Một Ánh Sao Vừa Tắt – Stephen Hawking

Một Ánh Sao Vừa Tắt – Stephen Hawking
(1942-2018)

     Thế rồi người được cho là có bộ óc ngang ngửa với Albert Einstein cũng phải bỏ lại hình hài mà đi rong chơi một thế giới khác. Có thể là thế giới 11 chiều như ông đã từng đề cập.

     Nhà lý thuyết vật lý học kiêm vũ trụ học Stephen Hawking vừa tạ thế hôm thứ tư vừa qua (14-03-2018); nhưng những công trình khám phá về vũ trụ và những lý thuyết liên quan đến sự cấu tạo cũng như hình thành hay hủy diệt của các thiên thể chắc chắn sẽ để lại dấu ấn cho khoa học nhiều năm sau này.

     Thuở thiếu thời, Stephen tuy thông minh, còn được gọi là “Einstein”, nhưng thường ham chơi, không có biểu hiệu hoặc thành công về học lực. Cha ông khuyến khích ông theo ngành y nhưng Stephen thích hợp với khoa học và toán học hơn. Năm 17 tuổi, ông vào học trường Oxford. Mười tám tháng đầu, ông cho rằng bài vở quá dễ dàng làm ông chán nản. Để hòa đồng với các bạn ông tham gia vào đội đua thuyền. Vì muốn chứng minh tính liều mạng, ông hay lái vào những khúc nguy hiểm và làm hỏng thuyền.

     Vốn không thích lối học “gạo” miệt mài như những học sinh khác, ông gặp khó khăn trong kỳ thi cuối, số điểm nằm giữa hạng nhất và hạng nhì. Không đủ điểm để xếp vào hạng ưu, ông sẽ không được vào học ngành vật lý vũ trụ ở Cambridge. Ban giáo sư Cambridge bắt buộc đưa ra kỳ thi vấn đáp để khảo sát. Vì nghĩ rằng ban giám khảo cho mình là lười biếng và rắc rối, khi được hỏi về học trình tương lai, ông liều lĩnh trả lời: “Nếu quý vị cho tôi đậu hạng ưu tôi sẽ đến Cambridge, hạng hai tôi sẽ ở lại Oxford. Vì vậy, tôi hy vọng ban giám khảo cho tôi đậu hạng ưu.” Về sau, một trong những giám khảo nói: “Ban giám khảo đủ thông minh để nhận ra rằng họ đang nói chuyện với một người tinh khôn hơn phần lớn thành viên của họ.”

     Ông ta nổi tiếng với quyển “A Brief History of Time”. Độc giả Ông nhắm tới là người bình dân. Cái khéo ở đây là những mớ lý thuyết khô khan, khó hiểu về vũ trụ học đã được ông diễn tả một cách trơn tru dễ hiểu đến nỗi sách trở thành tác phẩm bán chạy nhất thế giới. Chưa kể sách được dịch ra trên 40 thứ tiếng. Sự thành công vượt bực này khiến ông trở nên “ngôi sao” trong làng khoa học, có thể so sánh ông với Einstein. Dĩ nhiên khi nói tới vũ trụ ông ta phải chạm tới thuyết nguyên thủy Big Bang, vũ trụ đang bành trướng, Hố Đen, hạt quark (hạt hạ nguyên tử), không gian, thời gian, v.v…

     Thế nhưng nổi tiếng hơn hết là khi đang tại vị chức Lucasian Chair of Mathematics thuộc trường đại học danh tiếng Cambridge–chức giáo sư danh dự vào bậc nhất thế giới mà chỉ có 19 người được mời vào, trong đó có Isaac Newton, ông tổ ngành vật lý–Stephen Hawking đã đưa ra thuyết Tổng Hợp, bao gồm thuyết Tương Đối (Einstein) và thuyết cơ lượng tử (quantum mechanics), nhằm giải thích những bế tắc giữa hai thuyết trên. Ông ta hãnh diện về sự khám phá này đến nỗi cho rằng thuyết Tổng Hợp sẽ đưa con người đến mức “hiểu được suy nghĩ của Thượng Đế” (know the mind of God).

     Một khối óc vĩ đại như thế nhưng lại không may bị giam hãm trong một cơ thể suy nhược. Năm 21 tuổi ông khám phá ra mình mang bệnh ALS(amyotrophic lateral sclerosis), hậu quả của bệnh làm teo các cơ bắp và cuối cùng ông bị mất hẳn tiếng nói. Mặc dù phải ngồi xe lăn và dùng máy để phát ra tiếng nói, ông vẫn tiếp tục làm việc và thuyết giảng nhiều nơi trên thế giới. Ông tiếp tục sống như một thách thức với định mệnh. Cơ thể mềm như bún của ông không ngờ có thể sinh tồn và làm việc hữu hiệu thêm được 50 năm nữa. Ông tiếp tục sống hết mình và nỗ lực nghiên cứu. Ông lại cho rằng vì căn bệnh, ông có được may mắn không bị ràng buộc với những việc hành chánh hay đi dạy, hoặc du thuyết đó đây, do đó ông có nhiều thời gian hơn để suy tư và nghiền ngẫm tới những sự việc vô tưởng xảy ra cách đây cả hàng tỉ năm và cách xa trái đất tới cả triệu năm ánh sáng.

     Cuộc đời ông với người vợ đầu, Bà Jane, trong khung cảnh trường đại học Cambridge đã được đóng thành phim “The Theory of Everything”. Cuốn phim được đánh giá cao, được đề cử và thắng nhiều giải danh dự trong phim trường. Tài tử Eddie Redmayne thủ vai chính đã được trao giải Academy Award for Best Actor.

     Tuy được xem là người thông minh vào bậc nhất nhì của nhân loại, phơi bày ra những bí mật hóc hiểm của vũ trụ, Stephen Hawking cũng phải dí dỏm tự thú “phụ nữ vẫn là bí ẩn lớn nhất” mà ông ta gặp phải. Ông có hai đời vợ nhưng cả hai người phụ nữ đều nhạt mờ bên cạnh một ngôi sao quá sáng.    

     Có thể kết luận rằng Stephen Hawking phần lớn dùng khối óc để hiện hữu.  Thân thể suy nhược và thế giới này không ngăn cản được trí tưởng tượng của ông bay tới biên giới bao la.  Ông chiêm ngưỡng và khám phá những bí ẩn trùng trùng của vũ trụ nằm đàng sau vật lý và toán học.  Ông thành công khác thường ở chỗ nhìn nhận sự việc bằng khối óc hơn là bằng cặp mắt.  Vì vậy ông may mắn hơn phần lớn nhân loại; trong tư duy ông đã vượt phá cái hữu hạn để đạt tới cái vô hạn.  Và không phải đợi tới kiếp sau, kiếp này ông đã được “bơi lội” ở những giải ngân hà cách trái đất hàng triệu quang niên.

Tạo Ân