhanh vừa gọn nhưng mỗi ngày về nhà mẹ cháu đã nấu sẵn những món ăn Việt Nam nên cháu cũng quen dần. Thực ra bát canh khổ qua bác đang dùng là cháu nhờ mẹ nấu…
– Mẹ cháu bây giờ ở đâu?
-Mẹ đang ở chung với cháu
– Thế ba cháu làm gì?
– Cháu nghe nói là ba cháu mất tích hay thất lạc trong đợt vượt biển cùng mẹ khi mẹ cháu có thai cháu…
– Cháu học nói tiếng Việt từ đâu mà giỏi quá vậy?
– Dạ cháu là đứa con duy nhất nên mẹ cháu chỉ muốn cháu nói tiếng Việt khi về nhà. Vì vậy cháu nói giỏi tiếng Việt là nhờ mẹ…Chợt ông Phước nhìn Phước Tâm thấy hao hao giống…nhưng ông vội nghĩ có lẽ vì quá mõi mòn tìm kiếm trong tuyệt vọng nên ông buồn buồn :
– Thế ngoài mẹ cháu cháu còn có họ hàng gì không?
– Dạ, cháu còn có cậu và dì. Dì Thục Vũ ở cách xa hơn một giờ lái xe
Ông Phước không giấu được vẻ bối rối.
– Cháu nói sao? Dì cháu tên Thục Vũ. Còn cậu của cháu tên gì?
-Dạ, cậu cháu tên Thục Hưng ….
Ông Phước như đang níu được cái phao trong lúc tận cùng tuyêt vọng…Ông vồn vập hỏi tiếp.
– Cháu còn người câụ nào nữa không?
-Dạ, cháu còn một người cậu tên Thục Minh đã chết trong trại tù cải tạo cộng sản.Ông Phước bàng hoàng từ xúc động này đến xúc động khác…Ông chợt hỏi :
– Có phải mẹ cháu tên Thục Vinh không?
Một cảm giác thật lạ, thật bối rối, Phước Tâm run run :
– Dạ…sao bác biết tên mẹ cháu?
Ông Phước gắn gượng bình tĩnh :
– Ừ…tôi là bạn của Thục Hưng…Cháu có thể cho tôi số điện thoại của Thục Hưng hay Thục Vũ được không?
Nhận được số điện thoại của cả hai người. Ông Phước dựa hẵn lưng sau ghế thả hồn tìm về những ngày tháng cũ của tuổi đôi mươi.

Một ngày cuối tuần, ông lang thang đến tiệm sách để xem những tâp thơ đang được bày bán kết quả thế nào thì chợt nghe một giọng nói thật quyến rũ :
– Những tập thơ của anh tuy mới xuất bản nhưng bán rất nhanh. Có thể nói là những tuyệt phẩm anh ạ…
Bố tôi dự định tháng sau sẽ tái bản…Anh vui không?
Ông Phước lí nhí :
– Không còn gì bằng …vui lắm!
Từ đó cứ mỗi cuối tuần ông Phước chân sáo nôn nóng đến tiệm sách …Giọng nói , nụ cười của cô hàng sách “thôi mien” ông tự lúc nào ông không biết. Lúc đầu nhút nhát nhưng gặp nhiều lần cũng liều chờ “một ngày đẹp trời” ông dạn dĩ tặng cô nàng tập thơ viết-riêng-cho-nàng và không quên mời cùng đến tiệm kem Bạch Đằng hay quán thạch ở đường lê Văn Duyệt…Thời gian thật lãng mạn dần qua đến một ngày tên Nguyễn văn Phước và Lê Thục Vinh cùng chung thiệp hồng…Tình nồng chưa đậm thì ông phải nhập ngũ.
Đời lính xa nhà nay đây mai đó. Gót giày chinh nhân chưa thỏa chí thì đơn vị ông được lịnh “tan hàng” và ông vào tù cộng sản sau đó. Sau bảy năm tù ông nhận được “giấy tha”..Ông tìm đường về và ngay ngày đầu xum họp Thục vinh đã nấu một bát canh khổ qua …Rồi vượt biển và thảm cảnh thương đau khi con tàu bị sóng cuốn hút trong đêm…Ông không muốn nghĩ tiếp, vói tay nhắc ống điện thoại. Giọng một người đàn ông đầu dây bên kia :
– Allo…Thục Hưng tôi nghe!
– Thục Hưng có nhớ anh Phước không? Nguyễn văn Phước
Thục Hưng thật bàng hoàng :
– Anh Phước…Anh Nguyễn văn Phước…Anh đang ở đâu? Và sao anh có số điện thoại…
– Chuyện dài dòng lắm…Bây giờ em có thể đến nhà hưu dưỡng Centre de sante- 3090- Pepiniere de Montreal gặp anh được không?
– Dạ…Dạ…Em đến liền! Thục Hưng gác ống nghe, vội vàng ra xe chạy đến chỗ hẹn. Gặp nhau cả hai đều nghẹn ngào nói trong nước mắt..Những kể lể giữa hai người đang xen nhau.
– Tàu vượt biển trong đó có anh chị bị bão sóng đánh chìm trong đêm..Anh cố gắng bơi trong tuyệt vọng mong cứu Thục Vinh nhưng biển đêm và bão sóng nhồi anh như xa dần…Thời may tay anh ôm được một bè gỗ..Bè gỗ đã đưa anh xa vùng bão và anh được một tàu buôn cứu…
Thục Hưng cũng nghen ngào :
– Không nhận được tin gì tụi em cứ nghĩ là anh đã chết trong đêm vượt biên…Nhưng nhờ Ơn Trên chị Thục Vinh và chúng em đã gặp lại anh…Cháu Phước Tâm có kể ông Phước nào đó nhờ cháu nấu một bát canh khổ qua nhưng không ngờ lại là anh…Anh có biết cô y tá Phước Tâm là ai không? Cháu chính là con gái của anh và chị Thục Vinh.
Ông Phước lấy tay áo lau nước mắt. Thì ra điều ông thấy “hao hao giống” Thục Vinh núm đồng tiền xu hai bên khóe miệng của Phước Tâm thật giống Thục Vinh
– Em cố gắng giúp anh gặp Thục Vinh càng sớm được không?
– Được chứ…Chị Thục Vinh nghe được tin này chắc chị ngất xỉu. Khi gặp chị anh cố gắng gượng bình tĩnh để tránh chị bị xúc động
Ông Phước ngồi im lặng, hai tay đan nhau như đang bối rối suy nghĩ. Trước khi tạm giã từ Thuc Hưng nói thêm :
– Sáng mai anh đừng nói gì với cháu Phước Tâm. Chúng em sẽ vào gặp anh lúc 10 giờ sáng.
Từ đó tâm hồn ông Phước bồng bềnh như người say thuốc. Ông trăn trở không ngủ được. Ông nghe ngống từ tiếng gió thở ngoài xa, từ tiếng lá rơi xào xạc khô khan để chỉ mong cho trời mau sáng.
Vừng hồng vừa ló dạng ở chân trời. Những tia nắng dìu dịu đầu ngày như đang lả lơi với những nhánh Phong lay động vì gió. Gọn ghẽ và tươm tất. Ông Phước ngồi chờ bên hiên cửa. Vừa trông thấy nhau tim ông đập mạnh và bà Thục Vinh hai chân tê cứng không còn bước được, nước mắt rơi đẫm trên đôi gò má gầy .

Ông vội ôm chòang lấy hai người thương nhất của ông. Ông hôn vợ nghẹn ngào “Cám ơn Thượng Đế đã che chở em và con. Anh cảm ơn em đã một lòng chờ đợi và thay anh nuôi con khôn lớn, và ba cảm ơn con nhờ bát canh khổ qua…”
Ông nức nở không thành tiếng hôn lên đầu con gái. Ông đắm đuối nhìn vợ như thầm nói “Những điều tốt lành sẽ tiếp nối cho những người gặp khổ nạn…Chúng ta là những người gặp khổ nạn nhưng hiện tại chúng ta đang trọn vẹn có những điều tốt lành nhất phải không em.”

Mai Bình Phương