Bài hát nổi tiếng “Stille Nacht” bắt nguồn từ nước Áo. Chữ “stille” tiếng Đức tương đương với chữ “still” trong tiếng Anh, có nghĩa là yên tĩnh hay yên lặng. Bài hát có tên tiếng Anh là “Silent Night”. Tiếng Việt là “Đêm Thánh Vô Cùng”, lời Nguyễn Văn Đông. Tưởng chúng ta cũng nên mở ngoặc ở đây vinh danh nhạc sĩ Đại Tá Nguyễn Văn Đông, người đóng góp rất nhiều cho nền tân nhạc Việt Nam. Ông cũng soạn lời Viêt cho bản “Ave Maria” của Franz Schubert, một bản nhạc nổi tiếng khác hay được hát vào dịp đám cưới hay Giáng Sinh.
Bài “Stille Nacht” mà chúng ta nghe hôm nay, được dịch ra trên 140 ngôn ngữ, melody có đôi chút khác biệt với bản gốc. Bài nhạc ra đời vào đêm Giáng Sinh giá buốt năm 1818. Chiều hôm đó Linh Mục Joseph Franz Mohr (1792-1848) đi bộ 3 cây số, từ làng Oberndorf bei Salzburg đến làng Arnsdorf bei Laufen, để gặp người bạn Franz Xaver Gruber (1787-1863). Cha Joseph mang theo bài thơ mà ông sáng tác trước đây hai năm.
Cha cần gấp một bài thánh ca đêm nay.
Cây đàn organ của nhà thờ vừa mới bị nước sông Salzach dâng lụt làm hỏng. Vì vậy bài hát cần đơn giản để tập cho ca đoàn và nhạc cụ chỉ còn cây đàn guitar khiêm nhường. Điều kỳ diệu là ông nhạc sĩ vườn Gruber chỉ cần vài tiếng đã cho ra đời bản nhạc bất hủ này vào đêm vọng Giáng Sinh. Bài hát được tập vội vàng và trình diễn với tiếng đàn guitar bình dân trong thánh đường nhỏ bé St. Nicholas.
Nhà thờ này ngày nay không còn nữa. Vì lụt lội nhiều, cả làng đã dời lên thượng nguồn sông Salzach. Để ghi nhớ nơi khai sinh của một tuyệt tác, người ta dựng lên một nhà nguyện. Địa thế, nếu ở xa nhìn vào, nguyện đường như đứng trên một cù lao nhỏ, dòng sông Salzach uốn lượn chung quanh.
Theo thời gian bài hát càng ngày càng nổi tiếng đến nổi người ta nghi ngờ Franz Gruber có thật là tác giả của “Stille Nacht” hay không. Thậm chí có người còn cho là của Beethoven hay Mozart. Mãi đến hậu bán thế kỷ 19 nghi ngờ này mới được đánh tan nhờ vào một thủ bản của cha Joseph Mohr có chua hàng chữ “Melodie von Fr. Xav. Gruber.”
Vào năm 1832, những nghệ sĩ du ca vùng thung lũng Ziller thay đổi một vài note của bản nguyên thủy, và đó là melody chúng ta vẫn nghe ngày nay. Mặc dầu vậy Hội Silent Night ở Áo vẫn khuyến khích khi trình diến nên dùng bản gốc của Gruber.
Cho dù bản nhạc đã trở thành quá phổ thông và bị “thương mại hóa” đến gần như tầm thường, tuyệt tác “Stille Nacht” vẫn được coi là quốc bảo ở nước Áo. Dân Áo thường không trình diễn bài này ở nơi công cộng trước Giáng Sinh.
Bàn nhạc bằng tiếng Đức lần đầu tiên được trình diễn ở nước Mỹ vào năm 1839 tại nhà thờ Trinity ở thành phố New York. Bản tiếng Anh phải đơi tới năm 1863 mới có, tức 45 năm sau. Từ đó bản tiếng Anh được thế giới biêt nhiều hơn là bản tiếng Đức. Lý do cũng dễ hiểu: Anh có thuộc địa khắp nơi trên địa cầu, và thế giới càng ngày càng sử dụng Anh Ngữ nhiều hơn.
Lịch sử của “Stille Nacht” bắt đầu từ những sự kiện tầm thường. Nhạc sĩ Gruber chỉ đệm đàn cho nhà thờ, dạy học, dạy hát. Ông có 12 người con, dính líu tới ba người đàn bà. Cha Joseph Mohr là con tư sinh, theo truyền thống thời đó, đáng lẽ không được thụ phong linh mục. Cha phải đợi chuẩn phê đặc biệt từ Tòa Thánh mới được truyền chức. Cộng thêm nhà thờ bị lụt, cây đàn hư. Vậy mà với tất cả những sự bất toàn đó, trong một đêm giá lạnh Giáng Sinh, vì một cơ duyên xảo tấu, tổng hợp lại các nguyên tố và tạo ra một tác phẩm bất hủ, được UNESCO công nhận là di phẩm văn hóa của nhân loai.
Tạo Ân
Dec 23, 2019