KHI RỪNG CAO SU THAY LÁ

   Cứ mỗi lần lên phiên trực vào lúc sáu giờ chiều, Nam lại leo lên ngồi trên lô-cốt cao nằm cạnh cửa ra vào của đồn để vừa tán gẫu cùng anh lính gác vừa theo dõi các toán quân xuất đồn đi “ăn sương”.

   Xa xa ngoài kia, dãy rừng cao su ngút ngàn đang thay lá, còn chưa kịp khoác lên mình màu áo mới để đón chào mùa xuân sắp tới. Trong gió nhẹ buổi chiều tà, vọng lại âm vang thì thầm của những phiến lá non xanh vươn lên sức sống trên những cành cây trơ trụi lá. Chút ánh ráng hồng còn sót lại quyện vào lớp sương lam chiều mờ nhạt phủ trùm một khoảng không gian rộng phía lằn chân trời xa. Một bức tranh thiên nhiên với cảnh sắc đẹp tuyệt vời lồng giữa khung trời rộng bao la của buổi tàn đông trôi đi êm ả trong tiết trời se se lạnh.

   Trước cổng đồn, một cô gái đang đứng co ro trong chiếc áo len màu hồng nhạt bên cạnh chiếc xe Honda dame của nàng.

   Nam hỏi Đằng, anh lính gác đang ngồi kế bên:

   – Cô nào đứng dưới kia, sao lại đến đây làm chi vào giờ này?

   Đằng tỏ vẻ thông thạo với nhiệm vụ của mình:

   – Cô Quyên đang chờ cô mụ Sáu ra nhận, em mới cho vào đồn đó.

   Nghe Đằng nói vậy, Nam nghi ngờ đây có thể là một trường hợp do địch cài “mỹ nhân” vào dò la tin tức để làm nội ứng ở trong đồn khi có dịp thuận lợi sau này.

   Cô mụ Sáu thì Nam đã biết. Cô ta là một nữ hộ sinh kiêm luôn y tá cùng làm việc với Bác sĩ Sơn nơi trạm xá y tế của đồn điền, chăm lo sức khỏe cho công nhân cạo mủ cao su. Còn cô gái đang đứng dưới kia thì chàng mù tịt!

   Nam quay qua hỏi Đằng:

   – Có phải chiều nào cô ta cũng đến đây?

   – Dạ không, chỉ có vào các ngày Thứ bảy và Chủ nhật thôi!

   – Sao cậu rành về cô ta quá vậy?

    – Em thuộc loại làm việc nhẹ và trụ ở trạm canh này cả ban ngày lẫn ban đêm nên có chuyện nào xảy ra ở đây mà em chẳng biết!

   Trong khi Đằng còn muốn phân bua thêm điều gì đó, Nam buông ra một quyết định:

   – Cậu xuống dưới đó kéo cuộn kẽm gai bung ra cho cô ta vào đi!

   Đằng chần chờ còn chưa chịu đi. Nam nhìn thẳng vào mắt anh ta và đọc được trong đó một nỗi thắc mắc “cô mụ Sáu còn chưa ra nhận cô kia mà sao ổng lại cho cô ta vào?”.

   Nam đẩy vai anh lính đi trước và từng bước theo sau tuột dần xuống mấy bậc thang sắt…

   ***

   Đồn này trước đây là cơ sở của một đồn điền cao su rộng lớn mà một ông “Tây” nào đó đã theo chân quân đội viễn chinh Pháp sang đây gầy dựng nên.

   Vì chiến tranh mỗi ngày một lan rộng, người chủ giao cho một viên quản đốc người Việt trông coi mọi việc. Bây giờ, nơi này đã bị quân đội trưng dụng làm một căn cứ quân sự vững chắc, vừa để bung quân ra bảo vệ các khu ấp chiến lược nằm dọc theo hai bên quốc lộ 22 B vừa làm bàn đạp để tổ chức các cuộc hành quân đi càn quét sâu vào các mật khu của địch quân.

   Bộ chỉ huy Liên đội 3/71 ĐPQ chỉ sử dụng một ngôi nhà rộng lớn với lối kiến trúc theo kiểu Tây phương, chiếm hết một khu vực riêng biệt ở phía trước.

   Ở phía sau là mấy dãy nhà gạch mái ngói khá tiện nghi dành cho công nhân của đồn điền trú ngụ. Anh em binh sĩ thuộc Đại đội 3/376 ĐPQ tạm đóng dã chiến ở trong mấy căn nhà kho bỏ trống còn lại.

   Về ban đêm, nơi đây còn là nơi tạm trú an toàn cho những viên chức xã ấp ở địa phương, những quân nhân đang nghỉ phép ở quanh vùng này, đặc biệt và thường xuyên hơn là cô gái mà Nam có dịp quen biết ngày hôm nay.

   Trên lối đi từ cổng đồn dẫn về phía căn nhà nơi cô mụ Sáu trú ngụ, Quyên, tên cô gái, đã hỏi Nam… “quê Trung úy ở đâu và đi lính tự lúc nào mà cái lon Trung úy trên cổ áo chói sáng như là màu vàng 18 ca-ra mới xuất xưởng vậy?  Lính, người ta trông phong sương mà Trung úy thì giống y chang như là lính văn phòng vậy”!

   Nam chỉ mỉm cười trước những lời lẽ giống như là “hỏi cung” của cô gái đang sánh bước bên mình. Với hơn năm tuổi lính cũng đủ cho chàng sĩ quan trẻ này có chút kinh nghiệm đối với lối “điều tra” như vậy! Nam không dại gì để cho mình bị lọt vào bẫy và để cho cô gái có dáng vẻ hồn nhiên này xỏ mũi mình dẫn đi! Cho dù cô ta có “đá” thật mạnh vào lòng tự ái một trăm lần, Nam vẫn quyết chẳng hề hé môi tiết lộ chút “bí mật quân sự” nào! Chẳng những Nam không bị “quê” khi bị xếp vào loại “lính sữa, lính cậu” mà chàng lại cảm thấy rất thích thú với lối chọc phá của nàng cũng giống như tính liến thoắng của đứa em gái ở nhà vậy!

   Bộ mặt của Nam đã trở nên sạm nắng theo thời gian trên bước đường hành quân lầy lội ở các chiến trường Miền Tây trước đây. Bộ quân phục của chàng cũng luôn bị “một đổi một”, quần nhiều hơn áo, bởi vì các ống quần đã trở nên màu xám vàng, cái màu phèn của vùng nước mặn đồng chua và thường hay bị rách te tua do bùn sình và gai nhọn của lá ô rô ma sát vào! Thuyên chuyển về phục vụ ở vùng nguyên quán này chưa tròn một năm, giờ nghe cô gái “đánh giá” mình như vậy, Nam  nghĩ rằng, có thể làn da mặt mốc của mình đã lột xác nhanh thành một gương mặt khác rồi! Ở đây, trong những ngày không bận quân vụ, bước ra khỏi cổng trại, nếu không có quân xa thì cũng có xe đò, xe ôm đưa đón về nhà riêng, hoặc ra các quán ăn, quán nhậu mà đớp hít cho thỏa một đời trai phong sương thời chinh chiến. Nơi miền sông rạch chằng chịt như mạng nhện ở Vùng IV, người lính tác chiến làm gì có phương tiện và dịp may để bước vào các nơi ăn chơi chỉ có ở ngoài thị trấn! Bây giờ, “nhan sắc” của chàng có thể sẽ ưa nhìn hơn ngày trước một chút thì cũng chẳng có gì là lạ! Các ông tai to mặt lớn ở địa phương, các ngài thượng cấp của Nam ở đây, trông ai cũng vậy, chàng có gì khác với họ đâu?

   Bây giờ Nam mới phản đối Quyên:

   – Cô đã lầm to rồi!

   Quyên có vẻ quyết liệt hơn với nhận xét của nàng:

   – Lầm thế nào được khi mà đôi má của Trung úy…

   – Nó như thế nào rồi? Búng ra sữa phải không?

   Quyên e ấp nhìn vào mắt người đối diện rồi quay mặt về phía sau để giấu một nụ cười ranh mãnh:

   – Còn phải hỏi!

   Nam im lặng bước bên Quyên và cố giữ cho lòng lâng lâng một niềm cảm xúc được dài lâu, bởi vì đôi sóng mắt vừa mới thoát ra từ đôi “mắt mèo nhung đen” kia đã lướt êm đềm vào tận đáy tâm hồn chàng sĩ quan trẻ và hình như nó muốn trụ lại hẳn trong đó.

  Buổi hoàng hôn tắt hẳn trên lối đi rộng dưới tán râm mát của một hàng cây bã đậu cổ thụ chạy dài từ phía trước đến dãy nhà cuối cùng nằm xa ở phía sau đàng kia.

   Những bóng điện tròn câu dọc theo hàng rào phòng thủ trong cùng vừa lóe lên một dãy những vũng sáng vàng vọt trong làn sương lam chiều phơn phớt những sợi tơ nhung trắng phủ mờ khắp một vùng bên ngoài doanh trại.

   Khi cả hai đến trước căn nhà của cô mụ Sáu thì cửa đã đóng kín, ổ khóa cài trên cánh cửa!

   Quyên tỏ vẻ lo lắng trong lòng:

   – Không biết chị Sáu đi đâu mà chẳng để cửa cho Quyên!

   Nam làm sao mà cảm nhận ra được chuyện đó, còn đang chưa biết phải trả lời như thế nào thì cô gái tiếp:

   – Nếu như chị ấy không về kịp thì Quyên chả biết tá túc ở đâu trong đêm nay!

   Nam thấy lòng mình dấy lên một niềm cảm thông dạt dào khi có cùng chung một nỗi lo lắng giống như của cô gái đang đứng bên, chàng hỏi lại nàng:

   – Vậy chớ những lần cô Quyên đến đây chơi, cô Sáu có khép hờ cửa khi cô ta đi đâu đó không?

   Quyên xác nhận trong nỗi lo âu:

   – Dạ có! Nhưng mà chẳng biết tại sao hôm nay lại…

   Nam cho rằng cô mụ Sáu có ý định đi ra ngoài lâu nên mới khóa cửa thôi. Không một ai cam tâm cắt đứt “dây chuông” khi biết rằng cứ mỗi chiều Thứ bảy và Chủ nhật nào cô bạn gái cũng đều đến ngủ nhờ ở nhà mình.

   Nam định nói lên điều suy nghĩ đó cho cô bạn gái vừa mới quen, nhưng khi chợt nhớ đến nhiệm vụ đang chờ, chàng nói mấy lời từ giã cốt để cho cô ta yên tâm:

   – Cô Quyên rán chờ thêm một chốc, lát nữa cô ta sẽ về thôi!

   Vừa bước đi mấy bước, Nam quay lại đặn dò thêm:

   – Nếu như cần sự giúp đỡ, cô Quyên cứ đến nói với anh lính gác ở đồn canh, họ sẽ báo cho tôi ngay!…

   ***

   Sau khi đi tuần tra một vòng ở trong đồn, Nam trở về “tư dinh” của mình nằm bên trong phòng khám bịnh của Bác sĩ Sơn. Bước vào cửa, bên trái là bàn làm việc của Bác sĩ với chiếc ghế đai đặt quay lưng ra một khung cửa sổ rộng. Phía đối diện là một chiếc bàn dài để cho bệnh nhân ngồi hoặc nằm khi khám bịnh. Sát góc trong cùng là một tủ kính nhỏ trong đó chứa một số hộp, lọ thuốc và bông băng. Phía bên trong bức tường ngang là một căn phòng rộng bỏ trống. Trong lệnh phòng thủ của đơn vị, Nam được chỉ định chỉ huy một tuyến dài dọc theo bên hông trái của đồn, nằm ngay ở phía trước phòng khám bịnh, cho nên Bác sĩ Sơn đã cho chàng tạm đặt “bộ tư lịnh tiền phương” của riêng chàng ở bên trong căn phòng trống đó. Nhờ vậy, Nam có chỗ để nghỉ trưa, ngả lưng mỗi lúc đêm về. Khi hữu sự, chàng chỉ cần phóng nhanh ra chiến tuyến cùng anh em binh sĩ. Thật là tiện lợi mọi bề!

   Và “giang sơn” của kẻ tự phong cho mình làm vua không có kẻ hầu người hạ, chỉ vỏn vẹn có một ba-lô, súng đạn cá nhân và một ít quân dụng mà thôi! “Long sàng” cũng chỉ là một chiếc giường bố xếp nhà binh cũ đã từng theo “đức vua” qua mấy mùa ấm lạnh trong cuộc sống viễn chinh!

   Nam lên “ngự trên chiếc ngai vàng” với tờ báo Chiến Sĩ Cộng Hòa mở rộng trước mặt. Nhưng bây giờ, chữ nghĩa hình như đang muốn lánh xa, không còn là người bạn tốt mỗi khi chàng muốn nhờ nó để du mình vào giấc ngủ như mọi khi!

   Chợt nhớ đến người đẹp lúc ban chiều, Nam định đi tìm, đã thấy Đằng dẫn nàng đến trước cửa phòng.

   Khi anh lính vừa quay bước, Nam nói với Quyên khi đoán rằng cô mụ Sáu hãy còn chưa trở lại nhà:

   – Xin cô đừng ngại, cứ xem nơi đây như là nhà của cô!

   Quyên quay lại hỏi như dò xét:

   – Chỗ ở của Trung úy đây sao?

   Nam đùa cho vui, nhưng giấu nhẹm mấy chữ “bộ tư lịnh tiền phương” của mình:

   – Đây là “tư dinh” của tôi!

   Quyên che miệng cười khúc khích, ra vẻ như ta đây rành việc nhà binh lắm:

   – Cấp Trung úy mà cũng có tư dinh nữa sao?

   Nam cười giả lả với ý tưởng là nếu như chàng nói… “Đây là tư dinh và cũng là bộ tư lịnh của tôi”, không chừng nàng sẽ buông ra câu móc lò… “Cấp Trung úy cũng có tư dinh và bộ tư lịnh nữa à?”, nên chàng muốn dập tan mọi ý đồ đang có trong đầu cô gái:

   – Thì cứ tạm xem như vậy cho nó hách!

   Nam đưa Quyên vào phòng trong và chỉ chiếc giường bố xếp của mình:

   – Đây là “long sàng” của đấng quân vương! Bây giờ thì nó thuộc quyền sử dụng của cô!

   Quyên lại ôm bụng cười ngặt nghẽo:

   – Mới làm tướng đó mà đã lên vua từ hồi nào vậy?

   Nam trở ra ngoài, ấn cái công tắc điện. Căn phòng trở nên mờ mờ tối bởi chút ánh sáng vàng vọt từ ngoài hàng rào phòng thủ hắt vào. Chàng để nguyên quần áo trận mà ngả lưng trên chiếc bàn dài.

   Hai cánh tay luân phiên nhau gác lên trán và Nam không nhớ là đã có bao nhiêu lần hết chân này rồi đến lượt chân kia bắt chữ “ngũ” trên đầu gối, chàng vẫn còn trằn trọc mãi, chẳng thể nào đi vào giấc ngủ được. Từ đâu đó len vào tai chàng một bản hợp tấu rên rỉ của lũ dế mèn bằng một giai điệu không lời kéo dài lê thê với các nốt bổng, nốt trầm quyện vào nhau nghe buồn não nuột! Lũ muỗi đói vo ve đang tìm bãi đáp, xem thường mạng sống của mình dưới bàn tay vồ đập của kẻ sát nhân! Lại một con nhạc sành nào đó thỉnh thoảng cũng ré lên giọng the thé, âm vang nghe thật chói tai như tiếng vĩ cầm lạc điệu của một tên nhạc công tồi! Từng loạt đại pháo lâu lâu lại nổ vọng rền, xé tan màn đêm như để vỗ “nhịp trường canh” cho bản trường ca sầu thê lương chỉ có nơi tiền đồn heo hút mà thôi! Các thứ âm thanh hỗn tạp đó vẫn là một bản hợp xướng ngàn đời, người chiến sĩ đang vững tay súng ngoài mặt trận với một ý chí sắt đá là gìn giữ cho dãy non sông hoa gấm được vẹn toàn, nghe riết bản trường ca đó rồi cũng quen tai, cũng cảm thấy lòng mình thắc thỏm với nỗi nhớ bùi ngùi khi nghĩ đến người tình đang ôm gối lạnh ở quê xa!

   Nam lại nghĩ đến Quyên. Có lẽ nàng đang ngon giấc ngủ say nồng trên chiếc “long sàng” và đang nằm mơ, một giấc mơ hoa của một nàng con gái kiều diễm vừa mới được tấn phong lên ngôi hoàng hậu!

   Nam trở dậy và bật cái công-tắc điện. Chiếc bóng đèn dạ quang tỏa sáng ngập căn phòng.

   Mở tờ báo Xuân Chiến Sĩ Cộng Hòa ra trước mặt, Nam chưa đọc được chữ nào, chợt nghe có tiếng động nhỏ, quay nhìn lại đã thấy Quyên xuất hiện ở cửa phòng. Nhìn Quyên xúng xính trong chiếc áo jacket mà Nam trao cho nàng lúc nãy, chàng lại liên tưởng đến các bà vợ lính ở đây thường hay mặc loại áo ấm nhà binh này của chồng vào mỗi lúc đêm về và bắt các đấng phu quân phải mặc áo len do chính bàn tay các bà đan ra khi đi phục kích đêm ở bên ngoài đồn. Có lẽ họ muốn trao đổi áo ấm cho nhau để giữ mùi của người yêu luôn ở bên cạnh mình, ngõ hầu trấn áp nỗi cô đơn, trống vắng lăm le muốn nổi dậy trong lòng chăng?

   Nam đang nghĩ quanh thì nghe Quyên hỏi:

   – Sao không chịu ngủ, đang đọc báo Xuân Chiến Sĩ Cộng Hòa của năm nay phải không?

   – Đúng vậy! Nam xác nhận.

   Quyên hỏi tiếp:

   – Trung úy đã đọc bài “Khi Rừng Cao Su Thay Lá” chưa?

   Bài này Nam đã đọc tối hôm qua. Đó là một cánh thư nói lên niềm cảm thông, lòng biết ơn sâu xa của một người em gái ở hậu phương đối với các anh chiến sĩ đang chiến đấu để bảo vệ đất nước nơi miền hỏa tuyến mịt mù xa.

   – Có biết tác giả là ai không? Quyên lại hỏi.

Nam có một cái tật cố hữu là chỉ đọc ngấu nghiến các bài viết trong báo mà lại quên không chịu xem tác giả là ai. Đang lật từng trang để tìm lại bài viết đó thì bị Quyên hỏi như kiểu…cô giáo đang truy bài học sinh, Nam ngưng tay và quay nhìn về phía nàng. Đôi mắt tròn xoe như mắt mèo con nổi bật lên trên gương mặt tròn xinh đang dần ửng hồng lên cho dù nàng đang đứng dưới vùng ánh điện

dạ quang từ trên trần nhà tỏa xuống mát rượi.

   Và hình như tâm hồn chàng đang từ từ rời khỏi thân xác phàm trần mà len nhẹ vào “đôi cửa sổ của tâm hồn” đang mở rộng kia. Nam vội lảng tránh ngay đôi “anh mắt liêu trai” đó để chỉ chăm chú vào việc tìm xem tác giả là ai.

   – Là Đổ Quyên!

   Nghe Quyên nói, Nam bất chợt giật mình! Chàng nghĩ thầm… “Chẳng lẽ người con gái đang đứng bên mình đây là tác giả chăng? Chữ Quyên đích thực là tên của nàng rồi, còn họ Đổ thì cô ta chưa có lần giới thiệu với mình”!

   Quyên đến bên Nam và cầm tờ báo lên đọc giằng giọng từ chữ một với vẻ mặt hóm hỉnh, mai mỉa:

   – Khi Rừng Cao Su Thay Lá! Thật là tình tứ quá!

   Nam vội đứng lên và cảm thấy tâm hồn mình ngây dại ra và đang chìm dần vào hai “ao thu nước biếc” với bốn bờ mi mỏng như “liễu rũ quanh hồ” trước tầm mắt mình. Quyên bỏ tờ báo xuống bàn và vội quay mặt đi. Và trong tia mắt sau cùng còn lưu lại trong nhãn quan mình, Nam đọc nhanh được một lời thú nhận… “Tác giả Đổ Quyên chính là em đây, anh không cảm nhận ra điều đó sao?”.

   Người ta thường nói… “Những chàng lính trẻ thường có những cú đột phá bất ngờ làm vỡ tuyến phòng thủ của địch quân”. Đối với Nam, điều đó chắc cũng không là điều ngoại lệ! Chàng lại nghĩ thầm, chính vào lúc này mình có thể bắt đầu tấn công vào mục tiêu được rồi, còn chuyện thắng hay bại tùy nơi ông Trời quyết định. Người lính tuy gan dạ cùng mình,  cũng có lúc phải tin vào định số để sống còn, điều đó chẳng phải là chuyện lạ!

   Nam mạnh dạn đặt nhẹ một bàn tay lên trên một bên vai của chiếc áo jacket. Không có dấu hiệu của sự phản đối! Một bàn tay nữa trên bờ vai còn lại. Một phút trôi qua thật là êm đềm! Hình như có một luồng gió nhẹ từ đâu đó len theo đôi bàn tay vào thấm mát tâm hồn khiến cho đôi vòng tay Nam tự nó tuột dần xuống và siết chặt quanh một vòng eo ấm.

   Trong khi Nam còn đang muốn nắm chặt niềm tin chiến thắng trong đôi bàn tay mình cho đến khi nào mà đối tượng không còn cảm thấy thích thú nữa, thì một giọng oanh vàng từ một cõi trời mơ mộng nào đó bất chợt bay về làm cho chàng tỉnh giấc mộng du:

   – Hai bàn tay “tiến” hơi quá sớm rồi đó!

   Nam thoáng có chút ngỡ ngàng nhưng lại cảm thấy tình hình chẳng có mấy gì nghiêm trọng, bởi nếu như cái bản mặt của chàng đáng được trừng phạt bằng một cái tát tai thì nó đã lãnh đủ từ khuya rồi!

   Nam bèn chối bừa:

   – Tự nó chứ đâu phải do anh sai khiến nó đâu!

   Nam mừng thầm trong bụng khi thấy mình không bị truy phạt về cái tội chưa được lệnh mà đã vội vã tấn công ẩu vào mục tiêu! Và Nam cũng tự khen cho cái miệng của mình một phát vì nó đã giúp chàng xưng “anh” lần đầu tiên đối với người con gái vừa mới quen.

   Quyên đưa tay tháo nhẹ vòng tay Nam ra và ấn vai chàng ngồi lại trên ghế rồi nhìn đăm đăm vào mặt chàng nói:

   – Anh hãy đọc bài báo xem cô Đổ Quyên nào đó viết cái giống gì trong đó!

   Tuy đang bị hụt hẫng bởi kế hoạch “tiến quân đốt giai đoạn” của mình bất thành, Nam vẫn cố lấy lại bình tĩnh để đưa trang báo lên ngang tầm mắt:

   Khi Rừng Cao Su Thay Lá! Đổ Quyên. Kính tặng Trung úy N.

   Nam lại ngó thẳng vào mắt Quyên:

   – Thì cứ viết là… “Kính tặng Trung úy Nam” này đi cho nó rành rọt, còn bày đặt úp úp mở mở, mệt quá!

   Kính anh chiến sĩ cang cường trên khắp các nẻo đường đất nước,

   Chàng dừng lại:

   – Ủa, sao lại giống cái luận điệu của em gái Dạ Lan trong Đài Phát Thanh Quân Đội quá vậy ta!

   Quyên lại hối thúc:

   – Cái anh này kỳ quá hà! Hãy tiếp tục đọc đi!

   Nam đành phải làm theo ý nàng:

   Năm nào cũng vậy, em không cùng với các bạn ra ngoài thị xã đón lễ hội mừng xuân mà lại ở nhà để chờ đón giờ giao thừa thiêng liêng sắp đến! Thời tiết bên ngoài chắc là lạnh lắm! Em ngồi trong nhà mà còn phải mặc áo ấm. Gió loạn mừng xuân đang vờn nhau rì rào trên tàn lá ngoài vườn. Cây mai vàng, chút kỷ niệm của ba em trồng trước ngõ chắc là cũng đang rưng rưng nhú ra những cánh hoa sau cùng để nghênh đón nàng xuân sắp bước vào nhà.

   Các anh chiến sĩ thân mến,

   Cứ mỗi độ tàn thu, đợi cho đến lúc chiều về trên xóm là em ra ngồi trước hiên nhà mà nhìn về phía bên kia quốc lộ 22 B, nơi có cánh rừng cao su đang chuyển mình để thay màu áo mới, màu xanh ngàn đời của quê hương yêu dấu! Khung cảnh đẹp tuyệt vời với những cành cao su trơ trụi lá, trông như một chiếc bàn chải khổng lồ vươn lên tua tủa trong khung trời hồng đã lôi cuốn bước chân em băng qua con lộ và đi về phía đó. Những chiếc lá vàng cuối cùng còn sót lại cũng đã lìa cành, bay lượn theo từng cơn gió loạn, rồi cũng đáp xuống đó đây trên lớp lá vàng khô đang phủ đầy trên mặt đất, xung quanh những gốc cao su già! Và những cụm hoa nắng của buổi chiều vàng hãy còn nằm ngủ yên trên thảm lá khô vàng đó trong khi hoàng hôn đang xuống dần!

   Và cũng vào độ này, em nằm trên giường lúc đêm về mà lắng nghe âm vang thì thầm của những phiến lá non mềm tranh nhau vươn lên mầm sống, đâm chồi, nẩy lộc từ phía cánh rừng cao su trơ trụi lá đó vọng lại. Em thức chờ cho đến khi những mảng sáng nhỏ như những tấm lụa vàng mong manh đầu tiên vừa mới lướt qua vuông cửa sổ hẹp vào trong phòng là em lại bật dậy và xô cửa ra đứng ngoài sân. “Chiếc đĩa bạc” vừa mới nhú lên ở một góc chân trời xa. Và một bức tranh thủy mặc thiên nhiên hiện ra trước tầm mắt em, trông mờ nhạt một màu trắng mỏng như những sợi tơ khói liên kết lại tạo thành một làn sương đêm huyền diệu nơi chốn trần gian.

   Các anh chiến sĩ của em!

   Đấy là những lúc mà em nhớ đến các anh nhiều nhất! Bây giờ, cái lạnh của buổi tàn đông như hãy còn quấn quýt bên mình làm cho các anh cảm thấy lòng se lạnh? Tuần trước, nhà trường có phát động “chiến dịch viết thư gởi cho các anh chiến sĩ ngoài tiền tuyến”. Không biết các anh có nhận được thư chúc Tết của tụi này chưa? Nếu như có anh nào đó nhận được một cánh thư hồng, trên đó có mấy nét phác họa cảnh trăng lên trên cánh rừng cao su bạt ngàn đang thay lá, đó là thư của em đó! Em hy vọng với trang giấy bé nhỏ này sẽ mang theo một tia nắng nhỏ đầu tiên của buổi bình minh đẹp rạng rỡ sẽ theo sau những bước chân của nàng xuân đến sưởi ấm tâm hồn các anh, những chiến sĩ đáng kính đang giữ vững tay súng để bảo vệ cho tổ quốc thân yêu được trường tồn và khung trời phía sau những bước chân đi của các anh luôn là cảnh thanh bình, để cho đồng bào ruột thịt được vui hưởng niềm hạnh phúc trong mấy ngày đầu xuân!

   Các anh chiến sĩ thân thương,

   Thư đã dài! Bây giờ thì em xin phép tạm biệt các anh! Chúc các anh hưởng được một mùa xuân trọn vẹn với ý nghĩa tốt đẹp muôn đời của nó! Xin cám ơn những người hùng thời đại đã quên mình xông vào tuyến lửa phía trước để  cho hậu phương được an bình.

   Hẹn sẽ viết thư cho các anh vào mùa xuân năm sau, cũng vào thời điểm…khi rừng cao su thay lá sẽ tái diễn ra phía bên kia con lộ trước nhà em.

   Nam đặt tờ báo xuống bàn và dang rộng đôi cánh tay ra đón nhận một dáng dấp mảnh mai đang tự nó ngả dần về phía mình.

   Nam dìu Quyên lên “long sàng” là chiếc giường xếp nhỏ hẹp. Và cho đến lúc này, chàng mới cảm thấy mình thật sự trở thành một đấng quân vương đang cùng với hoàng hậu luận bàn chuyện thương yêu.

   Quyên nằm yên. Toàn thân nàng mềm nhũn ra trong vòng tay của một chiến sĩ đang hăng say trong mặt trận tình ái!

   Đột nhiên, từ đâu đó vọng về từng chập tiếng nổ của đầu đạn đại pháo rót vào một “điểm tiên liệu tác xạ” nào đó nghi ngờ có địch. Âm vang rền vọng cả một vùng và sau đó tan biến dần trong đêm trường tĩnh mịch. Điều đó đã nhắc nhở Nam nhớ đến nhiệm vụ phải đi tuần tra trong đêm nay. Chàng bật dậy thật nhanh.

   Và trước khi quay bước ra khỏi phòng, dưới ánh dạ quang sáng trưng, Nam vẫn còn thoáng thấy được trong đôi sóng mắt long lanh của người tình hãy còn đang chuyên chở một khung trời hoa mộng với xác pháo hồng trải đỏ lối đi dẫn vào một ngôi giáo đường với khung cửa mở rộng kết đầy hoa đăng ngày cưới…

   ***

   Nam vừa được lệnh thuyên chuyển sang phục vụ ở hậu cứ của một Tiểu đoàn Địa phương quân khác.

   Đang ngồi soạn thảo mấy cái “công điện mang tay” để cho thư ký đánh máy, chợt có tiếng chuông điện thoại reo.

   – A lô, Trung úy Nam tôi nghe!

   Tiếng từ đầu dây bên kia:

   – A lô, Thiếu tá Tâm đây! Cậu có khỏe không?

   Nghe giọng nói, Nam biết ngay đây là thằng cháu đang phục vụ ở ngành quân cụ. Mấy tuần trước Tâm có về thăm mẹ nó và nhân tiện tìm đến đơn vị thăm Nam. Tâm phàn nàn là đã có gọi điện thoại cho chàng nhiều lần nhưng nhân viên ở phòng truyền tin tỉnh không chịu nối mạng, lại còn tỏ vẻ như coi thường cấp bậc Trung sĩ nhất của nó! Lần này Tâm xưng là Thiếu tá thì mọi chuyện êm xuôi!

   Nam liền đáp lời Tâm kèm theo lời trách nhẹ nhàng:

   – Ừ, cậu vẫn mạnh. Còn cháu đã lên Thiếu tá hồi nào vậy?

   Ba mươi giây im lặng vô tuyến trôi qua!

   Rồi Tâm tiếp:

   – “Mợ…Quyên” gởi lời thăm cậu đó!

   Tuy rất ngạc nhiên bởi cái tin đặc biệt mà Tâm vừa mới báo cho chàng, Nam cũng phải bực mình vì cá tính của thằng cháu. Tâm thích chọc phá người khác với những ý rất ngắn, gọn. Ngay cả lúc hai cậu cháu trò chuyện qua điện thoại, hắn cũng chỉ nói những gì cần nói, xong vội vã cúp máy trong khi chàng còn đang muốn trang trải nỗi lòng với nó, như là chuyện làm sao mà nó quen với Quyên. Nam vẫn biết Tâm thường hay đi theo toán sửa chữa đem các chiến xa ở xưởng quân cụ ra trường bắn ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để thử súng! Còn việc làm thế nào mà nó quen biết với Quyên là nữ quân nhân đang phục vụ ở Trại Chuyển Tiếp Tân Binh thì chàng mù tịt! Hay là…

   Nam đang muốn tìm hiểu hai tiếng “mợ Quyên”, Tâm nói:

   – Con đang ở văn phòng của mợ Quyên đây cậu!

   Nam đang trải qua từ trạng thái ngạc nhiên này sang tâm trạng thắc mắc khác bởi cái lối thường hay gây sóng gió cho người khác mà người nhận chịu nhiều nhất lại là chàng. Lần này nghe Tâm nói, Nam linh cảm như có một điều gì đó sắp sửa xảy ra gây nỗi bất ổn trong lòng chàng. Nam dặn với lòng mình, kể từ đây phải đặc biệt quan tâm về mặt tình cảm của thằng cháu mới được. Hình như nó đã đi sâu vào đời tư của cậu nó trước rồi. Chẳng khéo lo lường trước, để cho hai cậu cháu cùng “chết chung” một chỗ thì khốn đốn lắm!

   Đã vậy mà thằng cháu phải gió này còn muốn giao cho Nam một việc mà tự bản thân chàng còn lo chưa kham, có đâu lại phải tiếp tục gánh cho nó, hết lần này lại có lần khác đến như sắp hàng chờ sẵn vậy:

   – Cậu ơi! Tuần này nếu như mợ có về trên đó thì cậu làm ơn trả cho mợ mười ngàn đồng giúp cho con nhen cậu!

   Nam giận thằng cháu lắm, vừa muốn la… “Trời ơi, mày giết tao rồi Tâm ơi!” thì chẳng biết sao chàng lại chuyển ngay cái “ton…thương”, mà chàng đã sử dụng nhiều lần, vào lúc này mà gánh nợ cho nó:

   – Được rồi, để đó cậu lo cho!

   “Quân tử nhất ngôn là quân tử dại”! Chẳng phải Nam muốn làm quân tử Tàu đâu, nhưng tại vì chàng là cậu của Tâm. Nam thương nó còn hơn mẹ nó đã phanh da xẻ thịt để sanh ra nó! Nam xem Tâm như là núm ruột liền nhau với khúc ruột của chàng vậy! Còn đang lo lắng việc Tâm có thể sẽ cúp máy ngang xương, nên Nam vừa muốn bảo Tâm chuyển ống nghe cho Quyên để trong lúc chuyện trò với nhau, chàng có thể khám phá ra cái lý do nàng dám làm chủ nợ của Tâm thì có tiếng động của ống nghe úp trên máy điện thoại!

   Nam xếp tập hồ sơ qua một bên và thoáng nhớ về thời niên thiếu của mình và thằng cháu ruột gọi chàng bằng cậu này.

   Thuở ấy, khi Nam vừa mới bước chân vô bậc trung học, Tâm cũng vừa mới chào đời trong một hoàn cảnh thật chua cay là không có mặt người cha của nó ở bên cạnh mẹ nó. Trước đó không lâu, khi bà chị của Nam còn đang học lớp nhất ở trường tỉnh thì phải bỏ học nửa chừng. Trong lúc cuộc sống gia đình đang gặp phải khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được thì có một chàng trai nghe đâu đang làm thư ký cho một hãng buôn nào đó ở Sài Gòn đến tỏ ý muốn giúp đưa chị Nam đi học một khóa đánh máy chữ để có điều kiện tốt khi đi xin việc làm sau này. Nhưng độ một năm sau thì chị của Nam trở về sống chung với gia đình và sau đó không lâu, chàng có thằng cháu bụ bẫm để mà ẵm bồng và vui đùa với nó. Tình thương yêu của Nam dành cho đứa cháu mỗi ngày một nhiều hơn cùng với thời gian nó lớn nhanh như thổi!

   Một buổi chiều Chủ nhật kia, Nam ra quét dọn sân sau nhà. Ba chàng bảo… “Phải thanh toán cho hết mớ lá khô cuối mùa rơi rụng nằm rải rác đó đây trong vườn đổ vào đống tro trấu un, để sau này dùng nó ủ làm phân bón cho lúa”.

   Tính của Tâm lại thích nhõng nhẽo, thường hay bắt Nam phải cõng nó đi rong chơi trong vườn.

   Nam đang lo công việc của mình, bỗng nghe tiếng của thằng cháu ở sau lưng :

   – Cậu, ẵm con đi hái ổi ăn đi!

   Nam quay lại, thằng Tâm đang khóc bù lu bù loa, nước mắt giàn giụa nên nó chẳng thấy đường đi, đang lững chững sắp bước ngang qua đống tro tàn chỉ còn vươn lên mấy sợi khói trắng mỏng mà tiến về phía Nam.  Chàng quăng nhanh chiếc cào trên tay, phóng vội về phía Tâm và lôi ra ngoài thằng cháu cưng đang đứng khóc ré lên ở giữa đống un!

   Nam dỗ dành nó:

   – Nín đi, cậu thương!

   Cứ mỗi lần Tâm khóc, vòi vĩnh chuyện gì đó với mẹ nó, Nam liền nói… “Nín ngay, cậu thương” là nó dứt khóc ngay. Lần này thì nó nhề nhệ mãi khiến lòng người cậu đau như chính chân mình đang bị phỏng vậy!

   Chợt nhớ đến cái tính háo ăn của nó, Nam vừa hôn lên đôi má bụ bẫm vừa hứa… “Nín khóc đi, cậu hái ổi cho con ăn”. Lời dỗ ngọt có hiệu quả ngay tức thì, Tâm nín bặt! Nam bồng Tâm vào trong nhà. Má chàng và mẹ Tâm lấy một chai nước mắm ra và xối vào đôi chân nó. Bây giờ, chẳng có chứng tích nào chứng tỏ đôi bàn chân bé bỏng của Tâm hồi còn nhỏ đã bị phỏng cả.

   Kỷ niệm đặc biệt nhất thuở thiếu thời của hai cậu cháu chỉ có như vậy. Và Nam nhớ lại là bất cứ chuyện gì, dù lớn hay nhỏ, Tâm

cũng đều vâng lời theo chàng cả. Còn bây giờ thì trái lại, khi đã lớn khôn, Tâm luôn đặt Nam vào thế đã rồi, nên lúc nào chàng cũng phải làm theo những lời “òn ỷ nỉ non” của nó!…

   Nam lại có điện thoại của Tâm. Nó bảo chàng lên Sài Gòn gấp vì nó đang bị “mắc nạn”! Nam gặng hỏi, nó chẳng nói ra lý do, còn đưa ra chiêu bài “mợ Quyên đang bịnh, luôn tiện cậu hãy đến thăm mợ đi!”.

   Độ rày, địch quân thường hay đắp mô trên quốc lộ làm cản trở lưu thông và phục kích phe ta hành quân đi phá mô.

   Lại chuyện cấm trại một trăm phần trăm quân số nữa thì làm sao một sĩ quan như Nam mà dám vượt trên một trăm cây số ngàn bằng đường bộ để đến gặp thằng cháu thân yêu và nhân thể thăm Quyên được!

   Đang tìm cách gỡ mớ bòng bong rối ren trong lòng, chuông điện thoại lại reo. Nam mừng húm khi nghe có tiếng nói quen thuộc của Quyên vang lên từ đầu dây bên kia. Lạ một điều là giọng nói của nàng sao lại chẳng có chút nào tỏ ra là bệnh hoạn cả!

   – A lô, Quyên đây! Anh có khỏe không?

   – Anh làm sao mà chẳng khỏe được! Chỉ có hơi bị mất ngủ một chút vì phải thức để nhớ “người ta” mà thôi!

   Có tiếng “xí” kéo dài giọng ra trong ống nghe!

   Nhưng Nam chẳng quan tâm với giọng phản đối cho có lệ bởi cái lối nịnh đầm của cánh đàn ông thường hay dùng cho dù có nhớ hay không nhớ đến người yêu của mình!

   Nam hỏi Quyên:

   – Quyên bịnh làm sao vậy?

   Quyên cười to:

   – Em đang khỏe như trâu đây mà anh lại trù cho em bịnh phải không?

   Nghe Quyên nói, Nam biết ngay rằng thằng cháu yêu quý lại  muốn giở trò gì nữa, nhưng chàng vẫn thăm dò nơi Quyên:

   – Thì thằng Tâm nó vừa mới gọi cho anh, nó nói Quyên đang bị bệnh và…

   – Và cái gì? Cái chuyện mà người ta đòi “bắt rể để trừ nợ” đó có phải không? Quyên cắt lời chàng.

   Nam đang chẳng biết ất giáp gì thì Quyên lại nhét thêm một nỗi lo âu vào lòng chàng:

   – Anh mau lên Sài Gòn một chuyến để lo cho Tâm đi!

   – Lo cái gì?

   Rồi lại có tiếng cúp máy! Nam chẳng hiểu Quyên bận việc, hay anh chàng nào đó ở Trung Tâm Truyền Tin thích phá đám ngay vào lúc mà nỗi lo lắng đang lớn dần ra trong lòng chàng!

   Nghe nói thời buổi chiến chinh này lính có giá lắm! Hình ảnh của các chàng trai với bộ quân phục còn vương mùi thuốc súng từ các chiến trường xa nào đó trở về đi lả lướt trên hè phố được các cô nàng nhìn với một lăng kính mắt màu hồng. Với Nam thì chẳng nói làm chi, bởi chàng bây giờ đang là lính văn phòng, chường mặt ra trên hè phố chỉ làm bẩn mắt của người khác mà thôi! Còn đối với Tâm, các nàng cần phải lánh xa cái thân còn chẳng tự lo liệu nỗi, rước nó về rồi phải nuôi ăn cho nó, bỏ thêm tiền vào túi áo trận cho nó có mà đi uống cà phê và hút thuốc lá với bạn bè thôi, chẳng có chút lợi lộc gì cả! Bây giờ, nó đang bị người ta xem tấm thân nhẹ như lông gà của nó ngang giá với một món nợ cần phải trả thì kể như đời nó sắp tàn từ đây! Cái việc người ta đòi “bắt rể để trừ nợ’’ mà Quyên vừa mới tiết lộ đã khiến cho Nam vừa mới nghe qua đã phải một phen nổi da gà cùng mình! Ai nói lính đang có giá, Nam sẽ phản đối tới cùng!

   Hãy xem cái gương của thằng Tâm trước khi đưa ra lời phản bác hay tán đồng điều mà Nam vừa nói. Trước đây, Tâm cho Nam biết là hằng ngày nó phải đi “ăn cơm bữa”, có nghĩa là ăn xong phải trả tiền liền. Và khi mà Tâm đang “ăn cơm ký”, ăn xong ký tên vào trương mục nợ mở sẵn để lâu lâu tính tiền một lần thì cô con gái cưng của bà chủ quán ăn tự động chuyển sang cho nó “ăn cơm kỳ”, trả tiền cơm vào mỗi kỳ lãnh lương ra. Lần đó, sau khi lãnh lương xong, nó liền đem trả tiền cơm cho con nhỏ ngay. Nhưng con nhỏ lại chẳng thèm lấy, còn bảo nó hãy cất đó đi rồi mai mốt đưa luôn một lần cho tiện. Bây giờ chắc là đã nhiều tháng qua thằng cháu của Nam tài lanh cất giữ tiền giúp cho con nhỏ, rồi để tiền trong túi lâu bị tiền nó “cắn” nên đem ra tiêu xài hết chăng?

   Đồng lương của Nam cũng chỉ có gần gấp đôi lương của Tâm chớ có nhiều nhõi gì cho cam!

   Nhưng chàng phải thanh toán nợ cho nó nhiều lần rồi! Nam thương thằng cháu nên mới làm điều đó. Nhưng lòng chàng đôi lúc lại chẳng mấy vui! Lần này, sau khi nghĩ tới tính lui, Nam mới biết cái bẫy mà con nhỏ kia giăng ra để cho mẹ cô ta bắt rể!

   Bây giờ Nam chẳng những không buồn mà còn mừng thầm cho thằng cháu. Dễ gì gặp một dịp may để giao sinh mạng của mình vào cái bẫy như là thằng cháu của Nam đang lọt vào. “Mảnh lưới tình” có khác! Kể từ đây thằng Tâm sẽ có người “nâng khăn sửa túi” cho nó! Nam không còn phải trả nợ giùm cho má của nó nữa!

   Và niềm vui đó tồn đọng trong lòng Nam suốt một tuần qua làm cho chàng tạm quên đi nỗi nhớ nhung Quyên mỗi lúc đêm về như trước đây…

   ***

   Nam đang sấp xếp chuyện nhà binh của mình, để khi có dịp thuận lợi thì vọt đi theo các chuyến công tác về Sài Gòn để làm người đại diện cho má thằng Tâm mà ăn nói với người ta về chuyện nó đang “lâm nạn”, thì một bức màn tối đen như đêm ba mươi kia phủ xuống đầu không chỉ riêng gì người lính, mà cả mọi người dân trên quê hương thống khổ này!

   Tâm vốn là hạ sĩ quan quân cụ nên biết rành về xe cộ, máy móc. Nó khăn gói lên đường đi “học tập cải tạo” có mấy ngày rồi được tha cho về nhà. Sau đó Tâm xin được chân tài xế ở xưởng cơ khí nông nghiệp tỉnh. Chuyện này không lạ, bởi vì kẻ trong rừng ra đang cần những chuyên viên có tay nghề cao như là thằng cháu của Nam.

   Đã vậy mà thằng Tâm còn có thêm một cái hên khác là kẻ đòi bắt cóc, muốn làm chủ nợ suốt đời của Tâm ngày trước bây giờ lại tự nguyện “đăng ký” làm kẻ “mắc nợ đời” của nó!

   Hai cậu cháu cùng lên đường đi “trình diện học tập” cùng một ngày, một giờ, nhưng Nam đi biền biệt “mút mùa Lệ Thủy” luôn!…

   Từ thị trấn Phước Long có một con đường đất đỏ chạy ngoằn ngoèo dài mấy chục cây số dẫn về hướng rừng già, nơi có nhiều dãy “chung cư” mà người tù tự tạo ra để ở. Đến một ngã ba, xe đò chở khách phải dừng lại để cho thân nhân đi thăm người tù xuống xe. Từ đây, tiếp tục đi bộ theo ngã này thêm một quãng đường rừng năm bảy cây số nữa mới đến trại Bùi Gia Phúc và cũng độ một quãng đường dài như vậy mới đến trại Bùi Gia Mập theo ngã bên kia!

   Chủ nhật hôm đó, người tù được nghỉ lao động và có lịnh cho gặp người thân đến thăm. Long, một anh bạn tù có hẹn trước với người yêu nên nhờ Nam cùng anh ta đi ra cái ngã ba kia để “bảo tiêu” đồ thăm nuôi vào trại. Phải len lỏi theo các con đường mòn trong rừng để tránh né gặp vệ binh đi tuần tra. Rốt cuộc, họ cũng đến được nơi “ngã rẽ tâm tình”, là cái ngã ba đã từng chứng kiến bao cảnh tao ngộ và chia tay đầy nước mắt đó! Hai người bạn tù tìm chỗ núp, thập thò cạnh bìa rừng cùng với vài anh em khác. Một chiếc xe đò nhỏ xịt đỗ giữa vùng bụi đỏ bay lên mù mịt! Rồi chiếc xe lại tiếp tục lên đường, bỏ lại đám đông toàn là đàn bà con gái, có cả con nít đang lăng xăng với mớ hành lý vừa được tên lơ xe quăng xuống bên vệ đường.

   Long vội phóng nhanh về phía trước khi nhận ra người bạn gái của mình. Nam thận trọng bước theo sau.

   Nam đang khệ nệ đưa bao đồ lên vai, bỗng đâu có tiếng ai đó gọi đúng tên chàng ở sau lưng, giọng nói nghe quen quen:

   – Anh Nam! Trời ơi! Anh đây sao?

   Nam để vội bao đồ xuống đất và quay nhanh lại. Người đàn bà đang đứng trước mặt là Quyên của chàng ngày trước! Nam còn đang chưa hết bàng hoàng trước cuộc không hẹn mà được gặp gỡ người xưa thì Quyên đã chạy ùa đến úp mặt vào ngực chàng, nước mắt ràn rụa, nghẹn ngào chẳng nói nên lời! Long và người yêu của anh ta đứng trân ra nhìn cảnh không hẹn mà “Ngưu Lang gặp Chức Nữ” ngày hôm nay!

   Nam bèn giới thiệu với mọi người đang đứng xung quanh:

   – Đây là bà xã của một người bạn tôi ngày trước!

   Và Nam hỏi nhỏ vào tai Quyên dù biết chắc rằng nàng đi tìm thăm chồng chớ không phải là thăm chàng trước khi từ từ nới rộng vòng tay của mình ra khỏi bờ lưng thon mà trước đây chàng vẫn xem như nó thuộc về “quyền sở hữu” của mình:

   – Quyên đi thăm chồng phải không?

   – Ảnh đang bị giam ở trong trại Bùi Gia Phúc!

   Quyên tiếp trong nỗi nghẹn ngào trong khi vòng tay của nàng vẫn còn đang siết chặt quanh cổ người tình xưa:

   – Hai tuần nữa anh nhớ ra đón em ở đây nhen!

   Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong chớp mắt! Chợt nhớ đến cảnh phải vô “chuồng cọp” nằm một mình nếu như bị vệ binh bắt gặp, Nam đẩy nhẹ Quyên ra và cùng với Long lo khuân vác mấy bao đồ rồi lủi nhanh vào trong bìa rừng.

   Đây chẳng phải là lần đầu tiên Nam đi “bảo tiêu” giúp thằng bạn. Nhưng lần này thì bao đồ trên vai chàng hình như nó trở nên nhẹ nhàng hơn so với những lần trước. Long đang còng lưng với gánh đồ thăm nuôi nặng trĩu ở phía trước. Nam bước theo sau với niềm vui đang tràn ngập tâm hồn, bởi âm vang của những lời hứa hẹn của Quyên sẽ trở lại thăm chàng vào hai tuần lễ nữa hãy còn như đang lảng vảng bên tai chàng.

   Chợt có tiếng của Tuyết, bạn gái của Long vang lên ở phía sau:

   – Anh Nam nè, cô nàng hồi nãy là ai vậy?

   Chuyện tình của Quyên và Nam rất dài dòng và chàng đang muốn lôi nó ra từ trong ngăn kéo của ký ức để kể cho Tuyết nghe thì nàng hỏi tiếp:

    – Em không tin chị ấy chỉ đơn thuần là vợ của một người bạn của anh! Hình như hai người yêu nhau trước khi nàng đi lấy chồng, phải không?

   Thấy Tuyết đoán mò nhưng đã trúng phóc, Nam hỏi lại nàng cho có lệ rồi bắt đầu kể:

   – Chị có muốn nghe cuộc tình “thánh thiện” của tôi không?

   Ngày ấy…

   Quyên ghé phòng tôi và hai đứa ngồi trò chuyện bên nhau trên chiếc bàn dài. Trong những lần trước, Quyên thường hay dẫn dắt tôi hết chuyện này sang chuyện khác. Lần này nàng lại ngồi yên lặng!

   Tôi xoay qua nhìn vào mắt nàng thật lâu để may ra khám phá được từ nơi sâu thẳm của đáy tâm hồn nàng đang ẩn chứa một điều gì đó. Chịu thôi! Nhưng rồi Quyên cũng đã mở miệng trước… “Ông Chuẩn úy Trưởng phòng muốn lập gia đình với em”.

   Tôi không ngạc nhiên khi Quyên bật mí chuyện đó với tôi. Thời hoa mộng của một người con gái sẽ qua mau trong khi duyên phận chỉ có thể đến với họ một lần trong đời. Mặc dù tôi rất yêu nàng, nhưng bởi tôi chưa toan tính điều gì liên quan đến việc nàng và tôi sẽ nên duyên chồng vợ sau này, nên tôi sẽ phải tán đồng điều mà nàng vừa nói với tôi. Tôi không nên gây rối ren cho mối duyên này của Quyên, bởi vì chỉ cần một bước nữa thôi, nàng sẽ đứng trước một lâu đài hạnh phúc với một người tình mới đang chờ nàng bên trong cánh cửa của phòng hoa chúc trong đêm tân hôn. Trong lòng tôi lại dấy lên một nỗi nghi ngờ mà cho đến bây giờ tôi chẳng biết tại sao lúc đó mình lại nghĩ như vậy, có thể Quyên đang thủ diễn vai trò nữ diễn viên chính trong một vở kịch, anh chàng Chuẩn úy nào đó và tôi lại là hai nam diễn viên phụ! Người nữ diễn viên này đang trải qua một sự chọn lựa cho chính nàng trước khi bức màn nhung buông xuống. Thái độ của chàng kia đã quá rõ ràng rồi! Hay là Quyên quăng ra cái chiêu bài “có người đang dạm hỏi em, anh tính như thế nào”, để thăm dò và đánh giá mức độ tình cảm của tôi, trước khi nàng tự chọn một hướng đi cho tương lai cuộc đời nàng chăng?

   Nếu đây là một màn kịch trên sân khấu, chắc chắn là nhà soạn kịch sẽ lấy yếu tố tâm lý để xây dựng hồi kết cho hợp tình, hợp lý. Anh chàng trưởng phòng kia phải là con nhà giàu, hoặc là “COCC”, tức con ông cháu cha, mới có chỗ ngồi “thọ” như vậy! Còn Quyên, lúc ba nàng mất đi đã để lại cho gia đình nàng một gia sản lớn. Nếu không vì lý tưởng gia nhập hàng ngũ nữ quân nhân là để phục vụ cho quốc gia và dân tộc, Quyên chỉ ngồi ăn suốt đời cũng không hết! Cho nên đạo diễn sẽ cho hai nhân vật trên bước đến ôm choàng lấy nhau. Người còn lại cũng chẳng thấy mình thua thiệt gì nên lặng lẽ quay bước về phía cánh gà. Bức màn nhung từ từ khép lại! Tôi quyết định sẽ chọn vai diễn của người quay lưng đi trong thầm lặng này!

   Bởi nghĩ vậy, nên tôi nói với Quyên trong trạng thái chẳng thèm buồn mà cũng chẳng nên ghen… “Chừng nào anh được uống rượu mừng cho hai người đây?”. Quyên bật khóc! Tôi đưa khăn tay cho nàng. Quyên chẳng nhận mà còn tỏ vẻ hờn dỗi trước lúc quay mặt đi! Đôi bờ vai thon nhỏ run run theo từng tiếng nấc nghẹn ngào! Đấng quân vương của thời xa xưa còn phải mềm lòng ra khi thấy quý phi chảy nước mắt, huống chi tôi bây giờ chỉ là một tên võ tướng quèn! Tôi cảm thấy lòng mình xao xuyến hơn bao giờ hết! Dù vậy, tôi vẫn ngồi yên mà nhìn Quyên đang buông trôi từng giọt lệ ngắn dài! Và hình như cơn bão tình ái đang lăm le muốn nổi dậy trong lòng tôi! Nếu như tôi cầm lòng không đậu mà siết chặt vòng tay trong lúc này, tôi chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo! Tôi đành tôn trọng nỗi riêng tư của người con gái đang đứng trước hai lối đường tình! Nàng phải có một sự lựa chọn dứt khoát trong nước mắt cho cuộc hôn nhân của chính nàng, anh chàng sĩ quan trưởng phòng kia hoặc là chờ đợi ở tôi một câu trả lời!

   Chờ đến bao giờ?

   Quyên lặng lẽ đi vào phòng trong! Điều mà tôi phải làm bây giờ là hãy để cho Quyên ở trong đó một mình. Nàng sẽ tiếp tục trút cạn bầu lệ để cho những giọt nước mắt khổ đau kia sẽ cuốn đi theo hình ảnh của một chàng trai lừng khừng như là tôi đây, mà có thể nàng đã chọn lầm để yêu trước đây!

   Ở ngoài này, tôi thầm mong ước cho niềm hạnh phúc của họ sẽ được thăng hoa, càng sớm càng tốt, bởi vì tôi cảm thấy mình không hội đủ điều kiện “ắt có và đủ” để mang lại nếp sống hạnh phúc cho Quyên.

   Thời buổi này làm gì có cảnh “một túp lều tranh, hai trái tim vàng”, chỉ có uống nước lã cầm canh mà giữ được cảnh giường tre nốp rách được dài lâu! Tôi chấp nhận rời “sân chơi” để làm kẻ đứng bên lề nhìn người tôi yêu khoác tay người khác đi trên con đường hạnh phúc lứa đôi!

   Và trong lúc mà tôi đang ngủ say như một người chết thì Quyên kéo tôi dậy và lôi tôi vào phòng trong. Nàng đứng trước mặt tôi với đôi ánh mắt mời mọc hiện rõ trên “gương mặt liêu trai”! Tôi nhìn xuyên qua bên trong làn vải mỏng của bộ đồ ngủ Quyên đang mặc và qua ánh mắt của nàng, tôi đọc được điều mà nàng đang nghĩ trong đầu nàng. Nhưng đối với tôi bây giờ, nơi nào trên cơ thể của nàng cũng đều có cắm bảng “vùng cấm địa”! Điều đó dễ hiểu thôi, tôi phải tôn trọng những gì sắp thuộc về người khác!

   Tôi bèn nói với Quyên… “Anh tuy là một sĩ quan nhưng anh nghèo lắm! Anh không muốn em vì anh mà bị vỡ mộng sau này! Em thấy đó, cơn bão loạn chiến chinh đang mỗi ngày một khốc liệt hơn trên mảnh đất quê hương yêu dấu này! Anh bây giờ giống như một loài chim nhỏ đang hợp đoàn cùng với những cánh chim phiêu bồng khác đang đi thêu dệt những mùa xuân thanh bình, hoan lạc ở phía dưới những đôi cánh mỏng của mình!”.

   Quyên lại nói… “Nhưng em muốn cho… người mà em yêu trước khi em… về với anh ấy”!

   Cái dáng vẻ ngập ngừng của Quyên trông rất đáng yêu, nhưng tôi hiểu ngay điều mà nàng muốn nói, nên vội khoa hai bàn tay ra trước mặt nàng, :

   – Đừng làm như vậy Quyên à! Em hãy gìn giữ giống như trước đây em đã từng không đồng ý khi anh đòi hỏi đến việc đó! Cái cao quý nhất của đời người con gái phải được dành cho đêm tân hôn, đừng để cho kẻ đối diện em trong phòng hoa chúc phải bẽ bàng vì chuyện đó.

   Và Quyên đã nằm gọn trong vòng tay tôi mà ngủ say cho tới sáng…

   Câu chuyện tưởng như đã đủ để bỏ cái dấu chấm câu sau cùng, nhưng Tuyết lại hỏi thêm:

   – Anh kể nghe hay thiệt, sao mà cao thượng y như là trong tiểu thuyết vậy! Nhưng mà “tình yêu thánh thiện” là thứ tình gì mà em chả biết vậy?

   Long cười lên ha hả và nói vói lại phía sau:

   – Là thứ tình yêu mà mỗi khi tụi nó gặp nhau chỉ toàn là “ăn chay” thôi, chẳng bao giờ dám “ăn mặn” cả!

   Vừa để bao đồ vô trong căn chòi mà hai người bạn tù lén dựng lên bên cạnh bờ suối gần nơi lán trại tù, Nam quay qua nói với Tuyết:

   – Chị cho một lời khuyên là tôi có nên ra đón gặp Quyên vào hai tuần nữa hay là không?

   Tuyết nhìn Nam với ánh mắt như đang dò xét tâm trạng của chàng trong lúc này ra sao. Nam kiên nhẫn đợi chờ câu trả lời của Tuyết nhưng nàng lại làm thinh, chắc là đang suy nghĩ trước khi đưa ra những lời lẽ tốt nhất.

   Thấy vậy, Nam tự biết rằng mình nên tạm lánh mặt để nhường khoảng không gian ấm cúng ở giữa rừng sâu này cho những người đang yêu nhau, nên vừa định nói lời từ giã, Tuyết nói:

   – Anh cho em biết là anh đã lập gia đình chưa?

    Câu hỏi của Tuyết đưa Nam trở về thực tế của đời mình. Và điều đó đã giúp chàng tự trả lời cho chính câu hỏi của mình, còn đi hỏi người khác chi cho mất công. “Đàn ông đã lập gia đình rồi mà còn “này nọ” là tự đâm vào tử huyệt của mình!”.

   Đột nhiên, niềm thông cảm với cuộc sống chật vật của “nội tướng” ở quê xa lại nổi dậy trong lòng Nam, điều đó giúp chàng lại tiếp tục vui trước việc đã từ lâu “chỉ huy trưởng hậu cứ” không tìm đến thăm nuôi “chủ tướng bại trận” đang sống lây lất trong vòng tù tội!

   Ba ngày tiếp theo sau cái ngày Long được thăm nuôi, Nam lại phải phụ giúp bạn mình gồng gánh các thứ theo dòng tù di chuyển bởi “lịnh hành quân chuyển trại”!

   Vừa di chuyển nhiều giờ trên con đường mòn dài thênh thang, uốn mình quanh co dưới tán cây rừng rợp bóng giữa rừng già, tuy gánh hành trang trên lưng như muốn dìm gót chân của những người tù khác xuống lòng đất như những lần chuyển trại trước đây, nhưng Nam lại quên đi bao nỗi nhọc nhằn, lòng cảm thấy nhẹ nhõm bởi vừa tìm ra chân lý từ chính ở nội tâm mình… “Quyên bây giờ đã thuộc về người khác và kẻ đang chờ đợi là chồng của nàng, chẳng phải là ta”!…

   ***

   Khi được ra tù, Nam luôn giấu mặt mình ngoài đồng ruộng! Những khi cần đi lại, chàng phải đợi đến lúc chiều tối mới đi xe đạp vượt qua chặng đường dài hơn hai chục cây số ngàn từ ruộng về nhà, hoặc ngược lại!

   Dù vậy, Nam vẫn luôn kéo lệch vành nón lá phía trước xuống thấp hơn một chút để cho người quen không nhận diện ra mình. Dọc theo hai bên quốc lộ, một vài mái ngói đỏ phủ rêu đen nhô lên giữa các mái lá của dân nghèo nằm san sát bên nhau từ độ gom dân vào ấp chiến lược. Tiếp giáp với một bên của quãng lộ là một dãy rừng cao su trải ngút ngàn!

   Năm nào cũng vậy, vào mỗi độ tàn thu, rừng cao su lại bắt đầu thay lá! Và cứ mỗi lần đi ngang qua đây, Nam lại nhớ đến người tình xưa với cánh thư “Khi Rừng Cao Su Thay Lá” của nàng!

   Nhà của Quyên nằm cạnh quốc lộ, đối diện với phía bên kia là rìa cuối của khu rừng cao su, chỉ cách mấy vuông ruộng của Nam khoảng hai cây số đường chim bay thôi. Nhưng đối với chàng, đó là một khoảng không gian xa cách ngàn trùng! Nam chẳng dám mghĩ đến việc tìm đến thăm nàng!

   Một hôm, có một anh chăn vịt nhìn ra Nam. Anh là Toàn, anh ruột của Quyên.

   Trước đây Toàn là một Trung đội trưởng Nghĩa quân và Nam cũng đã từng ngồi nhậu với anh ta vài lần. Trong những lần đó, Toàn đều bắt đứa con đầu lòng khoanh tay mà chào hỏi Nam… “Thưa dượng út tới chơi!”. Bây giờ thì Toàn vẫn gọi Nam bằng “dượng út” như ngày nào và cho chàng hay một tin chẳng lành… “Cô út nó đã mất rồi, bị bịnh ung thư ngực”!

   Nam ngồi yên lặng, ôm tròn những cảm xúc vừa mới dấy lên đầy ấp trong lòng! Quyên của ngày xưa với dáng người mảnh dẻ nhưng đấy là một tác phẩm tuyệt vời dưới bàn tay của đấng hóa công, nhưng Người lại ban cho nàng một định số với một căn bịnh ngặt nghèo như vậy, quả là… “Trời già bày cuộc trêu người!”.

   Hình ảnh của người con gái kiều diễm của thuở chàng còn yêu say đắm bây giờ chỉ còn là một kỷ niệm, nó hãy còn nằm yên trong tiềm thức, làm sao Nam có thể quên nó được!

   Bầy vịt đẻ đâu khoảng ngàn con đang chạy tới chạy lui tìm mồi trong mấy vạt ruộng mà Nam vừa mới dọn dẹp sạch cỏ dại, chờ ngày xuống giống. Nguồn lợi tức của Toàn bây giờ từ trong bầy vịt này mà ra, cũng đủ để chàng nuôi sống vợ con hằng ngày. Mấy công ruộng của Nam, nếu như được mùa, sau khi đóng thuế má và trả “vật tư cho nhà nước” xong, số lúa dư còn lại cùng với rau, cá ngoài đồng cũng tạm đủ cho mấy miệng ăn để chờ cho đến giáp vụ mùa thu hoạch kế. Những năm gặp cảnh sâu rầy, lụt lội, đành phải chịu mất trắng! Cảnh treo niêu là chuyện thường xảy ra trong huyện!

   Ánh nắng buổi chiều tà phản chiếu lấp lánh trên mặt ruộng loang loáng nước. Đàn vịt đẻ căng diều đã lên bờ đứng rỉa lông. Toàn bảo Nam ngồi chờ và anh cắp nách chiếc bi-đông rảo bước vào trong xóm tìm mua rượu đế và mồi nhậu. Còn lại một mình, Nam cảm thấy mình cô đơn giữa cánh đồng mông quạnh. Tự đáy lòng lại dâng lên một nỗi xót xa khi Nam tự trách mình đã không từ chối ngay lời hứa hẹn của Quyên trong lần gặp gỡ sau cùng trước đây, khi chàng còn ở trong tù!

   Còn Tâm và “người chủ nợ” của nó bây giờ đã nên duyên chồng vợ. Không biết Tâm có còn nhớ đến chuyện xưa hay là không!

   Nhưng món tiền mà Quyên cho Tâm mượn, Nam còn chưa hoàn trả lại cho nàng, lòng chàng lại ái ngại vô cùng!

   Nam nói thầm trong bụng… “Ở nơi cõi xa xăm nào đó, xin em đừng buồn về việc anh không thể ra gặp em để cho trọn lời em đã hứa! Giữa em và anh, trước đây chúng ta đã thỏa thuận với nhau là… “Em đi lấy chồng, anh đi cưới vợ, thế là xong”! Còn món nợ tiền của Tâm, anh xin được trả lại em vào kiếp sau”!

   Bây giờ, mỗi khi nghĩ đến chuyện ngày xưa, Nam càng thêm buồn, bởi trước đây chàng cùng với bao chàng trai trẻ khác xả thân đi “vá tấm áo đời”, nhiệm vụ chưa xong thì tâm hồn ai cũng đã rách tả tơi!

   Nam quay nhìn về phía trong xóm. Bây giờ đang là tiết tháng ba. Đã bao mùa thu vương mang nỗi nhớ, bao mùa đông se lạnh lòng người bởi cảnh chia xa, rồi mùa xuân mát mẻ lại đến với vạn vật đang phủ một màu xanh của tàn lá. Đã bao lần Nam chứng kiến từ lúc những chiếc lá vàng đầu tiên lìa cành cho đến khi dãy rừng cao su trước mắt đã khoác xong lên mình màu áo mới. Và cứ mỗi lần nhìn thấy tấm thảm nhung xanh giăng kín sát lằn chân trời mờ nhạt lớp sương chiều kia, Nam lại thấy lòng mình dấy lên một niềm mơ ước nào đó. Đó chính là niềm hy vọng đã tiếp sức cho Nam trong cuộc chạy đua với thời gian còn lại của một kiếp người là phải làm việc cực lực để được sống còn và vì tương lai của đàn con dại.

   Nam vội ngẩng mặt lên cao. Không phải đây là lần đầu tiên Nam ngước mắt lên nhìn khung trời rộng bao la trên quê hương chàng. Và cứ mỗi lần như vậy, Nam lại có thêm một tia hy vọng nữa chắp cánh cho nỗi mong chờ đến một ngày nào đó đất nước thân yêu sẽ được thăng hoa và tung bay trong gió lộng một màu cờ mà chàng hằng ấp ủ trong tim…

NGUYÊN BÔNG