Con Chim Chiền Chiện

   Cả cái xóm Trường Đua nằm ở vùng ngoại ô của thị trấn này, chỉ có người lớn mới gọi Bảy là “Con Bảy” thôi. Còn đám con nít lại rỉ tai nhau đặt cho Bảy một cái tên khác là “Bảy Lé”, vì từ lúc sanh ra, nó đã có cặp mắt đặc biệt khác người ở chỗ là một con ngó “thiên” còn con kia ngó “địa”! Bảy bằng lòng với nhan sắc trời cho này nếu như không có ai chọc ghẹo đến nó.

   Tuy Bảy đứng thấp hơn tôi một cái đầu, nhưng bất cứ một đứa con trai nào đồng lứa tuổi với tôi mà cả gan gọi nó là “Bảy Lé Kiêm”, thì phải biết tay nó! Bảy rượt tóm cho bằng được đứa nói nó “liếm ke” và ngồi ngang trên bụng địch thủ mà đấm, mà thụi cho một trận “tơi bời hoa lá”! Tôi thì chỉ gọi nó bằng một cái tên ngắn gọn là Bảy, chẳng dính dáng gì đến cái vụ lé kia nên được nó xem tôi là bạn thân chăng? Và có lẽ do mối thâm tình đặc biệt này mà hai đứa gắn bó keo sơn với nhau từ thuở thiếu thời, bền chặt đến độ ai cũng nghĩ rằng hai đứa sẽ cùng nhau nắm chung sợi chỉ hồng của Ông Tơ Bà Nguyệt vào một ngày đẹp trời nào đó.

   Nhà tôi nằm cạnh quốc lộ nhưng ở cuối xóm. Nhà Bảy ở liền trên và hai nhà ngăn cách nhau bằng một hàng tre rất rậm rạp được trồng để làm ranh giới. Má tôi kể lại rằng hồi còn nhỏ, hai đứa tôi thường cởi truồng ra chạy đi tắm mưa ở ngoài lộ. Lớn lên một chút, lúc mới vừa biết mặc quần tà lõn là hai đứa đã biết bắt chước đào kép trong gánh hát dạo “Đào Nguyên” thường hay đến đây bán quảng cáo thuốc, lấy khăn rằn choàng ở sau lưng làm cô dâu và chú rể, rồi nằm ôm nhau hàng giờ ở trong nhà chòi cất bên cạnh đống rơm ở sau nhà tôi. Hôm đó má Bảy bắt gặp, lôi nó về dần cho một trận lằn ngang kẽ dọc đầy mình, thế mà chỉ vài ngày sau là Bảy hết đau, liền chạy sang nhà tìm tôi.

   Năm ấy Bảy và tôi cùng học chung lớp ba ở trường làng. Những ngày đi học, Bảy mặc áo bà ba và quần dài may bằng vải bông, trông xinh xắn lắm! Còn tôi, cũng áo bà ba nhưng với quần tà lõn bằng vải thâm. Những lúc ở nhà, Bảy cũng chỉ tra độc một chiếc quần tà lõn như tôi cho dù ngực nó đã nhú lên “hai quả cau non” rồi.

   Thuở ấy, mấy bà già trầu ra chợ chọn mua vải đem về rồi tự cắt may cho cả gia đình. Cái áo bà ba thì chẳng nói chi, nhưng các bà lại cắt may cái quần tà lõn quá rộng bề ngang, chắc là để cho người mặc nó xoay trở được dễ dàng, sẽ lâu rách, nhưng lại hơi ngắn chiều dài một chút, chắc để cho đỡ tốn vải, nên mặc quần tà lõn mát mẻ vô cùng!

   Ở sau hè nhà ba tôi có trồng mấy gốc dâu. Mỗi năm hai lần đều có mối quen đến hỏi mua và chặt các cành nhỏ có lá dâu đem về nuôi tầm. Tuy vậy, cây dâu lại mọc nhánh mới rất nhanh và đơm trái quanh năm. Bảy rất thích cái vị ngọt ngọt chua chua của những trái dâu chín mùi, trông giống như những con sâu rộm màu đỏ thẫm, chỉ lớn hơn đầu đũa ăn một chút, đâm ra tua tủa đầy ở trên những cành dâu.

   Lần nào cũng vậy, mỗi khi muốn ăn trái dâu là Bảy chạy bay sang rủ tôi ra vườn hái dâu. Tôi thì ngày nào mà chẳng ăn dâu, riết rồi bị hơi nóng trong bao tử xông lên đến độ khô cả cổ và chua cả miệng! Nhưng tôi phải chiều Bảy cho nó vui! Bảy là con gái vậy mà lại thích leo trèo. Lúc ban đầu, chắc là Mụ Bà vừa chơi cờ tướng vừa định nắn ra nó là một đứa con trai, nhưng có lẽ bị thua cuộc liên miên nên bà quên ném “một cục bột dài” vào giữa hai háng của hài nhi nên tác phẩm nghệ thuật của bà trở thành con gái chăng?

   Bảy đứng chạng một chân bên này, một chân bên kia trên cành cây to, còn hai tay thì đu đưa như vượn để vói hái trái dâu. Tôi đứng dưới đất, chạy từ chỗ này sang chỗ khác quanh gốc dâu, tìm chỗ nào có những trái dâu to ngon là chỉ điểm cho Bảy.

   Hôm đó, có một trái dâu to chín mùi nằm ẩn trong tàn lá, tôi chỉ điểm hoài mà Bảy lại không thấy.

   Từ dưới đất đứng ngó lên mãi nên mỏi ót, tôi vừa quay mặt đi vừa la Bảy:

   – Nó nằm ở đó mà không thấy!

   Đến khi trông trở lên thì… Tôi đứng ngẩn tò te ra nhìn vào “chỗ đó” hơi lâu một chút và chẳng biết sao cái hình ảnh thân thương kia lại in đậm trong lòng tôi từ dạo ấy.

   Năm đó, ở trường làng hết lớp, tôi ra tỉnh tiếp tục học lớp nhì. Năm sau tôi được lên lớp nhất. Bảy bị ba nó bắt ở nhà chỉ để dắt ngựa đi quần chân cho thư giản gân cốt sau một ngày ba nó đánh xe ngựa chạy đi chở khách từ ngoại ô ra tỉnh, hoặc ngược lại.

   Một hôm, trên đường đi học về ngang qua nhà Bảy, thấy có đám đông công cấy đang đứng bu quanh xem chuyện gì đang xảy ra ở phía trước. Khi tôi xen được vào bên trong, thấy Bảy đang đứng nắm dây cương ngựa của mình và có một chiếc xe ngựa khác đang đậu ở kế bên vệ đường. Người chủ xe ngựa quất roi vùn vụt, nhưng anh chàng ngựa kia chẳng hề cất bước!

   Một người đàn ông đứng tuổi thấy vậy mới lên tiếng:

   – Thì hãy dỡ càng xe lên cho nó “ấy” một cái đi!

   Tôi chẳng hiểu “ấy” là thế nào trong khi Bảy quay mặt vòng theo đám đông mà nói tỉnh bơ:

   – Không được đâu, phải hỏi ba tui mới được!

   Có lẽ ông chủ xe ngựa thấy mình cũng là chỗ “dân xe ngựa” với ông Ba, là ba của Bảy, nên ông nói:

   – Được rồi, để tui vào xin ông Ba đã! Nói xong rồi ông ta vội chạy đi ngay.

   Bảy lại ngẩng mắt lé lên nói với những người hiếu kỳ đang bu quanh, làm như Bảy rành về việc “bảo tồn nòi giống” của loài ngựa vậy:

   – Không có con ngựa đực nào chạy ngang qua đây mà chẳng cho con ngựa cái của tui “lấy xâu” khi nó đến kỳ rượng đực cả!

   Ông chủ xe trở lại và vừa tháo càng xe ra là chàng ngựa liền phóng ngay đến le lưỡi ra âu yếm hôn lên môi nàng ngựa, “người tình giữa đường” của nó.

   Nàng ngựa trân mình đứng ngoẹo đầu qua một bên với vẻ mặt đáng yêu làm sao! Rồi việc kế tiếp đã đến! Mấy cô gái mắc cỡ bèn vẹt đám đông chạy ra ngoài kéo khăn quấn trên đầu xuống che mặt, chỉ có đám đàn ông đứng xem từ đầu chí cuối rồi vỗ tay cười hô hố. Bảy thì đứng nhe răng ra cười rạng rỡ với cặp mắt “bất cần đời” của nàng!…

  Thấm thoát rồi tôi cũng đặt chân được vào ngưỡng cửa của trường trung học công lập tỉnh như ý muốn của ba má tôi. Hằng ngày tôi vận quần-sọt màu xanh dương đậm, áo sơ-mi trắng ngắn tay bỏ trong “thùng” và chân đi giày ba-ta trắng. Mấy bà già trầu nói tôi bảnh trai hơn những học sinh cùng lứa tuổi. Còn Bảy bây giờ, tuy “lé đậm”, nhưng cô ta đã “trổ mã thành rồng”, dáng dấp xinh đẹp có vẻ trội hơn mấy đứa bạn gái ở cùng xóm.

   Bảy và tôi thường hay hẹn hò nhau bên gốc dâu sau nhà tôi trong những đêm sáng trăng và có lẽ nhờ vào ánh trăng lờ mờ huyền dịu ấy mà tôi tạm quên đi hai ánh mắt “chẳng chung lối đường” kia để rồi tôi yêu nàng tha thiết khi còn ở độ tuổi học trò chăng?

   Lúc bấy giờ tôi đã là một thanh niên mười tám và đang theo học năm cuối cùng của bậc trung học. Cho dù vậy, trong mỗi lúc nhớ đến Bảy là giá nào tôi cũng băng ngang qua hàng tre, bất kể gai góc ra sao để đi tìm gặp nó cho bằng được. Nhưng lúc gặp nhau rồi, Bảy nghiêng “đôi mắt lệch” liếc tôi rồi nói… “Để cho anh an tâm lo học hành mà chẳng chịu còn đòi “nầy nọ”, không biết mắc cỡ sao?”! Tôi chẳng những yêu tấm thân trắng nõn nà phát triển đều đặn ở độ tuổi “trăng tròn lẻ” của Bảy mà còn thương luôn cái nết na dịu hiền của đứa con gái quê mùa này khi nó buông ra những lời lẽ tuy đơn sơ, nhưng nó thấm “quá cỡ thợ mộc” và có một giá trị khích lệ vàng ngọc như vậy, làm cho tôi rất cảm động trước tấm thạnh tình của nàng sẵn dành cho tôi. Nói là nói vậy, nhưng Bảy cũng đã thuận tình để cho tôi có nhiều cơ hội được thư giãn đầu óc mình qua cái mũi, đôi môi và hai bàn tay sau nhiều giờ miệt mài trên trang sách. Những lúc như vậy, Bảy thu mình nằm gọn trong vòng tay âu yếm của tôi, nhưng thú thật “việc kia” tôi chưa hề dám đụng tới…

   Gia đình tôi sống bằng nghề ruộng rẫy từ nhiều đời qua, cho nên ba tôi có một căn trại ở ngoài ruộng và ông sống luôn ở ngoài đó cho tiện việc ăn uống và chăn dắt một bầy trâu cả chục con lớn nhỏ. Những ngày nghỉ học, tôi đều mang theo sách vở ra trại ruộng để vừa giúp ba tôi chăn đàn trâu vừa học bài. Cả mấy tháng nghỉ hè cũng vậy. Tôi cảm thấy chẳng có gì thú vị hơn khi nhìn thấy mỗi lúc hoàng hôn xuống, những đụn khói rơm trắng un muỗi cho trâu vươn lên từ những căn trại nằm rải rác đó đây trên cánh đồng rộng mênh mông và chỉ trong thoáng chốc là ngọn khói tan ngay vào khoảng khung trời nhuộm một màu ánh ráng hồng nhạt. Và lúc mà mặt trời sắp chui xuống phía lằn chân trời xa là từng đàn cò trắng nghiêng cánh sà xuống qua đêm trên những đọt tre lả ngọn đong đưa ở sau hè trại.

   Lúc mặt trời vừa lên khoảng một cây sào, vừa đủ để bắt đầu sưởi ấm vạn vật là chúng lại tung mình lên nhấp nhô cánh bạc trong ánh nắng buổi ban mai, rồi chỉ trong phút chốc là dàn đội hình bay thành hình mũi tên hướng thẳng về một vùng nào đó theo lịch trình mà chúng đã chọn.

    Đồng nhịp với khoảng thời gian này, lũ chim chiền chiện xuất hiện từ đâu trong những dãy rừng mua bạt ngàn, hay từ trong mấy khúm rừng tràm thấp mọc rải rác trên những vùng đất trũng trên cánh đồng. Chúng ra hiệu nhau đồng loạt bay bổng lên trên bầu trời xanh rồi cất tiếng hót véo von ở trên đó. Đến lúc chừng như mỏi miệng, chúng lại rủ nhau sà xuống đất rất nhanh để đi tìm mồi.

   Tôi gần như biết rành rọt về các loài chim muông sinh sống ở đây. Trong các loài chim chóc từ cò vôi, cò ma, sáo vàng, bói cá, mỏ nhác, v.v… sinh sống nhiều ở các vùng đồng bằng nam bộ, chỉ có loài chim chiền chiện là tôi yêu thích nhất.

   Giống chim này lớn con hơn loài chim sẻ thường sống thành đàn bay đi tìm thức ăn ở các khu chợ búa hay đình, chùa là nơi nông dân thường đến đó phơi lúa hay hoa màu trên những vuông sân rộng sau các vụ mùa. Chim chiền chiện có bộ lông điểm nhiều chấm đen nhỏ trên nền màu xám nhạt. Chúng ăn sâu bọ và những loài sinh vật nhỏ như cào cào, châu chấu,… sinh sản đầy ở ngoài đồng. Chúng ngủ đêm trong những bụi cây thấp cạnh những khu rừng nhỏ hoặc nằm lan ra trên mặt đất, trên những bờ ruộng hay những vạt gò thấp nổi lên ở giữa cánh đồng trống.

   Khi những hạt mưa đầu mùa rớt xuống cánh đồng cũng là lúc mùa sinh sản của giống chiền chiện bắt đầu. Từng cặp chiền chiện bay bổng lên trên bầu trời trong xanh và khi mà “đôi tình nhân chim” bắt đầu quyện lấy nhau là “nhập cuộc ái ân” ngay. Lúc đang tận hưởng lạc thú yêu đương thì quên đi trời trăng mây nước và quên cả việc vỗ cánh, cho nên thả lỏng thân chim từ trên khoảng không. Có khi cuộc tình chấm dứt ở lưng lửng giữa trời, có lúc rơi mãi xuống tận mặt đất mà chưa xong! Những trường hợp như vậy, chỉ vài giây sau là “cô cậu chim” tỉnh lại rồi lặng lẽ cùng nhau bay đi tìm mồi.

   Chim chiền chiện thường moi đất làm ổ đẻ trứng dọc theo mé bờ ruộng hoặc bên cạnh những bụi cỏ. Lũ trẻ chăn trâu thường lấy chỉ tàu thơm se thành nhợ rồi thắt thòng lọng đem ra giăng ở trước cửa miệng tổ để bẫy chim, trăm lần như một, chẳng sẫy một con nào cả…

   Anh cả tôi làm nghề “gõ đầu trẻ”, nhưng lại khoái nhậu nhẹt cùng các đồng nghiệp vào các ngày cuối tuần mà địa điểm lại là trại ruộng của ba tôi. Những lần như vậy, ba tôi trở lại nhà và giao cho tôi làm quản lý trại .

   Mỗi lần ra tới trại ruộng là các thầy giáo cởi trần ra, không ai bảo ai, người nào túa ra lo việc nấy như là đã có sự phân công trước vậy. Thầy này lo nhóm lửa, thầy kia nướng cá, thầy nọ lội xuống mương hái rau. Anh tôi làm “tổng khậu”, chỉ lo “chỉ đạo và dàn dựng” cuộc nhậu mà thôi. Còn tôi thì thường hay bị sai đi vào trong xóm mua rượu đế.

   Thường nhất, mồi nhậu có lúc là con gà, con vịt hay chỉ là mấy con khô mực mà các thầy mua từ trong xóm mang ra. Khô cá sặc, khô cá lóc, khô lươn,… thì ba tôi treo đầy ở đưới mấy cây đòn tay ở trong trại.

   Nhưng, những bữa nhậu đặc biệt hơn hết là vào những đêm tối mịt mù. Lúc trời sắp chuyển cơn mưa đêm là thế nào cũng có mặt các đấng thầy giáo lưu linh con của Ngọc Hoàng ở ngoài trại ruộng.

   Và khi mà những giọt mưa bắt đầu rơi nặng hạt là các thầy choàng áo tơi, là một loại áo đi mưa làm bằng những tàu lá dừa kết nối lại, kẻ mang vợt người mang giỏ đi ra đồng bắt chim.

   Loài cò thường hay có thói quen rúc đầu vào cánh trong tư thế ngủ đong đưa trong mưa hay theo chiều gió trên những ngọn tre. Nếu như có một con cò nào đó bất ngờ bị lộn nhào, rơi mình xuống đất như chiếc lá rụng mà con kế bên chẳng hề hay biết, chính là lúc mà viên đạn, bằng đất sét vo tròn rồi phơi khô, phát đi từ chiếc ná thun của anh tôi nhắm bắn trúng vào đầu cho dù con cò đó có rút cổ vào nách bên phải hay bên trái cũng vậy. Chỉ với chiếc đèn u hội tụ ánh sáng đeo trước trán, là anh tôi có thể “bá phát bá trúng” vào đầu bất cứ con chim nào nằm trong tầm ná thun của anh!

   Từng nhóm chim mỏ nhác, chim chiền chiện đang nằm co ro đó đây trên mặt đất dưới con mưa tầm tã cũng đều không thoát khỏi chiếc lưới vợt rộng có cán dài của tay “tổng khậu” úp trùm xuống. Mấy thầy kia chỉ việc chạy tới bắt từ con một bỏ vào trong giỏ. Thế là chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau là các vị “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” kia ngồi quây quần bên nhau quanh bếp lửa hồng, vừa nhậu vừa đàn ca suốt thâu đêm.

   Nhớ có một lần trong kỳ nghỉ hè, các thầy mang mấy con sò huyết mua ở chợ đem ra trại ruộng bày cuộc “chén thù chén tạc” với nhau. Mấy con sò còn sống lần lượt bị bỏ vào giữa đống than củi hồng. Khi bị lửa nóng, hai bên vỏ mở ra và chính ngay lúc này các thầy mới gắp ra bỏ vào trong chén của mình, chế vào đó một chút nước hành tươi phi mỡ, bỏ thêm một ít muối tiêu chanh nữa là có một miếng mồi đưa cay ngon lành với một cốc rượu đế nhỏ.

   Mỗi lần có thầy nào đó đưa tay gắp một con sò huyết nướng lên, tay còn lại khều nhẹ vào thầy ngồi bên cạnh ngầm nhắc chuyền cho ly rượu:

   – Đưa cho tớ “lì một lam” với “con chiền chiện” này coi!

   Vừa đi ngang, nghe nói vậy, tôi ghé mắt vào xem coi có con chiền chiện nào góp phần đưa cay cho mấy thầy hôm nay không! Rõ ràng là chỉ toàn một món sò nướng mà thôi!

   Tôi đang thắc mắc và tự hỏi mình xem tại sao các thầy mới vừa nhập cuộc mà đã say đến nỗi ăn nói quàng xiên như vậy!

   Chợt có bóng một anh nông dân vác chiếc cuốc trên vai vừa thoáng nhanh qua cửa, anh tôi mời vói ra:

   – Anh Hai, đi đâu mà vội vàng vậy? Vào đây uống một ly với “con chiền chiện” cái đã!

   – Để cho lần khác nhen! “Con chiền chiện” của tui đang bị bịnh ở nhà!

   Tôi cho rằng giống chiền chiện rất khó nuôi vì tôi đã hốt cả ổ bắt chim chiền chiện con về nuôi nhiều lần nhưng không thành công, chả lẽ anh kia giỏi đến thế sao?

   Tôi chạy bay ra ngoài sân định hỏi anh ta để xin bí quyết nuôi chim chiền chiện thì anh đã dông tuốt đâu mất rồi!

   Trở vào nhà và leo lên nằm trên sạp tre, tôi nhớ lại chuyện hồi nãy ông thầy kia đã khùng rồi tới phiên anh tôi trở điên, đang nhậu

sò huyết mà lại mơ tưởng đến món chim chiền chiện nướng, bèn nói vói xuống:

   – Nhậu con sò huyết mà nói là con chiền chiện chi cho thêm thèm!

   – Học mà không lo học còn thắc mắc thì học sao vô! Nhưng chú mày muốn biết thì anh cho biết luôn, xuống đây mà xem! Một anh thầy nói như vậy.

   Vì tức khí đầy mình nên tôi nhảy xuống đất và nhìn vào đống than hồng một lần nữa để tìm xem có con chiền chiện nào đi lạc vào nạp thân cho các bọm nhậu ngày hôm nay không! Chỉ có mùi sò huyết nướng hắt vào mũi thơm phưng phức, nó khác xa với cái hương vị đặc biệt đậm đà tình tự quê hương, rất thơm ngon của con chim chiền chiện ướp sả ớt rồi đem đi nướng trên lửa than liu riu!

   Thầy giáo trách tôi không lo học hồi nãy mới bắt đầu cầm một chiếc đũa chỉ vào giữa con sò đang nằm banh càng trong chén rồi “lên lớp” cho tôi:

   – Chú mầy hãy quan sát cho kỹ xem nó giống cái gì đây, rồi hãy trả lời?

   – Thì nó chỉ là một con sò huyết bị nướng thôi! Tôi trả lời nhanh, chẳng đắn đo.

   – Chú mày hãy nhìn cho kỹ một lần nữa xem nó giống “cái gì nằm ở giữa háng” của đàn bà con gái!

   Tôi chợt hiểu vì quả thật con sò huyết bây giờ giống y chang như “cái” mà trong lần tôi nhìn Bảy đứng chạng chân ra trên cành dâu độ nào!

   Thì ra là vậy! Tôi tưởng rằng các thầy giáo chỉ lo nhậu nhẹt, ai dè giảng bài hơi quanh co một chút, nhưng đứa học trò ngu như tôi lại hiểu ngay tức khắc.

   Tôi cũng phục sát đất các “đấng lưu linh” thích làm bạn với hũ hèm đã có một lối ví von rất thanh tao khi ám chỉ một món nhậu nào đó, giống như là “cầy tơ” hay “nai đồng quê” là món thịt chó, “con chim chiền chiện” cũng là món sò lông, sò huyết và cũng ám chỉ cái mà người tình yêu dấu của mình đang là sở hữu chủ.

   Tôi lẽn ra ngoài sân với nỗi vương vấn còn lại ở trong lòng mà chẳng dám nhờ ai giải tỏa vì sợ người ta nói mình lớn đầu mà còn ngu! Con sò lông, con sò huyết mà cho là giống “cái đó” thì ai mà cãi cho trôi được, nhưng nói đó là “con chim chiền chiện” thì chưa thuyết phục được tôi! Tuy vậy, tôi cũng thử quay nhìn về phía trong xóm. Và đột nhiên tôi nhớ đến “con chim chiền chiện” của tôi vô cùng…

   Tôi biết cái chuyện hò hẹn lén lút giữa đôi lứa gái trai thế nào rồi cũng phải chấm dứt để lo tổ chức hôn lễ và sau đó sống chung với nhau dưới một mái nhà. Nhưng lần mà Bảy và tôi gặp nhau đêm đó lại là lần cuối cùng thì còn toan tính việc gì nữa!

   Bảy nói với tôi trong nước mắt:

   – Anh nói với em là… “Má anh bảo phải lo học hành trước đã”, thì em đã chờ anh thi lấy xong bằng trung học đệ nhất cấp rồi đó; rồi anh lại nói… “Má bảo phải lấy thêm cái bằng tú tài cho má vui”, em cũng đã chờ đợi mấy năm nay, bây giờ anh đã toại nguyện rồi, tính sao đây?

   Tôi biết tính làm sao khi cái lệnh động viên nhập ngũ đã nằm trong túi áo của tôi rồi!

   Tôi định móc cái lệnh nhập ngũ quái ác kia ra làm bằng chứng cho một sự trì hoãn sau cùng lần này nữa thôi, nhưng Bảy lại quăng cái “tối hậu thư” vào mặt tôi:

   – Anh không đi hỏi cưới em, em đi lấy chồng cho anh coi!

   Rồi nàng giận dỗi bỏ đi, bỏ mặc cho tôi ngồi thừ mặt ra cho muỗi nó thui ở giữa lùm tre!

   Tôi vì tính tự ái quá cao nên chẳng thèm hỏi đi hỏi lại ở nàng một điều gì cả!

   Tôi buồn bã trút hết gánh nặng học hành sau kỳ thi để cố gắng sống vui vẻ với mấy con trâu trong suốt mấy tháng hè ngoài trại ruộng. Lúc trở về nhà chuẩn bị hành trang lên đường nhập ngũ thì đám cưới đang tổ chức rộn ràng ở nhà cô bạn gái láng giềng! Tôi tưởng Bảy nói chơi ai dè nàng làm thiệt!

   Thế là “một túp lều tranh với hai quả tim vàng” của tôi sụp đỗ ngay trong đêm tân hôn của Bảy! Sáng hôm sau, tôi ôm nỗi buồn riêng leo lên xe đò đi vào trại nhập ngũ sớm hơn dự liệu! Tôi làm sao chịu nỗi khi suốt đêm qua tôi nằm trằn trọc trong nốp mà tưởng tượng ra cảnh người yêu của tôi buông rơi tấm thân ngà ngọc vào vòng tay của kẻ khác!…

NGUYÊN BÔNG