HOA NẮNG (*)
Thuở mới bắt đầu vào học lớp Đệ thất của trường trung học công lập duy nhất của tỉnh, cô Hồng Vân, vừa là giáo sư dạy môn Pháp Văn, vừa là giáo sư hướng dẫn của lớp. Không biết cô xem giò cẳng của tôi ra sao mà lại chỉ định tôi làm trưởng lớp. Cũng trong khoảng thời gian này, cô Hồng Vân cũng lại dám đưa các bài cô soạn ra tờ giấy để tôi viết lên bảng đen cho các bạn học chép vào vở. Liên tiếp trong các năm học sau đó, cô Thái, thầy Xích phụ trách môn Pháp văn cũng đều nhờ tôi như vậy. Tuy công việc… sao y bản chính đó chẳng nặng nhọc gì, nhưng tôi đều hoàn tất rất là suông sẻ, vừa nhanh lại không sai sót một chữ nào.
Nhưng trong một buổi học ở năm Đệ nhất, một sự cố đã xảy ra làm cho tôi rất ê mặt. Vì để san bằng sĩ số cho riêng môn Pháp Văn, Ban Giám Học đã chuyển mười cô nữ sinh ở lớp khác sang học chung với lớp tôi! Tôi nhớ rất rõ là hôm đó, thầy Trí bảo tôi viết lên bảng một đoạn văn của Alphonse Daudet. Cũng nên nói sơ qua một chút về thầy Trí. Nghe đâu thầy vừa mới du học từ bên Pháp về và được thầy Hiệu trưởng giao cho dạy môn Pháp văn ở các lớp đệ nhị cấp. Thầy Trí nói tiếng Pháp như Tây, cho nên đám học sinh chúng tôi bèn cải cái tên Trí đạo mạo kia mà thay vào đó “Mr. Vincent” cho có vẻ Tây một chút, chỉ vì thầy thường hay soạn bài giảng lấy ra từ sách giáo khoa Pháp, trong đó có một nhân vật tên là Mr. Vincent.
Hôm đó, khi vừa mới viết lên bảng được câu đầu, bỗng đâu từ phía dưới lớp vẳng lại một giọng nữ nghe quen quen… “Anh Bông! Chữ enfant có s”! Tôi giật mình quay lại, thấy Phượng vừa đưa cây bút lên vẽ trong không khí một chữ s to, vừa chu đôi môi mộng lên nói nhỏ… “Chữ enfant có s”! Tôi quay lại bảng đen, đọc dò lại từng chữ một… “Les étoiles. Le petit était malade. Tante Norade en vacances chez ses enfant…”. Thôi chết rồi! Tôi vội vã phết nhanh thêm chữ s vào sau chữ enfant, rồi quay phắt về phía sau, nhìn thẳng vào hai đốm mắt đen no tròn kia rồi nói lí nhí trong miệng… “Merci!”…
Câu chuyện chỉ mới có vậy mà tôi lại nhớ từng chi tiết rất kỹ và mang nó theo ròng rã suốt mấy năm trường trong cuộc sống của một người lính tác chiến ở các chiến trường Miền Tây.
Khi được lịnh thuyên chuyển về vùng nguyên quán, tôi mới có dịp đi tìm thăm Phượng, bởi vì tôi đã thầm yêu nàng từ lâu. Thế rồi một hôm, nhân chuyến một đi công tác và cũng do sự tình cờ, tôi gặp lại Phượng khi nàng dừng xe Honda dame bên vệ đường để khoác áo đi mưa vì trời sắp đổ cơn mưa. Dịp này, tôi mới biết nàng đang dạy ở một trường trung học cấp II nơi quận lỵ mà đơn vị tôi cũng đặt hậu cứ ở gần đó.
Ngày hôm sau, tôi hí hửng một mình lái chiếc xe Jeep A1 vào đậu dưới bóng một cây phượng vĩ ở gần cổng trường. Nắng trưa hè nóng như đổ lửa. Đúng vào giờ ra chơi, các học sinh tụ tập trò chuyện đó đây dưới các tàn cây phượng vĩ trong sân trường. Các thầy cô giáo thì đang đứng chuyện vãn ở đầu dãy hành lang của các lớp học. Vừa bước xuống xe, đã thấy Phượng vội vã bước nhanh về phía tôi. Tôi mừng rỡ trong lòng như ai vừa mới cho vàng. Nhưng khi đến nơi, nàng chào tôi bằng một câu làm cho tôi muốn độn thổ giữa sân trường… “Ông tướng này thật quái lạ! Sân trường ở đây không có chỗ cho quân xa đậu đâu, anh nên quay về đi!”. Nói xong, Phượng quày quã bỏ đi! Bỗng dưng, tôi cảm thấy nóng bừng lên trên hai má và xung quanh mình, nơi nào cũng đầy… sao! Hàng dương liễu phía xa xa thu mình dưới ánh nắng trưa hè cũng đầy… sao! Nhìn lên tàn cây phượng vĩ, hoa nắng xuyên qua kẽ lá rơi rụng đầy trên mặt đất, lao xao quanh chiếc bóng dưới chân tôi. Tôi lặng người, chẳng hiểu tại sao nàng lại đối đãi với mình như vậy! Về sau, tôi mới biết ra rằng Phượng đã kết hôn với một chàng thông dịch viên làm việc cho một cơ quan cố vấn Mỹ. Giá như tôi biết được điều ấy, có cho vàng tôi cũng chẳng dám đường đột đến tìm thăm nàng. Đến lúc này, tôi mới ngộ ra rằng mình đã ấp ủ từ lâu một tình yêu đơn phương giờ đã biến thành một nỗi tuyệt vọng!
Tôi đem cái tâm sự ngổn ngang này ra kể cho một anh bạn học cũ cũng có bằng… bóp cò súng như tôi, chàng bèn giảng moral một thôi dài… “Người lính chiến đã từng có dịp đu dây đùa giỡn với tử thần, đã từng đem mạng sống treo trên sợi chỉ mành treo chuông như mầy, mà lại đi làm cái việc bá láp đó thì quá dỡ! Mày gan dạ đầy mình đó! Mày hãy thử đi tìm các nàng nữ quân nhân kiều diễm mà tán, tuy dáng đi có vẻ cứng cỏi một chút trong bộ quân phục, nhưng phía sau những gót ngọc kiêu sa kia hình như toát ra những điệu nhạc oai hùng. Như vậy mới xứng đôi vừa lứa với mầy! Còn các nữ giáo sư với những tà áo dài tha thướt đầy hoa màu sặc sỡ, chính là những cánh bướm đầu đàn trong sân trường đầy hoa xuân trong cảnh an bình, có đâu đến phiên mày! Các chàng nam giáo sư với những đôi giày… bec canard gắn thêm đế sắt hình móng ngựa, mỗi bước đi nện cồm cộp ngoài hành lang lớp học làm cho đám học sinh thót ruột giật mình giống như khi bị thầy cô gọi tên trả bài, chính là đối tượng của các cô giáo lẫn các em nữ học sinh đó. Các thầy cũng thường hay tỏ ra cái vẻ đạo mạo mỗi khi ngồi trên những chiếc ghế có đính một chữ “thọ” ở phía sau. Cuộc đời là vậy! Cả mầy và tao đây, có ai ngu ngơ đi chọn cho mình một chỗ đứng cho tương lai chẳng hứa hẹn một điều tốt đẹp nào, anh lính bộ binh! Người ta tôn vinh chúng ta là… nữ hoàng bộ binh, đều là xạo cả! Mày hãy tự soi gương mình đi! Mày là cái thá gì mà dám đi cua những nàng tiên đang cầm phấn hồng đứng trên bục giảng?”.
Thằng bạn giảng đâu đâu! Khi thấy tôi ngây người ra nhìn nó, nó hứng chí lên giọng tiếp… “Cũng có khối thằng khăn gói đi thi vô trường… dạy làm thầy, như là tao đây, nhưng cái số… gõ đầu trẻ không có thì cái ghế có đính chữ thọ ở phía sau dành để cho người khác ngồi, can cớ chi mà đòi nhào vô?”…
Không hẹn mà ngày bể dĩa lại đến! Chàng thông dịch viên lên trực thăng theo các viên cố vấn bay ra “Đệ Thất Hạm Đội Mỹ”. Phượng được tiếp tục đi dạy học, nhưng sau đó không lâu, nàng được chồng bảo lãnh đi sang Mỹ. Tôi thì cùng với thằng bạn chán đời kia bước vào bên trong cánh cửa trại tù và ở trong đó một thời gian dài. Ra tù, thằng bạn của tôi công khai làm đơn xin xuất cảnh và nó đã đến xứ Mỹ từ những ngày đầu khi có chương trình HO. Ngày còn ở Việt Nam, nó cứ thúc giục tôi hoài, nhưng tôi còn chần chờ chưa có quyết định dứt khoát là ra đi hay là sống chết ở quê hương. Sau cùng, tôi cũng đã nghe lời nó và cũng được ra đi như bao người khác, tuy hơi muộn màng.
Khi đã sang định cư trên đất khách, thằng bạn học cũ cho tôi số điện thoại của Phượng. Tôi quyết định gọi cho nàng, chỉ với dụng ý là để hỏi thăm sức khỏe và xin lỗi nàng về việc làm không hay của tôi năm xưa.
Sau khi bấm số, tôi nghe rõ giọng trả lời của chính nàng:
– A lô! Xin lỗi là ai ở đầu dây?
Có chủ ý nên tôi đáp với giọng thản nhiên:
– Dạ tôi là Bông đây!
Im lặng ba mươi giây! Hai bên đầu dây đều không có tiếng động!
Sau một vài phút thăm hỏi sức khỏe trôi qua, Phượng lên tiếng:
– Cho em xin lỗi anh nhen!
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Về việc gì vậy chị Phượng?
– Thì cái chuyện ở… dưới tàn cây phượng vĩ nơi sân trường ngày trước đó!
Tôi lặng người đi khi đoạn phim dĩ vãng quay nhanh trong tiềm thức. Điều làm cho tôi ngạc nhiên không ít là Phượng lại nhớ dai một câu chuyện mà tôi nghĩ rằng không đáng để cho nàng nhớ.
Một thoáng qua mau, tôi đáp trong khi vết thương lòng đã lành từ lâu, dường như đang rướm máu trở lại:
– Đấy là lỗi của tôi! Nhưng xin chị đừng nhắc đến nữa có được không?
– Không, đấy là lỗi của em, không nhắc lại không được! Tại em đã không kềm chế được lòng mình, nên mới có thái độ xúc phạm đến một người lính như anh…
Tôi cắt lời nàng:
– Đã nói là lỗi của tôi mà! Ai đời một sĩ quan lại tự lái xe Jeep vào sân trường học, gây chướng mắt cho người khác là điều đáng trách mà! Tôi không bị phạt tám ngày trọng cấm đã là may lắm rồi! Xin chị tha lỗi cho cái hành động thiếu suy nghĩ của tôi ngày trước nhé!
Lại cũng ba mươi giây trôi qua trong im lặng, tôi ngạc nhiên khi nghe Phượng tiếp trong thái độ dứt khoát:
– Thôi nhen anh, em đề nghị là chúng ta nên dừng lại ở đây, bởi vì bây giờ ai cũng đều có một gia đình êm ấm cả!
Tôi nghe nghẹn cứng trong cổ họng mình! Có tiếng cúp máy vang lên trong ống nghe! Cuộc điện đàm đã dứt từ lâu, nhưng dư âm của tiếng cúp máy nhỏ dần đó vẫn còn tồn đọng mãi nơi vũng âm thanh trong tâm hồn của một người lính già như tôi nơi miền viễn xứ!
Quả tình, đã từ lâu, tôi đã biết đạp thắng cho chuyến xe tình đơn phương của mình dừng lại trước vùng cấm địa.
Tôi nào có ý xấu gì đâu mà nàng lại nỡ đi giăng rào cản trước mũi tôi như vậy? Đã bao lần đào hố chôn sầu mà không được! Lòng này ai tỏ cho ta hỡi lòng (K)!
Tôi lại đem chuyện này ra kể cho thằng bạn hay… triết lý vụn năm xưa, chàng đáp tỉnh bơ như đã ngộ ra một điều gì đó từ lâu:
– Mày đã sai, sai từ đầu mùa cho đến cuối mùa phượng vĩ năm nào!
Tôi đáp nhanh:
– Thì tao có chối điều đó đâu! Nhưng…
– Còn nhưn với nhụy gì nữa đây, hỡi ông tướng đã vất súng bên đường! Mày đã làm một việc, trước bậy…sau đúng, có chi mà thắc mắc! Thôi, tao mới đi làm ca hai về! Bye – bye!
Tôi lại nghĩ về thằng bạn. Không biết hồi trước nó có theo chủ nghĩa độc thân hay không mà cho mãi đến bây giờ nó vẫn… ở vậy mà ngắm những bóng hồng qua lại trên đường đời! Nếu đã vậy thì đi làm đôi ba ca chi cho mệt thân!
Cây phượng vĩ mà tôi đã trồng trong chậu và bỏ công ra uốn nắn thành bonsai đã hơn mười mấy năm, bây giờ đem ra trồng ở trước sân nhà đâu cũng đã trên vài năm rồi, tán cao hơn ba mét mà chẳng thấy nó ra hoa! Không biết nó có phải là loài phượng… nghẹn từ độ sau tháng tư đen chăng? Cứ mỗi lần đẩy máy cắt cỏ đi ngang qua cây phượng vĩ… đực này, tôi vẫn thấy hình như có hàng vạn hoa nắng nhỏ lao xao dưới tàn lá. Dù sao thì tôi vẫn thấy thích màu hoa nắng lung linh này lắm, bởi vì nó đã gợi lại trong tôi một kỷ niệm khó quên. Cái màu hoa nắng ở đây có vẻ an bình hơn cái màu phượng vĩ đỏ thường nở rộ đồng nhịp với tiếng ve sầu rỉ rả mỗi độ hè về, nghe thật não lòng nơi quê hương tôi…
(*) Bài thơ “Tôi Đọc Thơ Em” ở dưới của thi hữu Nam Thảo đã gợi lại trong tôi một kỷ niệm khó quên của thời chinh chiến năm xưa. Chính bài thơ này đã thôi thúc tôi viết vài dòng trong “Hoa Nắng” dưới đây để phụ họa thêm cho câu chuyện cùng tên “Hoa Nắng” mà tôi viết dở dang nửa chừng!
Ước mong nhà thơ Nam Thảo và bạn đọc đón nhận tấm chân tình này của người viết, mà bỏ qua cho những gì mà người lính đã vô tình vi phạm kỹ luật khi còn ở trong quân ngũ năm xưa. Biết đâu, từ phía quý vị, cũng sẽ có sự đồng cảm nào đó mà bấy lâu nay còn tồn đọng ở đáy tim lòng…
TÔI ĐỌC THƠ EM
Tôi đọc thơ em nói chuyện tình,
Giữa chiều ngây dại nắng lung linh.
Nhìn hoa tươi thắm bên dòng suối,
Mơ thấy môi em đắm đuối xinh.
Thơ em lấp lánh ánh trăng mơ,
Lạc lõng hồn tôi cõi ngẫn ngơ.
Xin em đừng nói thêm nhiều nữa,
Để trái tim tôi khỏi lặng lờ.
Em viết bài thơ khúc vắn dài,
Như đường tình tự biết ai hay.
Có khi ấp ủ trời câm lặng,
Nhiều lúc rạt rào dậy biển say.
Tháng sáu trời xanh như mắt em,
Thơ em yểu điệu giọt ru mềm.
Gió chiều ôm nắng len qua cửa,
Rón rén hôn nàng thơ rất êm.
Tôi biết em thường hay viết thơ,
Nhưng sao em lại quá ơ hờ!
Sao em không gởi tôi vài chữ!
Sưởi ấm lòng tôi kẻ đợi chờ!
Nam Thảo
HOA NẮNG
(Theo vận bài “Tôi Đọc Thơ Em” của Nam Thảo).
Tôi đến thăm em, bởi chữ tình,
Nơi sân trường trải nắng sao linh.
Ngàn mây giăng mắc trên tàn phượng,
Xuyên lá rơi đầy hoa nắng xinh…
Cũng tại ngày xưa hay mộng mơ,
Bao năm chinh chiến vẫn ngu ngơ!
Hàng cây dương rũ buồn trơ bóng,
Dưới nắng chan sầu trưa lững lờ…
Khúc nhạc yêu đương cứ trổi dài,
Dây thương có đứt chắc chưa hay!
Bâng khuâng nghe tiếng lòng xao xuyến,
Chưa nhắp men tình nghe đã say…
Tôi đứng ngây nhìn đôi mắt em,
Hai dòng lệ mặn ướt môi mềm!
Vì chưng cánh phượng mùa thi cũ,
Đã có người in trang sách êm…
Hoa nắng xao nhòa bao ý thơ,
Làm sao nhặt hết xóa tình hờ!
Tôi quay lưng lại khung trời nhớ,
Thôi hết! Còn chi đứng đợi chờ!…
Nguyên Bông.