ĐỨA CON RƠI

ĐỨA CON RƠI

Hôm nay là lần đầu tiên Hiền đi ăn tiệc cưới, kể từ sau hơn tám năm trong trại cải tạo cộng với một năm quản chế tại gia. Thật lòng mà nói, Hiền muốn dành cái vinh dự ấy cho vợ, bởi lẽ chàng không muốn chường mặt mình ra giữa đám đông khi chàng chưa lấy lại phong độ của ngày xưa. Còn Kim Thư, nàng viện dẫn lý do là những chiếc áo dài của cái thuở còn đứng trên bục giảng trong lớp học, giờ đã rộng thùng thình, nên nàng không muốn làm ‘‘người mẫu thời trang đồ cổ’’ ở giữa tiệc cưới, nơi mà quý bà quý cô thừa dịp để chưng diện. Hiền đến đứng trước chiếc tủ kính, thử ngắm “dung nhan mùa hạ” của mình trong gương. Bộ trang phục với cái quần tây màu xám nhạt, chiếc áo sơ-mi trắng dài tay và phía dưới chân là đôi dép Lào mới toanh, vậy mà cũng không làm cho chàng nổi lên một chút nào cả!

   Ngọc Giao đến bỏ năm trăm đồng vào túi áo cho cha xong, quay qua gọi mẹ:

   – Má ơi, lại đây mà coi, ba vẫn còn đẹp trai ghê nè!

   Kim Thư bước đến vừa, nửa khen nửa chê chồng, vừa hỏi con gái:

   – Ừ, ba mày đẹp lão chớ đẹp trai cái nỗi gì! Con đưa cho ba bao nhiêu tiền vậy?

   – Năm trăm!

   – Ðưa cho ba thêm năm trăm nữa đi!

   – Ba đi có một mình, cái giá mỗi người là năm trăm, ai cũng vậy mà má!

   – Thì đưa thêm năm trăm nữa là phần của má. Hôm nay là ngày mà người yêu cũ của ba mày cưới vợ cho con của bà ta đó!

   – Vậy sao? Bộ má không sợ má Sương bắt cóc ba hay sao mà lại để cho ba đi một mình vậy?

   – Nếu ba mày muốn thì cứ ở trong đó luôn, tao đỡ phải lo!

   Hiền nghe vợ buông một câu không có ẩn ý gì xấu ở bên trong, chàng thấy vui vui ở trong lòng! Nhưng hãy thử ở lại trong đó chỉ một đêm thôi, mới phân biệt được đâu là đá đâu là vàng!

   Hiền vội vã lên đường đi ăn tiệc cưới lúc mặt trời lên phía trên đỉnh đầu, soi bóng mình đạp dưới chân! Ngôi nhà của chàng nằm ven quốc lộ, nhưng lại ở cuối xóm. Ðứng từ trong sân nhìn ra, Hiền ước độ khoảng một ngàn thước phía xa xa đằng kia là ngôi nhà của Sương với mái ngói đỏ nhô lên bên cạnh khu rừng nhỏ mọc toàn cây dầu. Muốn đến đó, chàng phải đi bộ băng qua một quãng ruộng rộng còn trơ ra những gốc rạ sau vụ gặt, còn nếu như đi theo quốc lộ và con đường làng, chàng phải trải qua một khoảng đường trên ba cây số ngàn! Suy tới tính lui, chàng quyết định xách chiếc xe đạp ra sân và gò lưng đạp miết, nhưng chiếc xe đạp cũ kĩ cũng chỉ lăn bánh cà rịch cà tang trên mặt lộ trải nhựa nóng bỏng dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa hè. Ðến ngã tư ở giữa ấp mới rẽ phải vào con đường làng giờ đã được trải đá đỏ bằng phẳng. Cảnh vật hai bên lộ có thay đổi, nhưng Hiền vẫn cảm thấy lòng nao nao khi mường tượng lại khung cảnh xung quanh trên mỗi đoạn đường đất mà ngày xưa chàng thường thong dong đến nhà Sương chơi trong những chiều nhạt nắng. Và lần nào cũng vậy, chàng luôn thấy Sương trong bộ áo cánh ngắn và chiếc quần đen ống xăn lên tận háng, phô ra hai khoảng đùi trắng ngần, đang hai tay xách hai gàu nước đi tưới mấy liếp cải trồng xung quanh nhà. Lúc còn theo học năm cuối cùng ở bậc trung học, tuy đã trên mười tám tuổi đầu, nhưng Hiền rất sợ bị chế nhạo khi mấy cô bạn nữ sinh bắt gặp mình nhìn trộm vào những chỗ hở hang trên thân thể của họ. Và cũng bởi cái tật dở hơi ấy mà chàng đã tự đánh mất một tình bạn tốt đẹp đang chuyển hướng dần sang tình yêu đôi lứa!…

   Năm ấy, tại nhà Sương, cũng vào một buổi chiều, Hiền có dịp gặp gỡ và chuyện trò với dì Hai, mẹ của Sương và út Hà là chị cùng một mẹ nhưng khác cha với nàng. Dì Hai nhìn vào mặt chàng mà nói úp mở rằng… ‘‘Hễ ai đi hỏi trước thì dì gả chồng cho con Sương liền!’’. Trái lại, chị Hà xúi giục chàng… ‘‘Hãy đi cưới Sương ngay, chớ để lâu ngày bị người khác phỗng tay trên, lúc tiếc nuối thì đã muộn!’’.

   Hôm đó, chị Hà dẫn con là bé Thủy về thăm ngoại, còn chồng chị đang phục vụ tại Trung Tâm Tuyển Mộ Và Nhập Ngũ Quang Trung, nhằm lúc cấm trại nên không về được. Nhưng anh có nhắn với Hiền rằng… ‘‘Nếu anh có phải gả cô em vợ đi lấy chồng thì chỉ gả cho Hiền mà thôi!’’. Nhớ lại lúc ấy, khi Hiền vừa vào đến sân nhà, chị Hà bảo bé Thủy… ‘‘Hãy đến khoanh tay chào dượng Út đi con, nhanh lên để mẹ thương’’, làm cho Hiền tưởng rằng có ai đó là dượng Út của bé Thủy đang đứng ở sau lưng mình nên quay lại nhìn. Chàng chẳng thấy ai cả ngoài một chiếc xe bò chở đầy rơm rạ đang khua bánh lục cục vừa mới lướt qua ngoài đầu ngõ. Chàng thoáng chút ngỡ ngàng, nhưng cũng cúi xuống bồng bé Thủy lên mà nghe bao niềm vui sướng đang tràn ngập trong lòng. Nhưng vài tháng sau cái ngày Hiền được làm ‘‘dượng Út’’ đó, chàng cầm cái Lệnh Động Viên trên tay và âm thầm đi vào trại chuyển tiếp tại Trung Tâm Tuyển Mộ Và Nhập Ngũ Quang Trung. Sau đó, Hiền và các bạn khác được chuyển lên Quân Trường Thủ Ðức. Hiền nghĩ mình chưa chu toàn ơn dưỡng dục sinh thành, đã thấy thẹn trong lòng, nay lại thêm bổn phận làm trai trong thời loạn đang đè nặng trên vai nữa thì sức lực đâu để gánh vác việc riêng tư? Bởi nghĩ vậy, Hiền đã có quyết định là không cho Sương hay cái tin chàng bị động viên đi lính và cũng không từ giã nàng trước buổi lên đường. Hiền muốn Sương, nếu như có lòng thương chàng, hãy một mình ôm trọn nỗi nhớ nhung về một bóng hình đang tháo mồ hôi nơi thao trường và luôn cầu nguyện cho chàng thoát khỏi bao hiểm nguy đang chờ đợi ở một nơi nào đó ngoài vùng lửa khói mịt mù xa!

   Thời gian là thước đo lòng người và nỗi mong chờ làm tăng thêm giá trị của mối tình cảm mà mình đã trao cho người yêu. Nhưng, Sương đã bước lên xe hoa về với Nhường, vốn là thầy dạy kèm môn toán cho nàng và cũng là em con nhà chú với chồng của chị út Hà. Nghe đâu, lễ thành hôn của họ được tổ chức vào khoảng vài tháng sau cái ngày Hiền bước vào đời quân ngũ…

   Vừa vào đến ngõ, một giọng ca nữ quen thuộc, với một làn hơi truyền cảm trong một thể điệu vọng cổ vọng đến tai Hiền…‘‘Má ơi, con chẳng lấy chồng đâu, theo chồng biệt xứ, ai hầu mẹ đây?’’.

   Phía trong kia, một chiếc rạp lớn được dựng lên trên khoảng sân rộng trước nhà giờ đã đông nghẹt khách. Ðã trễ giờ rồi sao? Hiền nghĩ vậy nên định quay trở ra và tự thầm trách mình đã lâu rồi không còn nhớ chi đến cái câu của người xưa thường hay nói “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau’’. Nhưng Hiền chợt nhớ lại hôm nay mình đi ăn tiệc cưới chớ không phải là đi ăn cỗ, nên chàng đã hiên ngang bước tới như đã từng một thời xông pha tiến vào nơi máu lửa. Không có chi mà phải sợ, chàng tự trấn an mình như vậy!

   Chợt có tiếng reo vui của một người đàn ông đang khập khà khập khiễng trên một chiếc nạng gỗ:

   – Dượng Út đến kìa, sao đến trễ vậy dượng Út?

   Hiền nhận ra ngay người thương binh kia và trí nhớ đưa chàng lùi nhanh về một quá khứ cách đây không lâu. Phong là cháu rể của Sương và chàng ta đã quen biết với Hiền từ trước. Phong cùng vợ, là bà con gọi Sương bằng dì, hiện trụ tại dưới mái ấm của một cái chòi lá đơn sơ nằm trên bờ cạnh một ngã tư giao điểm của một con kinh nhỏ và một con rạch chảy băng qua một cánh đồng lúa rộng giáp giới với nhà Hiền ở. Phong đã bỏ lại một bàn chân phải nơi chiến trường xưa, để bây giờ, với chiếc xuồng ba lá nhỏ, ngày đêm trôi nổi trên sóng nước hai buổi lớn ròng để giăng câu lưới cá, không quản mưa dầm hay nắng hạ! Sáng sáng, vợ Phong đi xe đạp đem cá ra chợ bán lấy tiền mua gạo và các nhu yếu phẩm khác. Những lúc chiều lên, khi dãy nắng vàng còn đang trải rộng trên thảm lúa xanh non, mấy đụn khói bếp tỏa lên từ mái chòi lá nhỏ nhô lên giữa cánh đồng không mông quạnh, hòa vào làn sương lam chiều đang dần bao trùm cảnh vật. Có ai biết hay liên tưởng đến một kẻ đã một thời oanh liệt, đã bỏ lại một phần xương máu mình trên dãy đất mẹ thân yêu, để giờ đây cam nhận chịu một cuộc sống đầy gian lao khổ cực?

   Nhưng bù lại, trong cảnh sống khốn cùng đó, vẫn có đôi nguồn an ủi mà người đời ít ai ngờ được. Trong những đêm trăng tròn sáng tỏ, chị ‘‘Hằng Nga’’ đã âm thầm buông thả bao ánh nhung vàng êm ả xuyên qua lớp lá dột nát trên mái chòi kia và đọng lại trên chiếc giường tre thô sơ để chia sẻ niềm hạnh phúc với hai kẻ đang nằm bên nhau cùng say giấc mộng lành…

   Phong dẫn Hiền đến một bàn tiệc được kê dưới bóng mát của một cây xoài lớn được trồng ở bên hông phải nhà. Thực khách đang ngồi là mấy anh em trẻ, có thêm Hiền nữa là đủ mười người, vừa đủ một mâm cho mười thực khách. Trong số họ có mấy đứa chào hỏi Hiền bằng chú, bằng bác nhưng chàng không nhận ra chúng là con cháu của những ai.

   Phong nói với bọn trẻ:

   – Hãy để cho dượng Út ngồi nhậu ở ngoài nầy với tụi mình cho vui.

   Thật tình, Hiền đến hơi trễ giờ nên không muốn vào trong ngồi cùng mâm với những người lớn tuổi ở trong nhà. Thế là, đứa này ‘‘mừng bác một ly’’, đứa kia ‘‘mừng chú một ly’’ xây-chừng rượu đế, cái thứ ‘‘nước mắt quê hương’’ không thể thiếu trong những dịp Tết nhứt hay tiệc tùng, dù ở xóm làng quê hẻo lánh hay nơi phố thị đông người.

   Vừa ‘‘chào sân’’ giáp một vòng, Hiền đã nghe từng ‘‘đường đi nước bước’’ của cái thứ ‘‘nước ngược’’ trong veo đang chảy dài trong từng đoạn ruột, tới đâu nghe nóng ran tới đó!

   Phong đứng sau lưng Hiền, vừa mới nói… ‘‘Con cũng mừng dượng Út một ly nè’’, Sương cũng vừa bước đến.

   Nàng không chào hỏi Hiền, lại lên tiếng mắng lũ nhỏ:

   – Tụi bây làm cái gì vậy? Bây ép ổng uống say mèm rồi tụi bây phải đưa ổng về đó!

   Phong đã ngà ngà chút hơi men, chẳng những không nể nang Sương mà còn buông một câu làm cả lũ nhỏ vỗ tay cười vang dậy cả khu vườn:

   – Ðưa dượng Út tui về nhà của ổng hả? Còn lâu! Một lát nữa tụi này khiêng cái ông ‘‘dượng Út nhỏ’’ giả vờ say rồi chui vô nằm ngủ trong buồng, đem thải ra ngoài vườn, rồi khiêng ‘‘dượng Út lớn’’ đây vô trỏng cho ổng ngủ!

   Sương vừa mắng vừa đấm thùm thụp lên vai Phong, đoạn nàng xoay qua kéo tay Hiền:

   – Cái thằng quỷ sứ… uống cho say rồi nói tầm bậy! Ði vô nhà trong ngồi đi anh!

   Phong tỏ vẻ chẳng sợ dì của vợ, lại còn nói như phân bua với đám trẻ:

   – Ðó đó, tụi bây thấy không? Nếu ổng không phải là ‘‘dượng Út

lớn’’ của tao thì sức mấy mà bả dám nắm tay ổng một cách thân mật như vậy!

   Hiền đứng lên, dùng dằng nửa muốn vào trong ngồi nơi chiếcbàn kê giữa nhà cho phải lẽ, nửa muốn ngồi lại nhậu với bọn trẻ ngoài nầy cho vui.

   Chợt, một đứa lên tiếng… ‘‘Có dượng Út nhỏ ra’’.

   Hiền ngồi trở lại xuống ghế và thầm nghĩ, chẳng lẽ có ai đó báo động nên chồng của Sương ra đây để kiếm chuyện này nọ chăng?

   Từ phía sau lưng Hiền, tiếng của một người đàn ông hỏi Phong với giọng nói kẻ cả:

   – Ai là ‘‘dượng Út lớn’’ vậy Phong?

   – Ông này nè, ổng là chồng trước của dì Út tui thì ổng là ‘‘dượng Út lớn’’, bộ không phải sao?

   – Chồng trước của bả đã tử trận rồi, còn chồng trước nào nữa?

   – Thì ‘‘dượng Út lớn’’ đang ngồi đây còn trước hơn cái ông dượng Út đã tử trận nữa kìa! Ổng đây là ba của chú rể hôm nay đó!

   Sương vội xen vào :

   – Trời đất! Cái thằng còn có một giò rưỡi mà ăn nói phang ngang dễ sợ!

   Mấy đứa trẻ trong bàn tiệc đều ngưng ăn uống, há miệng ra nhìn vào Hiền đăm đăm. Riêng Hiền, chàng ngồi nghe Phong, Sương và người đàn ông kia đối đáp nhau mà cười thầm trong bụng. Chàng thoáng hiểu ngay rằng những điều về chàng và Sương mà Phong vừa mới tiết lộ công khai ra giữa tiệc cưới đều chỉ là một sự hiểu lầm đáng tiếc mà những người trong cuộc, ngoài Sương ra, không ai biết rõ đầu đuôi câu chuyện hơn nàng, bởi vì chú rể là con của ai, chỉ mình nàng biết mà thôi. Riêng Hiền, chàng biết lòng mình hơn ai hết, bởi vì do cái tính nhát gái của mình mà một sợi lông tay của Sương, chàng còn chưa một lần dám đụng tới, thì làm gì chàng có một đứa con rơi là chú rể của ngày hôm nay!

   Có lẽ thấy tình hình có vẻ quá căng thẳng nên Sương vội giới thiệu:

   – Ðây là anh Hiền, bạn học cũ của em; còn đây là anh Hùng, chồng của em!

   Nãy giờ Hiền vẫn ngồi, giờ nghe Sương lên tiếng, lẽ dĩ nhiên chàng phải đứng lên và chìa bàn tay phải ra cho đúng phép lịch sự. Chờ đúng ba mươi giây sau, thấy chẳng ai thèm bắt tay mình, chàng mới rút tay mình trở lại. Hiền cho rằng, không có gì phải bận tâm khi đã phơi bày ra hết cái thiện chí của mình. Những ai không muốn thân thiện với người khác là chuyện của họ. Hiền nghĩ vậy nên thản nhiên ngồi lại xuống ghế. Hùng vẫn đứng. Hùng vói tay lấy chai rượu đế to loại một lít đang để trên bàn rồi rót rượu ra đầy trong hai cái ly cối trống không, dùng để đựng nước đá lạnh để ‘‘chữa lửa’’.

   Hùng quay mặt về phía Hiền:

   – Mời nâng ly!

   – Về cái gì? Hiền nhỏ nhẹ hỏi.

   – Bưng lên uống trước, nói sau!

   Hiền ngước nhìn lên người đàn ông đang đứng trước mặt kia mà thầm chúc cho Sương có phước quơ đâu ra được một tấm chồng mà gương mặt trông trẻ hơn nàng những tám, chín tuổi. Dân nhậu ở đây thường mời ép nhau uống rượu bằng câu nói… ‘‘Rượu nghĩa rượu tình, ai rinh nấy uống’’. Nói như cái kiểu của anh chàng nầy là muốn khiêu khích đây!

   Tuy nghĩ vậy nhưng Hiền vẫn bưng ly lên ngang mặt mình:

   – Uống tới đâu đây anh Hùng?

   – Tới ngay ngón giữa!

   Khi cầm cái ly rượu cỡ lớn trong tay, dân nhậu thường dùng ngón tay út chận ngang dưới đáy ly, ngón tay cái và những ngón còn lại ôm vòng quanh thân ly. Nếu muốn uống rượu tới mức nào, chỉ cần nói lên, ví dụ như ‘‘tới ngón tay giữa’’ tức là một nửa lượng rượu trong ly, ‘‘tới ngón áp út’’ là ba phần tư và ‘‘tới ngón út’’ là một trăm phần trăm, tức là uống cạn ly rượu. Như vậy là cái anh chàng này chỉ muốn uống tới ngón tay giữa, tức là năm mươi phần trăm cái chất lỏng nằm trong ly. Hiền đã từng bị nhiều người ‘‘tố’’ theo cái kiểu ‘‘nửa đời hương phấn’’ như của Hùng hôm nay, nhưng ít có kẻ nào chịu đựng nỗi ba cái ‘‘tố’’ lại của chàng.

   Bởi tin vào tửu lượng của mình, nên Hiền văn hoa đề nghị với Hùng:

   – Chúng ta mới gặp nhau, trước lạ sau quen, chuyện đâu còn ở đó, bây giờ chúng ta uống tới ‘‘ngón tay út’’ để mừng cho ngày thành hôn của hai cháu đi!

   Ðám trẻ nãy giờ ngồi yên, chừng như chúng bị ngứa miệng nên đồng loạt vỗ tay và la lớn ‘‘dô… dô… dô’’. Và cho đến hồi ‘‘dô… dô… dô’’ thứ ba thì Hùng đã ‘‘thuyền ra cửa biển’’ và cho ‘‘chó ăn chè’’ ngay tại chỗ. Sẵn có cái giường cũ nằm ở kế bên, mấy đứa trẻ khiêng Hùng quẳng lên trên đó. Hiền biết mình cứ ở đây để ‘‘bác một ly, con một ly’’ với bọn trẻ thì thế nào chàng cũng sẽ bị ném lên nằm chung với Hùng, chớ không phải được dìu vào phòng của Sương như Phong nói hồi nãy, nên chàng vội đứng dậy và bước theo Sương vào trong nhà, bởi nghĩ mình bây giờ đang là người lớn!

   Trong nhà giờ còn đông nghịt khách. Mấy cụ bà vừa cầm đũa vừa nói chuyện trái cà, trái ớt, chuyện con gà, con vịt,… trên bộ ván kê ở gian bên trái. Ở gian giữa, mấy cụ ông chắc vừa ăn xong, đang ngồi phì phà điếu thuốc rê bên tách trà bốc khói, bàn chuyện trên trời, dưới đất.

   Sương tới bên kề miệng nói nhỏ vào tai của một cụ già, mà mới thoạt nhìn Hiền đã nhận ra ngay là anh Ba mù, người anh cả của Sương đang ngồi ở đầu phía trong của dãy bàn dài, nơi chiếc ghế trưởng tộc “quyền huynh thế phụ”. Anh Ba mù từ từ đứng dậy, nương theo tay Sương dìu sang ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh chiếc bàn tròn kê ở gian phải.

   Hiền chưa kịp chào, anh Ba đã lên tiếng hỏi nhỏ:

   – Dượng Út đó hả?

   Hiền thoáng giật mình, đứng chưng hửng nhìn vào đôi mắt lem nhem, ươn ướt ghèn của anh Ba.

   Hiền chưa biết trả lời anh ra sao, liền ngó sang Sương để ngầm hỏi nàng xem vừa mới nói to nhỏ gì với anh Ba thì nàng đã thoăn thoắt quay đi, sau khi nguýt mắt ném về phía chàng một nụ cười bí hiểm trên đôi vành môi trét son đỏ lói.

   Hiền im lặng ngồi xuống bên anh Ba và thoáng nhớ về cái không may trong quãng đời lúc còn trai trẻ của một ông già đang ngồi trước mặt mình.

   Ngày trước, nghe nói anh Ba làm nghề leo dừa hái trái mướn cho bà con trong vùng, chẳng may bị đuôi của cuống dừa đâm vào một bên mắt đến lọt tròng phải múc con mắt ra. Nhưng con mắt bên kia cũng bị ảnh hưởng lây nhiễm trùng nên cũng đã bị mù luôn! Sau đó ít lâu, người ta thấy anh thường hay mang đôi mắt kính đen, chống gậy tre đi bán vé số trước mấy chiếc quán cà phê trong xã để tự nuôi thân.

   Hiền bùi ngùi thương hại cho một kiếp người đang phải đối diện triền miên với đêm dài u tối!

   Và không biết vì sao, Hiền lại đem cái tâm sự cũng không mấy sáng sủa của lòng mình ra kể cho anh Ba đang ngồi chăm chú lắng tai nghe, trong khi điếu thuốc rê lăn qua lăn lại liên tục trên đôi môi khô cằn dường như không còn chút sức sống của anh!

   Sau cái ngày Sương đi lấy chồng, khoảng năm sáu năm sau, Hiền mới gặp lại nàng trong lần chàng lái chiếc Honda dame đang trên đường trở lại đơn vị. Sương cũng đang trên một chiếc Honda dame chạy hướng ngược chiều với chàng. Chợt thấy Hiền vừa mới vượt qua, Sương ngoái lại và đưa tay ra vẫy ngoắc trong lúc chàng cũng vừa quay lại phía sau để trông theo nàng. Hiền vòng xe và dừng lại bên Sương đang đậu xe chờ. Hiền liếc nhanh qua toàn thân của nàng. Sương bây giờ hơi mập thêm ra một chút so với cái dáng dấp nở nang đều đặn với cặp đùi hơi dong dỏng cao của ngày trước. Ðôi má bầu bĩnh của nàng ửng hồng lên một cách tự nhiên mà không phải bởi do ánh nắng buổi chiều tà còn vương vãi đó đây táp vào mặt. Và hình như có sự hiện diện của ‘‘em bé’’ bên trong vòng eo với mấy ngấn da bụng hơi căng lên bên trong làn vải áo dài trắng mỏng. Ðể cho chắc ăn hơn với sự nhận xét của mình, Hiền lại kín đáo quan sát kỹ mấy ngấn cổ tròn trịa của nàng. Một gân máu nơi cổ của nàng đang nhảy nhịp mạnh khác thường! ‘‘Lạy Trời, xin cho con thoát được cái cảnh “kẻ ăn mắm người khát nước, quít làm cam chịu lần này’’, Hiền khấn lầm thầm như vậy trong miệng mình!

   Sương nói với Hiền rằng nàng đang trên đường đi dạy học trở về nhà. Nàng vẫn ngồi trên yên xe và kể cho chàng nghe câu chuyện về Nhường, chồng của nàng, đã tử trận như thế nào trong một vụ đơn vị của chàng ta bị địch pháo kích vào đồn. Sương cho biết Nhường chờ lấy được tờ phép đặc biệt về thăm nàng sắp sanh đứa con đầu lòng thì trời đã chạng vạng tối. Lúc ra đến quốc lộ để đón xe đò thì chẳng còn chuyến nào cả, nên Nhường phải trở lại đồn. Sáng ra, trong lúc binh sĩ đang dùng điểm tâm trước khi xuất đồn ra đi hoạt động như thường lệ thì bị địch pháo kích vào đồn để ‘‘chào buổi sáng’’. Nhường vội leo lên đài quan sát, định đo phương giác, ước lượng khoảng cách và chấm tọa độ điểm địch đặt sung, để xạ thủ súng cối phản pháo ‘‘chào đáp lễ’’ lại những ‘‘người anh em phía bên kia’’. Nhưng khi Nhường vừa leo đến nửa chừng cây thang thì đã bị một mảnh đạn cối kế tiếp của địch hất anh rơi xuống đất! Câu chuyện thật thương tâm!

   Sương cho biết dì Hai, kể từ sau khi Nhường mất, thường hay nhắc đến Hiền, thằng rể hụt của bà. Sương khuyên Hiền nên đến thăm bà một lần để bà vui trong lúc tuổi già.

   Chàng vừa lái xe chạy theo sau xe của Sương vừa nhìn vào tấm lưng tròn đầy của nàng ở phía trước mà nhớ về những kỷ niệm của những tháng ngày êm đềm nhưng quá ngắn ngủi đã qua! Lúc ấy, hai bên gia đình ai cũng cho rằng Sương và Hiền rất đẹp đôi. Nhưng cái việc ông thầy giáo Nhường đã dạy kèm môn toán và dạy luôn cả ‘‘đòn phép phù thủy’’ biến Sương thành một người đàn bà đã không làm cho Hiền buồn nữa kể từ sau khi chàng hay cái tin Nhường đã nằm xuống một cách anh dũng, mà ít có ai làm được một khi đã cất kỹ tờ phép đặc biệt vào trong túi áo trận.

   Trời chiều mát rượi, nhưng có ít người qua lại trong khu phố nhỏ nằm ở vùng ven của thị trấn.

   Hiền dựng xe trước sân và theo Sương bước vào bên căn phố hẹp. Vào giờ cao điểm, nhà nhà đã lên đèn. Chiếc bóng điện tròn vàng vọt từ trên mái tôn thòng xuống cũng đủ cho Hiền nhận ra được mọi vật trong căn phòng khách hẹp. Một chiếc bàn dài kê giữa lối đi, từ cửa ra vào đến cửa buồng phía trong. Ðối diện với vuông cửa sổ ngó ra sân trước là chiếc bàn thờ được đặt sát vách, trên đó, chiếc ảnh bán thân của Nhường với quân phục đại lễ của quân trường Thủ Ðức cùng với những vật thờ khác gồm một chiếc lư hương đồng ở giữa và hai cây chưng đèn cũng bằng đồng ở hai bên.

   Hiền đang kín đáo quan sát mọi vật xung quanh thì bóng của dì Hai cũng vừa xuất hiện trước cửa buồng, đang lần từng bước trong dáng dấp của một người mù lòa!

   Lòng chàng se lại và thoáng nhớ về hình ảnh của một người mẹ góa ngày xưa rất sành sỏi trong việc cuốc đất trồng đủ các loại rau cải xung quanh nhà. Hiền ôm choàng lấy tấm thân khô gầy của bà, nghẹn ngào chẳng thốt lên lời!

   Sương hỏi mẹ nàng… ‘‘Má có biết ai đến thăm má không?’’.

   Bà đáp… ‘‘Cái con nhỏ này, làm sao tao thấy được mà biết nó là ai!’’. Sương nói… ‘‘Anh Hiền đó má!’’. Dì Hai mắng… ‘‘Mồ tổ mầy, đi đâu mất biệt cái thằng rể hụt của má?’’! Bà đưa tay rờ rẫm trên mặt, trên ngực áo của Hiền. Trong cái ánh sáng vàng chạch trong gian phòng này, Hiền vẫn nhận ra được bên trong đôi ánh mắt già nua mất cả thần sắc, chỉ còn lại toàn một màu trắng đục đang mở thao láo kia hình như còn tiềm ẩn hình bóng của một chàng trai hiền hòa, ít nói, đến độ bà gợi ý muốn cho đứa con gái út của mình nương tựa cuộc đời vào nó mà nó lại chẳng hay biết, để cho người khác phỗng tay trên rồi!

   Tất cả chìm trong im lặng!

   Không biết Sương và mẹ nàng đang nghĩ gì trong cái khoảng trống của thời gian và không gian này? Riêng Hiền, chàng muốn nhân cơ hội thăm viếng không báo trước này để bày tỏ cùng dì Hai chút nỗi niềm tâm sự còn trĩu nặng ở trong lòng mà bấy lâu nay chàng đã âm thầm chịu mang tiếng tăm của người đời gán cho một cái tên khó nghe là ‘‘sở khanh’’, là đã ‘‘ăn nằm’’ với Sương rồi để lại sau lưng một cái bào thai cho Nhường kề vai gánh vác!

   Hiền đang, không biết mình phải bắt đầu câu chuyện từ đâu, thì Sương đã nắm tay kéo chàng đi ra phía sau bếp, bỏ lại dì Hai đang đứng tần ngần, ngơ ngác một mình, bởi trong lòng dì chắc đang thắc mắc, chẳng hiểu hai đứa ‘‘tình cũ không rủ cũng tới’’ đang làm cái ‘‘trò khỉ’’ gì đây?

   – Anh ở lại ăn cơm với má một bữa nhen!

   Hiền phân vân chưa biết phải trả lời ra sao đối với lời mời mọc của Sương. Chắc Sương cho rằng chàng “im lặng là đồng ý”, nên nỗi mừng vui thoáng lộ trên gương mặt ‘‘liêu trai’’ của ngày nào dưới ánh đèn mờ ảo!

   Có lẽ ngày trước, nàng nghĩ rằng mình có thể ‘‘bắt cá hai tay’’ cùng một lúc, nhưng nàng đã bị sẩy tay mất một con bởi định số không may, bây giờ, nàng muốn ‘‘ăn tươi nuốt sống con cá còn lại’’ đang đứng trước mặt mình, sợ không còn có dịp may nào khác nữa chăng?

   Hiền bước ra sân trước nhà Sương. Màn đêm buông xuống từ lâu rồi! Hai cây kim trên mặt chiếc đồng hồ dạ quang trên tay chàng chập vào ngay nơi con số tám. Ðã quá giờ giới nghiêm hai tiếng đồng hồ! Từ đây về đến đơn vị của chàng chỉ khoảng ba cây số thôi, nhưng ít có ai đã từng lỡ bước giữa giờ giới nghiêm trong vùng thị trấn rộng lớn này mà qua được các ‘‘cửa ải’’ với những vòng kẽm gai bung kéo chận ngang mặt lộ tại những trạm gác của lực lượng Nhân Dân Tự Vệ, cho nên tối nay, Hiền không có cái can đảm đi ra khỏi nhà Sương, bởi chàng đã nghe quá nhiều những ‘‘chuyện dài nhân dân tự vệ’’ đang xảy ra hằng ngày tại cái vùng dân cư đông đúc này!

   Cơm nước xong, Sương mang chiếc ghế xếp nhà binh ra kê trước bàn thờ của Nhường cho Hiền nằm. Trước khi chui vào mùng, chàng thắp cho Nhường một cây nhang. Sương ấn công tắc trên vách ván, căn phòng chỉ còn mờ mờ bởi chút ánh sáng của chiếc bóng đèn ngủ nhỏ trên bàn thờ của Nhường tỏa ra. Hình như đôi mắt của Nhường trong ảnh nhìn Hiền đăm đăm. Chàng thầm nói với Nhường… ‘‘An tâm đi, tôi và Sương vẫn có một khoảng cách không gian vừa đủ để lương tâm tôi không bị rai rức về sau. Anh và Sương có nghiệp duyên với nhau từ trước thì, nếu anh có linh thiêng, hãy dẫn dắt nàng vượt qua những cạm bẫy của cuộc đời’’.

   Ngoài kia, lũ côn trùng đang hòa tấu một điệu nhạc buồn thê lương, ảm đạm!

   Thỉnh thoảng, một chú nhạc sành ré lên một giọng the thé chỉ đủ để nhắc nhở tên nhạc trưởng vô hình nào đó nhớ điểm trường canh cho trường khúc triền miên, sẽ kéo dài vô tận! Tâm hồn Hiền đã chìm sâu vào giấc ngủ êm đềm trong cái vũng âm thanh thật là kỳ diệu ấy tự lúc nào chàng cũng chẳng hay biết.

   Và Hiền bất chợt tỉnh giấc, bởi vừa cảm giác như có ai đó đang đứng kế bên, ở ngoài mùng.

   Qua ánh trăng lên sáng tỏ ngoài sân tạt vào, những đường nét gợi cảm nhất của một người đàn bà một con trong bộ quần áo ngủ mỏng dính trên da, hiện ra lồ lộ trong khung cửa sổ mở rộng.

   Một giọng nói êm nhẹ phát ra từ ‘‘cái bóng dáng liêu trai’’ ấy:

   – Anh à!

   Hiền đã tỉnh ngủ nhưng lại nằm yên, chỉ hi hí mắt ra nhìn Sương

tiến đến ghé sát mắt vào màn mùng để quan sát bên trong. Hiền bèn nhắm mắt trở lại.

   Sương tiếp:

   – Anh à! Dậy đi, em nói cái này cho anh nghe!

   Hiền vẫn nằm yên, không lên tiếng. Sương dỡ mùng chui vô, ngồi ghé bên thành giường. Hiền trở mình xoay vào phía trong, giả vờ ngáy ngủ.

   Sương kéo vai chàng bật trở ra và vừa nằm xuống bên chàng vừa nói:

   – Ðừng làm bộ ngủ nữa!

   Thật là khó xử cho Hiền trong cái hoàn cảnh này!

   Từ thuở nhận ra mình vừa mới trở tiếng khàn khàn trong giọng nói, chàng đã ngại khi đứng gần con gái rồi.

   Kể từ ngày Sương đi lấy chồng, Hiền biết rằng không còn chi để nói với nhau nên chàng cố ném nỗi sầu riêng vào hố sâu quá khứ để tự nó bị chôn vùi theo dòng thời gian, và xem Sương như một người bạn học cũ mà thôi. Nhưng bây giờ, Hiền không biết chuyện gì sẽ xảy ra giữa chàng và Sương trong cái đêm trăng thanh có gió mát lùa qua cửa sổ, nếu như không có dì Hai lên tiếng từ phía cửa buồng.

   Hiền mừng trong bụng khi bà đã kịp thời cứu nguy cho chàng:

   – Út à!

   Hiền vội lên tiếng như để ‘‘thanh minh thanh nga’’ cho cái trong sạch của mình và cũng để che lấp cho cả cái hành động vừa rồi của Sương:

   – Dạ Sương đang ngồi ở đây nè dì Hai!

   Hiền thấy dì Hai dường như chưa chịu tin như vậy, mà còn tỏ ra thái độ nghi ngờ trong giọng nói tuy nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa lòng trách móc ở bên trong:

   – Vậy sao? Mà Hiền nè, con không nên làm như vậy, vì lỡ như vợ của con nó biết được thì tội nghiệp cho con Út lắm!

   Một nỗi oan khiên khó tỏ bày!

“Tội nghiệp cho Sương rồi ai tội nghiệp cho con đây, dì Hai? Con đã chịu mang tiếng xấu bấy lâu nay là ‘‘quất ngựa chuối truy phong’’, để lại sau lưng một đứa con rơi cho Nhường kề vai gánh vác. Con đã…”. Hiền định nói lên nỗi niềm tâm sự ‘‘ách giữa đàng, oan ơi Thị Kính’’ mà bấy lâu chàng đã vương mang thì Sương như đọc được ý nghĩ đó trong đầu chàng, nàng đưa tay bụm miệng chàng lại không cho chàng  nói ra những điều khổ tâmmà chàng vương mang tự bấy lâu nay!

   Cũng may mà Sương đã gỡ gạc dùm cho Hiền một câu, nếu không, chắc là lần này, khối ‘‘oan tình mang xuống tuyền đài chưa tan’’:

   – Má à, tụi con chỉ ngồi nói chuyện với nhau thôi mà!…

   Sáng hôm sau, Hiền thức dậy rất sớm để chuẩn bị trở về đơn vị. Chàng chỉ mặc chiếc quần đùi và chiếc áo thun ba lỗ màu ô-liu đi ra phía cái nhà cầu ở tận cuối một góc vườn nhà Sương. Lúc đang trên đường trở vào nhà, liếc sang phía sau nhà bên cạnh, Hiền chới với trước ánh mắt của cô em họ của vợ chàng đang dõi mắt nhìn sang. ‘‘Thôi, bỏ xác nơi đây rồi! Ăn mặc thế này mà ra vào nhà của một người đàn bà góa thì phen này hết đường chối cãi!’’. Bởi

nghĩ vậy nên Hiền giả vờ như không thấy gì cả, làm ra bộ thản nhiên bước thẳng vào nhà mà cặp giò thì cứ ngượng ngập suýt vấp té mấy lần! Bây giờ thì chàng mới chợt nhớ ra là cô em họ theo sống bên nhà chồng từ lâu, nhưng chàng đâu ngờ nhà của chồng nàng lại nằm bên cạnh nhà Sương!

    Hiền liền đi tìm Sương định hỏi cho ra lẽ với lòng thầm mong mình ‘‘nhìn con gà hóa ra con quốc’’.

   Sương trả lời chàng tỉnh bơ:

   – Thì nó đó chớ ai, có gì mà anh phải sợ?

   Hiền đáp ngay:

   – Không, anh nào có sợ nó đâu! Anh chỉ sợ bà xã anh hiểu lầm thì sanh chuyện lớn!

   Sương nói với giọng đanh đá:

   – Chuyện lớn, chuyện nhỏ gì, thì anh cứ nói là bị kẹt giờ giới nghiêm, nên…

   Hiền phân bua:

   – Nhưng, về tình thì nó ngay, mà lý thì nó gian, Sương à!

   Sương vẫn bướng bỉnh:

   – Thì anh chịu khó cho bả nhéo vào bắp vế non cho đáng đời!

   Hiền giận hai chữ ‘‘đáng đời’’ đó của Sương nên tỏ vẻ hằn học với nàng:

   – Tới giờ phút này mà em còn nói cái kiểu ấy với anh sao?

   – Bộ không phải sao? Ðể cho anh phải chịu cảnh ‘‘khát nước’’ suốt đời cho bỏ cái tật người ta mời ‘‘ăn mắm’’ đàng hoàng mà còn lên mặt tự cao!

   Dì Hai còn ngủ trong phòng nên Hiền không tiện chờ bà thức để từ giã. Chàng dẫn chiếc Honda dame ra sân mà lòng lo nghĩ vẩn vơ! Không nhìn sang nhà bên cạnh, nhưng Hiền dám đoan chắc rằng cô em họ của vợ chàng, từ chiều hôm qua cho tới bây giờ, vẫn còn đang núp rình từ một nơi nào đó để theo dõi đường đi nước bước của ông anh rể.

    Bỗng nhiên, Hiền hoa mắt lên khi nhớ lại mọi việc từ chiều hôm qua, lúc gặp lại Sương! Và muôn ngàn hạt đôm đốm lửa, trước còn nhỏ li ti, sau lớn dần, đang xoay tít trước mắt mình, trong đó có sự hiện diện của cái động mạch nơi cổ của Sương đang to dần lên như một khúc ruột xe đạp sắp nổ tung! Cái viễn tưởng về cái bào thai đang tượng hình trong bụng nàng, đã làm cho Hiền thêm buồn bã! Và nỗi oan nghiệp kia sẽ đeo đẳng theo Hiền đến ngày tàn của cuộc đời, nếu như Sương không chịu nói lên sự thật rằng đứa con trai lớn và cái giọt máu còn đang nằm trong bụng nàng đều không có liên hệ gì đến chàng cả!…


   Anh Ba vẫn ngồi yên lặng, dáng dấp thư thả như chẳng vướng bận một điều gì ở trong lòng. Tuy mù lòa, nhưng vừa hút hết điếu thuốc này, anh lại bật lửa đốt tiếp điếu khác một cách rất điệu nghệ. Anh đang nghĩ gì ở trong đầu khi mà tâm hồn thì hình như đang thả lỏng theo mấy lọn khói thuốc bay bay?

   Hiền nghĩ, chẳng lẽ đem cái nỗi lòng của mình ra thổ lộ cho một kẻ vô can như anh Ba đây nghe mãi thì thật là uổng phí công lao quá!

     Hiền đứng lên nói lời từ giã anh Ba để còn đi tìm Sương đặng tặng quà mừng lễ thành hôn cho cô dâu và chú rể:

   – Thưa, anh Ba ngồi nghỉ, em vô bên trong làm ‘‘phận sự’’ một chút!

   – Ừ, dượng Út nó đi đi!

   Hiền chợt chết điếng người trong giây lát khi nghe anh Ba cũng buông một câu giống như Phong đã thường gọi chàng là ‘‘dượng Út’’! Ðôi mắt chàng hoa lên bởi đôi dòng lệ đã nhòa hoen mi và bên tai chàng, hai tiếng ‘‘dượng Út’’ hãy còn vang dội như tiếng ve sầu thi nhau ca rền rĩ để giã từ mùa hạ!

   Và Hiền lê đôi chân quờ quạng như một kẻ say rượu với những bước thấp bước cao đi loanh quanh để tìm Sương trong khi hình ảnh của nàng thì cứ như đang nhảy múa ở trước mắt, lúc ẩn khi hiện, khiến chàng đi tìm hoài mà không gặp…