Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Hai câu thơ rất nổi tiếng trên của Bùi Giáng mở đầu bài “Chào Nguyên Xuân” trong tập thơ Mưa Nguồn xuất bản năm 1963. Mấy chục năm qua rồi mà hai câu lục bát trên vẫn là một bí ẩn; cũng như ngay cả con người Bùi Giáng, xưa và nay, luôn là một bí ẩn dưới ánh mặt trời, để rồi từ giai thoại biến thành huyền thoại với những câu chuyện chọc phá thiên hạ theo kiểu Ba Giai Tú Xuất. Trong lịch sử văn học Việt Nam trước và sau ông chắc không còn ai có được cung cách viết và sống như ông. Ông rong chơi đây đó tối ngày mà không hiểu tại sao có thể sản xuất ra vô vàn tác phẩm. Người đời chỉ biết lắc đầu chịu thua và cho ông là thiên tài. Ông thường lang bạt đầu đường xó chợ, bạ đâu ngủ đấy, xin gì ăn đó, tự hủy cùng cực, vậy mà thơ vẫn cứ tuôn vô tận. Miễn cưỡng lắm chúng ta có thể xếp Chiêu Lỳ Phạm Thái gần gần ông mà thôi, bởi vì Phạm Thái chỉ mới say thôi chứ chưa điên.
Bùi Giáng tỉnh hay điên? Mà nếu điên thì cũng không phải cái điên bình thường. Cái điên của Bùi Giáng lung linh bao la trí tuệ, tràn ngập không gian cảm ứng và hun hút vực sâu ngộ thức. Những ngoại ngữ Anh, Đức, Pháp, Hán chả biết ông học ở đâu ra nhưng chuyển ngữ thần sầu, viết tiểu luận triết học Tây phương, nhận định phê bình từ Huyện Thanh Quan đến Nguyễn Du, rồi Tản Đà, Hồ Xuân Hương, Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường. Có thời bỏ học đi chăn dê trong vùng núi đồi Trung Việt. Có một thời gian làm giáo sư. Có lúc nổi hứng ông lại bỏ tất cả, cầm cọ đòi làm họa sĩ. Nhưng tất cả những thứ đó chỉ là trang sức cho một thi năng siêu huyền chưa từng có trong văn đàn Việt Nam. Mai Thảo nói về ông như sau: “Bùi Giáng chất ngất một trời chữ nghĩa, Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương… Sự hình thành một tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn còn là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn nụt, cái bất tuyệt thao thao, cái chớp mắt đã là của nó… Bùi Giáng đã đem lại cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận.”
Bùi Giáng, có thể nói, tái phát minh lục bát và sống chết với thể thơ lục bát. Nhiễm nặng Kiều, ông cho là tất cả triết lý đều nằm trong truyện Kiều. Họ Bùi hay lấy Kiều rồi nhào nặn, xào nấu theo gia vị của riêng mình. Có người chê, cho là đạo thơ. Nhưng hãy gác lại chuyện đó. Dù khen hay chê, ai cũng phải công nhận thơ ông vô tiền khoáng hậu. Chữ nghĩa biến hoá như phù phép. Tâm hồn và cuộc đời ông là những mảnh lục bình nổi trôi như nàng Kiều − héo hắt để tang mãn đời cho một Từ Hải uất ức, oan khiên.
Tài hoa của ông là một hiện tượng về ngộ thức ngôn ngữ. Cách xử dụng ngôn ngữ ra ngoài những quy ước. Bỏ hết những ràng buộc giáo điều, Bùi Giáng xé rào đi hoang với thuật ngữ riêng của ông. Đọc thơ ông cần có riêng một cuốn tự diển Bùi ngữ. Thơ ông như chiếc thuyền nan xuôi dòng đang được loay hoay, hoạt kê chèo chống bằng gã đười ươi lông xù nhe răng cười nhân thế. Nhưng cuối cùng con đười ươi cà rỡn này hiên ngang là trạng sư cho phái thơ thuần Việt: “Chúng ta quen thói ngóng chạy theo đuôi mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào cả để thể hội rằng lục bát Việt Nam là cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba bảy sông hồ” (Thi Ca Tư tưởng). Chỉ có ngông sĩ mới lộng ngôn được như vây! Và cũng chỉ một mình ông nặng lòng với lục bát đến như thế!
Vì lẽ đó, đi tới đâu, ông rắc thi hoa tới đó. Chúng ta hay gặp ở Bùi Giáng những câu “Kiều sắc” tự vấn-đáp nghe ngô nghê dân dã mà xoáy vào tim óc, chạnh lòng, đau đáu:
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
(Chào Nguyên Xuân)
Cũng có khi nhẹ nhàng man mát lụa tơ, lãng mạn vô ngần, có thể hiểu lầm là của Nguyễn Bính hay Hồ Dzếnh:
Áo vàng xin dệt cho em.
Tơ vàng ai lựa sợi mềm tay đan.
Mai sau để lại hoe vàng.
Cầm nghe có thịt da nàng ở trong.
(Dệt Áo)
Nhưng cuối cùng chúng ta sẽ bị bắt buộc trưc diện những câu nặc “Bùi phái”, không lầm vào đâu được. Đó là những dấu hỏi lớn lao ở con đường rẽ đôi, ngã ba đường, đường thu chia ngã, hay giữa đường. Người gặp người. Tôi gặp Tôi. Thân Xác gặp Linh Hồn. Tương Lai choảng đụng Quá Khứ (Big Bang) ở Hiện Tại. Và sau khoảnh khắc đó là định mệnh nổi trôi, tiếp tục cuộc hành trình miên man vô định.
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
(Chào Nguyên Xuân)
Hay:
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không?
Ta đi còn gửi đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù?
Những thương nhớ lạnh bao giờ
Đường thu chia ngả chân trời rộng thênh…”
(Mai Sau Em Về)
Bùi Giáng với những câu như vậy thành công ở chỗ tạo âm vang và gây ấn tượng với người đọc. Người đọc bắt buộc phải dừng chân, lấy lại hơi thở, lắng nghe tiếng hát hớp hồn của loài ngư nữ cổ Hy và, song song đó, thưởng thức tranh họa trừu tượng bằng mầu đen huyền hoặc của Van Gogh.
***
Có người khen thì cũng có người chê. Trần Hữu Thục, rất khắt khe, bảo: “Nói cho rõ ràng ra, thơ của Bùi Giáng dở. Trừ một số câu thơ hay – chưa hẳn là rất hay, còn lại hầu hết thơ ông đều dở”, “Ta có thể nói, cái dở trở thành tính cách của thơ ông”. Thụy Khuê trong bài “Hiện Tượng Bùi Giáng” kết luận rằng: “Ở Bùi Giáng hình như không có sự tự giới ấy. Cho nên biết bao lần người đọc tiếc, giá Bùi Giáng đừng ham chơi, chịu khó dừng lại ở chỗ đáng dừng để những câu thơ sáng giá như (…) khỏi bị lọt vào khu rừng hoang, ôm đồm những lời thơ vội vàng, mọc lên như cỏ dại.”
Riêng tôi lại cho rằng những câu “dở” là sự hiện hữu tương đương ắt phải có cho những câu “hay”, cũng như “vật” và “phản vật” trong vật lý vũ trụ, hay âm dương nhị nguyên của đạo. Thiếu cái này thì chẳng bao giờ có cái kia. Chúng ta hay vội xét đoán “một thi sĩ thần thế ấy sao lại có những cái dở tệ thế kia”. Chúng ta hãy nhìn vào cách làm thơ của ông trước khi xét đoán thêm. Mai Thảo kể rằng: “Tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật. Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ (…) Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng viết, thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả. Như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, xa quá, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút, từ đầu ngón thôi (…) Lần đó, tôi đã thấy, đã hiểu tại sao Bùi Giáng, cứ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi.” Cứ thế, Bùi Giáng làm thơ không cần đắn đo, làm thẳng một lèo như viết thư pháp, hay dở đều lộ thiên cho thiên hạ xem. Vì sao? Vì Bùi Giáng làm thơ không phải cho đại chúng, trước hết là cho chính mình, như lời độc thoại trong đêm vắng; với tính tình của Bùi Giáng, chắc ông không cần tri kỷ. Và nếu nói như Thụy Khuê − một Bùi Giáng biết trang trọng gọt dũa chỉ xòe ra thơ “hay” mà thôi − thì thật sự: Bùi Giáng mà chúng ta đều biết đã chết từ ban sơ rồi!
***
Hồi còn nhỏ, vào một buổi trưa nắng hè, lần đầu được mẹ mua cho cây cà rem, vừa nuốt qua cổ, tôi cảm nhận được ngay sự mát lạnh, ngon ngọt mà chẳng hiểu tại sao. Hai chữ “miên trường” tạo cho tôi cái cảm giác cũng vậy, thấy hay mà không biết tại sao hay. Lớn lên, muốn vạch ra bí ẩn, tôi cố tìm ra nguồn căn. Lục ra được hai chữ “miên” trong cuốn Hán Việt Tự Điển Thiều Chửu có vẻ hợp với câu văn. Miên (眠)có nghĩa là nhắm mắt, giấc ngủ; và (cũng) miên (綿)nghĩa là ràng rịt. Sau khi bổ câu thơ làm hai, chẻ thêm lần nữa thành bốn, tận dụng bộ não cỏn con, với mớ lý luận sơ đẳng, đại khái tôi hiểu như thế này. Theo nghĩa thứ nhất: mùa xuân phía trước, giấc ngủ dài phía sau. (Bùi Giáng có lần nhắc lại “miên trường” với nghĩa giấc ngủ dài [tìm Hi Lạp giữa Đông phương/ em đi vào giấc miên trường hư không]). Trong cái sát na của va chạm (chào nhau) giữa hai thể lực, ngộ kiến nảy sinh ở mốc điểm, nhìn ra quá khứ vị lai, hay sự tương phản của đối tượng. Ở đây “mùa xuân/miên trường” là hai bất tương gần nhau. Theo nghĩa thứ hai: mùa xuân phía trước, tơ vò phía sau. Thời gian là chiều dài. Ngắt quãng ở đâu đó làm hiện tại. Bên kia là chập chùng quá khứ. Bên này là trong sáng tương lai. Đừng bìu ríu lớp dĩ vãng chằng chịt, hãy dấn thân phía trước hiên ngang. Tới đây tôi rất hãnh diện về những khám phá mới này, từ nay trở đi có thể khoe khoang và giải nghĩa cho mọi người rằng tôi đã giải mã được hai câu bí ẩn hơn mấy chục năm. Rất tiếc và cũng khốn thay! Tôi đồng thời cũng nhận ra rằng hai chữ “miên trường” đã vơi đi nhiệm mầu! Lão Tử đã chẳng nói “Đạo khả đạo phi thường đạo.” đó sao? Phạm Công Thiện cũng có lần nói bình thơ là phạm thượng (blasphemy). Và dĩ nhiên Bùi Giáng quá biết về cái taboo lớn lao ấy: “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được..”(Thi Ca Tư Tưởng). Chúng ta đừng động tới thơ, vốn mong manh sương khói, bởi vì lẽ “đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm”. Hãy để nguyên vị ngọt ngây dại của thơ như cây cà rem đầu mùa giữa trưa nắng hè.
Có một bài thơ Bùi Giáng viết trên mảnh giấy rác, vẫn cái vẻ bất cần đời, vốn là cung cách muôn đời của thi nhân, nhưng lại văng vẳng chiều sâu tư tưởng:
Trước khi về chín suối
Em xin gửi đá vàng
Của trăm năm buồn tủi
Về trở lại nhân gian.
Chắc hẳn ông cũng có ít nhiều trăn trở, buồn vui nhân thế. Có lẽ ngay lúc này ông rất tỉnh và cũng rất cô đơn (không có lấy một trang giấy đàng hoàng để viêt, và luôn luôn viết trong cô đơn). Sự cô đơn luôn là một định mệnh cá tính ám ảnh theo đuổi ông mãi, nhất là trong tình yêu. Ông hằng khao khát một mối tình (“Chắp tay tôi lạy Ông Trởi/Tìm người yêu giúp dùm tôi một lần”). Như “Cô Bé Bán Diêm” của Hans Christian Andersen, ông đốt hết que diêm này tới que diêm khác để vơi đi nỗi buồn; cho tới một ngày không còn que diêm nào nữa, ông đành bỏ lại “Miên Trường” phía sau! Chắc hẳn ông đã nhìn thấy “Mùa Xuân” phía trước!
Tao An