VÙNG KỶ NIỆM

  

1-

   Khi Hải và Phương vừa ngồi xuống trên hai chiếc ghế kê quanh chiếc bàn tròn nơi nhà chị Ba nấu cơm tháng để dùng bữa ăn trưa thì đã nghe tiếng của Ngọc Lan vang lên từ phía ngoài sân:

   – Tía em kêu hai anh qua nhà ăn cơm!

   Trong khi Hải còn đang sững sờ và bỡ ngỡ trước cô gái lạ, Phương đã lên tiếng chối từ:

   – Tụi anh đang sắp sửa dùng cơm đây! Hay là Ngọc Lan về nói lại với chú Mười là khi khác tụi anh sẽ…

   Nhưng Ngọc lan đã nhanh nhẩu cướp lời Phương:

   – Ý không được đâu! Hồi sáng em đi dỡ lờ được hơn ký lô cá bống kèo, tía em kho tộ hết một nửa, còn một nửa nấu canh chua với cơm mẻ ngon lắm, hai anh không chịu qua, tía em giận hai anh đó!

   Hải buông nhẹ đôi đũa xuống bàn. Chàng ngây người ra nhìn dáng vẻ nhí nhảnh và giọng nói dễ thương của cô gái trẻ mới gặp lần đầu.

   Ngọc Lan trạc mười lăm, mười sáu tuổi. Với làn da hơi ngăm ngăm đen lộ ra trên đôi cánh tay trần và đôi gò má bầu bĩnh không chút son phấn, sắc vóc của Ngọc Lan vẫn nổi bật lên trong chiếc áo cánh đen bó sát lấy tấm thân cho dù chưa phát triển đều đặn, nhưng trông nàng cũng có sức quyến rũ lạ thường!

   Hải chợt nhớ đến lời của Phương nói với chàng lúc ban sáng khi cả hai cùng ngồi uống cà phê với anh em binh sĩ trong chiếc quán cóc nhỏ nằm giữa dãy phố lá trước Bộ chỉ huy dã chiến của Tiểu đoàn:

   – Ê Hải, tao thấy mầy có chút điển trai đấy, nhưng hãy coi chừng kẻo bị ‘‘cầm tù trong đáy mắt’’ của các em gái nữ sinh ở đây đó! Tao đến cái xứ ‘‘nước mặn đồng chua’’ này chỉ trước mày có vài ngày thôi, nhưng tao nghe nói có khối thằng đàn anh Khóa 24 Thủ Ðức đã bị vài em nhốt vào ‘‘connex’’ trong mắt em rồi đó! Tao còn độc thân, rủi ro có bị cột chân trói tay thì chả có sao, chớ mày là ‘‘trai một con’’ mà bị…thì rắc rối lắm đó!

   Hải dư biết rằng chàng đang cất giấu rất kỹ lưỡng trong ba-lô của mình hình ảnh của một nàng dâu và đứa cháu nội của ba má chàng từ khuya rồi! Nhưng Hải lại tự cho mình có cái quyền được ngắm nhìn những ‘‘cánh hoa đồng nội’’, mà đấng tạo hóa đã dày công ‘‘nặn’’ ra và ban cho lũ đàn ông trên cõi hồng trần này chiêm ngưỡng, cho dù kẻ đó còn độc thân hay là đã có người “nâng khăn sửa túi” rồi. Còn cái việc lỡ dại để cho người đẹp ‘‘cầm tù’’, cũng tùy theo từng trường hợp, tùy theo anh chàng nào đó có ‘‘số mệnh dại gái’’ thì đành chịu vậy thôi, đâu có gì phải quan tâm để buông ra câu nói giống như kiểu ‘‘chặn họng’’, có vẻ ‘‘chọc  quê’’ như vậy!

   Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng Hải chỉ dám len lén nhìn vào đôi mắt bồ câu đen lay láy của Ngọc Lan, hơi lâu một chút. Và chàng đã phải bẽn lẽn quay đi, nhưng vẫn còn bị ám ảnh bởi ánh mắt sắc như dao cạo kia đang tuyên bản án “cảnh cáo’’ cho kẻ đã dám nhìn trộm nàng! Chỉ bị cảnh cáo thôi, bỏ qua thì rất uổng, nên Hải quay nhanh người trở lại và nhìn thẳng vào mặt Ngọc Lan. Lần này thì mọi chuyện có vẻ như êm xuôi, bởi vì Ngọc Lan đã vất đi bộ mặt quan tòa của nàng lúc nãy và tha thứ cho tên tội phạm ngoan cố. Bây giờ, Hải mới cảm thấy mình chẳng có tội vạ chi khi phải dán mắt vào hai núm đồng tiền nhỏ xinh xắn hình như lún sâu hơn cạnh hai bên khóe miệng của người con gái đang đứng trước mặt chàng. Và gương mặt của Ngọc Lan giờ đây lại ưa nhìn hơn khi hai chiếc răng khểnh nhỏ chợt nhú ra giữa đôi bờ môi e ấp vừa mới được trang điểm thêm một nụ cười xinh xắn.

   Tất cả mọi người cùng kéo nhau ra trước sân. Chẳng nói câu nào, Ngọc Lan vội nắm hai bàn tay của Hải mà lôi đi thụt lùi ra phía ngõ trong khi đôi mắt nàng giương to ra, phóng hai dòng điện xẹt như thể là để thêm một lần nữa tái trừng phạt cái tội nhìn trộm của Hải lúc nãy, nếu như chàng chẳng nể mặt mà không chịu đi theo nàng.

   Ngọc Lan nói như ra lệnh:

   – Ði mau, tía em đang chờ bên nhà!

   Hải cảm thấy đôi chân mình như đang nhẹ lướt trên mặt đất và hồn khôn hồn dại thì hình như đang đi ‘‘du lịch’’ ở đâu đâu, chỉ có mỗi xác thân còn  lại đây, có lẽ đã bị ‘‘cầm tù trong đáy mắt’’ của Ngọc Lan rồi!

   Khi cả bọn vừa bước vào trong sân nhà, đã thấy chú Mười đang đứng tại trước cửa, trên tay chú là một chai rượu đế.

    Chú vui vẻ nói:

   – Tao tưởng nếu như bây mà không đến, một mình tao nốc hết chai ba xị đế này, chắc là đến nửa khuya cũng chưa tỉnh dậy được!

   Phương mau mắn khi đã bước hẳn vào trong nhà:

   – Dạ, tụi con đã đến rồi, xin mời chú ngồi.

   Hải nhìn qua chú Mười một lượt. Có lẽ chú đang ở cái tuổi ‘‘thất thập cổ lai hi’’ đây. Dáng chú hơi gầy với đôi bờ vai rộng. Lưng chú hơi còng xuống một chút trong bộ bà ba bằng lãnh đen. Râu tóc chú bạc màu muối nhiều hơn màu tiêu. Vầng trán trợt nhăn nheo, lại phải treo thêm cặp lông mày rậm sệ xuống trên đôi bờ hố mắt sâu thăm thẳm! Cái miệng ẩn dưới vành môi trên rộng có dán thêm lên trên đó bộ râu mép có đuôi chảy dài ra hai bên khóe miệng xuống tiếp giáp với chòm râu dưới càm dài thườn thượt, nên trông chú có dáng dấp của một vị ‘‘tiên ông đạo cốt’’ trong các bức tranh Tàu xưa! Tất cả những thứ ấy được xếp đặt hài hòa trên gương mặt xương xương, nên tuy tuổi đã cao, nhưng trông chú hãy còn quắc thước lắm!

   Tay phải vơ lấy chai rượu nước trong vắt, tay trái chỉ vào các món ăn bày sẵn trên chiếc mâm thau đồng sáng bóng, chú Mười vừa ngồi xuống chiếc ghế đẩu vừa nói đùa:

   – Nói thiệt với bây, từ ngày tao ‘‘mết’’ thím bây cho tới bây giờ, tao mê luôn cái món cá bống kèo nấu canh chua với cơm mẻ kiểu này của bả lắm, còn đây là cá bống kèo kho tộ!

   Hải nhe răng ra cười như thể để biểu đồng tình với cái lối ‘‘nịnh đầm’’ cho dù vợ của chú Mười không có mặt nơi đây, đoạn cúi đầu nhìn xuống mâm nhậu trước mặt. Con cá bống kèo thì chàng đã biết, nhưng chỉ có ăn qua khô cá bống kèo chiên hoặc nướng mà thôi. Dân sống ở Miền Tây Nam Bộ đánh bắt cá bống kèo về phơi khô rồi đem đi bán khắp nơi. Mấy ông ‘‘con của Ngọc Hoàng’’ ở tứ xứ đem nướng trui khô cá bống kèo lên rồi mang ra nhậu cũng đã ‘‘quặp cần câu’’ rồi, làm gì có cá bống kèo tươi để chế biến ra các món nhậu khác như là món canh chua hôm nay! Bây giờ, Hải mới thấy tận mắt mấy con cá bống kèo nằm cong queo trong một thứ nước canh màu trắng đục cùng với mấy miếng cà chua đỏ chẻ ra làm tư, mấy ngọn rau muống xanh, một mớ lát bạc hà và một ít lát ớt sừng trâu chín đỏ au cùng nằm lẫn lộn nhau trong một chiếc tô sành to đang bốc khói nghi ngút, trông thật là hấp dẫn lạ lùng! Mùi thơm đăng đắng của cá bống kèo, mùi chua thanh của cơm mẻ cùng các thứ gia vị khác phảng phất xông lên mũi làm cho chàng cảm thấy đói cồn cào trong bao tử. Chưa hết, có thêm món cá bống kèo kho tộ thơm phức nữa thì đố ai ngăn được nước miếng đang chực trào ra khỏi miệng cho được!

   Hải đang thả hết ‘‘tâm hồn ăn uống’’ của mình xuống các món ăn, chợt giật mình khi nghe chú Mười giục:

   – Bưng ly lên đi mấy thằng, rồi gắp thức ăn, kẻo nó nguội hết!

   Hải vừa bưng ly ‘‘nước mắt quê hương’’ lên, đã nghe chân của Phương đá nhẹ vào chân chàng dưới gầm bàn.

   Hải hiểu ngay là bạn của mình muốn chàng ‘‘rước’’ nó đây! Hải nghĩ thầm về thằng bạn của mình, vừa mới ngồi vào bàn tiệc, chưa uống một hớp rượu nào đã vội kêu rước với phụ thì còn ‘‘chiến đấu’’ thế nào được! Nhưng Hải làm bộ như không hay biết gì, chàng bưng ly rượu của mình lên và nốc cạn.

   Chú Mười thấy vậy, khen:

   – Thằng uống coi ngọt xớt!

   Nhân lúc chú Mười vừa đưa tay nắm lấy đôi đũa, Phương đã nhanh tay tráo ly rượu đầy của mình cho Hải, lại còn không quên thích nhẹ khuỷu tay vào hông chàng mấy cái nữa ngầm nhắc nhở đừng quên cái việc uống hộ. Việc làm của Phương đã bị Ngọc Lan bắt gặp, nhưng nàng không nói gì, chỉ đưa tay lên che miệng, nhìn Hải mà chớp chớp đôi lông mi dài đen nhánh như thể ngầm chuyển đến chàng cái tín hiệu ‘‘cho anh chết luôn’’, rồi đi thẳng ra nhà sau.

    Thấy chưa có đứa nào cầm đũa cả, chú Mười hối thúc:

   – Gắp mồi đi mấy đứa, vừa ăn vừa uống mới ngon!

   Hải chăm chú quan sát thấy chú Mười gắp thức ăn bỏ vào chén như thế nào, chàng đều làm y như vậy! Ăn nhậu là một nghệ thuật mà! Phải giữ một cung cách ăn uống ra làm sao và phải tuân thủ theo một trình tự món ăn nào cần phải thưởng thức trước và loại thức uống nào hợp khẩu vị để đưa cay liền sau đó, hoặc là ngược lại. Sự việc đó giống như là một ‘‘định luật bất thành văn’’ của dân nhậu áp dụng cho từng loại món ăn và thức uống khác nhau. Như vậy, mới thấy rằng việc nhậu nhẹt nó quan trọng đến mức nào rồi và phải tuân thủ ra làm sao để không uổng phí tiền tài, vật chất và thì giờ để cùng nhau ngồi thưởng thức các món nhậu rất là khoái khẩu do chính tay mình làm ra, như là món canh chua cá bống kèo ngày hôm nay.

   Ðưa đũa gắp một con cá bống kèo bỏ vào chén, tiếp theo là một miếng cà chua, một đọt rau muống không có lá, một ít rau giá đậu xanh tươi, một lát bạc hà, một ít lát ớt sừng trâu, xong cho vào chén vài muỗng nước canh chua thật nóng hổi, chan thêm vào đó một ít nước mắm ngon nữa, đoạn bưng chén lên và dùng đũa lùa hết chừng ấy thức ăn vào miệng, rồi thong thả mà nhai chậm rãi một chút, sẽ cảm thấy bao nhiêu hương vị đậm đà của thức ăn hòa lẫn vào nhau mà trôi qua thực quản vào trong bao tử, để rồi từ đó lan chảy ra khắp tạng phủ của mình. Sau khi nuốt món nhậu xong, đừng quên ‘‘đưa cay’’ bằng một ly nhỏ rượu đế nữa, thì thật không có bút mực nào tả cho hết được cái hương vị thơm ngon của món canh chua nấu với cá bống kèo. Ðó là nói về cái nhậu, còn như muốn ăn cho no, hãy cho một ít bún tươi vào chén canh chua cá bống kèo thật nóng hổi, vừa thổi vừa ăn với cá bống kèo kho tộ nữa thì không có món ăn nào ngon tuyệt vời cho bằng!

   Thế mới thấy cuộc đời là đáng ‘‘sống để mà ăn nhậu’’.

   Nãy giờ Phương đã tráo đổi hết mấy ly rượu ‘‘ân tình cay đắng’’ cho bạn mình lãnh đủ hết. Khi Hải nhìn lại thì chai ba xị đế đà cạn ráo! Vậy là chú Mười đã ‘‘dô’’ hết hơn một xị, còn Hải thì đã ‘‘ực’’ vào bụng mình gần hai xị đế Cà Mau rồi! Giờ thì Hải biết rằng mặt mình đã ‘‘trở màu’’ rồi đây!

   Kinh nghiệm qua bao trận ‘‘so…ly’’, hễ thấy ai uống nhiều rượu vào mà sắc mặt từ bình thường đổi sang màu tái xanh thì đừng lầm tưởng rằng địch thủ của mình bị ‘‘trúng gió’’ mà vội đi ‘‘cá độ rượu’’ với họ thì cầm chắc cái thua trong tay và sẽ bị “chém” gục đầu ngay tại ‘‘sòng rượu’’!

   Thật ra là Hải chẳng có bí quyết gì hay ho cả. Chẳng là trước khi bước chân vào quân trường Thủ Ðức, chàng đã một thời được ‘‘hoãn dịch’’ vài năm và phục vụ trong hàng ngũ Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn. Chàng đã có dịp học hỏi và trau giồi ‘‘môn rượu đế’’ và đã có nhiều dịp ‘‘đọ sức’’ cùng với các viên chức xã ấp trong những lần công tác tại các thôn xóm xa xôi, hẻo lánh ở quê nhà. Nay ra ‘‘giang hồ lính trận miền xa’’, chắc là ít có ai làm khó dễ chàng được trong việc ngồi uống cái thứ ‘‘nước ngược’’ này. Nói thì nói vậy, chớ hôm nay Hải gặp chú Mười, chắc là ‘‘kỳ phùng địch thủ’’ đây. Chẳng phải Hải ham hố trong việc ăn uống, bởi có điều mà chàng biết rất rõ là tối nay sẽ đến phiên Phương dẫn Trung đội đi ‘‘ăn sương’’, còn Trung đội của chàng thì làm trừ bị tại chỗ, nên mới dám ‘‘lãnh đạn…ly’’ giúp bạn mà thôi!

   Thừa dịp chú Mười đi vào bên trong, Phương bèn rút lui êm, chẳng để lại một lời từ giã ai, bởi vì chàng đã no bụng sau khi đã ‘‘đánh chén’’ sơ sơ chỉ có vài chén bún tươi với canh chua cá bống kèo mà thôi!

   Lúc trở ra, thấy chai rượu đã hết, chú Mười bèn gọi vói vào trong nhà:

   – Lan đâu, đi mua thêm rượu cho tía coi!

   Nghe thế, Hải vội ngước lên quan sát gương mặt của chú Mười. Chàng thấy màu mặt của ‘‘địch thủ’’ chỉ trở nên hơi tái xanh một chút thôi!

   Ðột nhiên, Hải chết điếng cả người! Vài giây sau, khi định thần lại, Hải bèn tự giám định mình xem hiện trạng nó ra làm sao, thì ra chỉ mới ngà ngà say thôi! Tuy tự trấn an mình như vậy, Hải vẫn biết chắc rằng, nếu như bây giờ cứ tiếp tục ‘‘cưa đôi’’ với chú Mười mãi, chắc là chàng sẽ say gục đầu tại bàn rượu!

   Hải định chạy thoát cuộc vui hôm nay nên vội đứng lên, hai tay xoa vào nhau ở trước ngực, thưa:

   – Dạ, con sắp say rồi, xin phép chú cho con về!

   Chú Mười không chịu như vậy! Chú vội lắc đầu và chồm lên phía trước ấn hai tay vào vai Hải, ý bảo chàng ngồi lại xuống ghế.

   Hải chưa biết phải xử trí ra sao, chợt nghe từ phía sau lưng có tiếng của một người con gái:

   – Ðể con đi mua thêm rượu cho tía nhen!

   Hải ngó theo cô gái vừa cầm chai rượu bước ra cửa mà cứ tưởng mình nhìn lầm, bởi nàng và Ngọc Lan giống nhau như thể hai chị

em sinh đôi vậy!

   Chú Mười quay qua nói với Hải:

   – Chú cháu mình ngồi chờ con Ngọc Anh đi mua rượu về rồi mình lại uống tiếp!

   Rượu thì Ngọc Anh đã đi mua nên Hải đành phải ngồi lại xuống ghế và lắng tai nghe chú Mười tâm sự:

   – Tao còn có hai đứa nhỏ đó thôi! Mẹ chúng nó thì đã suy yếu từ hơn hai năm nay rồi! Con Ngọc Lan thì bỏ học ở nhà nấu cơm, xong lại chạy rong chơi với đám trẻ bên hàng xóm, trông y như là con nít vậy! Con Ngọc Anh thì cũng đã bỏ học và đi làm sở Mỹ đâu đã tròn năm! Tội nghiệp, từ miếng ăn đến cái mặc, thảy thảy mọi việc trong nhà nó đều lo toan hết, cả việc mỗi bữa cơm nó cũng không quên rót cho tao một ly rượu thuốc! Ðã có mấy đám người ta đến dạm hỏi nó về làm vợ, chớ đâu phải là không có sao, nhưng nó đều lắc đầu, từ lính trơn cho đến sĩ quan! Có một thằng Thượng sĩ làm Thường vụ Ðại đội gì đó, tao thấy được quá, ép nó ưng người ta đi cho rồi, kẻo muộn màng đi một thời con gái, nó lại cũng không chịu ưng! Tao giận quá, bèn làm bạn với rượu để giải sầu suốt ngày mà nó thì chỉ ngồi khóc, không ngó tới cơm nước, cũng chẳng chịu nghe theo lời tao! Nó nói nó đi lấy chồng rồi ai lo cho tía của nó! Nó đã nói vậy, tao còn ép uổng nó làm chi cho thêm tội nghiệp!

   Nói tới đây, chú Mười đưa hai tay vào các túi áo bà ba, chắc là tìm gói thuốc rê, đoạn, chú ngó thẳng vào mặt Hải, tiếp:

   – Không biết nó chờ đám nào đây!

   Tự nhiên Hải cảm thấy hơi ngượng, bởi không biết tại sao mà chú Mười lại nói như vậy! Nhưng cho dù có thế nào chăng nữa, hiện tại, chàng cảm thấy hình như mình đã gần gũi từ lâu với mái ấm gia đình mới quen này.

   Vạt nắng vàng êm ả của buổi chiều tà vừa mới chợt tắt ở ngoài sân. Và màn đêm cũng đã bắt đầu buông xuống dãy phố lá lụp xụp phía bên kia đường.

   Ngọc Lan vừa thắp đèn Manchon lên và đem treo dưới cái móc sắt thòng xuống từ cây đòn tay dưới mái nhà. Ánh đèn sáng trưng tỏa chan hòa khắp gian phòng khách và lan rộng ra ngoài khoảng sân rộng trước nhà.

   Ngọc Lan lên tiếng:

   – Ðể con dọn cơm ra ăn luôn nhen tía?

  Chú Mười vừa trả lời Ngọc Lan vừa đưa tay đỡ chai rượu trên tay Ngọc Anh lúc nàng cũng vừa bước qua ngạch cửa vào trong nhà:

   – Ừ, dọn cơm ra cho anh bây ăn luôn, vừa ăn vừa nhậu tiếp đó mà!

   Chú Mười đăm chiêu nhìn vào dòng nước trong veo chảy từ miệng chai xuống chiếc ly nhỏ trước mặt. Chú dừng lại thật đúng lúc khi mặt nước trong ly rượu vừa đầy tới ngang miệng ly. Chú cũng rót rượu như vậy vào trong chiếc ly thứ hai cho Hải, tuyệt nhiên không có một giọt rượu nào rơi rớt ra ngoài cả.

   Hải tìm hiểu xem chú đang nghĩ gì, về hoàn cảnh gia đình túng thiếu trong khi chú và thím đang thả trôi cuộc đời mình theo bóng xế của buổi chiều tà, hoặc là thằng Phương đã bỏ trốn đi đâu mà ly rượu của nó còn nằm kia?

   Liếc qua mâm cơm còn đang bốc khói nóng hổi mà Ngọc Lan vừa đặt lên trên mặt bàn, lòng Hải bỗng se lại khi chợt thấy mình như đang sống trong cảnh gia đình sum hợp, đang quây quần quanh mâm cơm lúc còn ở quê nhà. Nghe như có một chút gì đó âm ấm, đang chảy êm đềm, trôi chầm chậm vào trong sâu lắng của tâm hồn người lính xa nhà, đang mới vừa dấn thân vào cuộc đời chinh chiến!

   Chú Mười và Hải, hai mái đầu, một già một trẻ, cùng nhau ‘‘chén thù chén tạc’’ cho đến nửa khuya như ‘‘đôi bạn vong niên’’ lâu ngày mới gặp lại. Giờ thì chú Mười đã say mèm và Ngọc Anh đã cùng với Hải dìu chú lên nằm trên bộ phản kê ở gian trái nhà. Ngọc Anh quay ra đóng hai cánh cửa cái lại và cài then cẩn thận. Hải không còn thấy bóng dáng của thím và Ngọc Lan ở đâu, chắc là họ đã lên giường rồi.

   Hải ngồi ngây người ra nhìn Ngọc Anh đang dọn dẹp các thức ăn thừa còn bề bộn trên bàn. Ngọc Anh trạc mười bảy, mười tám tuổi với vóc dáng thon dây sít sao trong bộ bà ba màu hồng nhạt. Nước da của nàng hơi sậm hơn làn da của Ngọc Lan một chút và cũng như em mình, hai núm đồng tiền trên má và hai chiếc răng khểnh nhỏ điểm tô cho nụ cười của nàng càng thêm duyên dáng hơn. Ðã có bao chàng trai gắm ghé đến xin cùng nàng bước chung trên đoạn đường đời rồi chăng? Tại sao con tim của nàng đã chẳng chịu rung động trước những lời tán tỉnh của một ai cả? Và nàng muốn ở vậy để lo cho tía và gia đình của nàng thật như vậy sao?

   Hải đưa tay lên xem đồng hồ. Đã hơn mười hai giờ đêm!

   Vạn vật chìm sâu  trong yên tĩnh!

   Ngọc Anh vừa liếc mắt sang phía Hải, thấy nét mặt chàng biểu lộ ra vẻ lo lắng với ý định muốn ra về, nàng mang đến cho chàng một ly nước mát và nói:

   – Giờ này mà anh lại muốn đi ra ngoài, bộ anh không sợ sao?

   – Sợ cái gì? Hải hỏi.

   – Lỡ như anh em mình lầm anh với… thì nguy lắm đó! Hay là để em dọn dẹp thêm một chút nữa rồi em giăng mùng trên bộ phản bên kia cho anh ngủ nhen?

   Và, không để cho Hải kịp bày tỏ ý kiến, Ngọc Anh đã thoăn thoắt đi lo công việc của nàng. Từ xa vọng lại từng chặp tiếng nổ của đạn đại pháo 105 ly bắn quấy rối để yểm trợ cho các đơn vị đang nằm ngoài tiền đồn.

   Hải nghĩ mình ngủ lại đây cũng được thôi, nhưng chàng lại lo ngại là trong lúc nửa đêm về sáng, nếu có một ‘‘người anh em nào đó là con cháu của bác Hồ’’ đến nơi này tìm chàng để trao cho ‘‘tấm giấy phép nghỉ dài hạn’’ thì nguy to! Ðang lo nghĩ vẩn vơ, Hải chợt nghe hình như có tiếng động nhẹ bên ngoài cánh cửa trước. Hải thò tay kéo nhanh cây Colt 45 nằm lót dưới đít lên bằng tay phải và tay trái nhẹ mở chốt an toàn. Chàng vội lách mình nép vào sát một bên vách nhà, chờ đợi. Liếc sang Ngọc Anh, Hải thấy nàng nhìn mình với vẻ đầy kinh ngạc. Hải vội đưa ngón trỏ của bàn tay trái chỉ lên cây đèn Manchon đang treo giữa nhà và chu miệng ra thổi một hơi gió nhẹ vào khoảng không, ngầm bảo Ngọc Anh hãy tắt đèn. Nàng hiểu ý Hải, thoăn thoắt đi bắt chiếc ghế đẩu lên mang cây đèn xuống và vặn nó tắt ngay! Gian phòng trở nên một màu đen tối om, ghê rợn!

   Chợt có tiếng gõ nhẹ vào cánh cửa và bên ngoài, tiếng của Lân, Âm thoại viên của Trung đội, với giọng hơi nhỏ và run run:

   – Chuẩn úy ơi, gặp Ðại đội trưởng trên đầu máy!

   Hải thở phào ra và nghe nhẹ nhõm cả người, bởi vừa trút đi bao nỗi lo âu đang trĩu nặng trong lòng!

   Hải trả lời cho Lân trong khi Ngọc Anh đang lần mò trong bóng đêm để tìm cái chốt cửa:

   – Có anh ra ngay!

   Hải bước ra ngoài hiên nhà, một cơn gió mát từ đâu đó lùa vào mặt làm cho chàng tỉnh táo lại.

   Hải đoán biết rằng cấp trên đang kiểm tra xem mình đang có mặt tại vị trí đóng quân hay là đã “dù” đi chơi rồi quên đường về, nên bày ra cái chuyện muốn gặp trực tiếp mình trên hệ thống máy bộ đàm, chàng bèn đưa chiếc ống liên hợp lên miệng:

   – Thẩm quyền 1 tôi nghe!

   Tiếng ở đầu máy bên kia vọng lại:

   – Anh cho em út canh gác cẩn thận, VC có thể tấn công ta trong đêm nay đó!

   Hải mỉm cười khi nghe hoài “bài hát” xưa như trái đất này, nhưng chàng vẫn phải trả lời:

   – Tôi đang đi kiểm tra ở ngoài chốt của ‘‘đứa em một chấm’’ đây!…

   2-

   Khi Hải vừa mở mắt ra, những tia nắng ấm đầu tiên của buổi ban mai đang xuyên qua kẽ hở của vách ván lọt vào trong mùng, đủ cho chàng quan sát được mọi vật xung quanh.

   Hải nhớ lại là đêm qua, chàng ngủ lại trên chiếc phản này nơi nhà Ngọc Anh. Lân còn đang nằm trên chiếc võng giăng nối giữa hai cây cột bằng gỗ vuông ở giữa nhà.

   Thấy Hải đã thức, Lân quay qua báo cáo:

   – Thưa Chuẩn úy, trên Ban chỉ huy Ðại đội ra lịnh cho Trung đội của mình lau chùi vũ khí và nằm ứng chiến tại chỗ một trăm phần trăm quân số.

   – Anh nghe rõ rồi! Hải đáp.

   Hải choàng dậy đúng lúc Ngọc Anh cũng vừa mở toang hai cánh cửa giữa ra. Ánh sáng ngoài sân tràn vô làm cho gian nhà rộng trở nên sáng sủa hơn.

   Ngọc Anh đến bên Hải và lên tiếng:

   – Em pha cà phê cho hai anh uống nhen? Hôm nay các anh có đi hành quân không?

   – Không, còn em, hôm nay nghỉ ở nhà có phải không?

   – Dạ, hôm nay Chủ nhật mà anh!…

   Sáng hôm nay, cho dù đã uống cà phê ở tại nhà của Ngọc Anh rồi, nhưng Hải vẫn ra ngồi trong chiếc quán cà phê nhỏ trước Bộ chỉ huy Tiểu đoàn, để tán dóc cùng anh em binh sĩ như thường lệ mỗi khi đơn vị nghỉ dưỡng quân. Ðôi khi chàng cũng cùng với đồng đội tụ tập trong câu lạc bộ dã chiến của đơn vị nằm cạnh cây cầu gỗ nhỏ bắt trên con rạch Xóm Chùa và con lộ đá dẫn từ khu chợ mới Cà Mau đến ngôi chùa Phật Quan Âm nằm tiếp giáp với dãy sậy bạt ngàn ở sau chùa.

   Và những tin tức thời sự trên báo chí thường không hấp dẫn bằng những câu chuyện vui buồn đời lính, chuyện ‘‘tiếu lâm’’ về lính mà anh em binh sĩ thường hay kể cho nhau nghe.

   Một anh bạn, không biết anh ta cóp nhặt chuyện ở đâu mà lúc vừa nghe xong giọng kể rất có duyên của anh ta, mọi người cứ ngỡ là chuyện như vừa mới xảy ra tại đơn vị ngày hôm qua và bò lăn ra cười!

   Chuyện chỉ như vầy…‘‘Một hôm, đoàn xe GMC vừa thả quân xuống bãi đất rộng trước khu chợ mới Cà Mau, các bà vợ lính cùng lũ trẻ con chạy ra đón chồng, mừng cha sau một cuộc hành quân dài ngày vừa mới trở về. Không biết ai xúi dại, chắc là ông Thượng sĩ già Thường vụ Tiểu đoàn, đám trẻ con chạy ùa ra và cùng nhau vỗ tay reo lên… ‘‘Tối nay má tao có đồ chơi rồi tụi bây ơi!’’, làm cho các bà vợ lính phải một phen đỏ mặt, thẹn thùng rồi nhn nhau mà cười’’!

   Chuyện khác… ‘‘Một ông Thượng sĩ lớn tuổi, nổi tiếng rất đứng đắn, không bao giờ tìm vô ‘‘động’’ của bà Chín Than ở gần đầu cây Cầu Quây bao giờ. Một hôm, ông nghe lời đám lính trẻ rủ rê vào ‘‘động’’ chơi một lần cho biết với người ta! Lúc trở về nhà, vì có tật hay giật mình làm cho bà Thượng sĩ sanh nghi nên bà bắt ông cởi quần ra cho bà khám xét. Ông Thượng sĩ lúc ‘‘hành sự’’ xong, không biết sơ ý thế nào mà lại mặc vào chiếc quần lót với bề trái lộn ra phía ngoài và có ‘‘dấu vết’’ của một sự… Với tang chứng rành rành, ông Thượng sĩ hết phương chối cãi, bèn xuống nước năn nỉ vợ tha cho “lần đầu lỡ dại’’!

   Nhưng bà quyết chẳng chịu tha cho ông! Bà chạy ra đứng giữa sân Tiểu đoàn, đưa hai bàn tay xuống phía dưới, vừa vỗ bèm bẹp vào đó vừa la to…‘‘cái đồ của bà to như cái nập nà như thế lày lày mà không nấy nại đi nấy cái đồ vớ vẩn”…

   Từ trong ngó ra, thấy Ngọc Anh đang đứng trên cầu nhìn vào trong quán, Hải vội bước ra ngoài và đến bên nàng.

   Ngọc Anh chỉ vào chiếc giỏ bằng tre đang xách dưới tay và nói nhanh:

   – Em đi chợ mua thức ăn rồi, trưa nay anh và anh Phương đến nhà em ăn cơm nhen!

   Trở vào quán, Hải đem chuyện Ngọc Anh mời đến nhà ăn cơm ra nói với Phương, nhưng chàng ta vội xua tay lắc đầu:

   – Tao lỡ có hẹn ăn cơm trưa ở nhà em của tao rồi!

   Hải biết tỏng ngay cái điểm hẹn của Phương là tại nhà của Tuyết và Nga, hai cô nữ sinh mà chàng nhận dạy kèm Anh văn.

   Hải đứng dậy và lững thững bước ra khỏi quán. Bầu trời trong xanh ở trên đầu, hứa hẹn một ngày nắng ấm…

   Hải định đi bộ đến Phòng Thông Tin Tỉnh để ngồi đọc sách báo như thường lệ trong những ngày nghỉ dưỡng quân, để chờ giờ cơm trưa. Nhưng không biết con ma nào đưa đẩy đôi chân chàng đã đến đứng trước sân nhà Ngọc Anh rồi!

   Hải đưa tay lên xem đồng hồ, mới hơn mười giờ sáng! Chẳng lẽ đến đây rồi lại quay về, chàng mạnh dạn bước vào bên trong nhà. Không có ai ở gian nhà trước. Chú Mười chắc đã đi dỡ lờ còn chưa về. Thím Mười hình như còn ở trong phòng. Ngọc Lan có lẽ đã chạy sang bên nhà hàng xóm. Lần theo lối đi rộng giữa hai dãy phòng ngủ, Hải bước thẳng vào nhà bếp. Nhìn quanh, Hải cũng chẳng thấy ai, chàng bèn bước qua cửa hậu để ra sau hè. Ngọc Anh đang ngồi làm cá ở ngoài đó.

   Thấy bóng của Hải vừa ló ra, Ngọc Anh bẽn lẽn nói:

   – Cái anh này, ra đây làm chi không biết nữa!

   – Thì anh ra xem em làm cá, không được sao? Hải đáp.

   Ngọc Anh ngưng tay, cương quyết:

   – Không được, anh vào nhà đi!

   Hải biết rõ là các cô thường hay mắc cỡ khi đang làm việc gì đó, nhất là đang nấu ăn, mà lại có ai đứng bên cạnh, nên chàng trêu nàng già hơn:

   – Em đuổi anh, anh về luôn đó!

   Ngọc Anh thách thức:

    – Anh có gan thì hãy về ngay đi, nhưng nhớ là đừng bao giờ trở lại đây nữa!

   Nghe Ngọc Anh quăng ‘‘tối hậu thư’’ như vậy, Hải đâm hoảng nên chịu thua và lủi thủi trở vào trong nhà.

   Hải leo lên nằm trên chiếc võng mà Lân còn chưa kịp cuộn lại, hai tay vòng ra sau gáy mà nghĩ vẩn vơ. Mới đến đơn vị chưa đầy hai tuần, chàng chẳng biết đi chơi ở đâu để cho vơi đi nỗi buồn nhớ nhà! Căn nhà của chú Mười như là một quán trọ mà khách vãng lai là hai đứa Phương và Hải. Phương bận đi dạy kèm, nên Hải là khách tới lui nơi đây nhiều nhất, thường nhất nên gia đình này xem chàng như là con cháu ở trong nhà vậy.

   Chuyện gì cũng có nguyên do cả. Chỉ là trong một lần đến đây chơi, chú Mười có hỏi Hải về gia cảnh, quê quán ở đâu, sao lại đi đăng lính vào cái nơi tận cùng nước Việt Nam này! Hải đã thật tình nói rõ rằng quê chàng ở miền Tây Ninh nắng cháy da người, nơi có núi Bà Ðen linh thiêng, hằng năm đều có khách thập phương đến cúng bái rộn rịp; có ngôi Tòa Thánh Cao Ðài cao vời vợi, một kỳ quan về kiến trúc ở vùng Ðông Nam Á, có con sông Vàm Cỏ Ðông chảy qua tắm mát cho những cánh đồng lúa bạt ngàn nằm dọc hai bên bờ…

   Chú Mười cũng tâm sự rằng chú và gia đình đã gắn bó với cái xóm Rạch Chùa này đã hơn mười năm qua, là nơi lúc nào cũng có lính, toán này đi thì có tốp khác đến. Có nhiều anh em khi đến đây chơi, họ thường nói dối khi có ai đó hỏi về gia cảnh của mình. Duy chỉ có Hải nói thật tất cả và vì chàng có họ trùng với họ của chú Mười nên chú xem chàng như là một đứa con trai của chú vậy.

   Kể từ đó, Hải đã trở thành một thành viên trong gia đình của chú Mười, và dĩ nhiên, chàng chẳng còn chút ngại ngùng nào mỗi khi sửa hai tiếng chú thím bằng cái tên thân mật hơn là tía má như Ngọc Anh và Ngọc lan đã gọi cha mẹ của hai nàng vậy.

   Phải nói là không có gì vui hơn khi Hải bước vào cái gia đình này, kể từ sau cái Tết Mậu Thân năm 68 và những ngày tiếp theo sau đó. Ngọc Anh và Ngọc Lan lo toan hết mọi bề cho anh trai, kể cả giặt giũ áo quần trận và cơm ăn cơm mang theo mỗi khi chàng đi hành quân. Lần đó, Ngọc Anh đã chuẩn bị và nhét các thứ quân dụng vào trong một chiếc ba-lô cho Hải. Chàng mang nó giao ngay cho anh chàng ‘‘tà-lọt’’ của mình. Và Hải đã bị kẹt cứng về vụ đó!

   Chuyện là, Hải có một chàng ‘‘lính tà-lọt’’ giúp việc linh tinh, mà sĩ quan cấp nhỏ nào cũng có, chả bù với ông Tiểu đoàn trưởng có tới gần một Tiểu đội như vậy, gần bằng với quân số của Trung đội do Hải chỉ huy lúc bấy giờ, kể cả chàng nữa là mười một người, mà có ai dám nói nửa lời nào với ông ta đâu!

   Ngọc Anh đã “rầy” Hải khi biết chàng đã sử dụng ‘‘lính tà-lọt’’, nàng lý luận:

   – Sĩ quan là con người, lính cũng là con người! Tại người ta ít học nên mới làm lính, chớ nếu người ta có học thì họ cũng như anh, vào lính đã là quan liền. Ðã là con người thì phải bình đẳng, quần áo và cơm nước của anh thì anh phải tự cõng lấy. Nói tóm lại là anh phải tự lo cho bản thân mình!

   Hải dư biết là chàng có cãi lại Ngọc Anh, nàng cũng chẳng bao giờ thông cảm cho cái ‘‘thông lệ’’ đã biến thành ‘‘luật’’ từ khuya trong nếp sống quân ngũ. Hải chợt nghĩ, nếu Ngọc Anh là một nữ tướng thì khốn đốn cho đám sĩ quan ‘‘cắt ké’’ như bọn chàng lắm!

   Nhưng Hải lại thử phân trần với Ngọc Anh:

   – Em à, làm sĩ quan là phải lo chỉ huy đơn vị, trách nhiệm đè nặng lên vai, tụi anh đâu có thì giờ để tự lo liệu cho mình, em nói vậy không thấy tội nghiệp cho tụi anh sao? Cấp chỉ huy nào, dù nhỏ hay lớn đều cũng làm như vậy mà!

   – Em tội nghiệp cho anh rồi ai tội nghiệp cho lính? Việc của ông sĩ quan nào khác thì em không có ý kiến gì cả! Riêng anh, em mà biết được anh làm như họ, em sẽ giận anh đó!

    Tuy mới quen nhau chưa được bao lâu, nhưng Hải biết rõ cá tính của Ngọc Anh, khi nàng ‘‘tuyên chiến’’ là nàng ‘‘đánh’’ thiệt đó!

    Nhưng chàng lại tưởng bở, thử đùa thêm với nàng:

   – Anh làm bộ tự mang quân dụng đi hành quân một đỗi rồi nhờ ‘‘tà-lọt’’ mang hộ, em làm sao biết được để mà giận anh?

   Ngọc Anh đưa nắm tay ra vá vá trước mặt Hải và nguýt dài hai đuôi mắt ra để hăm dọa chàng, như thể là nàng đã có cài đặt ‘‘ăng-ten’’ sẵn trong Trung đội của chàng vậy:

   – Thì anh hãy làm thử đi rồi sẽ biết!…Chỉ mới thoáng đó mà đã đến ngày cuối tháng. Kể từ ngày đến phục vụ tại đơn vị này, hôm nay là lần đầu tiên Hải cầm trên tay đồng lương của lính. Trước tiên, Hải đến cảm ơn và trả tiền ăn cơm trong những ngày qua cho chị Ba, xong chàng bay ra Bưu điện Tỉnh để mua cái mandat gửi tiền về cho gia đình.

   Hải vừa mở miệng ra xin cái Phiếu gửi, cô thư ký đã vui miệng hỏi đùa:

   – Chuẩn úy gửi tiền cho ai vậy, cho bà xã ở nhà phải không?

   ‘‘Gửi cho ai thì can chi đến cô’’! Hải nói thầm trong miệng như vậy.

   Nhưng Hải lại đoán mò rằng, đây chắc là câu mà các cô hay dùng để vừa chọc phá chơi với lính, vừa để thăm dò tình trạng gia cảnh, tức là còn độc thân hay đã có vợ con rồi, nên chàng bèn ‘‘trả miếng’’ lại cho cô thư ký liền:

   – Phải, nhưng tôi tìm mãi vẫn chưa có ai để tôi điền tên người đó vào ô ‘‘Người nhận’’ đây, hay là cô cho tôi điền tên cô vào đấy có được không?

   Cô thư ký đang bối rối chưa biết trả lời Hải ra sao, chợt ông Trưởng ty Bưu điện cũng vừa bước đến trao cho cô ta một tập hồ sơ dày cộm.

   Và có lẽ ông ta đã nghe qua câu chuyện đối đáp giữa cô thư ký và Hải lúc nãy, ông vừa chìa tay ra bắt tay chàng vừa cười vui vẻ:

   – Ông ‘‘Tướng’’ nào đến đây cũng đều nói câu ấy cả, mà lần nào cũng vậy, cô thư ký của tôi vẫn chưa chịu điền tên mình cho một ai cả, nhưng lần này chắc là ngoại lệ đó!…

   Hải quay trở lại nhà Ngọc Anh lúc ánh nắng buổi chiều tà hãy còn vương vãi trên ngàn cây ngọn cỏ.

   Còn bao nhiêu tiền, chàng móc ra định đưa hết cho Ngọc Anh, dù biết rằng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để trả các chi tiêu lặt vặt, còn nói chi đến bao thứ vặt vãnh khác như giày vớ, khăn mặt, khăn tắm, quần áo civil mà hai đứa em nuôi đã thi nhau mua sắm cho chàng.

   Thấy Ngọc Anh đang đứng ủi quần áo cạnh chiếc bàn nhỏ kê sát vách gian nhà sau, Hải cầm xấp tiền trong tay đến bên cạnh nàng và ấp úng:

   – Anh chỉ còn có bấy nhiêu thôi, em cầm đỡ đi rồi tháng sau lãnh lương nữa, anh sẽ đưa tiếp cho em nhen!

   Ngọc Anh ngưng tay, nhìn sừng sững vào mắt Hải thật lâu. Chàng vội quay đi để lảng tránh đôi ánh mắt đen lay láy đang nhìn soi bói như thể tìm hiểu một điều gì đó còn tiềm ẩn trong lòng chàng.

   Một thoáng trôi qua, Ngọc Anh bước đến đứng phía sau lưng Hải, hỏi:

   – Anh đi gửi tiền về cho chị chưa?

   – Anh đã gửi đi hồi trưa rồi! Hải đáp nhỏ, nghe chừng như có một vật gì đó đang vướng nghẹn trong cổ họng mình!

   – Như vậy là được rồi! Anh giữ lấy để mà xài, đưa cho em làm chi không biết nữa!

   Hải quay nhanh trở lại và bắt gặp Ngọc Anh đang giương mắt ra nhìn chàng với vẻ đắm đuối khác thường! Và Ngọc Anh chỉ có bước thêm một bước nữa là đã sà vào úp mặt mình trên ngực áo trận của Hải! Một vòng tay khép vội ngang sau vòng eo nhỏ và bàn tay còn lại lướt dài theo suối tóc ôm quanh bờ lưng ấm.

   Kịp đến khi như chợt nhớ lại một điều gì, Hải nhẹ đặt đôi bàn tay mình lên đôi bờ vai mềm của người em gái nuôi và từ từ đẩy nhẹ nàng ra, đúng vào lúc Ngọc Anh cũng vừa tỉnh lại trong nỗi nuối tiếc, bàng hoàng như vừa mới trải qua một giấc mơ vàng thật là ngắn ngủi! Chắc là nàng đã bị hụt hẫng ngay trong những bước chân đầu tiên khi vừa mới bước vào con đường yêu đầu đời, nên đã vội vã quay bước chạy nhanh về phòng.

   Hải biết chắc chắn rằng ở hướng mà mình sắp đi tới sẽ chẳng là một bầu trời đầy hoa gấm và mộng mơ mà sẽ phải trải qua vạn nẻo truông lầy để rồi chỉ đạt được cái đích là ngậm ngùi cho một kiếp người phải khổ lụy vì tình!

   Hải đã không gọi và cũng chẳng chạy theo Ngọc Anh, cho dù chàng cũng như nàng thôi, đang đa đoan một mối tâm sự rối bời trong lòng! Sau bức màn cửa phòng ngủ phía đàng kia chắc chắn sẽ có nệm ấm chăn êm và một ‘‘người tình’’ đang chờ đợi ‘‘người yêu’’ đến để vỗ về! Nhưng nếu phải vào trong đó để chỉ làm nhiệm vụ của một người ‘‘anh nuôi’’ thăm hỏi và an ủi đứa ‘‘em gái nuôi’’ thôi, liệu Hải có cái dũng khí của một đấng trượng phu để trấn áp con tim mình để cho nó chẳng dễ dàng bị ‘‘mù lòa’’ không, bởi chỗ nào trong phòng của đàn bà con gái cũng đều có cắm bảng ‘‘coi chừng tội lỗi’’, nếu như vô cớ sự mà dám xông vào trong đó!

   Với Hải, ngay trong lúc này, chàng không mong ước gì khác hơn là nỗi khổ tâm đang trĩu nặng trong lòng mình và khoảng không gian ngột ngạt đang vây quanh đây được mau lắng dịu xuống, chỉ vừa đủ để giúp cho cả hai tâm hồn vừa mới vượt thoát ra khỏi một trận phong ba suýt chút nữa đã nhận chìm chàng và Ngọc Anh vào hố sâu của tội lỗi, để cho cả hai có được một sự yên tĩnh và bình an trở lại trong nội tâm của mỗi người!

   Hải ngồi bệt xuống chiếc ghế đẩu kế bên và ôm đầu suy nghĩ để rà soát lại những kỷ niệm đã qua giữa chàng và Ngọc Anh. Nàng đã vượt qua bức tường ‘‘anh em’’ giữa hai người rồi hay sao? Còn bản thân của Hải thì trước đây nó đã ở trong cái tâm trạng như thế nào đây? Ðối với Ngọc Anh, Hải nhớ là mình đã khẳng định một điều là chỉ xem nàng như một đứa em gái mà thôi. Hải quả đã chưa dám ‘‘vượt rào’’, cho dù điều đó chỉ là một ý nghĩ vừa mới manh nha trong tâm trí của chàng. Ấy thế mà mấy thằng bạn trong đơn vị, kể cả Phương nữa, đều bàn tán xôn xao và cả quyết rằng Hải và Ngọc Anh đang yêu nhau thắm thiết! Họ đã gán ghép cho Hải một cái tội ‘‘tài trời’’ là đã có vợ con ở nhà rồi mà còn ham hố đèo bồng thêm chuyện thê thiếp!

   Hải nhớ có một lần, Ngọc Lan đi chơi đâu đó chạy về, thấy chàng đang nằm đọc báo trên chiếc võng nhà binh bằng nylon được giăng ra giữa hai cây cột ở chái sau nhà, nàng bèn sà vào ngồi kế bên, hai chân đẩy đưa theo nhịp võng, nũng nịu bắt chàng kể lại chuyện hành quân ngày hôm qua.

   Hải cũng vui miệng thuật lại việc Giang đoàn Xung Phong Cà Mau đã ủi bãi cho Trung đội của chàng tiến chiếm mục tiêu ngay tại một bãi sình lầy đến tận háng. Hải đang ngoi ngóp cùng đồng đội trong cái cảnh tiến thoái lưỡng nan ấy, bỗng nhiên địch ở đâu bên mạn sườn phải bắn tới mấy loạt đạn AK47 làm cho bùn sình văng lên tung tóe xung quanh.

   Hải vội gọi sang đơn vị bạn để báo tọa độ nghi ngờ có địch và xin yểm trợ hỏa lực. Sau mấy dây đạn Ðại liên M 50 trên tàu ban phát, ‘‘những người anh em phía bên kia’’ im hơi lặng tiếng luôn.

   Hải đưa mắt nhìn quanh một lượt, lòng mừng khấp khởi khi thấy đồng đội đều bình an, vô sự. Hải và anh em binh sĩ đã phải vùng vẫy rất khó khăn, ba-lô và quần áo trận lấm lem, nhưng ai nấy đều nắm vững tay súng đưa lên khỏi đầu mà trường lên từng tấc một.

   Nãy giờ, tía đang ngồi bệt trên nền nhà tráng ciment, vừa chăm chú sửa lại mấy chiếc lờ bị hư vừa nghe Hải kể chuyện. Chợt, Hải nghe có tiếng ho húng hắng nhỏ đưa lại từ phía tía. Hải bỏ tờ báo xuống và quay nhìn sang thấy tía đang gỡ cái mẩu thuốc lá vụn đang còn dán trên đôi môi xuống dí vào cái gạt tàn thuốc làm bằng một ống mắt tre khô cắt ngang.

   Nhìn sang Ngọc Lan, tía mắng đứa con gái út của mình:

   – Cái con nhỏ này, may mà gặp anh Hải của mày, chớ gặp thằng nào thì biết tay nó!

   Ngọc Lan ngây thơ hỏi:

   – Biết gì hả tía?

   – Thì hãy hỏi anh của mày đó!

   Tía vừa đáp lời Ngọc Lan vừa quay sang hỏi Hải, trong khi đôi tay vẫn đang chăm chú vào công việc:

   – Bộ hết chỗ thả tụi bây xuống tàu rồi hay sao mà lại nhè ngay cái chỗ đó?

   Hải chưa tìm được câu trả lời cho ổn, nhưng cũng đáp bừa cho xong:

   – Tại lệnh ở trên mà tía!

   – Lệnh gì mà có cái lệnh ác ôn như vậy?…

3-

   Lầm là một chuyện ít khi xảy ra và khó có thể tránh khỏi trong đời sống quân ngũ. Nhưng có thực sự cảm thông với những cái lầm lẫn mà các vị có trách nhiệm ở các trung tâm hành quân thường hay mắc phải là một điều khó nói ra. Biết vậy, lắm lúc chỉ biết có kêu trời, nhưng trời cao nào có thấu! Trong các tấm bản đồ quân sự ngày trước ở Miền Tây Nam Bộ, và chắc rằng ở đâu cũng vậy, các cánh đồng lúa, các vùng ngập nước quanh năm, các cánh rừng ô rô mọc hoang trên các vùng đất thấp luôn có nước thủy triều lên xuống hằng ngày, hoặc các đầm nước rộng lớn, nơi chỉ có cá, đĩa và lục bình sinh sôi nẩy nở,… thường được vẽ bằng những ký hiệu giống như nhau. Thoạt mới nhìn vào, ta lại lầm tưởng rằng đấy là những nơi an toàn, nên các cấp chỉ huy mới đem ‘‘con cái’’ của mình mà ‘‘ném’’ vào đó!

   Hải đã có dịp chứng kiến, trong những lần đi hành quân tùng thiết, nhưng chưa có lần nào được cái may mắn là leo lên ngồi trên những ‘‘khối-sắt-biết-đi’’ đó, cảnh các ‘‘con-cua-sắt’’ của một Chiến đoàn Thiết vận xa M113 đã bị sa lầy ở giữa đồng trống khi đang trên đường đi chưa đến vị trí án ngữ như đã qui định trên Phóng đồ hành quân đã vẽ. Ðơn vị bạn đã chới với trong việc trục kéo nhau ra khỏi cái ‘‘mê hồn trận’’ là một dãy đầm lầy chỉ có lục bình mọc đan nhau chằng chịt một màu xanh bát ngát!

   Và một lần khác, ông ‘‘Ba Râu’’ đang bay thị sát mặt trận trên một ‘‘con-chim-sắt’’ mãi tít tận trên trời xanh. Ông quan sát thấy có một ngư dân đang trút đáy ở một cửa sông chảy ra biển khi nước thủy triều xuống, tưởng rằng hắn ta là ‘‘vẹm’’, ông liền tổ chức ngay một cuộc hành quân trực thăng vận. Từ ngoài biển lộn vào thả ba chục thầy trò của Hải xuống một bãi sình lầy lội đến ngang bụng, dày đặc những rễ cây bần vươn lên tua tủa, mà lúc vừa mới sà xuống, Hải tưởng chừng như đơn vị mình đang rơi vào một bãi đầy chông tre do địch giăng sẵn ở bên dưới, dọc theo một cánh rừng bần mọc sát ven bờ biển. Lúc ấy, chàng tự nghĩ, không lẽ cái ngày tàn không mấy vinh quang chấm dứt cuộc đời binh nghiệp của mình đã đến, mà nơi chốn lại ở tại nơi đây sao? Có lẽ thượng cấp của chàng nghĩ rằng ngư dân kia là một tên địch nghi binh, nên vội vã thả bọn chàng xuống ‘‘hốt’’ vài chục tên ‘‘vẹm’’ trốn trong bìa rừng dễ dàng như lấy đồ trong túi áo ra vậy, nên khi Hải thoát được ra ngoài cái ‘‘mục tiêu kinh dị’’đó, chàng mới hoàn hồn trở lại khi biết rằng mình cùng đồng đội còn cao số, bởi chẳng có một ‘‘mống’’ địch quân nào trong cái mục tiêu này! Nếu không vậy, chỉ cần có một tổ với vài ba tên địch thôi, những viên đạn đồng vô tri của quân thù làm sao phân biệt được đâu là nẻo chánh để mà tránh né, mà tha mạng chết cho bọn chàng được sống còn và thân thể được lành lặn khi trở về với vợ con! Lúc bấy giờ, Hải làm sao có thì giờ để thử làm một bài tính cộng đơn giản là thời giá của ba chiếc trực thăng tải quân là bao nhiêu triệu Mỹ kim, cộng với ba phi hành đoàn là mười hai người và cả ba mươi thầy trò của chàng nữa là bốn mươi hai nhân mạng, là cái giá mà cấp chỉ huy đã đem ra để đánh đổi với  mỗi một ông già ‘‘du kích” quèn mà lúc đơn vị chàng bắt được, ông ta chỉ có tay không và mình trần trùi trụi để khai ra rằng mình là một người dân lương thiện, vì nghèo đói mới đến nơi nguy hiểm này mà làm nghề cá để nuôi vợ con mà thôi!

   Hải chưa có thì giờ để nghĩ cho tường tận về cuộc chiến tranh ‘‘ý thức hệ’’ này sẽ còn kéo dài dai dẳng thêm bao nhiêu năm nữa trên đất nước khổ đau này. Nhưng mỗi khi người lính chiến có bổn phận phải thi hành những cái lệnh tương tự như vậy của cấp trên, là những người được toàn dân giao phó cho trọng trách là chăm lo cho sự an nguy của tổ quốc, Hải cảm thấy chàng và đồng đội đang chơi trò đu dây tử thần với những cấp chỉ huy thay phiên nhau nắm ở hai đầu dây! Và nỗi ám ảnh bởi những cái lầm lẫn đáng sợ đã qua làm cho Hải luôn có cái cảm giác như vừa mới trải qua một giấc mơ kinh hoàng!

   Người ta thường nói, giấc mơ thường không có thật. Điều đó luôn tạo ra mối hy vọng và sự can đảm cứ mãi lớn dần ra giúp cho chàng thêm nhiều nghị lực để hoàn thành nhiệm vụ của người trai thời loạn…

 

   4-

   Thoáng cái mà đã hơn một năm kể từ khi Hải về phục vụ ở một Tiểu đoàn bộ binh trú đóng dã chiến tại thị trấn Cà Mau.

   Và cũng chính ở nơi đơn vị này, Hãi đã bao phen bị bầm dập vì chính câu chuyện tình chẳng đi đến đâu của chàng!…

   Nhà ba má của Hoa nằm trong khu vực đóng quân của Trung đội do Hải chỉ huy. Do vậy, Hải đã quen thân ngay với gia đình này, chỉ vài ngày sau khi chàng đến trình diện đơn vị. Vị Tiểu đoàn trưởng của Hải cũng thường hay đến đây để chuyện vãn cùng Hoa trong những lúc mà chàng dẫn Trung đội của mình đi phục kích đêm để giữ an ninh vành đai cho khu vực đóng quân của Tiểu đoàn.

   Vì mới chân ướt chân ráo về đơn vị này, Hải đã vô tình không hề đoán biết được thâm tâm của ông Tiểu đoàn trưởng của mình ra sao!

   Dĩ nhiên là Hải phải tránh né ngay trong những lần ông ta đến nhà Hoa chơi. Mấy đứa bạn biết chuyện ông xếp đang có ý định ‘‘cua’’ người con gái trẻ đẹp kia từ lâu, nên khuyên Hải phải lưu ý và đề phòng việc có thể bị “đì”!

   Hải đã từng nghiền ngẫm, nên rất thấm nhuần câu nói của người xưa ‘‘cái gì có thể ăn được thì ăn, còn cái gì để cúng thì để cúng’’! ‘‘Tránh voi chẳng xấu mặt nào’’, phải biết như vậy và phải tự lượng sức mình để được an thân!

   Nhưng có điều mà ai cũng rõ là ông xếp cũng đã có một đàn thê tử ở nhà rồi, thì ‘‘chim trời, cá nước’’, nếu như ai ‘‘săn bắt’’ được thì kẻ ấy được hưởng mới là lẽ công bằng trong thiên hạ. Vả lại, Hoa hiện giờ đâu phải là của riêng ai, sao lại có chuyện ghen tương, ganh tị?

   Nếu như phải cùng tham gia trong một cuộc chơi, tất cả những người tham dự đều phải sòng phẳng với nhau. Và nếu như có một ai đó không tôn trọng luật chơi, kẻ đó sẽ phải bị phạt và dĩ nhiên sẽ bị mọi người khinh bỉ!

   Thật là vô lý đến độ Hải đã bị ‘‘đì’’ nhiều lần mà chàng chẳng hề hay biết! Phải thành thật mà nói là gia đình của Hoa đã dành cho Hải những cảm tình nồng hậu, nhất là mấy cô cậu em của nàng đã xem chàng như là anh trai cả của chúng trong gia đình vậy. Trong những lần không bận quân vụ, các đứa em của Hoa thường hay kéo Hải vào nhà chúng chơi và trong những lần như vậy, chàng có dịp xem xét qua bài vở và hướng dẫn chúng trong việc học hành.

   Nhiều khi, Hải đã phải cố gắng giữ cho lòng mình được bình tĩnh trước mặt mọi người mỗi khi các đứa em của Hoa xưng em và gọi chàng bằng cái tên thân mật là anh Tám. Và cũng bởi cả Hoa và Hải đều là những đứa con thứ tám trong gia đình, nên đôi lúc, Hải cảm thấy lòng mình rộn lên một niềm vui lạ, cảm giác như vừa có một dòng nước suối trong nhỏ đang êm ả chảy vào tắm mát tâm hồn mỗi khi nghe ai đó gọi đến tên mình bằng hai tiếng “anh Tám” thân thương đó. Chả bù với đám bạn của Hải cũng thường hay đến nhà Hoa chơi, nhưng chẳng có ai được gia đình của nàng đãi ngộ đặc biệt như đối với chàng cả!..

   Chiều nay, Trung đội của Hải không phải đi công tác tiền đồn.

   Trời vừa chạng vạng tối, Hải leo lên nằm trùm chăn trong chiếc võng nylon được giăng ra giữa hai cây cột gỗ tròn chống dưới mái hiên trước của một căn nhà lá nhỏ lụp xụp nằm cạnh bên hông trái căn nhà gạch khang trang của ba má Hoa.

   Hải miên man nghĩ về những kỷ niệm đã có kể từ khi chàng rời quân trường về phục vụ ở đơn vị này. Chàng không sao quên được trong những lúc mùa đông về rét lạnh, cứ mỗi sáng sớm, đã phải trầm mình trong làn nước bùn sình lạnh lẽo nơi điểm xuất phát! Ðôi khi, cả đơn vị đã phải bì bõm mãi đến nửa đêm trong những cánh rừng tràm dày đặc như nêm để tìm đến một vị trí qua đêm theo như Phóng đồ hành quân đã qui định. Phe địch biết được thói quen của phe ta là ban đêm thường hay thích ngủ trên võng lúc đang hành quân trong rừng, bởi điều kiện trên mặt đất quá ẩm thấp không cho phép anh em trải poncho ra mà tạm ngủ qua đêm, nên chúng thường hay lén phén mò đến và ria phóng chừng vài viên đạn AK47 về phía trước, cao ngang trên mặt đất khoảng một thước để thăm dò tình huống trên lộ trình chúng đang di chuyển.

   Biết vậy, nên để bảo toàn lực lượng, Hải cùng đồng đội trải poncho ra dọc theo hai bên bờ những con kinh chạy dài thẳng tắp được mang tên bằng những con số trong các khu rừng tràm âm u nơi cuối miền đất nước cho chắc ăn. Ðến lúc nửa khuya, Hải chợt nghe lưng mình từ từ thấm ướt lạnh. Chàng ‘‘giật mình tỉnh giấc viễn chinh’’ ngay và ngồi bật dậy, ngó ra thấy mặt nước trong kinh đã dâng cao lé đé đôi bờ và một làn sương mỏng như khói đang ôm mặt nước phản chiếu lấp lánh muôn ánh trăng sao vằng vặc trên quãng kinh dài xa tít!

   Hải không sao xô đẩy được bao nhiêu là câu hỏi đang vương vấn trong lòng khi nghĩ đến thân phận mình và đồng đội, không biết có còn được lành lặn để trở về bên mái ấm gia đình, hay là phải trải thân ngoài chiến địa chỉ vì một cuộc chiến tranh tương tàn, không hứa hẹn ngày kết thúc!

   Hải cũng thường hay liên tưởng đến các sinh hoạt của gia đình mình trước đây trong căn nhà ngói ba gian, vách ván nằm tận ngoài vùng ngoại ô, ven con quốc lộ duy nhất dẫn vào thị xã ở quê nhà. Bây giờ, cha chàng, đã không còn sức lao động hơn vài năm nay, chắc là đang lần ra ngồi vừa để phơi nắng, vừa nhổ cỏ dại bên hè! Thỉnh thoảng, Người ngừng tay, giương to đôi khóe mắt nhồm nhàm, cố thu hết chút thần sắc còn lại để nhìn về phía chân trời xa, trong khi đôi tai Người chỉ còn có thể thâu nhận được chút âm thanh vừa đủ để đoán chừng rằng đó là từng chập những tiếng súng nổ vọng về!

   Lúc tưởng tượng ra cảnh đứa con trai mình đang cùng đồng đội ôm súng xông vào vùng bãi chiến, chắc là hai dòng suối lệ khô kia đã không còn một giọt nước mắt nào nữa để san sẻ cho đứa con thân yêu nơi tuyến đầu lửa đạn và cho cả người bạn đời của mình đã ra đi về cõi Vĩnh Hằng chỉ mới hơn một năm qua!

   Và cứ mỗi đêm về nơi xứ lạ, cho dù có tạm qua đêm làm bạn với lũ đỉa vắt đói máu ở một nơi mà mới hồi chiều đây đơn vị vừa mới ‘‘so găng’’ với mấy ‘‘người anh em’’ có cùng một người mẹ Việt Nam, hay ở một nơi đóng quân dã chiến nằm ven vùng phố chợ hoặc nơi làng mạc xa xôi, hẻo lánh nào đó với dân cư thưa thớt, Hải vẫn luôn nhớ về người vợ trẻ, ban ngày đi làm nghề ‘‘gõ đầu trẻ’’, lúc đêm về chắc là nàng thường hay ngồi bên ngọn đèn dầu hiu hắt, nhìn đứa con thơ đang say giấc nồng mà trông ngóng về một bóng chinh nhân đang trải bước quân hành nơi phương trời xa vạn dặm!

   Bỗng nhiên, gió ở đâu tràn về làm cát, lá bay tứ tung! Chiếc lều poncho của Hải bị tung lên bần bật mỗi khi cơn gió giận đời đi qua! Qua ánh sáng vàng vọt yếu ớt từ chiếc bóng điện tròn treo dưới mái hiên nhà Hoa hắt sang, Hải thấy Lân, Âm thoại viên của Trung đội, đang ngồi co ro trong chiếc poncho cuộn tròn quanh thân và trên đầu chàng, mùng màn tung tay phần phật. Và những giọt mưa bắt đầu rơi nặng hạt trên những mái tôn, mái lá, hòa lẫn với tiếng gió hú rít lên từng chặp tạo thành một thứ âm thanh hỗn tạp nghe ghê rợn, hãi hùng!

   Từ trong chăn, Hải thoáng nghe hình như là có tiếng mẹ của Hoa hỏi vọng ra từ phía chiếc cửa sổ nhà bà:

   – Ai ở bên kia vậy?

   Hải giữ im lặng! Chàng cũng chẳng nghe Lân lên tiếng trả lời. Hải đoán chắc anh chàng này đang ngủ gà ngủ gật trong mưa gió mịt mùng đây!

   Khoảng một phút sau, có tiếng bản lề cửa rít lên trong tiếng mưa rơi tầm tã. Một cánh cửa trước nhà Hoa vừa hé mở. Một vệt ánh sáng trắng do ngọn đèn dạ quang từ trong nhà lùa ra chiếu lấp lánh vào những giọt nước mưa đan giăng xiêng trước quãng sân rộng. Hải đã nhận ra Hoa với cây đèn bão trên tay và đang cùng mẹ nàng bước về hướng mình.

   Hoa bước đến lay nhẹ vai Lân và nàng lính quýnh buông một thôi dài:

   – Ai đây, anh Lân hả? Trời ơi, sao ngồi đây ướt hết rồi nè, tội nghiệp không! Ủa, còn anh Tám đâu, nằm trên võng kia phải không?

   Ðợi cho đến lúc này, Hải mới lòm khòm chui ra khỏi võng. Hải thật bối rối khi đứng trước mẹ của Hoa trong cái hoàn cảnh này! Nắng, mưa, bão bùng, người lính chiến nào cũng đã nhiều lần trải qua cả! Tuy Hải đã có hứng chịu cảnh ấy mấy lần, nhưng chàng cảm thấy nó chưa nhiều, nên chưa xứng đáng đối với mối quan tâm của Hoa và mẹ của nàng trong cơn bão táp đêm nay!

   – Dạ, con xin chào bác!

   – Thằng Tám đó hả?

   Hải chưa kịp trả lời, Hoa đã lên tiếng:

   – Ảnh đó chớ ai, má!

   – Con với chú gì kia, vô trong nhà bác mà ngủ, kẻo bị bịnh!

   Hải thấy ngại vào nhà Hoa trong cái hoàn cảnh này, nên chàng vội vã đáp:

   – Dạ, tụi con không có sao đâu bác à!

   Hoa vội bước đến đứng bên Hải, tay trái nàng nắm lấy cánh tay trái của Hải, tay kia khẻ vuốt nhẹ qua lưng áo trận có thấm ướt chút nước mưa, đoạn day qua nói vừa như phân trần với mẹ nàng, vừa như ra lệnh cho cả hai thầy trò của chàng:

   – Má, ướt mem hết trọi như vầy mà ảnh nói ‘‘không có sao’’, bị cảm lạnh cho mà coi, mau đi vô nhà em mà ngủ, cả anh Lân cũng vậy nữa!

   Mẹ của Hoa thêm một câu, giọng nói như vừa chuyên chở ý trách móc vừa chan chứa tình thương yêu răn dạy ‘‘đứa con trai’’ của bà:

   – Tám, con không nghe lời bác à!

   Vào trong nhà, sau khi thay quần áo trận khác, Hải rón rén leo lên chiếc phản và nằm xuống bên cạnh Lân. Ánh sáng màu xanh nhạt dịu mát từ chiếc bóng đèn nhỏ để trên bàn thờ tỏa ra gian phòng rộng. Hải thấy lòng mình bỗng se lại khi chợt nghĩ đến cảnh anh em còn đang co ro trong những vạt poncho sũng nước trong khi mưa lạnh đang phủ giăng đầy trời mà vẫn giữ vững tay súng ngoài các chốt tiền đồn! Và Hải chẳng thể nào đi vào giấc ngủ, như ý muốn của Hoa, khi chàng liên tưởng đến những cảnh ấy! Bên cạnh Hải, tiếng thở đều đều của Lân đang dìm anh ta say chìm trong giấc ngủ êm đềm.

   Phần Hải, chàng đã nằm yên lặng trong suốt nửa đêm về sáng để nghĩ tiếp về tổ ấm nơi quê xa vời vợi, về cuộc chiến đang xảy ra trên tổ quốc thân yêu giữa những người con có cùng chung một người Mẹ, một dòng máu Việt Nam mà chàng là người trong cuộc và về những tấm lòng của những cư dân tại các địa phương mà chàng có dịp tiếp xúc qua trong những ngày dài hành quân đã qua, đặc biệt là tại nơi đóng quân dã chiến của Trung đội chàng tại khu vực nhà của Hoa đêm nay. Nơi đâu, họ cũng đã xem những chàng trai lính thú xa nhà như chính là con cái ruột thịt trong gia đình họ vậy…

Tuy đã có chủ ý đề phòng, Hải vẫn bị vị Tiểu đoàn trưởng lưu ý và chiếu cố “đì” đến tận tình!

   Ông ta đã chỉ định cho chàng giữ chức vụ Liên Trung đội trưởng Thám báo của Tiểu đoàn, một chức vụ dường như không có trong bảng cấp số của một Tiểu đoàn bộ binh. Mới đầu, khi nghe đến hai tiếng ‘‘thám báo’’, ai ai cũng cảm thấy ‘‘lạnh cẳng’’, đừng nói chi đến việc, ngoài Trung đội của mình ra, Hải còn phải nhận lãnh nhiệm vụ chỉ huy thêm một Trung đội nữa!

   Ðó là một đơn vị nhỏ, quân số bằng hai Trung đội nhập lại và binh sĩ được chọn lựa kỹ càng trong số những chiến binh ưu tú nhất từ các Ðại đội gởi về. Liên Trung đội Thám báo của Hải được trang bị vũ khí và đạn dược đầy đủ và thường được giao cho đảm trách một nhiệm vụ đặc biệt, như dùng chiến thuật Trực thăng vận đưa nó vào một mục tiêu nào đó nghi ngờ có địch để, thanh toán hoặc tiêu diệt đối phương nếu như có thể, hoặc chỉ để thăm dò lực lượng địch. Nếu như địch quá đông thì, cầm chắc cái mệnh là ‘‘anh hùng tử sĩ’’ dễ dàng như vừa mới kết thúc một trò chơi! Nếu may mà sống sót được thì tìm cách báo cáo tình hình về Bộ chỉ huy để nơi đó có biện pháp thích ứng. Cũng có khi, các đơn vị trưởng sử dụng các Trung đội Thám báo, nói là để làm lực lượng trừ bị khi hữu sự, nhưng thực tế là để canh gác phòng vệ tại Bộ chỉ huy lúc các ngài cảm thấy không được ấm lưng trong giấc ngủ sau một ngày hành quân mệt nhọc. Nhưng thường nhất, lúc tình hình chiến sự bớt căng thẳng, các ngài lại đẩy Trung đội Thám báo đi đảm nhiệm trách vụ của một cánh quân tương đương với cấp ‘‘một râu’’, tức một Ðại đội, đi ‘‘sô-lô’’ một mình cách xa Tiểu đoàn (-) khoảng một vài cây số, có lúc ngoài tầm đạn yểm trợ của súng cối 81 ly!

   Không biết trong những lúc ‘‘đem con bỏ chợ’’ như vậy, các ngài đã nghĩ ra sao khi các đứa em của mình phải chiến đấu đơn độc lúc phải chạm súng với một lực lượng địch đông hơn gấp bội phần! Nếu phải như vậy, đám binh sĩ dưới quyền các ngài sẽ cầm chắc cái số là ‘‘khách’’ của một Quân y viện nào đó nếu như may mắn chỉ là bị thương nhẹ hay bị đánh mất đi một phần cơ thể ngoài chiến địa! Nhưng, nếu như họ đã xuôi tay trong sáu tấm ván thô, bên trên có phủ lá quốc kỳ và phía trước quan tài có một vòng hoa mang dòng chữ ‘‘Vị Quốc Vong Thân’’, các ngài có nghĩ về những người vợ trẻ và đám con thơ của họ, đầu chít vành khăn tang trắng quanh những mái tóc hãy còn xanh, đang phủ phục quỳ lạy ở phía trước, vật vã trong nỗi khổ đau, cố nén đi bao tiếng khóc nghẹn ngào nhưng đã không còn cách chi để ngăn được bao dòng suối lệ tuôn tràn dường như không bao giờ dứt! Các ngài có gánh chịu phần nào trách nhiệm trước những thảm cảnh như vậy không? Câu trả lời sẽ là không, bởi vì đâu có ngài nào quan tâm đến điều đó đâu!

   Những buổi lễ ‘‘Tuyên dương công trạng’’ có kèm theo truy thăng cấp bậc và anh dũng bội tinh, cộng với mười ba tháng lương truy lãnh sau này, cho dù có cao quí và có giá trị đến đâu, chắc chắn cũng không đủ để bù đắp lại những mất mát mà thân nhân của những kẻ trận vong kia sẽ phải gánh chịu lâu dài về sau!

   Mặc dầu có nhiều lúc Hải liên tưởng như vậy, nhưng lúc nhận lãnh nhiệm vụ mới, Hải đã không phiền hà gì về sự quyết định của vị Tiểu đoàn trưởng cả, bởi chàng nghĩ rằng mình phải thi hành nhiệm vụ theo lệnh của cấp trên cho dù ở phương vị công tác nào. Trong hàng ngũ sĩ quan Trung đội trưởng, có rất nhiều vị có thâm niên quân vụ nhiều hơn Hải, chẳng lẽ giò cẳng của chàng có phần trội hơn những người khác chăng?

   Ðiều đó không hẳn là như vậy, bởi vì trong lúc đang ngồi uống bia trong Câu lạc bộ dã chiến của Tiểu đoàn, Hải đã thoáng nghe mấy đứa bạn xầm xì với nhau:

   – Hắn ta bị ‘‘sao quả tạ chiếu mệnh’’ mà không biết!

   Ðứa khác tiếp:

   – Ai biểu nó không chịu buông con nhỏ Hoa của ông xếp ra! Tự ‘‘cái số đào hoa’’ đã làm khổ chính bản thân nó thôi!

   Lúc bấy giờ Hải mới ‘‘ngộ” ra là bấy lâu nay chàng luôn chịu bao nỗi gian truân nơi tuyến đầu lửa đạn, vừa cho sự an nguy của tổ quốc, vừa cho sự vinh thân phì da của những cấp chỉ huy không ra gì mà chàng chẳng hề hay biết! Hải nghĩ mình đang thật sự bị trù dập đây sao?

   Và, trong một tíc tắc, do không tự kềm chế được bao nỗi uất ức ở trong lòng, Hải đã phát biểu trước một số anh em trong đơn vị khi trong người đã có chút men cay, làm ai nấy đều ngạc nhiên không ít:

   – Kẻ nào thù vặt tao, đứa đó phải chết!

   Phương đang ngồi kế bên vội hoảng hốt, vừa đưa tay bụm miệng Hải lại, vừa kéo chàng ra cửa giảng cho chàng nghe cái triết lý ngàn đời:

   – Cái thằng ‘‘miệng ăn mắm ăn muối’’, nói năng như vậy không nên!

   Hải chẳng đoán được sự việc sẽ xảy ra như thế nào về sau này. Nhưng có điều chắc chắn rằng chàng sẽ phải ôm niềm hối hận luôn gặm nhấm cõi lòng mình dai dẳng theo từng bước chân qua các nẻo đường hành quân lầy lội, bởi vì chỉ vài ngày sau cái lần Hải thốt lên cái câu nói ngông nông nỗi của mình, ông đơn vị trưởng của chàng đã giẫm đạp lên một quả mìn nội hóa tự chế bằng đầu đạn đại pháo 105 ly do địch quân gài đặt trên một lối mòn nhỏ mà trước đó Hải và hàng chục anh em binh sĩ trong Trung đội đã đi ngang qua!

   Lần đó, Hải đứng lặng lẽ một mình ở một góc của bãi đáp trực thăng với lòng bùi ngùi, xót xa cho một kiếp người! Hải đứng nghiêm, đưa tay lên ngang mày chào lần cuối, sau đó làm dấu Thánh giá để tiễn đưa người bạn chiến đấu đã từng đứng chung nhau trong một chiến tuyến chống lại sự xâm nhập và tàn sát thô bạo của kẻ thù, giờ chỉ còn lại là một khối thịt vụn quấn đầy bông băng trắng nằm tênh hênh, lạc lõng trên chiếc băng-ca trong lòng chiếc trực thăng tải thương đang mất hút dần phía chân trời xa!

   Hải khấn thì thầm trong miệng:

   – Xin lỗi! Xin cầu nguyện cho vong linh Ðại úy sớm về nơi cõi Vĩnh Hằng!

   Sau vụ này, Hải lại càng tin tưởng rằng ai cũng có một định số may rủi của mình! Cảnh hàng hàng lớp lớp chiến sĩ tiến ra sa trường ở phía trước, ngoài lòng yêu nước thương nòi ra, chắc hẳn ai ai cũng đã từng ấp ủ trong lòng một đức tin rằng mình sẽ được sống còn để trở về mà thôi!

   Làm gì có chuyện bị chết bởi một lời nói ngông!

   Suốt buổi chiều hôm đó, Hải cùng anh em đồng đội bận rộn trong việc lo chuẩn bị mọi thứ cho một cuộc hành quân dài ngày vào ngày mai. Tối lại, Hải đến nhà Hoa chơi.

   Cửa trước nhà Hoa đã khép kín, có lẽ ba má và các em của nàng đều đã đi ngủ sớm. Hải theo cửa hậu bước vào trong gian nhà sau. Chiếc máy phát điện xách tay đang nổ xình xịch ở một góc nhà bếp. Hoa đang lo dọn dẹp các thứ vặt vãnh còn lại trên bàn ăn sau bữa cơm chiều, dưới ánh sáng mờ vàng tỏa ra từ chiếc bóng điện tròn thòng xuống từ cây xà ngang.

   Thấy có tờ nhật báo ai để sẵn trên chiếc bàn nhỏ đặt cạnh bên cửa ra vào, Hải bèn ngồi ghé xuống chiếc ghế dựa, dán mắt ngay vào trang báo đang mở rộng. Hải định bụng sẽ ngồi đây, tạm làm bạn với chữ nghĩa để giết thì giờ nhàn rỗi, chờ đợi lúc Hoa xong việc, chàng sẽ đem chuyện của mấy đứa bạn ‘‘to nhỏ’’ về mình ra chia sẻ với nàng cho vơi bớt nỗi lo âu đang gặm nhấm tâm tư mình.

   Nhưng những dòng chữ lớn nhỏ thì như đang khiêu vũ trước mắt chàng!

   Trong khi Hải còn đang suy tính xem phải bắt đầu câu chuyện từ đâu, chàng đã phải giật mình khi nghe tiếng của Hoa từ phía sau lưng:

   – Anh làm sao vậy anh Tám?

   – Sáng mai anh phải đi hành quân rồi! Hải trả lời một câu chẳng dính dáng hoặc liên quan gì đến những điều mà chàng đang bận tâm trong lòng.

   Nhưng, trong cuộc đời thường, vẫn có những trường họp được sự may mắn đưa duyên, dẫn lối giống như là Hoa đã không phải vì vô tình mà giúp Hải có dịp để khơi lên câu chuyện lòng của mình.

   – Vậy sao? Nhưng mà ngoài chuyện nhà binh của mấy anh ra, dường như có điều gì đó mà anh muốn giấu em, có phải không?

   Trong khi Hải còn đang ở trong cái tâm trạng ‘‘được lời như mở cõi lòng’’, vừa muốn phơi bày hết ruột gan của mình ra ngay để mong được người đối diện cảm thông, thì đã nghe Hoa nói tiếp:

   – Em không ép anh phải nói những điều mà anh không tiện nói ra, nhưng em nghĩ, nếu như có chuyện gì đó có liên quan đến em thì anh hãy cho em biết với, có được không anh?

   Nói xong, Hoa kéo thêm chiếc ghế đến ngồi sát bên Hải, nhìn chàng với ánh mắt đắm đuối, vẻ đợi chờ! Và Hải đã không phải đợi Hoa hỏi thêm một lời nào nữa, chàng liền kể lại việc mấy đứa bạn bàn tán rằng ông Tiểu đoàn trưởng đã ghé mắt đến Hoa ra sao, đến việc ông ta vì ganh tị việc chàng đang ‘‘bắt bồ’’ với nàng nên đã đày ‘‘tình địch’’ cho bỏ ghét trong việc chỉ định chàng giữ chức vụ Liên Trung đội trưởng Thám báo. Hoa ngồi im, chăm chú lắng tai nghe, tuyệt nhiên nàng chẳng xen một lời nào vào giữa câu chuyện có vẻ như thống thiết, bi ai lẫn chút ‘‘oan tình’’ của Hải.

   Bỗng nhiên, Hoa quay sang nắm lấy đôi bàn tay Hải, âu yếm hỏi:

   – Anh Tám, anh có thương em không?

   Từ trong thâm tâm của Hải, Hoa trong hiện tại là một hình ảnh dễ thương giống như đứa em gái của chàng ở nơi quê nhà, nên trong những lúc chuyện trò thân mật với nhau, Hải thường xưng ‘‘anh’’ và gọi Hoa bằng ‘‘em’’, cho dù có sự hiện diện của ba má và các em của nàng.

   Ðôi khi, Hải cũng thường hay đùa giỡn với Hoa, khi thì bẹo má, lúc thì nắm gọn lấy đôi bàn tay trắng nõn nà của nàng trong tay mình rất tự nhiên như chàng cũng thường làm như vậy đối với các cô cậu em của nàng.

   Bởi nghĩ vậy, Hải đáp lời Hoa, bằng một giọng nói rất chân tình:

   – Sao em lại hỏi anh như vậy? Em không cảm nhận ra được là anh thương em nhiều lắm hay sao?

   Hình như Hoa đã hiểu lầm câu trả lời của Hải, nàng hỏi lại:

   – Có phải như vậy không đó? Anh nói là anh thương em, vậy chớ chừng nào anh cho ba má em uống rượu mừng đây?

   Hải thoáng bàng hoàng trước câu hỏi quá đột ngột của Hoa! Chàng đang luống cuống, chưa tìm ra câu trả lời thích ứng với cái tình cảm hiện tại mà chàng đã dành cho Hoa tự bấy lâu nay thì nàng đã ngã sà vào lòng chàng rồi!

   Vòng tay “thánh thiện” ôm nhẹ quanh bờ vai nhỏ và cho đến lúc này, Hải mới cảm nhận ra rằng người con gái mà chàng đã đơn thuần mến thương trong tình ‘‘em gái ở hậu phương, anh trai nơi tiền tuyến’’ đã yêu chàng từ lâu mà chàng nào có biết! Hải cố trấn áp để cho con tim mình không thừa cơ hội để tự nó chuyển đổi sang một điệp khúc khác với nhịp đập thường ngày mỗi khi chàng cùng có Hoa ở bên cạnh. Nhưng cho dù cái tấm lòng lương thiện trong con người Hải có bị áp đảo đến mức độ nào đi nữa bởi cơn thác lũ của tình yêu đang dâng lên như nước sắp vỡ bờ trong lòng Hoa, nhằm nhận chìm chàng vào hố sâu của tội lỗi đam mê, chàng vẫn còn có chút lương tri đủ để cho chàng bám víu, vin vào đó mà tìm đường vượt thoát ra khỏi cái ‘‘mê hồn trận’’ mà chàng đang vương mang!

   Hải nhẹ nâng đôi bờ vai nhỏ của Hoa lên và nhìn thẳng vào đôi ánh mắt đen nâu đang giương to ra, vẻ như chờ đợi một câu trả lời từ chính cửa miệng của ‘‘người yêu’’ thốt ra, chàng lên tiếng qua hơi thở dồn dập của mình trong lồng ngực:

   – Hoa à, anh xin lỗi em nhen! Anh đã…

   Hải dừng lại, bỏ dở nửa chừng cái ý mà chàng muốn thú tội cùng Hoa là mình đã có vợ nhà, để rồi có ra sao thì ra!

   Nhưng, Hoa chẳng tỏ vẻ ngạc nhiên, bởi lẽ nàng hiểu rằng những điều Hải sắp nói ra sẽ chẳng thể nào thay đổi được tình thế khi mà nàng đã có cái quyết định từ lâu là vẫn yêu thương Hải cho dù chàng đã có người nâng khăn sửa túi ở quê xa, như lời của mấy bà vợ lính ở đây thường hay bàn tán về chàng.

   Tuy lòng thì nghĩ vậy, nhưng Hoa vẫn đưa hai bàn tay lên bấu nhẹ vào ngực áo trận của Hải để ép chàng phải trả lời dứt khoát cho mình:

   – Anh đã…cái gì, nói mau cho em nghe đi!

   – Anh đã lập gia đình rồi Hoa à!

   Thú tội xong, Hải vội quay mặt sang hướng khác, không phải để trốn tránh những lời phỉ nhổ của Hoa sắp phủ táp vào mặt mình, mà là để không nhìn thấy bao nét u sầu sắp hiện ra trên gương mặt diễm kiều của người em gái hậu phương có lẽ chưa một lần đau khổ vì nhân duyên trắc trở của nàng!

   Im lặng! Thời gian như ngừng trôi!

   Và trong khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi đó cũng đủ để cho Hải nghĩ ra rằng cái câu chuyện tình cảm tốt đẹp mà bấy lâu nay chàng có được ở Hoa và từ nơi gia đình nàng đã đến lúc phải bỏ cái dấu chấm hết rồi! Nghĩ cho cùng thì Hải đã có lỗi trong việc không nói ra rằng mình đã có vợ con ở quê nhà!

   Hải định nói thêm một lời xin lỗi nữa để an ủi Hoa vì chàng lo không còn có dịp nào khác nữa, để rồi sau đó, chàng vui vẻ chấp nhận lời nguyền rủa của người đang đứng trước mặt mình.

   Nhưng Hải rất đổi ngạc nhiên khi thấy Hoa đang âu yếm nhìn chàng đăm đăm với ánh mắt hiền dịu như chẳng có chút hận thù nào trong lòng nàng!

   Và Hoa lại sà vào vai chàng mà khóc nức nở!

   Hải không ngờ rằng mọi việc lại êm xuôi như vậy!

   Sóng gió sẽ chẳng bao giờ nổi lên như giây phút trước đây chàng đang trân mình đón đợi một trận cuồng phong sắp phủ tắp vào đầu mình! Hải đã không xô đẩy Hoa ra nữa, bởi chàng muốn để cho nàng thả trôi hết bao nỗi đau khổ vừa mới ập vào lòng, theo dòng suối lệ tuôn chảy ra nghe chừng như ướt đẫm hết một bên vai áo trận của mình!

   Hải lần tay xoa nhẹ quanh một bờ lưng ấm.

   Một cảm giác dễ chịu, trong phút chốc đã bị muôn ngàn nỗi xót xa đang từ bàn tay truyền dẫn ngược vào tâm hồn Hải, càng lúc càng nhiều hơn khi chàng nghe Hoa kể lể trong nỗi tức tưởi, nghẹn ngào:

   – Anh ơi! Em nghe nhiều bà vợ lính ở đây nói rằng anh đã có vợ rồi, nhưng em lại không tin như vậy! Em có đi hỏi Lân, nó nói rằng đi theo anh đã lâu, chưa bao giờ nghe anh nói đến vợ con gì cả!

   Thật vậy, có ai hỏi gì đâu để cho Hải tâm sự cùng!

   Chàng lặng lẽ rút chiếc khăn tay ra lau dòng nước mắt đang lăn dài từ trên má xuống đôi bờ môi mộng đang mấp máy run run theo từng tiếng nấc nghẹn ngào!

   Hoa ngước lên nhìn vào mắt Hải thật lâu và bằng ánh mắt vương mang nỗi buồn cấu xé ruột gan mình, nàng nói tiếp:

   – Anh có biết rằng ba má và mấy đứa em thương anh lắm không? Em đã để ý và thương anh từ lâu, từ cái ngày mà anh mới về nắm cái Trung đội này đó, anh có biết không? Anh Tám ơi, bây giờ thì em khổ sở đến chết đi được!

   Hải nghĩ, bây giờ chàng có nói lên trăm nghìn câu phân trần đi nữa, cũng chỉ tổ làm cho Hoa buồn thêm, nên chàng lại giữ im lặng! Một sự im lặng không phải để đồng tình cho tội lỗi có thể manh nha trong lúc này, bởi vì trong thâm tâm của Hải, chàng không mong đợi có thêm một người con gái nữa luôn ôm ấp nỗi nhớ nhung của mình bên gối lạnh trong mỗi lúc đêm về mà mơ tưởng đến một bóng chinh nhân đang trải bước chân theo nhịp bước quân hành trên vạn nẻo đường xa!

   Nhưng trớ trêu thay, Hải lại chẳng muốn mất đi người em gái dễ thương này!

   Và, Hải cảm nhận ra con tim trong lồng ngực của người con gái trong vòng tay mình đang gấp rút chuyển đổi sang một tín hiệu khác nhằm đẩy chàng sa vào trong ‘‘vũng lầy của tình yêu’’!

   Hải tự biết là phải tìm cho mình một lối thoát ngay trong lúc này đây! Chàng vội nới lỏng vòng tay đang tự nó muốn vượt rào để phiêu lưu quanh bờ lưng ấm. Nhưng, Hải lại không muốn xô đẩy Hoa ra, bởi chàng lo sợ rằng nàng sẽ đau khổ thêm lên và lúc ấy nàng sẽ không thể nào tránh khỏi sai lầm khi có một quyết định nông nỗi sau này! Vả lại, Hải cũng không muốn xa nàng trong lúc này, để mặc nàng một mình trong cảnh cô đơn với mối sầu trĩu nặng trong tim!

   Nhưng Hải lại không thể tiếp tục cái cảnh ‘‘vai kề vai’’ này được nữa! Chàng từ từ buông xõng vòng tay trái của mình ra và đưa mặt chiếc đồng hồ đeo tay lên ngang tầm mắt. Ðã hơn năm giờ sáng!

   Hải nói nhỏ bên tai Hoa, trong hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ suối tóc của người con gái mười tám:

   – Em đi ngủ đi, anh phải trở về đơn vị vì trời sắp sáng rồi!

   Giọng nói của Hoa nghe thì thầm rất nhỏ, bởi mặt nàng vẫn còn úp vào ngực áo trận của Hải, nhưng cũng đủ cho chàng hiểu rằng nàng đã bình tĩnh trở lại nên đã thốt lên những lời tha thiết trong nỗi đau đớn tột cùng làm bồi hồi con tim chàng trai trẻ trước lúc lên đường ra mặt trận:

   – Không, em biết rằng sáng nay anh phải đi hành quân sớm, nhưng em xin anh hãy ở lại bên em thêm một chút nữa thôi! Ðừng vội xa lánh em trong lúc này! Anh Tám ơi, cho dù tình thế có như thế nào chăng nữa, em vẫn thương anh mà! Em thương anh cho đến giây phút cuối cùng của cuộc sống, anh có biết và có tin như vậy không? Bây giờ thì anh cứ an tâm đi, em sẽ chẳng bao giờ tiết lộ chuyện của chúng mình cho ba má biết đâu! Hãy để cho ba má em được vui trong lúc tuổi già xế bóng của bậc làm cha mẹ lúc nào cũng thương yêu và lo lắng cho đàn con! Hãy để mỗi một mình em gánh chịu niềm đau thôi! Còn anh, nếu như anh còn tiếp tục giữ được hình ảnh của em cùng với mớ hành trang đã từng gắn bó với anh trên mọi nẻo đường hành quân như trước đây là em cảm thấy mình hạnh phúc lắm rồi!…

   Hải thong thả bước trên con lộ đá dẫn về phía ngôi Thánh Thất Cao Ðài – nơi mà đơn vị chàng thường hay tập hợp ở bên hông điện thờ trước khi xuất phát lên đường hành quân – với lòng xót xa hơn lúc nào khác, bởi dư âm của những tiếng nấc nghẹn ngào của Hoa hãy còn lảng vảng bên tai và những giọt nước mắt buồn của nàng vẫn còn thấm lạnh trên ngực áo chàng!

   Hải biết rằng sẽ có nhiều hiểm nguy đang chờ mình ở phía trước và cho dù có bị “đì” đến mức nào đi chăng nữa, Hải cũng vẫn xem nhẹ, bởi vì chỉ có như vậy, chàng mới có dịp để chứng tỏ tài năng của mình cho mọi người trong đơn vị biết, còn việc sống hay chết, lành lặn hay sứt mẻ lúc trở về đều do ‘‘định số’’ mà thôi!

   Làm gì có chuyện bị ‘‘đì’’ đến độ phải mất đi hình ảnh của người em gái dễ thương trong lòng Hải? Chàng chỉ có mỗi e ngại là, với riêng cá nhân chàng thì thế nào cũng được, nhưng với cả một đơn vị nhỏ, trong đó có những anh em binh sĩ dưới quyền chỉ huy của chàng, bắt họ phải chịu đựng dưới áp lực của mọi sự trù dập cùng chung với chàng thì quả thực đấy là một sự bất công đối với họ, bởi vì những chiến sĩ can cường kia đều vô can trong câu chuyện giữa Hoa, chàng và ông đơn vị trưởng!

   Vài phút trước đây, hình ảnh của Hoa tưởng chừng như sẽ phai mờ dần, giờ đang ngự trị trong tâm tư, khiến Hải thấy lòng mình ấm áp lạ kỳ! Hải vươn vai hít thật sâu cái không khí trong lành của buổi sớm mai vào lồng ngực và bỗng dưng, chàng cảm thấy tâm hồn mình như đang bay bổng lên cao như một cánh diều đang say mê nuốt gió, như một cánh én nhỏ đang tìm cách hợp đàn bay đi dệt một mùa xuân thanh bình cho đất nước. Lòng Hải lại rộn vui hơn lúc nào hết khi chàng nghĩ rằng rồi đây mình cũng sẽ được người em gái ở hậu phương tiếp tục theo dõi bước chân chàng đi và luôn luôn cầu nguyện cho chàng được bình an nơi trận tiền.

   Và bây giờ, Hải biết rõ là câu chuyện tình cảm đặc biệt giữa chàng và Hoa rồi sẽ chẳng bao giờ đi đến cái đích như nàng đã từng mong ước và chấp nhận! Hãy để cho Hoa được tiếp tục ôm ấp niềm tin đầu đời của nàng, ít ra là trong lúc này!

   Rồi đây, Hoa sẽ tìm được sự lãng quên trong nỗi khổ đau của nàng! Ðâu có nỗi buồn nào giăng kín mãi trong tim để cho một kiếp người phải luôn nghe tiếng lòng mình khắc khoải suốt đêm dài! Những giọt lệ buồn của Hoa hôm nay rồi cũng sẽ bốc hơi thành mây khói, sẽ phôi pha dần theo ngày tháng trôi qua!..

   Hải rải những bước chân đong đầy những kỷ niệm êm đềm xuống mặt lộ đá lồi lõm. Hải không chối cãi việc mình đã có những ‘‘bước đi hoang” trong tình cảm không mấy gì tốt đẹp, cho dù có đôi chút phương hại đến tình cảm riêng tư của người khác. Nhưng nghĩ cho cùng, chàng cũng đã biết ‘‘đạp thắng’’ đúng lúc cần phải dừng lại ngay bên bờ vực thẳm để cho chuyến xe ‘‘định mệnh’’ không đưa chàng vào hố sâu của tội lỗi, của nhục thể thấp hèn!

   Từ đâu đó vẳng lại mấy tiếng gáy ồ ề của một anh chàng gà trống già nào đó vừa giật mình thức giấc, tuy có muộn màng, nhưng cũng là để góp phần mình vào một nhiệm vụ thiên phú là báo hiệu trời đã sáng!

   Những tia ráng hồng đầu tiên cũng vừa lóe lên phía chân trời đông. Thêm một ngày mới an lành nữa lại về nơi vùng ven của một thị trấn nhỏ ở miền sông nước Miền Tây, cùng lúc với đoàn quân vừa mới bắt đầu lên đường, đang chuyển những bước chân rồn rập trên mặt con lộ đá quen thuộc…

nguyên bông