Má tôi kể lại rằng hồi đó, ba tôi ở rể đến ba năm, nhưng vừa tròn một năm thì ông bà ngoại cho ra riêng. Nói là ra riêng, chứ thật ra là ba má tôi vẫn còn ăn ở chung với nhà ông bà ngoại, nhưng làm việc ra tiền thì được giữ lấy để lo tạo đựng một mái ấm gia đình mới.
Thuở ấy, ở miền quê, người dân chuyên sống về nghề nông. Ba má tôi cũng phải theo cái nghề “cha truyền con nối” ấy thôi! “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, nên ý nguyện của ba tôi lúc bấy giờ là phải mua tạo trâu và khai khẩn đất hoang lập điền, để “bao giờ cho mạ lên non, một trăm mẫu đất có con trâu cày”! Nếu như có rỗi rãi thì lãnh cày mướn thêm cho ruộng nhà người khác, chờ đến cuối vụ thu hoạch mới được trả công bằng lúa. Đi làm thuê làm mướn cho nhà người ta, may ra cũng chỉ đủ “tay làm hàm nhai”, làm gì có “của ăn của để”!
Lúc đầu, ông bà ngoại chia cho một mẫu ruộng vừa mới khai phá xong. Hằng ngày, má tôi phải dậy sớm từ lúc sao mai còn chưa mọc ở đàng đông để lo cơm ăn cơm dỡ cho ba tôi lên đường đi mua trâu ở mấy làng bên. Sau mấy ngày lặn lội tìm kiếm, ba tôi dắt về một đôi trâu cái ốm nhom! Đã vậy, một con đen thì chẳng nói chi, còn con kia lại trắng, là một con trâu cò, ít ai dám nuôi!
Bà ngoại thấy vậy thì phản đối ra mặt và cho rằng ba tôi mang điềm xấu đến cho gia đình! Ai mà nuôi trâu trắng thì chỉ có trắng tay và gia đạo thì xào xáo, kình chống lẫn nhau chẳng khác gì “trâu trắng, trâu đen” thì làm sao mà “ăn nên làm ra” được!
Ông ngoại thì lại gục gật đầu ra vẻ tâm đắc với người rể thức thời hơn kẻ khác là ba tôi. Chọn mua trâu ốm rẻ tiền, lo chăm sóc kỹ sẽ mập lên mấy hồi! Siêng năng làm lụng thì sẽ có miếng ăn, làm sao chết đói được mà lại đi tin ba cái chuyện “trâu đen trâu trắng,” đó!
Ai nói gì thì nói, ba tôi tối ngày cứ lo chăm sóc cho hai con trâu mua từ lò thịt về! Má tôi thấy vậy cũng mừng vì rõ ràng là ba tôi rất mát tay, chỉ mới hơn một tháng sau mà hai con trâu mập ra thấy rõ.
Tuy vậy, má tôi cũng la cà hỏi ba tôi… “Bộ ở mấy làng bên hết trâu rồi hay sao mà ba mầy lại bỏ tiền ra mua hai con trâu ròm dắt về đây?”. Ba tôi đang dùng vỏ dừa kỳ cọ trên lưng con trâu cò bèn ngưng tay đáp… “Má mầy không biết việc này đâu! Lúc này đang trong vụ cày bừa, chỉ có người ngu mới đi bán trâu! Hai con này tui mua ở vựa trâu bò chờ đem đi giết thịt đó! Hôm đi ngang qua nơi ấy, tui thấy hai chúng nó đứng ngó theo tui mà rơi nước mắt, nên tui động lòng mới hỏi mua cho kỳ được! Chắc là chúng nó có duyên nợ với nhà mình đó!”…
Ông bà ngoại giúp thêm tiền cho ba má tôi mua tạo được một miếng thổ cư đâu khoảng một mẫu ta nằm cạnh một con lộ đá dẫn vào phía thị xã. Lô đất này cách xa nhà ngoại nằm sâu khoảng nửa cây số về phía bờ một con rạch nhỏ. Ở nhà quê thường hay xảy ra trộm cắp nên ba tôi dựng lên một dãy nhà tranh đến năm gian ở giữa miếng đất, ba gian để ở và làm kho lẫm, hai gian còn lại dùng làm chuồng trâu với rống và cửa rất chắc chắn. Bên trên chuồng trâu là một cái giàn bằng gỗ xẻ ghép lại để tối tối, tôi theo ba tôi leo lên đó ngủ để dễ bề canh chừng đạo tặc “đêm qua kẻ trộm vào nhà, lặng thinh, lẳng lặng để mà coi trâu, nằm đây chớ chẳng ngủ đâu, thức mà giữ lấy con trâu con bò, nằm đây nào đã ngủ cho, thức mà giữ lấy con bò con trâu”.
Thuở ấy, cánh đồng ruộng chỉ làm một vụ mùa và sau khi cấy xong là chật đồng! Ai có trâu thì phải chăn dắt trong vườn nhà hoặc cột trâu cho ăn rơm khô chất thành cây rơm cao ở sau nhà. Tuy ba tôi có dự trữ hai cây rơm to để cho trâu ăn vào mùa nước nổi tràn đồng, nhưng cứ vào mỗi sáng sớm, sau khi nuốt vội ba hột cơm vào bụng là ba tôi dẫn đôi trâu đến cột gởi ở nhà ngoại rồi bơi xuồng đi cắt cỏ mọc đầy hai bên bờ con rạch rồi đem về cho trâu nhà, luôn cả trâu nhà ngoại cùng ăn. Đến chiều, ba tôi lùa cả bầy trâu xuống uống nước và trầm mình tắm mát trong bến Rỗng Ông Tượng. Có người cho rằng, sở dĩ có cái tên Rỗng Ông Tượng là do nơi đây người ta dùng voi để kéo gỗ từ dưới rỗng lên bờ; nhưng ông ngoại tôi là người đặt chân lên vùng đất này đầu tiên nên người dân ở đây gọi cái bến nước đó bằng tên của ông. Sau đó, ba tôi nhốt trâu của ngoại vào chuồng xong rồi mới dẫn trâu mình về nhà.
Trong thời gian này chưa xảy ra một vụ trộm bắt mất trâu nào, nên sau khi mùa gặt hái chấm dứt vào cuối tháng chạp ta, dân làng thả rong cho trâu tự do đi ăn cỏ trên cánh đồng trải rộng mênh mông ở hai bên bờ con rạch. Khi khát nước, chúng tự kéo nhau xuống uống nước trong dòng rạch và đến xế chiều là con trâu đầu đàn, thường là trâu cái lớn nhất, dẫn đầu bầy về chuồng mà khỏi mất công chăn dắt. Cứ sáng sáng, ba tôi chỉ việc mở cửa chuồng là con Én trắng dẫn con Chim đen đi ăn cỏ dọc theo hai bên bờ sông trước nhà ngoại. Chẳng bao giờ chúng đi ăn ở đâu xa cả. Đến chiều, khi mặt trời sắp khuất sau rặng tre sau hè là con Én lại dẫn con Chim về chuồng. Ba tôi chỉ việc kéo mấy cây rống cửa chuồng trâu lại và đóng nêm cho chắc chắn là xong. Mùa rong trâu như vậy kéo dài cho đến tháng tư mới dứt. Khi mà những trận mưa đầu mùa trút xuống cánh đồng, nông dân lại bắt đầu vào vụ mùa kế tiếp. Cuộc sống của nông dân rất là cơ cực! “Lao xao gà gáy rạng ngày, vai vác cái cày, tay dắt con trâu, bước chân xuống cánh đồng sâu, mắt nhắm mắt mở đuổi trâu đi cày”; hoặc “rạng ngày vác cuốc ra đồng, tay cầm mồi lửa, tay dòng thừng trâu, ruộng đầm nước cả bùn sâu, suốt ngày cùng với con trâu cây bừa, việc làm chẳng quản nắng trưa, cơm ăn đắp đổi, muối dưa tháng ngày”; hay “trên đồng cạn dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa”…
Lật bật rồi gia đình tôi được ăn cái Tết đầu tiên kể từ khi ba má tôi ra ở riêng. Hai ngày Tết đầu năm cũng đã qua mau. Người ta thường nói… “Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy”. Má tôi nói… “Từ nhỏ tới lớn tao với ba mày có học ở ai đâu mà đi Tết cho thầy”. Ba tôi nghe vậy nói… “Ông bà mình cũng có tục… “Mồng một Tết cha, mồng ba Tết trâu”, thì mình cũng cứ y như vậy mà làm”.
Má tôi lo bày cỗ bàn ra giữa nhà để cho ba tôi cúng tiễn ông bà và những người quá vãng trở về nơi thế giới bên kia. Xong, ba tôi lại bày một mâm cỗ với trái cây, nhan đèn, một thúng bánh tét, một thúng gạo và một ít giấy tiền vàng bạc ra trên chiếc đệm đặt trước cửa chuồng trâu rồi kêu má tôi ra cùng quỳ lạy và khấn vái để cầu xin “Ông Chuồng Bà Chuồng” phò hộ cho gia đạo được bình an, hai con trâu luôn đẻ năm một và được khỏe chân để kéo cày.
Khi cúng xong, tôi cùng má tôi đem những vật cúng vào nhà. Đến cái thúng gạo và thúng bánh tét, má tôi quay qua hỏi ba tôi… “Còn mấy thứ này thì sao đây ba mầy?”. Ba tôi đáp như rành rọt mọi việc trong tập tục dân gian, được truyền đạt qua bao đời nay… “Đúng ra thì thằng ở mướn chăn trâu cho nhà người ta được mang các thứ ấy về nhà nó. Nhưng ở nhà mình, tui là kẻ chăn trâu nên mẹ con mang nó vào nhà đi!”. Ba tôi đem giấy tiền vàng bạc ra dán song đôi ở khắp nơi, từ trên hai cây cột chính giữa nhà, nơi bàn thờ, cái lu gạo, chiếc giường ngủ, bộ ván, trên hai cánh cửa trước cho đến trên thân mấy cây cau, cây mít, cây dừa ở ngoài vườn để cầu cho mùa sau được sai quả. Sau cùng, ba tôi cũng dán giấy tiền vàng bạc trên hai trụ cửa chuồng và trên hai chiếc sừng của con Én và con Chim nữa.
Xong đâu đấy thì cũng đã giữa trưa, ba tôi mới mở cửa chuồng cho hai con trâu ra đồng ăn cỏ rồi cả gia đình tôi mới ra đi về nhà ngoại ăn Tết…
Trong một bữa cơm chiều, ba tôi nói cho cả nhà nghe một tin vui:
– Nhà mình sắp có nghé, mà không chừng có đến hai con một lượt đó!
Má tôi rất đổi vui mừng, nhưng lại hỏi:
– Sao ba mày biết?
Ba tôi đáp:
– Má con mầy chẳng thấy bụng của con Én và con Chim nó to tròn, bầu vú căng ra, “con chim” của chúng cũng đã nở to ra và chảy “nước nguồn” rồi đó sao?
Má tôi thắc mắc:
– Ba mầy giữ kỹ quá, có con trâu đực nào lén phén đến đây đâu mà hai con trâu của ba mầy mang bầu?
Ba tôi giải thích rồi đưa ra kết luận:
– Có lẽ chúng nó có chửa từ lúc còn được thả rong ngoài đồng! Ai mà biết được chuyện đó! Chưa tròn năm mà số trâu của nhà mình sẽ tăng lên gấp đôi cho mà coi!
Rồi cái ngày má tôi thấy trước mắt mình một bầy trâu đã đến!
Một buổi sáng, ba tôi đang tháo rống cửa chuồng trâu, bất chợt gọi vói vào trong bếp:
– Má mầy đâu ra mà xem đây này!
Má tôi chạy ra sân và đứng trân ra nhìn hai con trâu mẹ dẫn hai con nghé đen thủng thỉnh bước ra khỏi cửa chuồng. Rồi bà chạy đến ôm choàng ba tôi với lòng tràn ngập niềm vui đến chảy cả nước mắt!
Lúc này, ông ngoại tôi đã ngoài thất tuần! Đã vậy, khi hay tin nhà tôi có thêm hai con nghé cùng một lượt, ông cũng chống gậy tre lội băng đồng sang thăm gia đình tôi.
Ông ngoại nói:
– Cha đã coi kỹ chân cẳng, tướng tá của hai con trâu mẹ rồi! Rõ ràng là chúng đều có “xoáy bướm nuôi chủ” như nhau. Chẳng hiểu tại sao người chủ cũ lại sử dụng nó đến ốm o gầy còm như vậy rồi đem đi bán thịt! Cũng tại do duyên phần nên bây mới gặp và cứu sống chúng thì chúng cũng phải trả hết nợ kiếp làm trâu cho nhà bây thôi! Nhưng có một điều mà cha khuyên các con là đừng nên hành hạ nó nhiều quá mà mang tội, vì kiếp trước chúng nó là Phật đó!
Tôi đưa ngoại tôi ra về đến tận ngoài đầu ngõ. Và lúc mà bóng của ngoại tôi vừa khuất sau rặng cây xanh ngoài kia, tôi bất chợt nhớ lại bài tập đọc lúc tôi còn học ở trường làng… “Con trâu ăn cỏ đất bằng, uống nước bờ ao, hồi nào mầy ở với tao, đến khi mầy chết tao cầm dao xẻ thịt, thịt mầy nấu cháo linh binh, da mầy bịt trống tụng kinh trong chùa, sừng mầy tao tiện con cờ, cán dao, cán mác, lược thưa, lược dầy”.
Niềm vui trước chưa dứt thì tin mừng lại đến. Một hôm, ba tôi cho hay là con Én cò và con Chim đen đã có dấu hiệu đòi đực! Như vậy, chậm nhất là đến khoảng cuối năm sau, thế nào hai con nghé nhà tôi cũng có thêm hai con nghé em…
Mới đó mà hai con nghé cái nhà tôi đã lớn mau như thổi và chạy phá lung tung khắp nơi trong vườn nhà. Tôi thì sắp phải trở lại trường học nên chẳng giúp ích gì nhiều cho ba tôi, nên ba tôi quyết định là phải “xỏ dàm” cho hai con nghé để dễ bề chăn dắt chúng. Ba tôi là một tay “xỏ dàm” nổi tiếng. Ông dùng một sợi dây thừng to cột vào hai sừng nhỏ vừa mới nhú ra khoảng một gang tay và vòng xuống khớp mõm con nghé lại rồi lôi cổ cột đầu nó vào một thanh rống ngang của chuồng trâu. Ông thò hai ngón tay cái và ngón trỏ của bàn tay trái vào chọn đúng nơi chỗ huyệt sụn khuyết mỏng trong mũi trâu mà bấm mạnh vào đó. Tay kia cầm một “cây ghim” bằng tre to bằng cỡ ngón tay, dài khoảng ba tấc, một đầu vót nhọn, đầu kia được nối vào một đầu của sợi dây dàm, rồi đâm xuyên qua nơi chỗ sụn của con trâu, kéo cây ghim có sợi dây dàm ra theo. Ba tôi choàng hai đầu sợi dây dàm ra sau hai khóe tai rồi thắt gút lại ở sau ót con nghé là xong. Sau đó, cởi bỏ sợi dây cột đầu ra là con nghé đi theo sau ba tôi nắm dây dẫn đi vòng vòng quanh sân.
Hai con Én và con Chim đều “đẻ năm một” nên chỉ có bốn năm sau là gia đình tôi đã có một bầy trâu đến mười con lớn nhỏ. Đồng nhà chật chội nên ba tôi phải chuyển cả bầy trâu ra ngoài trại ruộng. Nói là trại, nhưng lúc đầu đó là một cái chòi nhỏ chỉ đủ để che mưa che nắng và chứa dụng cụ làm ruộng mà thôi. Chòi nằm giữa “Gò Cỏ Chát” vì trên đó mọc toàn một loại cỏ chát, rộng hơn vài mẫu ta, nổi lên giữa mấy mẫu ruộng của ba tôi. Ba tôi ăn, ngủ và làm việc luôn ngoài trại ruộng. Chỉ có hai ngày cuối tuần và suốt trong các kỳ nghỉ hè, tôi mới ra ở ngoài trại ruộng giúp ba tôi chăn trâu. Ban ngày, ba tôi chỉ cho tôi cách đóng cộc để “dòng” cho các con trâu đã được xỏ dàm cho chúng gặm cỏ chát quanh gò. Tôi chỉ lo chăn hai con nghé nhỏ nhất được thả rong mà thôi. Ban đêm, “một trăm con muỗi đuổi vồ con trâu”, nên ba tôi nhúm những đống lửa đốt bằng gốc cây khô, hay đốt những con cúi rơm lên rồi đem bỏ nơi phía trên hướng gió xung quanh chuồng làm sơ sài bằng một hàng rào bằng cây rừng.
Lúc ban đầu, ngoài hai con Én và con Chim ra, tôi chẳng thể nào nhớ hết những cái tên mà ba tôi đặt cho từng con trâu khác như con Trích, con Liệng, con Quỷnh, con Mốc…
Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là tôi đã thuộc nằm lòng tên của từng con một. Con Én rất khôn ngoan, xứng đáng là con trâu đầu đàn. Nó luôn “cầm bầy”, đi trước dẫn dắt cả đàn đi theo sau gặm cỏ khắp nơi trên gò Cỏ Chát. Mấy con cò vôi, con sáo bay theo đứng trên lưng trâu với những cặp mắt ngó quanh láo liên. Hễ khi nào thấy có con nhái, con cào cào, châu chấu nào là chúng phóng tới xớt ngay rồi bay vòng lại đậu trên lưng trâu mà ăn mồi. Ở ngoài đồng, nghe chim ca hát cũng đỡ buồn. Nhìn cảnh chim và trâu sống thân thiện với nhau cũng thấy vui! Tuy vậy, tôi rất ghét mấy con chim mất dạy kia, cứ nhè trên lưng trâu mà ị ra từng đốm phân trắng!
Tôi vừa ngồi trong chòi đọc sách vừa chăn trâu rất là nhàn nhã cũng là nhờ con Én cả. Khi cả bầy đi ăn cỏ đến bìa ruộng lúa là con Én quay đầu trở ngược ra, thế là các con khác cũng làm theo nó. Chỉ có mấy con nghé nhỏ là hay lén đưa mõm liếm lúa ven bờ mà thôi. Những lúc bắt gặp như vậy, tôi chỉ việc quát to lên tên của con nghé phạm tội là nó sợ hãi lẽo đẽo bước theo đàn ngay…
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ bầy trâu và mấy mẫu ruộng mà ba má tôi đã tạo dựng được một ngôi nhà ngói ba gian hình “chữ đinh” khang trang. Trong nhà trên, má tôi cũng đã mua sắm đủ thứ nào một tủ thờ, một tủ áo quần, hai giường ngủ và hai bộ ván ngựa bằng các loại gỗ quý. Một lẫm lúa đầy chiếm hết một phần ba gian nhà sau. Hai gian còn lại gồm có một củi bếp với ba miệng lò, một tủ chén dĩa, một bàn ăn cơm và nồi niêu son chảo, trã đụng,… treo đầy ở trên vách. Dưới mái hiên sau nhà cũng đã có một chiếc xe trâu mới…
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giáp Tết hoặc trễ lắm là ngày đầu năm mới, con cháu lại tụ tập về nhà ngoại ăn Tết. Ông ngoại thấy thiếu vắng đứa nào là cứ nhắc hoài tên đứa đó suốt ngày.
Suốt năm qua, ông ngoại cùng với ông cậu lo việc đồng áng, lúa đầy lẫm đầy bồ.
Bà ngoại cùng với bà mợ lo việc bếp núc, nuôi một bầy gà vịt và một con heo thịt. Hai ngày đầu xuân, bà ngoại bảo mợ làm gà vịt nấu cơm cúng tổ tiên, sau đó dọn xuống đãi con cháu. Đêm mồng hai rạng mồng ba, bà ngoại lo nấu bánh tét, bánh ít. Sáng ra, ông ngoại lo ngả heo rồi chia đều cho mỗi gia đình để chiều lại xách về nhà.
Chúng tôi chỉ ăn uống và vui đùa với nhau trong ba ngày Tết trong tiếng pháo nổ vang rân từ trong xóm vọng lại.
Ông ngoại cấm chơi đốt pháo vì sợ xác pháo văng vào làm đui mắt.
Mấy con chó, con mèo cũng không chịu được tiếng động inh tai rồi cong đuôi chạy mất, năm bảy ngày sau mới dám mò về nhà.
Vừa mới ngồi vào mâm là ông ngoại bưng chén cơm lên, vừa mới và vào miệng một miếng là vội bỏ chén đũa xuống bàn ăn rồi quay qua “liếc mắt đưa tình” về phía bà ngoại.
Má tôi thấy vậy nói… “Ông ngoại chỉ là muốn nhắc khéo cho bà ngoại biết là hột cơm quá khô, khó nuốt trôi qua cổ họng!”.
Bà ngoại chỉ mĩm cười rồi nhỏ nhẹ nói với ông ngoại… “Ráng ăn đi cho con cháu nó vui”.
Thế là ông ngoại tôi làm thinh rồi tiếp tục bưng chén cơm lên và lia và lịa.
Nhìn thấy cảnh này, tôi quay qua nói với má tôi:
– Ba cũng giống ông ngoại y chang, cho dù ăn uống kham khổ, ba cũng thích ăn cơm nhão như ông ngoại.
Bà ngoại xen vào:
– Ba mầy là con ruột của ông mày đó! Cha nào con nấy!
Má tôi quay qua tôi:
– Tao thì cũng bắt chước bà ngoại bây thôi! Mỗi lần nồi cơm sôi vừa cạn nước là tao lấy đũa bếp chỉ sơ vài vòng ở một nửa nồi cơm thôi là ai muốn ăn cơm khô cơm nhão gì cũng có cả!
Ông ngoại tôi vội ngừng đũa đang gắp thức ăn rồi ngước mặt lên liếc bà ngoại một cái nữa rồi nói:
– Người ta nói “Dần, Thân, Tỵ, Hợi” là thứ “tứ hành xung” đại kỵ! Nhưng ông đây tuổi Dần, là con cọp đực mà cũng xếp re trước con cọp cái là bà của bây! Có vậy mới “nên cửa nên nhà” và “con đàn cháu đống” đó!
Ba tôi đang định bưng ly rượu thuốc lên chúc mừng đầu năm cho ông ngoại cũng dừng tay lại rồi ngó má tôi mà phụ họa thêm:
– Thì con đây cũng vậy! Con Rồng nằm này cũng phải chịu thua con Dê cái kia để cho “vui cửa vui nhà” thôi!
Cả nhà cùng cười xòa vui vẻ, bởi ai cũng biết là ông bà ngoại tôi có cùng một tuổi Dần! Ba tôi cầm tinh tuổi Thìn con Rồng, má tôi tuổi Mùi con Dê!
Ông ngoại tôi lại tiếp:
– Các tuổi nằm trong “tứ hành xung” gồm có các nhóm “Dần, Thân, Tỵ, Hợi”, “Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu” và “Thìn, Tuất, Sửu, Mùi” mà người xưa thường hay tránh trong việc “dựng vợ gả chồng”. Một khi “gia hòa thì nước thịnh”, nếu biết thương yêu nhường nhịn lẫn nhau, “đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn” thì làm sao mà làm ăn không phát đạt được!
Bỗng nhiên, tôi thấy ba tôi vừa ăn vừa đưa tầm mắt về một nơi nào đó mà tôi đoán chắc rằng ba tôi đang nghĩ về bầy trâu thân yêu đang chờ đợi ông ngoài đồng…
Trời sanh ra con trâu chỉ có ăn cỏ mà phải làm việc rất vất vả, nên mới có câu “cực như trâu”! Tập cho một con trâu kéo được cày cũng lắm công phu. Khi trâu nghé đến tuổi “máng ách”, ba tôi “vực” cho nó bằng cách máng một đầu ách lên cổ con Chim trước rồi mới gác đầu ách kia lên cổ con nghé nào mà ba tôi muốn tập cho nó đi bên “thá”, rồi ba tôi cầm đôi dây đi ở phía sau điều khiển cho chúng đi vài buổi để cho cái cổ của con trâu mới “vực” làm quen với cái ách. Ngược lại, Con Én tập kèm cho con nghé đi bên “ví”. Sau đó, ba tôi cho đầu móc bắp cày vào chiếc nài treo ở giữa ách, điều chỉnh cho lưỡi cày ăn cạn trên mặt đất rồi tập cho mấy con nghé đi cày cũng chỉ trong vài buổi sáng là xong. Tuy vậy, một con trâu mới “vực”, ba tôi “sang ách” cho nó chỉ gánh sức kéo có một phần ba so với một con trâu đã thuần thục việc cày bừa mà thôi. Nhưng đến độ nửa buổi cày là ba tôi thả trâu ra cho đi ăn cỏ, không bao giờ bắt chúng phải kéo cày đến đúng buổi cả…
Một hôm, lúc phát giác ra là con Én có vẻ như yếu sức trong buổi cày, ba tôi thả trâu ngay và quay về trong xóm nói với ông ngoại tôi:
– Cha à, con thật là rất hối hận! Con Én đã đẻ bốn con rồi mà con vẫn còn bắt nó tiếp tục kéo cày thay vì cho nó nghĩ ngơi từ lâu!
Nghe vậy, ông ngoại tôi buồn lắm! Có lẽ ông đoán biết chuyện gì đã xảy ra ngoài trại ruộng của ba tôi! Cho dù bước đi phải chống gậy, ông ngoại vẫn bảo ba tôi đưa ra trại ruộng để chính ông tìm hiểu sự tình. Ông ngoại, một tay nắm lấy dàm kéo mõm con Én lên rồi tay kia vạch môi xem răng của nó. Tôi đứng sau, thấy ở hàm dưới chỉ còn lại có mấy cái răng thưa thớt mà tất cả đều mòn nhẵn ra! Ông tôi cúi xuống xem đến các móng chân con Én. Đôi móng nào cũng đều chèn bẹt ra trên bốn cẳng chừng như nhão cả gân khớp bên trong, phải đứng chạng ra để giữ thế thăng bằng! Ông ngoại tôi cũng lần đi quan sát đến con Chim và tôi cũng thấy răng và móng của cả hai con trâu đều gần giống như nhau.
Ông tôi lặng lẽ đi vào ngồi trong trại, một chốc ông mới nói:
– Tụi con chắc là không thiếu thốn gì đâu! Nếu cần gì hãy cho cha biết để cha giúp cho. Bây giờ, hãy để cho hai con Én và con Chim được nghỉ ngơi trong tuổi già còn lại của chúng. Chúng đã trả ơn cứu sống cho bây nhiều lắm rồi đó! Đừng bán cho lò thịt, tội nghiệp lắm!
Tôi dẫn ông ngoại trở về nhà ông. Trước khi ra khỏi trại, tôi vẫn còn thấy cha tôi hãy còn ngồi thừ người ra đó, trông dáng suy tư như đang nghĩ ngợi về một điều gì đó không mấy tốt lành sẽ xảy ra trong một tương lai rất gần!…
Năm ấy, chỉ sau mấy cây mưa trắng đồng đầu mùa, khi bà con bắt đầu vào vụ thì hai cha con tôi đã phải khiêng con Én cò lên cộ rồi kéo nó đến một nơi cao nhất trên “Gò Cỏ Chát” mà táng nó xuống đáy huyệt sâu! Cả bầy trâu ngưng gặm có, nghển sừng đứng yên, ngậm ngùi tiễn con trâu Én đầu đàn đến nơi an nghỉ cuối cùng!
Suốt đêm đó tôi nằm trằn trọc hoài chẳng ngủ được. Ba tôi cũng xoay trở mình suốt canh thâu trên chiếc sạp tre đàng kia! Có lẽ ba tôi cũng như tôi, đang suy tưởng về một nỗi đau buồn trước sự chia ly giữa người và vật mà chẳng thể nào tránh khỏi được, khi vào một buổi sáng nào đó bước ra sân trại, chợt thấy con Chim không bao giờ đứng dậy được nữa!…
NGUYÊN BÔNG