ĐỌC THƠ TRANG CHÂU

Lời tác giả: Những ngày tháng tự quản thúc tại gia vì thảm họa Covid. Bị trói tay, trói chân. Trói cả mặt mũi, miệng mồm.
Buồn bã! Chán chường! Một nỗi buồn không tên gọi. Một tâm trạng hoang mang. Không biết bao giờ thảm họa này mới chấm dứt… Ngồi buồn, nhìn lên một chồng sách thi ca: thi ca bỏ túi xuất bản trong nước, thơ Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, thơ Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Nguyễn Bính, thơ gần đây nhứt tại hải ngoại: Hoàng Xuân Sơn, Hà Huyền Chi, Trần Văn Lương, Phùng Quán, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Trần Dần và mấy quyển phê bình văn học Hoài Thanh, Võ Phiến, Nguyễn Văn Trung, Thanh Lãng, Trần Hồng Châu (tức Nguyễn Khắc Hoạch) đang nằm lẻ loi cô độc trên kệ sách.
Những quyển sách này người ta đã nói nhiều rồi. Hàng trăm quyển sách, hàng chục ngàn trang sách. Những tác giả hầu hết là bậc thầy của kẻ viết bài này. Cho nên muốn tìm một cái gì mới lạ hơn, gần gũi hơn, thay vì đi theo những khuôn mòn sáo cũ… Nhìn lên kệ sách bên cạnh, tôi thấy có nhiều quyển thơ do bạn bè gửi tặng. Tôi hết sức trân quý vì đó là tấm lòng của những bạn bè. Trong những sách này có một quyển thơ có dấu triện son và chữ ký của nhà thơ gửi tặng với những lời lẽ trang nhã, cung cách ân cần. Tôi vói tay lấy xuống mới biết là của nhà thơ Trang Châu, người đã có thời được bầu làm Chủ Tịch VBVNHN (Nhiệm kỳ 1991- 1993).
Xin thưa rằng tôi chưa một lần mặc áo thụng – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – tôi viết mấy dòng cảm nhận thật thà về thơ Trang Châu. Ngày xưa, tôi đọc thơ như người cỡi ngựa xem hoa. Đọc để giải trí. Học để kiếm cơm. Bây giờ, tôi đọc thi ca với tuổi đã về chiều và cũng đã nếm trải qua bao thế thái nhân tình, thăng trầm vinh nhục. Trong tinh thần và hành trang đó, tôi thử đọc Trang Châu, một tác giả gần gũi với tôi và đã mở cánh cửa tâm hồn cho tôi đi vào thơ ông.
 

I- VƯỜN THƠ TRANG CHÂU. Xin trang trọng bước vào:

Làm thơ là một nghệ thuật – nghệ thuật sáng tạo.

Đọc thơ cũng là một nghệ thuật – nghệ thuật khám phá cái HAY, cái ĐẸP trong thơ. (Nguyễn Hưng Quốc)

Thật vậy, làm thơ là trải lòng mình lên trang giấy, là đưa một thực tại sống động từ trạng thái im lặng đến hiện hữu bằng những chữ thần tình như có linh hồn, hài hòa, cộng hưởng với cảm xúc, âm thanh vần điệu và hình tượng, có sức quyến rũ ma quái đưa người đọc đến một vùng trời mênh mông bát ngát, một cõi thơ lung linh huyền ảo. Nhà thơ viết bằng nhịp đập con tim, hơi thở của buồng phổi, bằng sự rung động của tâm hồn, đôi khi bằng “cả sức khỏe, bằng cả hồn lẫn xác” như Phan Thanh Phước – và cũng nhiều lúc, nhà thơ “trào hồn ra ngọn bút”, “mỗi lời thơ, nét chữ, đều dính não cân của mình, đều quay cuồng như máu vọt”, để rồi “ngất ngư trên vũng huyết” như Hàn Mặc Tử. Và chỉ để sáng tạo một câu thơ, một bài thơ. Giả Đảo thời Trung Đường làm hai câu thơ phải mất ba năm “Nhị cú tam niên đắc. Nhất ngâm song lệ lưu”. Làm 2 câu thơ phải mất 3 năm. Ngâm lên hai hàng lệ nhỏ! Sự sáng tạo của nhà thơ là một sự cảm xúc tuyệt vời, một sự rung cảm chất ngất, mà người khác không có được. Thơ là linh hồn, là sự sống của những chữ, đôi khi là máu, là huyết của thi nhân, là một nghệ thuật của sự sáng tạo tuyệt vời.

Người đọc thơ cũng phải khổ công đi tìm để khám phá cái MỚI, LẠ, CÁI ĐẸP trong thơ. Hàng ngàn bài thơ, hàng trăm tác giả. Điều quan trọng là bài thơ phải gây cho ta một cảm xúc. Mà cảm xúc chỉ có thể nhận bằng trực giác. Nhưng trực giác thì không thể giải thích bằng phân tích, lý luận. Đó cũng là phần không thể giảng của bài thơ. Người đọc thơ phải vất vả đi tìm cái hay ở chỗ nào, đẹp ra sao. Thế nào là đẹp? Ứng dụng tu từ pháp chỗ nào, ý thơ, ngôn từ, âm điệu đào sâu để hiểu ý thơ, giọng thơ hầu khám phá cái Đẹp. Đó cũng là một công trình và nghệ thuật khám phá của người đọc thơ. Nhà thơ là một nghệ sĩ. Mà nghệ sĩ thì thường có một tâm hồn bén nhạy và cách nhìn quán chiếu tận chiều sâu thăm thẳm lẫn chiều rộng mênh mông. Đó là cái “Ý”, tức cái cốt lõi, cái khung của bài thơ, là cách nhìn một hiện tượng, một tình huống. Nói theo Phùng Khắc Khoan: Làm thơ trước hết phải lập “Ý” – là cái xương sườn của bài thơ. “Ý” có sâu sắc mênh mông thì cảm xúc mới lai láng, dạt dào, hình tượng mới cụ thể, sống động. “Ý”, cảm xúc và hình tượng quyện chặt vào nhau, hài hòa, cộng hưởng với nhau, xuất hiện cùng một lúc như sóng vỗ, con tim nhà thơ nhịp đập liên hồi, tăng cao áp suất, hơi thở dồn dập tâm hồn thi nhân tràn ngập niềm rung cảm, cộng với tài năng, bất thần toát ra những ngôn ngữ thần tình, có sức quyến rũ kỳ lạ, sức truyền cảm mạnh mẽ, những xúc động muốn giãi bày, niềm tâm sự muốn gửi gắm. Ngôn từ gợi cảm đã có chất thơ, như có linh hồn, đã thành thơ bay bổng vào cõi thơ lung linh huyền ảo:

Gió lùa ánh sáng vô trong bãi

Trăng ngập dòng sông chảy láng lai

(Hàn Mặc Tử)

Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt

Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây

(Chinh phụ ngâm: Đoàn thị Điểm dịch nguyên văn chữ Hán của Đặng Trần Côn)

Đọc mấy câu thơ trên không thể dửng dưng, lạnh lùng, bởi tác động của những ngôn ngữ thần thánh gây cảm xúc mãnh liệt, có sức quyến rũ ma quái, người đọc rung cảm bồi hồi, tựa như nghe tiếng hát của người ca sĩ đã dứt mà giọng ngân còn kéo dài nhè nhẹ, lan man làm xao xuyến cả tâm hồn. Người đọc nghe như tâm tư mình bay bổng vào một vùng mênh mông, bát ngát…

II- ĐI TÌM ĐIỀU MỚI LẠ TRONG THƠ TRANG CHÂU

Đọc thơ Trang Châu là đi tìm điều Mới, Lạ. Ngôn từ bình dị, mà ý nghĩa sâu xa. Đọc Trang Châu rồi mới hiểu Nguyên Sa: Thơ là “linh hồn, là sự sống” của những chữ tài hoa.

Từ hậu bán thế kỷ 20 – rõ rệt hơn là từ 54 trở về sau – dòng thơ miền Nam dần dần biến chuyển. Thơ không “nương theo trăng ngừng lưng trời” mà thơ đậu xuống mặt đất. Ngôn ngữ thơ mất tính chất đăng đối. Mất du dương. Không vần điệu. Không quy luật. Bứt phá cái cũ. Dòng thơ tiền chiến mất dần. Thơ viết như văn xuôi, lấn đất, chiếm chỗ văn vần. Phong trào thơ cách tân nổi dậy. Đó đây, trên các diễn đàn văn nghệ có những bài viết cổ xúy cho thơ hiện đại, thơ hậu hiện đại, xem nó như một giải pháp cho sự phát triển thi ca Việt Nam. Những phát ngôn này khoác cho các nhà thơ bộ mặt cách tân và chắp đôi cánh bay bổng đến một vùng trời xa lạ…

Điển hình là những nhà thơ Nhân Văn Giai phẩm: Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Phùng Cung và những Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận, Hữu Loan và những khuôn mặt thi văn miền Nam: Võ Phiến, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, trong số đó Trang Châu là một khuôn mặt không thể thiếu trong dòng thi văn này. Thử nghe Trang Châu và Phùng Cung:

Xin em (Trang Châu)

khi nói tiếng xứ người

đừng quên lời xứ mẹ

nhìn giàu sang quê họ

nhớ cảnh khó quê cha.

Xin em

khi sống ở đất hiền

đừng quên người biển khổ

trên thuyền yên bến đỗ

hãy nhớ kẻ phong ba.

………………………..

(Ngưng trích)

Quê Hương (Phùng Cung)

Quê hương ơi!

Đường quan lầy nước mắt

 

Điệu sáo hết du dương

Mây chìm gió ngủ

Chiều nắng da bò

Vẫn nhằm biên giới ưu tư

Rầu rầu đổ bộ

Sông sâu bặt tiếng gọi đò

Chim hãy giùm ta

Gọi cành xanh ngóc dậy

Để một lần

Quê hương thấy lại quê hương (ngưng trích)

Mồ hôi xương (Phùng Cung)

Tặng vợ

Em vất vả

Tối ngày tất tả

Lưng áo em

Ngoang vôi trắng xóa

Cái trắng này vắt tận trong xương

1- Quả thật, Trang Châu là nhà thơ chủ trương đi tìm cái MỚI LẠ, cái độc đáo mà chỉ mình có, người khác không có hoặc có không trọn vẹn. Thể hiện điều mới lạ, Trang Châu đem cả phép toán chia vào thơ, ở một bài khác, cả bốn phép cộng trừ nhân chia vào thơ. Thật mới lạ và độc đáo:

Thi hào Nguyễn Du chỉ sử dụng toán chia đôi: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi”. Thanh Tâm Tuyền: “Nửa hồn thương đau”. Vương Hồng Sển: “Hơn nửa đời hư”. Hà Triều & Hoa Phượng: “Nửa đời hương phấn”. Khái Hưng: “Nửa chừng xuân” v.v… Những văn nhân thi sĩ trên đây cũng chỉ đem phép toán chia đôi vào thơ mình. Đặc biệt hơn, Trang Châu, không những mang cả toán chia, mà cả toán nhân vào thơ:

Tuổi đời tôi

Dù hai mươi nhân bốn

Tôi vẫn nguyện với lòng

Chia bốn làm hai mươi

Để tấm thân già tìm sức sống thanh niên

…………………………………….

Đứng cùng anh chị em

Trong giờ phút vươn lên

Của hồn thiêng sông núi…

(Trang Châu)

Độc đáo hơn nữa, lần này nhà thơ còn mang cả bốn phép toán cộng (+) trừ (-) nhân (x) chia (:) vào thơ:

Ta trừ nhau tuổi muộn

Ta cộng nhau tuổi thơ

Ta chia đều gian khổ

Ta nhân tròn ước mơ

(Trang Châu)

Tuổi muộn tức tuổi già ta phải trừ bớt đi cho trẻ lại. Tuổi thơ tức tuổi trẻ ta phải cộng thêm cho mau thành người lớn. Ước mơ mau trở thành người lớn là ước mơ hết sức thành thật, khi ta còn trẻ. Gian khổ đắng cay ta cần chia sớt. Còn ước mơ ta nhân lên cho tròn. Tâm lý này rất “người” cho mọi lứa tuổi của thế gian. Cộng trừ nhân chia – bốn phép toán khô khan, không chút lãng mạn. Thế mà Trang Châu biến nó thành thơ. Bốn câu thơ rất thơ, rất MỚI LẠ và ĐỘC ĐÁO. Qua những nhà thơ tiền chiến, thơ hiện đại, cả thơ hậu hiện đại, người ta ít thấy nét độc đáo này.

 

2-Bàng bạc suốt dòng thơ Trang Châu, nổi bật những nét MỚI LẠ khác, nhưng là cái mới lạ rất nên thơ:

Mới lạ trong ngôn từ, mới lạ trong tứ thơ, trong tu từ pháp (rhétorique): ẩn dụ và hoán dụ, cả sự luyến láy trong HÒA PHỐI NGỮ ÂM, thể hiện dưới hai dạng: Điệp và Đối.

Từng bước, đọc những bài thơ của Trang Châu, niềm rung cảm lần hồi cuốn hút tôi chìm đắm trong cái lạ lẫm trong ý thơ, trong ngôn từ, trong sự so sánh, trong sự tương phản để tăng cường ý nghĩa của sự việc.

2.1- Ý thơ độc đáo: Đôi tình nhân khi giận hờn nhau, không muốn thấy mặt nhau thì “đâu cần một con đường, một dòng sông, một chấn song”, để làm ngăn cách mà chỉ cần:

“Em chỉ cần gõ cửa tim anh

Và gọi tên một người rất lạ”

(Trang Châu – Đề nghị 1)

Một ý thơ mới lạ, độc đáo không thấy ở các nhà thơ khác. Một con đường – dù xa xôi hiểm trở tới đâu –

khi yêu, dù ở chân trời góc bể, người ta vẫn vượt suối băng ngàn, để tới được. An Lộc Sơn thời thịnh Đường – nửa đêm, phi ngựa ngàn dặm hái trái “lệ chi” còn ngậm sương mai, đem về dâng cho Dương Quý Phi, mong nàng ban cho một khóe mắt thương yêu, hay một nụ cười hạnh phúc. Còn một dòng sông, vượt qua là chuyện nhỏ, một chấn song có thể bẻ gẫy, một bức thành chỉ là một vật thể do con người làm ra thì con người có thể phá vỡ được. Nhưng tình yêu là chuyện của con tim. Con tim đau thì phải chữa trị con tim, không chữa con mắt được. Nguyên là một y sĩ, nhà thơ Trang Châu đề ra một phương thuốc rất “nhà nghề” và chính xác. Muốn làm ngăn cách với anh, em chỉ cần gõ cửa tim anh và gọi tên một người khác, sẽ làm anh đau gấp vạn lần và làm ngăn cách vĩnh viễn với anh.

Ý tưởng MỚI LẠ và ĐỘC ĐÁO nhưng lại rất nên thơ. Em chỉ cần gõ cửa tim anh và gọi tên một người khác. Nếu ai đồng cảnh ngộ, người yêu khi gặp mình ngoảnh mặt làm ngơ hay choàng tay âu yếm với ngưới khác, đọc hai câu thơ này, nghe như chính tim mình bị vỡ ra… đau đớn phũ phàng! Nên thơ ở chỗ nói về mình mà đau lòng ai đó đồng cảnh ngộ và cũng làm thổn thức con tim của những ai đã từng yêu và từng bị tình phụ.

2.2- Ý thơ mới lạ và lãng mạn:

Nếu anh có trong tay cây đèn thần

Anh sẽ ước lên ba điều ước nguyện

Em hãy đến rồi đi

Hãy ở xa và nhớ

Hãy muôn thuở của anh mà không phải của anh

(Ba điều ước – Trang Châu)

Thật là lãng mạn. Cũng thật là mới lạ. Em cứ bất chợt đến rồi cứ bất chợt đi. Nhưng khi ở xa hay bất cứ trong tình huống nào hạnh phúc hay đau khổ thì hãy nhớ anh. Khi em đến, em là của anh, khi ở xa, em không còn là của anh nữa nhưng em hãy mãi mãi nhớ đến anh. Như vậy, em muôn thuở của anh mà không phải của anh. Trang Châu muốn em đến rồi đi. Hồ Dzếnh ngược lại, muốn em hẹn nhưng đừng đến:  Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé. Nếu trót đi em hãy gắng quay về. Tình mất vui khi đã vẹn câu thề.

Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở. Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ. Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa (Ngập ngừng – Hồ Dzếnh)

Ý tưởng thật mới lạ: Em muôn thuở của anh mà không phải của anh. Em đến, em là của anh, khi ở xa em có thể có người yêu, nhưng em hãy nhớ đến anh. Vậy em là của anh khi em đến, em không là của anh, khi em đi. Dù trong cảnh ngộ nào em hãy nhớ đến anh. Vậy em muôn thuở là của anh nhưng không phải của anh. Ý tưởng quái lạ này ít thấy trên thực tế cũng như trong thi ca của người khác. Đọc thơ Trang Châu, ta thường thấy những cái gì lửng lơ, nửa chừng (“Mỗi người đàn bà chỉ nắm được nửa đời tôi” – Băn khoăn)

Quán chiếu với thực tế của cuộc đời hay tự mình soi chiếu vào nội tâm của chính mình, có thể có người đã có một mối tình dang dở, một món ngon ăn nửa chừng, để thấy cái gì nửa chừng, lơ lửng, ước muốn không thành là cái mình nhớ suốt đời như nhà thơ Trang Châu:

Bởi đời anh như con tàu viễn xứ

Mà tình em như bến buộc thuyền mơ

Anh ngại ngùng khi một buổi tiễn đưa

Lòng phải ngấm thêm một lần nước mắt

(Tạ từ Hélène – Trang Châu)

Trang Châu đau khổ: “Hélène ơi! Sao em hiểu được tiếng cười – Trên khóe mắt trong khi hồn nhỏ lệ” – vì anh là con tàu viễn xứ – mà tình em như bến buộc thuyền mơ, nên chúng mình nửa chừng phải xa nhau.

Giọt nước mắt anh là biểu tượng của sự nhớ thương em mãi mãi, đời đời anh vẫn nhớ em.

Không cần phải là nhà thơ, nhà văn, bất cứ ai trong đời thường, có một mối tình dang dở, gặp một món ngon ăn nửa chừng, chắc chắn sẽ ấm ức hậm hực nhớ mãi đến suốt cuộc đời. Nó trở thành một ấn tượng lặn sâu trong tiềm thức, ở đó suốt cuộc đời. Đôi khi nó xuất hiện trong một buổi sáng đẹp trời. Người ấy – vì ràng buộc gia đình, vì sợ tiếng thị phi của đời, đành ôm lấy nó âm thầm sống lại cái giây phút thần tiên đó. Cho nên cái gì nửa chừng, vướng vít nửa vời là chuyện không quên, là chuyện nhớ đời. Văn nhân tài tử thường rung cảm với đề tài này mà sáng tác những khúc hát, những bài thơ để đời. Bình Nguyên Lộc: “Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương” – Thanh Tâm Tuyền: “Nửa hồn thương đau” – Tiên Điền tiên sinh: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi, nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường” – Tuấn Khanh & Hoài Linh: “Quán nửa khuya” – Vương Hồng Sển: “Hơn nửa đời hư” – Hà Triều Hoa Phượng: “Nửa đời hương phấn” – Khái Hưng: “Nửa chừng xuân”. Cái gì nửa chừng, vướng vít, dở dang là nguồn cảm hứng của văn nhân tài tử trên đời này mà cũng là cái nhớ mãi mãi, thương đời đời của bất cứ ai trong cõi ta bà này.

Tác giả “Vang bóng một thời” còn nghe thấu đến tận cùng cái hậm hực dồn nén, ấm ức, cái chiều sâu thăm thẳm của tiếng đàn: “Bá Nhỡ đàn cho cô Tơ hát. Chưa bao giờ cô Tơ thấy rõ cái đau khổ ngậm ngùi của tiếng đàn đáy buổi này. Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không gian. Nó nghẹn ngào, liễm kết cái u uất vào tận bên trong lòng người thẩm âm. Nó là một cái tâm sự không tiết được ra. Nó là một nỗi ủ kín bực dọc bưng bít. Nó giống như cái trạng huống than thở của một cảnh ngộ vô tri âm. Nó là cái tấm tức sinh lý của một sự giao hoan lưng chừng. Nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó là dư ba của bể chiều đứt chân sóng. Nó là cơn gió lọt kẽ mành thưa… Nó là một chuyện vướng vít nửa vời ».

(Chùa Đàn – Nguyễn Tuân, trang 61)

Tiếng đàn mà nghe như một tấm tức sinh lý của một cuộc giao hoan lưng chừng thì chỉ có Nguyễn Tuân – một nhà văn lớn trong những nhà văn lớn trước Cách Mạng tháng Tám, mới nghe được tấm tức sinh lý qua tiếng đàn Bá Nhỡ cho cô Tơ hát. Nguyễn Tuân còn thấy, nghe và hiểu được cái thú uống trà.

Và qua ngòi bút của ông, thú uống trà đã được nâng lên hàng nghệ thuật và tô phở Thìn, phở gánh Hà Nội năm xưa, cùng với Tùy bút sông Đà, Chém treo ngành (trong Vang bóng một thời) là những tác phẩm xuất sắc của người nghệ sĩ này thấy và nghe được tận cùng những gì mà người khác không nghe thấy được.

Tác giả tác phẩm VĂN số 12 hạ bút: Đối với ông văn chương nghệ thuật phải có phong cách Độc Đáo và Mới Lạ. Có lẽ Trang Châu đã chủ trương điều này trước tác giả tác phẩm Văn số 12. Chủ trương của nhà thơ Trang Châu qua những tác phẩm Thơ và Văn của ông, người viết đã chứng minh qua bài thơ “Nếu em muốn làm ngăn cách” và “Nếu anh có trong tay cây đèn thần”. Văn của ông cũng nổi bật sự lạ lẫm, khác người như “Nửa khuya”, “Viên thuốc màu xanh”, v.v… nhưng không phải là đề tài của bài viết này.

Dòng thơ Trang Châu bao gồm nhiều thể loại: Thơ mới, thơ tiền chiến, thơ cách tân, thơ văn xuôi lẫn văn vần. Loại nào ông viết cũng rất “tới”, thành thạo và điêu luyện trong cách sử dụng tu từ pháp (rhétorique).

Ông sử dụng hòa phối ngữ âm trong tu từ pháp, thường biểu hiện dưới hai dạng: Điêp và Đối. Dùng điệp ngữ để làm nổi bật ý thơ:

“Những con thuyền nhỏ, con thuyền nhỏ

Xuôi nước âm thầm ra đại dương

(Về biển Đông – Trang Châu)

Huy Cận và Tản Đà cũng đã từng dùng Điệp ngữ: “Lớp lớp mây cao đùm núi bạc” (Huy Cận). “Non non, nước nước không nguôi lời thề” (Tản Đà).

Người viết còn gặp những câu thơ tiền chiến (theo thể thất ngôn tứ tuyệt), bốn câu thơ làm rung động lòng tôi và tôi tâm đắc nó trong trí nhớ. Khi ngày xuân nhớ bạn hiền bên kia biển Thái bình Dương, nhà thơ tưởng “chông gai cùng sát cánh, nào ngờ thế nước bắt chia tay”, chiều nay tác giả ngồi nhớ lại những chiều bên nhau:

Còn đâu những buổi sương chiều xuống

Mưa lạnh, đường xa, gió heo may

Bấm tay ngồi đếm ngày phiêu bạt

Chợt thấy xuân về trên khóm cây

(Xuân nhớ bạn – Trang Châu)

Ngày xuân, xa cách bạn hiền, ông đành mượn cơn say để giải sầu:

Mày vẫn âm thầm quê cũ sống

Tao phải bôn ba đất nước này

Cách sông, cách núi, lòng không cách

Nhớ mày tao chỉ một cơn say

(Xuân nhớ bạn – Trang Châu)

Những câu thơ rất thiết tha, cách sông, cách núi, lòng không cách. Khi đọc những câu thơ này, người bạn bên kia biển Thái Bình ắt phải thở dài, nén chặt niềm nhớ thương tận đáy lòng để khỏi rơi nước mắt. Lần bước đi sâu vào vườn thơ Trang Châu, lại gặp những điều rất lạ nhưng cuốn hút người viết như lạc vào một vườn hoa đầy kỳ hoa dị thảo:

2.3- Trang Châu và Lưu Trọng Lư – Hai tâm hồn lớn gặp nhau:

Trang Châu:

Kể từ em đến trong mơ

Đêm đêm mộng trải lên bờ gối chăn

(Nhà anh – Trang Châu)

Lưu Trọng Lư:

Ai bảo em là giai nhân

Cho lệ tràn đêm xuân

Cho tình tràn trước ngõ

Cho mộng tràn gối chăn.

(Một mùa Đông – Lưu Trọng Lư)

Hai nhà thơ không cùng thế hệ, cách nhau 27 năm. Lưu Trọng Lư sinh ngày 10-6-1911. Trang Châu sinh ngày 28-3-1938 – tức là Lưu Trọng Lư ra đời trước Trang Châu 27 năm. Thế mà lại gặp nhau trong câu thơ “mộng trải lên bờ gối chăn” và “cho mộng tràn gối chăn”. Thật là một sự tao ngộ kỳ thú của thi nhân tài tử trên đời.

Hoài Thanh phê phán Lư: “Trong thơ Lư, nếu có tả chim kêu hoa nở, ta chớ tin, hay ta hãy tin rằng tiếng kia màu kia chỉ có ở trong mộng. Đó mới là quê hương của Lư… Lư cứ để lòng trôi theo âm hưởng của bài thơ, ngân nga, dằng dặc, buồn buồn. Sau bài thơ, bát ngát một trời đất ta không hiểu, thi nhân cũng không hiểu… “Tôi biết có người trách Lư cẩu thả, lười biếng, không biết chọn chữ, không chịu khó gọt giũa câu thơ. Nhưng Lư có làm thơ đâu. Lư chỉ để lòng mình tràn lan lên mặt giấy.

Thơ Lư nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta.

(Thi nhân Việt Nam tiền chiến – Hoài Thanh & Hoài Chân – trang 303)

Hoài Thanh phê phán: Lư có làm thơ đâu, Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy. Trong đời, nếu ai có cùng tiếng thổn thức như Lư thì hãy trải ra để hòa chung một nhịp với Lư thì hạnh phúc biết bao! Lư đã có người hiểu mình: Hoài Thanh và rất nhiều độc giả của nhiều thế hệ sau. Lưu Trọng Lư là một nhà thơ lưu danh trong văn học sử nước Việt Nam.

Lần bước theo dòng thơ Trang Châu, tôi lại bất ngờ nhận thấy một khuôn mặt khác của nhà thơ – một con người lúc nào cũng tưởng nhớ về quê hương, một người yêu thiết tha Tự Do Dân Chủ, yêu quê hương, yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào, yêu tất cả người Việt Nam lưu vong xứ người.

 

III. TRANG CHÂU- NHÀ THƠ YÊU NƯỚC, YÊU TỔ QUỐC, YÊU ĐỒNG BÀO VÀ YÊU TỰ DO DÂN CHỦ:

Người bạn của Trang Châu, dù mười năm tù cải tạo, chịu cảnh lao động khổ sai, chịu những trò tẩy não, nhưng vẫn giữ vững lập trường trước sau như một là xem sự Tự Do như là không khí để thở, là máu huyết để nuôi thân thể, là một hào khí để giữ vững tâm hồn.

Mười năm tù ngục

Máu Tự Do vẫn chảy trong hồn (Gió Mới – Trang Châu)

Vận nước nổi trôi, khiến hơn ba triệu người dân bỏ nước ra đi, nửa triệu người vùi thây dưới dòng đại dương thăm thẳm… Trang Châu cũng đành rời bỏ quê cha đất tổ, lưu lạc xứ người, nhưng lòng lúc nào cũng thương nhớ quê hương, nhìn đâu cũng thấy quê hương, nhìn lá vàng xứ lạ mà tưởng như là quê hương mình:

Lưu lạc phương trời, lòng một phương

Rừng thu vàng úa lá quê hương

Nao nao tiếng hát buồn rười rượi

Côi cút người đi vạn dặm trường

(Bên giòng sông Cửu – Trang Châu)

và:

Ta về hẹn với dòng sông Cửu

Nối lại bờ chia một nhịp cầu

Xanh xanh mái tóc bên đầu súng

Áo trắng thương thương áo bạc màu

(Bên giòng sông Cửu – Trang Châu)

Chẳng những nhớ thương mà còn mong ước trở về làm người áo trắng bạc màu, mái tóc xanh xanh bên đầu súng. Quả thật là tha thiết với quê hương, trăn trở trong giấc ngủ, thể hiện trong lời thơ.

Nhớ thương quê hương đất nước, nhưng tấm lòng ông còn trải rộng đến các em bé Việt Nam với lời nhắn nhủ khi nói tiếng xứ người nhưng đừng quên lời xứ mẹ, khi sống ở đất hiền đừng quên người biển khổ.

 

Khi nói tiếng xứ người

Đừng quên lời xứ mẹ

Nhìn giàu sang quê họ

Nhớ cảnh khó quê cha

Khi sống ở đất hiền

Đừng quên người biển khổ

Trên thuyền yên bến đỗ

Hãy nhớ kẻ phong ba.

(Một lời xin – Trang Châu)

Tấm lòng nhân đạo của nhà thơ chứa chan tình người, thấm đẫm tình đồng bào đang bơ vơ nơi xứ lạ quê người.

Trang Châu lẫm liệt đứng một mình, không giống các nhà thơ khác. Nói đến giòng sông Cửu là để nhắc đến quê hương, lưu lạc quê người nhưng lòng vẫn một phương. Mùa thu xứ người lá vàng úa mà nhà thơ vẫn thấy màu lá quê hương.

Ngược lại, Nguyên Sa: “Mai anh về giữa bến sông Seine/ Anh về giữa một giòng sông trắng/ Là áo sương mù hay áo em”. Nguyên Sa mơ màng tìm người yêu mà chỉ thấy sương mù và bóng trăng…

Cung Trầm Tưởng tả cảnh biệt ly với người yêu: “Lên xe tiễn em đi/ Chưa bao giờ buồn thế/ Trời mùa Đông Paris/ Suốt đời làm chia ly”. Cũng là cảnh buồn tiễn biệt người yêu.

Cả hai nhà thơ nói đến sông Seine hay Paris cũng chỉ là nói đến tình yêu trai gái. Trang Châu trái lại, mỗi lần nhắc đến giòng sông Cửu là lòng thương nhớ quê hương nổi dậy: “Ta về hẹn với dòng sông Cửu/ Nối lại bờ chia một nhịp cầu/ Xanh xanh mái tóc bên đầu súng/ Áo trắng thương thương áo bạc màu”.

Điểm sáng chói nhứt của Trang Châu là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu Tự Do Dân Chủ. Tất cả đều thể hiện trong dòng thơ Trang Châu.

IV. ĐI TÌM CÁI ĐẸP TRONG THƠ TRANG CHÂU

Với khả năng dù khiêm tốn, nhưng cảm nhận là chân thành, cảm xúc là sự thật, tôi đi tìm cái ĐẸP trong vườn thơ Trang Châu.

Làm đẹp tư tưởng là chủ đích của văn. Làm đẹp ngôn từ là chủ đích của thơ. Mà thơ là linh hồn, là sự sống của những chữ tài hoa. Trang Châu tận dụng tu từ pháp (rhétorique): ẩn dụ và hoán dụ cho câu thơ mình đẹp lên. Nhưng ẩn và hoán dụ, người ta xài nhiều quá thành khuôn mòn sáo cũ. Các thi nhân tìm cách làm cho nó mới hơn.

Lưu Trọng Lư: Mắt em là một dòng sông/ Thuyền ta bơi lội trong dòng mắt em.

Đinh Hùng: Dĩ vãng dầm mưa lén bước về/ Áo trùng, mây tỏa, mặt sầu che/ Run tay ấp nửa bàn chân lạnh/

Thương những con đường mưa cuốn đi.

Trang Châu: Bạn đi để lại thương cùng nhớ / trên những vành tang trắng nhớ thương.

Trang Châu dùng điệp ngữ, đối ngữ để làm đẹp câu thơ:

Quen nhau như thể quen nhau thuở nào. (Điệp ngữ)

Niềm đau không có tuổi – Nỗi buồn không có tên (Đối ngữ)

Ngày đơn chiếc đợi – đêm mòn mỏi trông (Đối nghĩa)

 

Cái đẹp trong thơ Trang Châu có thật nhiều:

Trong ta từ độ đời xa xứ

Lòng trắng lòng như tay trắng tay

Tuổi già như lá rụng mùa đông, đọc thơ ông nghe ấm trong lòng.

Cái ĐẸP của một bài thơ có thể là cái HAY- dù cái hay chưa chắc là cái ĐẸP, không thể phân tích bằng lý trí mà chỉ cảm nhận bằng trực giác. Cảm thơ như cảm một mùi hương, cảm một công trình nghệ thuật, một bức tranh, một bài hát. Cảm mà không biết tại sao. Đã là cảm thì không thể giải thích bằng lý trí.

Cảm là việc của con tim. Con tim và lý trí không đi cùng một con đường. Thơ hay là thơ, lời đã cạn mà ý chưa hết. Đọc xong bài thơ mà ý tình còn lan man mãi trong tâm hồn. Một thoáng tâm tư, một cõi lòng nào đó còn lẩn khuất sau bài thơ, một xôn xao thầm kín có khi ta thấy chính là tâm sự của chính ta. Giống như giọng ca của người ca sĩ hay là hay ở giọng ngân dài sau tiếng hát. Giọng ngân dài nhỏ dần, kéo dài rồi mất hút… làm xao xuyến tâm tư người nghe, rung động tận làn da thớ thịt.

Riêng kẻ viết bài – Đọc thơ ông mà nghe lòng thương cảm bồi hồi. Một cuộc đời sóng gió, lao đao, những cuộc tình nửa chừng gẫy đổ, nỗi cô đơn dằng dặc tâm hồn, ít người hiểu được ông: “người hiểu ta xa như bờ núi thẳm, người ở gần như khối đá vô tri”. Ông nguyện ‘’trọn đời làm con đường thẳng, dù tình đời chỉ là những khúc quanh’’… Về tình yêu, chính ông quan niệm cuộc tình của ông khác người: “Mỗi người đàn bà chỉ nắm được nửa đời tôi. Và họ yêu tôi với ít nhiều tuyệt vọng”. Chính ông quan niệm tình yêu chỉ có phân nửa. Có lẽ cuộc đời nghệ sĩ tính của ông khiến ông sống tận cùng cái bản ngã nghệ sĩ của ông. Biết đâu đó là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ. Dẫu sao – tôi đã tìm thấy cái Mới Lạ và cái Đẹp trong vườn thơ Trang Châu.

V. DÒNG THƠ CÁCH TÂN TRONG VƯỜN THƠ TRANG CHÂU:

Biến thiên là định luật muôn đời của Tạo hóa. Càn khôn vũ trụ thay đổi. Chiếc kim đồng hồ không đi ngược chiều. Thời gian không bao giờ ngừng lại. Con người cũng bị cuốn hút theo dòng thời gian biến động. Ta không còn là ta sau một tích tắc đồng hồ hay một sát na thời gian. Dòng thi văn cũng vậy, cũng biến đổi theo thời gian. Dòng thơ tiền chiến mất dần tính cách đăng đối, hài hòa, vần điệu du dương. Nhà thơ ngày nay, từ bán thế kỷ 20 hay rõ rệt hơn là sau 45 – mở rộng mọi cánh cửa tâm hồn để cuộc đời ào ạt đi vào. Nhưng, cuộc đời vốn không bằng phẳng, êm xuôi mà nó trần trụi, sần sùi, ngoằn ngoèo, phức tạp, không suôn sẻ thẳng tắp, không nhẹ nhàng thi vị như Nguyên Sa phát biểu: “Vần thơ nếu luôn luôn thật sát thì sẽ nhàm chán. Vần không sát, thậm chí, lạc vận, nếu sử dụng đúng cách, đúng chỗ, vẫn ra một bài thơ hay. Vần thì có: Vần chính, vần thông, vần cưỡng ép, lạc vận. (Hồi ký Nguyên Sa)

Thơ tiền chiến xa rời cuộc đời. Thơ ngày nay gần gũi và phản ảnh cuộc đời.

Đó là lý do xuất phát dòng thơ cách tân. Và:

“Thơ không còn là món trang điểm ở cung đình, món đưa cay trong buổi tiệc, cái áo giáp cho người ta phùng xòe trước đám đông, những khẩu hiệu để người ta biểu dương lực lượng. Mà thơ ngày nay là chiếc nạng vững chắc cho người già, chỗ dựa cho người thất thế, từ đó, đứng lên làm lại cuộc đời.” (Nguyễn Mộng Giác). Phùng Quán cũng có nhận xét tương tự: “Có những phút ngã lòng, vịn câu thơ mà đứng dậy.”

Trang Châu là một nhà thơ nhạy cảm trước dòng đời biến động và luôn luôn chủ trương đi tìm cái MỚI LẠ. Nhưng cái mới lạ độc đáo của Trang Châu là sự “MỚI LẠ CHỪNG MỰC”, không ồ ạt quá khích, có thể làm hỏng bài thơ của mình vì không gợi được cảm xúc trong lòng người đọc. Bài thơ không gây cảm xúc là bài thơ hỏng, bài thơ không phải thơ. Thơ cách tân của ông mới về hình thức lẫn nội dung nhưng vẫn còn phảng phất hơi thơ cũ, bàng bạc mơ hồ những âm thanh, vần điệu rất nên thơ. Người đọc vẫn rung động và cảm nhận được sự thể hiện của cuộc đời ở khía cạnh tích cực nên thơ của nó. Bài thơ “NẾU HÔM NAY” chứng minh luận cứ này:

nếu hôm nay

tôi còn hai mươi tuổi

tôi sẽ về

dù gió sáng mưa đêm

tôi sẽ về

chia sớt với anh chị em

niềm tin cùng hệ lụy

tôi sẽ về

ngày đi đêm nghỉ

tôi sẽ về

bằng khối óc con tim

tôi sẽ về

góp trắng thay đen

Nghiêng vai cùng gánh vác.

(Ngưng trích)

Người đọc vẫn nghe phảng phất những âm thanh vần điệu tuy không chặt chẽ, đăng đối như thơ tiền chiến nhưng vẫn cảm nhận được vần điệu nhè nhẹ ẩn khuất trong bài thơ và ý nghĩa cao đẹp của một người “không còn 20 tuổi”, mà tấm lòng vẫn muốn cùng anh chị em vùng lên đấu tranh đòi quyền sống, đòi Tự Do Dân Chủ cho quê hương Tổ Quốc.

Dùng ẩn dụ (métaphore), để làm đẹp tư tưởng là chủ đích của văn, làm đẹp ngôn từ là chủ đích của thơ. Trang Châu dùng điệp ý (“tôi sẽ về”) để nhấn mạnh, để làm nổi bật ý “tôi sẽ về” dù gió sáng mưa đêm, ngày đi đêm nghỉ, “tôi sẽ về” bằng khối óc con tim, “tôi sẽ về” góp trắng thay đen, nghiêng vai cùng gánh vác… Ngôn từ bình dị mà ý nghĩa sâu xa.

Đọc thơ Trang Châu, độc giả còn thấy mùa xuân trong mùa hạ:

Trong cây khô lá

Anh thấy màu tươi

Trên cánh hoa tàn

Anh thấy bình minh

Khi chiều nắng nhạt

Anh thấy mặt người gần

Trong ánh mắt người xa.

 

VI. CUỘC ĐỜI TRANG CHÂU: Một cuộc đời sôi nổi, đầy sóng gió và rất cô đơn. Nhà thơ tự thán:

Đời yên, ta chẳng là ta nữa

Ta chỉ là ta khi bão lên

(Tình ta – Trang Châu)

Cái ta thật của Trang Châu là cái ta khi bão lên, nghĩa là khi có sóng gió, bão bùng thì cái ta thật của Trang Châu mới hiện ra. Nếu thật vậy thì người nghệ sĩ Trang Châu sống trọn vẹn cái nghệ sĩ tính của mình, sống tận cùng cái bản ngã nghệ sĩ của mình. Dường như đó là cái hạnh phúc của người nghệ sĩ Trang Châu. Nhiều lúc rất cô đơn, không ai hiểu mình: “Ta trót sinh đứng bên lề cuộc sống/ Mang cô đơn lầm lũi một mình đi/ Người hiểu ta xa như bờ núi thẳm/ Người ở gần như khối đá vô tri./ Những tình yêu ta đã cho và nhận/ Những buồn vui như bọt nước mong manh.

Tuy nhiên, cuộc đời dù sóng gió, sôi nổi nhưng có lúc phải dừng bước giang hồ tìm một tổ ấm. Trang Châu cuối đời sung sướng gặp được người:

em như tuổi mộng không già

tình chan chứa đọng trong tà áo bay

…….

từ thân lữ khách không nhà

em dang tay đón môi ngà ngọc dâng

dẫu ta cát bụi phong trần

cũng xin rũ áo một lần nghỉ chân

Nhà thơ bây giờ dừng bước giang hồ, hạnh phúc với tình yêu chân thật:

Ta về bỏ gió băn khoăn

Bỏ mây lơ lửng, bỏ trăng ven đồi

Bỏ buồn, bỏ nhớ khôn nguôi

Làm con tim nhỏ cuối đời yêu em

Xin thành tâm chúc nhà thơ sống hạnh phúc với người yêu trong tổ ấm cuối đời.

T.B: Vì khuôn khổ của một bài viết không cho phép. Vườn thơ Trang Châu còn nhiều điều chưa được nói đến. Bởi có nhiều cái LẠ về ngôn từ, về tứ thơ, về nghệ thuật sử dụng hòa phối ngữ âm, về sự luyến láy và trên tất cả là tấm lòng yêu nước của nhà thơ dù tuổi đời đã qua con số tám nhưng nhà thơ vẫn muốn góp sức với tuổi trẻ vươn lên cùng với hồn thiêng sông núi. Tấm lòng đó đáng trân quý biết bao!

 

LÊ QUỐC*

Hè năm 2022

 

………………………………………………………………………………………………………………..

*Nhà văn Lê Quốc là tác giả tuyển tập văn Một Góc Trời Quê xuất bản năm 2016. Trước 1975, sau khi đậu Cử nhân Văn khoa và tốt nghiệp Cao học Kinh tế-Tài chánh, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, ông làm Thanh tra Tiểu học rồi Giáo sư Trung học Đệ Nhị cấp, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, sau cùng là Đốc sự Hành chánh (Phó Trưởng ty Thuế vụ Quận 6-11 Đô thành Sài-gòn và Gia-định). Ở hải ngoại ông có bài viết đăng ở các tạp chí Nghệ Thuật, Làng Văn, Thời Báo, Sàigòn Nhỏ, Tân Văn, Đồng Nai Sông Cửu, Người Việt Montréal.