HÀM YÊN

Mai bình Phương & Yên Vũ

Anh yêu,

Buồn, Huế mưa mau – hàng cây gục đầu không nói – em nghe nỗi buồn cấm trại – thương nhớ ngập lòng – dĩ vãng từ các ngõ tâm hồn kéo về như thác lũ – vùng kỷ niệm bao la – cuộc đời hiện ra như một định mệnh bi đát – trước thời gian vô thỷ – không gian nhạt màu – những thái độ – những lựa chọn – em vẫn một lòng nguyên thủy yêu anh – để có những chiều về chậm nắng Huế hắt hiu chợt bắt gặp lòng em đơn độc…

Hàm Yên

Đọc điện thư của Hàm Yên, dao động thì nhiều, xúc động thì ít vì trong tôi như đang dấy lên những hiu hắt một thời. Nhưng đọc đi đọc lại nhiều lần, những câu hỏi mà tự mình không tìm được giải đáp cứ dội trong đầu. Những bất hạnh? Những uẩn khúc? Và tại sao Hàm Yên chỉ muốn giải bầy với riêng tôi? Những thắc mắc như đan khung khiến tôi không thể không tò mò muốn biết. Tôi gõ phím: “Hàm Yên. Đọc điện thư nhiều lần, hiện không biết nói gì hơn là rất buồn. Sẽ gọi điện thoại thăm vào lúc thuận tiện nhất. Mong Hàm Yên chờ. Phúc”.

Gõ xong, tôi ngồi bất động trên ghế, nhắm mắt để mặc những kỷ niệm môt thời từ lâu đã ngủ yên trong tận cùng góc khuất của tâm hồn thức tỉnh như đang vẫn-còn-tất-cả-những-nhớ-nhớ-thương-thương…Tháng 9/1969 trong lúc chờ lệnh thuyên chuyển về Quân Khu 2, tôi tình cờ gặp Nguyễn Thuận Các cũng đang chờ lệnh thuyên chuyển về Quân Khu 1. Các rủ tôi cùng về Quân Khu 1/Biệt Động Quân. Tôi đồng ý và cùng Các trình diện Quân Khu 1/ Biệt Động Quân cũng trong tháng 9/1969 tại Non Nước/ĐàNẵng. Tôi được điều động về Tiểu đoàn 21/BĐQ và Các về Tiểu đoàn 39/BĐQ cùng thuộc Liên Đoàn1/BĐQ/Quân Khu1. Những năm kế tiếp sau Tết Mậu Thân/1968, Chiến Đoàn 1 trong đó có Liên Đoàn1/BĐQ vẫn phải hành quân liên miên truy lùng địch tại Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi v..v..

Nhân một lần tạm dừng quân ở Văn Khánh/Huế để chờ lệnh di chuyển và cũng là năm mọi người chuẩn bị đón Tết năm 1970 thì tôi được báo sẽ có một phái đoàn nữ sinh trường Đồng Khánh đến thăm ủy lạo binh sĩ. Tôi thay mặt Đại đội của tôi đón tiếp sau khi phái đoàn đã thăm và ủy lạo những đơn vị bạn. Tôi tiếp chuyện với cô nữ sinh hướng dẫn đoàn và được giới thiệu tên cô là Hàm Yên. Một cái tên làm tôi liên tưởng đến truyện Xóm Vắng cuả nữ văn sĩ Quỳnh Dao trong đó một nhân vật nữ cũng tên Hàm Yên quá đẹp.

Thời gian tiếp xúc ủy lạo tuy không lâu nhưng đầy quyến luyến. Trước khi từ giã,
Hàm Yên mạnh dạn nói với tôi:
– Nếu trung úy cho phép, Hàm Yên mời trung úy đến nhà dùng cơm tối nay để kết nghĩa..”em gái hậu phương, anh trai tiền tuyến”! Trung úy Nguyễn Thuận Các sẽ cùng đến với trung úy.
– Mong trung úy không từ chối!”. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì Hàm Yên đã hối thúc các bạn ra về. Mời đến nhà ăn cơm để kết nghĩa anh em mà sao trong tôi háo hức lạ.

Cái tên Hàm Yên cứ lãng vãng trong đầu khiến tôi đứng ngồi không yên. Tôi biết tôi đang chờ đợi, nôn nóng chờ đợi nhưng không biết mình chờ đợi cái gì thì chợt nghe tiếng người bạn Huế: ” Tui vâng lịnh Hàm Yên “hộ tống” trung úy đến nhà người đẹp…Thế mi đã sẵn sàng đi chưa, tau chờ!”. Tôi phì cười với kiểu pha trò nửa nghiêm nửa bỡn cợt của Nguyễn Thuận Các nên cũng bông đùa: ” Mày hộ tống tao lần này không có đội tiền sát, tao sợ không khéo bị…lọt ổ nghe mậy!”.

Hàm Yên ra mở cửa sau vài tiếng gõ của Các. Sau một thoáng e thẹn, cô nữ sinh đưa tay ra dấu mời vào nhà vừa nói vọng ra sau:
-Mạ ơi! Có anh Các đến thăm mạ nì….

Sau những lời chào và giới thiệu, chúng tôi cùng ngồi vào bàn ăn. Hàm Yên vui vẻ hỏi tôi đủ thứ chuyện từ những cuộc hành quân đến những sinh hoạt thường ngày. Riêng Các thì như cố ý gợi chuyện huyên thuyên với mẹ của Hàm Yên để tôi được tự do nói chuyện với nàng. Qua ngọn đèn điện không sáng lắm, tôi nhận thấy Hàm Yên thật đẹp, đẹp đài các với giọng nói ngọt mềm khiến trong tôi dâng tràn xao xuyến. Không dằn được lòng, tôi nhìn Hàm Yên lí nhí:
– Hàm Yên đồng ý cho tôi chiều mai đến trường đón Hàm Yên sau giờ tan học nhé! Nàng không trả lời, bưng vội mâm chén đũa vào nhà bếp.

Không biết tôi nghĩ sao mà vẫn đến trường chờ đón nàng chiều hôm sau.. Giờ tan trường, nữ sinh Đồng Khánh túa ra réo gọi nhau như những đàn bướm trắng. Tôi cố gắng theo dõi tìm Hàm Yên nhưng không tài nào vì không những đông lại mặc cùng màu áo trắng nên khó nhận. Trong lúc thật thất vọng nghĩ Hàm Yên không muốn cho tôi gặp thì chợt nghe:” Trung úy chờ em chắc lâu rồi hỉ?!”. Tôi hơi ái ngại nhưng liều trả lời:
-Không lâu nhưng nếu có lâu hơn…vài tiếng thì vẫn chờ!
-Chu choa! Lính mà cũng khéo nịnh hỉ! Tôi và Hàm Yên cùng song bước bên nhau qua cầu Tràng Tiền và vào Đại Nội.

Đi bên cạnh Hàm Yên tôi như quên những ngày tháng mệt nhoài trong đời lính. Nhìn bóng hai đứa ngả dài trên đường với những cây Ngô Đồng thẳng tắp hai bên, tôi cảm thấy thật hạnh phúc:
– Hàm Yên ạ! Anh mong sao đường về nhà em còn thật xa, xa như “chân trời tím Và cứ thế những lần gặp gỡ sau…Khi thì Hàm Yên đưa tôi cùng đi đến con đường dẫn vào núi Ngự Bình ăn bánh bèo chén, khi thì dung dăng dung dẻ đi ăn chè bắp Cồn Hến gần thôn Vĩ Dạ hoặc ăn bánh ướt thịt nướng ở Kim Long trên đường đến chùa Linh Mụ…Mỗi lần như thế, tôi chỉ muốn thời gian ngừng lại để tôi tận hưởng

Nhưng thời gian thì không ngừng, và tôi vẫn phải tạm giã từ nàng để theo đơn vị tiếp tục nhiệm vụ… Thời gian này tôi có xin phép mẹ Hàm Yên làm Lễ Đính Hôn với Hàm Yên.Bà bằng lòng, và tôi hứa sẽ đưa mẹ tôi ra Huế xin cưới vào một dịp thuận tiện gần nhất…
Ngày 8/2/1971 đơn vị tôi theo Chiến đoàn đổ quân tại Hạ Lào. Đụng trận với địch từ đó cứ liên miên..mãi cho đến cuối tháng 2/1971 mới chấm dứt chiến dịch Hạ Lào. Chiến dịch Hạ Lào tuy đã chấm dứt nhưng lệnh hành quân trở lại những vùng Quảng Trị, Quảng Ngãi tiếp tục dồn dập nên tôi phải xin hoãn lễ cưới.

.Đời lính lang bạt hết vùng này đến vùng khác,có lần bị đánh tan hàng ờ Quảng Trị phải trốn chờ đến đêm vượt núi tìm về đơn vị, có lần bị thương được trực thăng tản về Quân y viện Nguyễn Tri Phương/Huế. Được tin,Hàm Yên đến thăm, gục đầu trên ngực tôi nức nở:”Anh có đau lắm không?” Rồi nghẹn ngào như hờn dỗi:”Anh ngang tàng không giữ cho anh nhưng cũng phải giữ cho em chứ…
Em yêu anh. Em cần anh..”

Tôi nâng nhẹ đầu nàng lên và nhìn sâu vào đôi mắt:” Lính mà em! Bây giờ em có thấy yêu lính là khổ không?”
– Yêu anh thì dù có khổ em vẫn chấp nhận…
Tôi xúc động nhiều, ôm chặt đầu nàng vào ngực:”Anh yêu em…”Vết thương tuy đã lành nhưng tôi được phép thêm vài ngày ở hậu cứ cho thật bình phục. Và Hàm Yên vẫn đi-bên-cạnh-đời-tôi. Có lúc nàng nhìn tôi hóm hỉnh:”Trung úy trông oai ghê..
Nhưng nhớ là trong tim trung úy không được có bóng hồng nào khác ngoài Hàm Yên thôi hỉ!” Tôi ôm chặt vai nàng và bất ngờ hôn nhẹ trên môi. Sau thoáng giây trôi nổi, nàng đẩy nhẹ tôi ra:” Người ta nhìn kìa…Dị òm!” . “Lính mà em!” Và chúng tôi cùng cười vang phố chợ…

27/01/1973 – cũng là ngày Hiệp Định Paris được ký – đơn vị tôi đang hành quân ở Quảng Trị thì được lệnh ngưng chiến. Quân đội miền Nam cũng như bộ đội miền Bắc theo lệnh phải dừng quân tại chỗ, không được di chuyển hoặc nổ súng để chờ Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến đến kiểm soát. Cũng đêm 27/01/1973 tôi tình cờ bắt gặp cộng quân lợi dụng đêm tối đã lấn chiếm đất cắm cờ trái phép. Chưa kịp phản ứng thì cộng quân khai hỏa và tôi bị thương nặng ở bụng. Tôi được trực thăng của quân đội Mỹ đưa ra hạm đội 7 chữa trị và khoảng sau hơn tháng thì được đưa về chữa trị tiếp tục ở Tổng y viện Duy tân/Đà Nẵng.

Hàm Yên gặp lại tôi, nhìn tôi không rời và khóc nức nở. Tình yêu làm những chỗ đau trên thân thể tôi như không còn nữa. Tôi nắm chặt tay nàng: “Hàm Yên! Làm người yêu của lính nhất là lính tác chiến như anh khổ lắm phải không?” Tôi còn muốn nói nhiều nhưng Hàm Yên đã đưa ngón tay chặn miệng tôi lại rồi cúi xuống hôn trên trán tôi thì thào:” Em vẫn yêu anh…Những người lính can trường như anh thật đáng yêu” Và nàng bỏ học lo chăm sóc tôi những ngày tôi được chữa trị tại Duy tân.

Thời gian trôi nhanh, vết thương và sức khỏe của tôi tạm ổn nên Tổng y viện Duy Tân đưa tôi về Đơn vị 1 Quản trị/ĐàNẵng tiếp tục việc điều trị và chờ ngày ra Hội đồng Giám định Y khoa. Yêu Hàm Yên, tôi không muốn vì tôi mà Hàm Yên hy sinh nhiều thêm nữa để dở dang những năm học tại Đại học Văn khoa/Huế nên khuyên nàng về lại Huế tiếp tục việc học. Hàm Yên tuy buồn nhưng vẫn gật đầu bằng lòng…

Vì có sự bất đồng ý kiến giữa các y sĩ Mỹ đã chữa trị tôi trước đây và các y sĩ tại Duy Tân về mức độ bất khiển dụng của tôi nên cuối cùng Hội đồng Giám định Y khoa /ĐàNẵngquyết định gửi tôi về Đơn vị 3 Quản trị/SàiGòn. Biết được việc này, tôi đã báo cho Hàm Yên và hứa sau khi hoàn tất mọi việc sẽ cùng mẹ tôi ra thăm gia đình đồng thời xin mẹ Hàm Yên cho chúng tôi thành hôn…
Chúng tôi vẫn thư từ liên lạc thường xuyên những ngày tôi chờ ra Hội đồng Giám định Y khoa ở Tổng y viện Cộng Hòa/SàiGòn. Mãi đến tháng 01/1975 thì tôi được giải ngũ.

Thủ tục giải ngũ vừa xong thì lại bù đầu làm hồ sơ xin cấp phát đất với Bộ Cựu Chiến Binh nên việc thư từ không được như trước.

Tháng 2/1975 tôi viết thư cho Hàm Yên biết là mọi việc đã hoàn tất tốt đẹp và đang chuẩn bị ra Huế. Nhưng “mưu sự tại nhân mà việc không thành là..tại chiến tranh” vì thời gian này giao tranh tiếp diễn khốc liệt trên khắp bốn Quân Khu cho đến tháng 3/1975 thì mất Huế và Đà Nẵng. Từ đó chúng tôi cũng mất liên lạc theo “vận nước nổi trôi”, và tôi cũng bị vào tù dưới chế độ mới hơn 2 năm (06/1975 – 09/1977). Ra tù tuy cuộc sống quá chật vật khó khăn tôi vẫn giữ ý định đi Huế. Nhưng xin “giấy đi đường” thì bị từ chối với chú thích trên đơn xin: “Quản chế”!.

Thấy tôi chán nản tột cùng nên mẹ tôi đã âm thầm dấu tôi viết thư cầu cứu thân nhân ngoài miền Bắc. Không lâu sau đó thì một chiếc Molotava đến đậu ngay trước cửa nhà, trên xe có vài người lạ đối với tôi nhưng với mẹ tôi thì không lạ. Thì ra những người này là họ hàng thân thích tôi từng nghe mẹ nói đến nhưng bây giờ mới gặp mặt. Và nhờ họ tôi đã có “giấy đi đường”. Chiếc xe Molotava cũng đã đưa mẹ tôi và tôi ra Huế. Trên quãng đường dài, tim tôi nhiều lúc đập khá nhanh khi nhớ lại lần đầu đến đón Hàm Yên tại trường Đồng Khánh.. “Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón. Trời mùa thu mây che có nắng đâu? Nắng sẽ làm …” Tôi bỏ lửng vì không còn nhớ thêm được gì nữa! Hàm Yên, anh đã qua cơn mê rồi, quên cuôc đời bồng bềnh và đang trở về bên em…

Chúng tôi đến Huế. Thân nhân nghỉ lại khách sạn, chỉ tôi và mẹ tôi đến nhà Hàm Yên. Cổng nhà nàng tuy còn xa vẫn thân thương trong trí nhớ nhưng càng đến gần thì tim tôi thắt lại, người tôi mất thăng bằng vì hai chữ Vu Qui như đang nhảy múa trước mắt. Lỡ cả rồi. Ngỡ ngàng và bất ngờ gặp nhau trong hoàn cảnh ngang trái này, Hàm Yên chỉ im lặng khóc bên cạnh người đàn ông đang chờ đưa nàng vào xe hoa.. Mẹ Hàm Yên cũng khóc kể lại cho chúng tôi những oan nghiệt tội tình trong thời gian không nhận được tin tôi. Mẹ tôi sau những giây phút dao động vì thương tôi đã nhắc nhở:

– Thôi con hãy trao quà mừng cho em rồi về cho kịp giờ…đi con!. Quà mừng cũng là những lễ vật cưới hụt của tôi. Tôi bước ra khỏi nhà Hàm Yên mà như đang tan thành bụi…

Tôi đã nói chuyện với Hàm Yên qua điện thoại. Giọng nàng thật yếu và đứt quãng nhưng có vẻ như mừng đã nhận ra tiếng nói của tôi. Nàng không than thân trách phận vì những bất hạnh dồn dập. Chia tay chồng không lâu sau ngày cưới. Chồng Hàm Yên là Đội trưởng Đội Biệt Động/Quảng Trị đã ép buộc Hàm Yên chung sống để đổi lại căn nhà, thêm nữa nếu không cả nhà sẽ bị liên lụy “có nợ máu với nhân dân” như ba của Hàm Yên đã bị giết trong Tết Mậu Thân. Hàm Yên cũng cám ơn tôi đã lắng nghe những uẩn khúc tình cảm mà Hàm Yên nói chỉ dành riêng cho tôi trước khi chết vì Hàm Yên đang bị bệnh ung thư tụy tạng vào giai đoạn cuối…

Tôi biết nói gì bây giờ? Chán chường đủ thứ và để cho xong cuộc đời người lính khi tàn cuộc chiến, tôi cũng đã có vợ và các con. Bên kia nửa vòng trái đất có một cô phụ đang từng ngày đau đớn mệt mỏi chờ…điều không muốn chờ và bên này nửa vòng trái đất tôi với mái-đầu-sương-điểm bỗng dưng tràn ngập nỗi buồn..”Hàm Yên. Anh đã hiểu em. Nếu một ngày nào đó em phải giã từ cõi ta bà này, anh nghĩ em sẽ thật thanh thản giã từ vì em cũng đã biết…”anh vẫn yêu em!”. Nơi anh ở đang là mùa đông…Mùa đông tôi đi tìm người. Trên từng mong manh hoa trắng. Hoa trắng vỡ theo sợi nắng. Và tôi nghe chết một đời…”.

Mai bình Phương & Yên Vũ