Ngày ấy… Bây giờ

 Mai Bình Phương

    Tôi và Minh Hiền biết nhau từ lúc còn nhỏ. Học chung trường làng. Chơi chung những trò chơi của tuổi em-còn-thơ-ngây như nhảy cò cò, nhảy giây, chơi ô ăn quan v..v..Những trò chơi thật hồn nhiên và đầy ắp vui thích. Cho đến bây giờ, khi ở tuổi không còn chơi những trò chơi này, nhớ lại thì vẫn nuối tiếc…Kỷ niệm tôi nhớ nhất là chơi ô ăn quan với Minh Hiền. Trong mười lần chơi thì may lắm tôi chỉ thắng được hai lần…Vì thua nhiều hơn thắng nên mỗi lần thua là tôi phải leo cây ổi hái ổi xuống cho Minh Hiền ăn, và ngược lại như “giao ước”. Tuy vậy nhưng không có giận hờn thua được và chia nhau những trái ổi cùng ăn…

    Tôi mồ côi cha từ nhỏ. Má ruộng rẫy tảo tần nuôi tôi. Nhà Minh Hiền ở đầu xóm. Ba má Hiền cũng lưng-trời-mắt-đất như má tôi. Khi chúng tôi đậu Trung học đệ nhất cấp ở trường quận và nếu muốn tiếp tục học đệ nhị cấp thì phải lên tỉnh. Tôi và Minh Hiền cùng học ở trường Thoại Ngọc Hầu tỉnh Long Xuyên. May mắn là cả hai đều có thân nhân ở tỉnh giúp cho ăn ở miễn phí. Tôi ở nhà dì dượng là ông Hội đồng Sang, và Minh Hiền thì như chuột sa hũ nếp ở trong một ngôi nhà tường cao cổng rào lúc nào cũng khép kín. Nghe nói là nhà của ông Tỉnh Trưởng. Từ nhà dì dượng tôi đến trường xa hơn so với nhà Minh Hiền đang tá túc dù cùng chung một đường Lê Lợi. Mỗi lần đi học tôi phải đi ngang ngôi nhà đồ sộ này, và mỗi lần như thế thì Minh Hiền đã đứng chờ tôi ngoài cổng. Ngày nào cũng vậy, hai đứa đi song song bên nhau đến trường, nói chuyện sách vở, chuyện bạn bè ngoài sân trường và có thể trong thâm tâm mỗi đứa đều có những suy nghĩ vu vơ…Cho đến một ngày Minh Hiền bất chợt nghỉ học. Rồi ngày thứ hai Minh Hiền vẫn biệt tăm. Tự nhiên cô-hàng-xóm-nhỏ thấy buồn và lo lắng muốn hỏi thăm nhưng không biết hỏi ai vì cổng rào vẫn khép kín. Ngày kế tiếp tôi đến trường, không chắc gặp được Minh Hiền thì từ xa tôi đã nhìn thấy Hiền đứng đợi tôi ngoài cổng. Tôi đi vội đến mừng rỡ:

-Hiền có chuyện gì hay có bịnh gì không? Thủy đi ngang nhà không thấy Hiền đứng đợi nên lo.

Minh Hiền nhìn tôi xúc động:

-Hiền đâu có bịnh hoạn gì..Vì được tin má đau nặng nên phải về gấp không kịp nói cho Thủy biết.

Xin lỗi nhé!

-Má đau nặng về gấp là phải chứ có gì mà xin lỗi.

Hiền mỉm cười hóm hỉnh:

-Ủa…má em cũng bịnh hả? Tôi chợt nhận ra câu nói trỗng của mình khiến tôi đỏ cả hai bên má.

   Thời gian vẫn đong đưa. Có những giờ nghỉ học Minh Hiền thường rủ tôi đến câu lạc bộ gần cầu Hoàng Diệu uống nước đá đậu và ăn bánh mì xíu mại. Nhiều lúc cao hứng, Hiền khẽ ngâm tôi nghe bài thơ Đời Vắng Em Rồi của thi sĩ Vũ Hoàng Chương.

Tôi ngây thơ hỏi Hiền:

-Ủa.. Hiền bị cô nào cho mọc sừng hay sao mà ngâm nghe…bi thảm quá vậy!? Hiền không trả lời tôi và đứng dậy rủ về. Đường Lê Lợi đầy những đốm nắng qua kẽ lá từ hai hàng cây bên đường vẫn thân thương đón dấu chân chúng tôi ngày hai buổi đi về nhưng lúc này con đường như đang có những suy tư khó hiểu. Đang im lặng đi bên nhau bỗng Hiền nghiêng người kề miệng sát tai tôi:

-Thủy à! Hiền muốn đổi tên đường Lê Lợi thành một tên khác cho lãng mạn chút chút được không?

-Hiền muốn đổi tên gì?

-Con-đường-tình-ta-đi…Nói xong Hiền phá lên cười thích thú. Tôi nghĩ thầm “lém lỉnh có thừa đấy nhé!”.

 Hè từng ngày đến gần. Chúng tôi cả lớp vội vã trao nhau những cuốn Lưu Bút để viết cho nhau những ước mơ cùng cảm nghĩ vui buồn những ngày cùng chung một lớp. Và có thể không còn gặp lại nhau thì đọc Lưu Bút nhớ lại những kỷ niệm của thời cắp sách. Minh Hiền là người viết đầu tiên trong Lưu Bút của tôi với chỉ vỏn vẹn hai câu trong bài thơ của Vũ Hoàng Chương:

“Em ơi lửa tắt bình khô rượu

Đời vắng em rồi say với ai?”

Một điều gì mơ hồ như không lành lảng vảng trong đầu tôi. Mà thiệt, kết quả kỳ thi Tú Tài 1 năm đó Hiền đậu và tôi rớt. Hiền vỗ về an ủi tôi:

-Học tài thi phận Thủy ạ! Đừng nản lòng. Hè này về lại quê, Thủy “gạo” nhiều thêm thì kỳ 2 sẽ đậu.

Những ngày chờ bãi trường, Minh Hiền thường rủ tôi đi dạo quanh tỉnh cho tôi khuây khỏa. Như đã chuẩn bị trước, lần này Hiền không ngâm nga như những lần trước mà nhìn thẳng vào mắt tôi nhỏ nhẹ:

-Thủy ạ! Anh không muốn “đời vắng em rồi say với ai?” Anh yêu Thủy. Thủy có đáp lại tình yêu của anh không? Tôi choáng váng vì những lời tỏ tình đột ngột của Hiền. Tim tôi đập mạnh như muốn tung ra khổi lồng ngực. Tôi cố gắng ngập ngừng:

– Em cũng yêu anh! Lần đầu tiên hai chúng tôi đổi cách xưng hô với những chữ “anh  em” nghe thật nồng nàn quyến rũ. Hiền nắm chặt hai tay tôi, không ngớt nhắc đi nhắc lại “anh yêu Thủy…anh yêu Thủy”.

Tôi thẩn thờ ngả đầu vào ngực Hiền. Nụ hôn nồng nàn từ môi Hiền chạm môi tôi khiến tôi lâng lâng hụt hẫng, và cứ thế Hiền ôm chặt tôi với những nụ hôn bỏng cháy. Tôi như quên tất cả và duy nhất  còn lại trong tôi là tình yêu đầu đời…

   Hè cũng đã đến. Chúng tôi hẹn gặp nhau ở bến xe để cùng về quê. Ở quê vì sợ đàm tiếu nên chúng tôi cũng ít gặp nhau. Ngày ngày tôi vẫn phụ má chuyện cơm nước hoặc thỉnh thoảng ra ruộng. Một ngày đẹp trời, Hiền bất chợt đến nhà thăm tôi. Tôi luống cuống chưa biết nói gì cho xuôi với má thì Hiền nhanh nhẩu:

-Dạ, con nghe Thủy nói là bác không được khỏe nên con mạo muội đến thăm bác…

-Ừa, cám ơn con. Bác già rồi nên đau yếu chút đỉnh cũng không sao! À mà hôm nay đi ruộng bác bắt được mớ cua đồng, nhân tiện con đến chơi, ở lại ăn cơm với hai má con bác nhen…

Tôi thở dài nhẹ nhõm và niềm vui như dâng trào khi nghe Hiền nói với má:

-Dạ, bác cho phép thì con xin được ở lại ăn cơm cùng bác và Thủy.Tôi mỉm cười thầm “một chàng lẻo mép dễ thương…”.

 

  Kỳ thi lần hai sau đó tôi lại rớt. Hiền tiếp tục lớp Đệ nhất Ngày tạm chia tay, Minh Hiền âu yếm nhìn tôi:

-Anh yêu em cho dù hoàn cảnh thế nào! Xa em anh rất nhớ nhưng…cho anh biết dự định của em để chúng mình vẫn còn gặp nhau…

– Em về quê phụ má trong khi chờ đợi kỳ thi tuyển vào trường Y tá..Anh đừng lo cho em và chỉ một hai tuần em sẽ lên gặp lại anh..Tôi và Hiền chần chừ mãi không muốn xa nhau cho đến khi bác tài báo đã đến giờ xe lăn bánh. Trên đường về lại quê, tôi chợt nhớ đến câu viết của Minh Hiền trong cuốn Lưu Bút mà lo sợ.

Nhưng chuyện tương lai thì biết thế nào mà lo sợ? Biết ra sao ngày sau…

    Tôi trúng tuyển vào trường Y tá & Điều dưỡng với học trình một năm. Chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn,vẫn tung tăng đến những chỗ thường đến. Ngồi bên nhau thời gian như lắng đọng. Tuy im lặng nhưng từ trái tim của cả hai như đang thì thầm những nồng nàn âu yếm nhất. Chợt Hiền phá tan bầu không khí yên lặng:

-Thủy à! Nếu anh thi đậu Tú tài toàn phần rồi thì em muốn anh tiếp tục học ngành nào ở đại học?

-Tùy anh chọn.

-Thế em biết có đại học nào dạy ngành Yêu-em-yêu-cả-một-đời không em?

Câu nói hóm hỉnh bất chợt khiến tôi cười rũ rượi. Không may là cuối năm đó Minh Hiền đã liên tục rớt Tú tài toàn phần. Hiền buồn lắm. Những ấp ủ như tan biến. Tôi không dám chen vào nỗi đau của Hiền:

-Thế anh có dự tính gì trong những ngày tới?

-Dự tính gì bây giờ…Không còn cầm bút thì cầm súng, con đường duy nhất không có sự lựa chọn. Anh mong rằng tình yêu của chúng ta vẫn bền vững, và sẽ thư từ thường xuyên cho nhau nếu anh không còn sự lựa chọn nào khác em nhé!

   Ngày Minh Hiền nhập học khóa Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức thì tôi cũng chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc học trình.

Chúng tôi vẫn liên lạc thư từ qua lại. Có những thư Hiền gợi tôi nhớ những kỷ niệm đầu đời hoặc nhắc nhớ tôi một ngày đi học trên đường về trời mưa sấm chớp vang trời khiến tôi sợ nép mình sát vào người Hiền. Những kỷ niệm làm tim tôi xao xuyến chỉ mong cho tôi được gặp Minh Hiền một cách bất ngờ…Thư cuối cùng tôi nhận từ KBC quân trường Thủ Đức là Hiền báo tin đã ra trường và xin về Tiểu Đoàn Biệt Kích 81 Dù. Tôi lặng người thì thầm “anh có biết là em tuy lo sợ nhưng rất hãnh diện về quyết định của anh. Em sẽ luôn xin Ơn Trên ban bình yên cho anh từng ngày ngoài trận tuyến…”.

 

Chiến tranh ngày càng khốc liệt và do thế mà tôi không còn nhận được thư của Minh Hiền. Cuối tháng 2/1975 là những ngày tháng kinh hoàng của cuộc chiến. Tôi theo dõi từng giờ những tin tức từ đài phát thanh tường thuật từ chiến trường hoặc những tin ở hậu cần và chú ý nhất tin liên quan đến Tiểu Đoàn Biệt Kích 81 Dù.

Vị tiểu đoàn trưởng đã tử thương cùng một số anh em binh sĩ khác. Một số bị thương trong đó có Minh Hiền.

   Tất cả những người đã hy sinh và bị thương đều được phi cơ chuyển về hậu cứ. Những người bị thương được chuyển về Tổng Y viện Huế để sau đó tùy vào cấp độ nặng thì tiếp tục được chuyển về Tổng Y Viện Cộng Hòa.

Không may cho tôi là khi biết được tin Minh Hiền đang điều trị tại Cộng Hòa thì cũng là thời gian má tôi bị bạo bịnh qua đời. Sau khi lo chôn cất má xong, tôi trở về nhiệm sở ở Long Xuyên xin nghỉ vài tuần đi thăm Minh Hiền thì bị từ chối với lý do bịnh viện đang thiếu hụt trầm trọng nhân viên y tá…Tôi thúc thủ không còn biết xoay sở cách nào vì mất hẳn liên lạc với Minh Hiền để từ đây định mệnh đưa đẩy tôi đến một khúc quanh khác…Trong thời gian làm việc sau này, tôi làm việc dưới quyền bác sĩ Bảo chuyên khoa giải phẫu chỉnh hình.

Bảo đã để ý tôi và vào một buổi chiều khi hết giờ trong bệnh viện, Bảo mời tôi đi ăn cơm tối. Trong ánh nến lung linh trên bàn ăn, Bảo đã thổ lộ tình cảm đối với tôi khiến tôi không kìm hãm được những xúc động.

 Chúng tôi đã di tản đến Canada một tuần trước ngày Saigon thất thủ.Thời gian đầu ở Canada, chúng tôi vừa đi làm vừa đi học lại nghề cũ… Sau hai năm chúng tôi kết hôn…..

 Thấm thoát đã gần mười năm. Cuộc sống của chúng tôi đã khá ổn định. Bảo vẫn là bác sĩ chuyên khoa giải phẫu chỉnh hình và tôi vẫn là một y tá. Khi cuộc sống đã đầy đủ viên mãn, Bảo có ý định theo phái đoàn Unicef về Việt Nam làm thiện nguyện trong một tháng để giúp đỡ những người khuyết tật…..Tại Việt Nam, Bảo quen một 

đồng nghiệp quê ở Lai Vung Sadec. Những ngày nghỉ anh bạn thường mời Bảo về quê anh thăm vườn quít hồng và vườn bưởi Năm Roi. Khi chờ phà ở bến phà Mỹ Thuận, Trung – tên anh bạn – và Bảo đi loanh quanh kiếm chỗ ngồi trong một quán cóc để mua nước uống thì Bảo chợt nghe một giọng ca khá truyền cảm của người bán vé số dạo. Anh vừa đàn vừa hát bản nhạc “Đời vắng em rồi..” mà Bảo vẫn thường nghe Thủy hát. Tình cờ được nghe lại khiến Bảo nhớ Thủy vô cùng. Bảo đến gần người hát dạo nghe dứt bản nhạc rồi lân la làm quen:

-Tôi sẽ mua hết tập vé số này nhưng anh vui lòng hát lại bản nhạc vừa rồi một lần nữa được không? Bảo vui vì được như ý. Bảo hỏi tiếp:

-Nhìn tuổi đời tôi tò mò muốn hỏi anh có phải trước kia anh là quân nhân không?

-Dạ phải. Tôi là quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tôi thuộc tiểu đoàn Biệt Kích 81 Dù. Trong một cuộc đụng trận ngoài Quảng Trị, một chân và một mắt của tôi đã vĩnh viễn để lại chiến trường.

-Sao anh không đi Mỹ theo diện HO?

-Tôi ra trường cấp bậc chuẩn úy. Khi tôi lên thiếu úy thì bị thương và sau một tháng miền Nam mất, tôi không đi tù cải tạo nên không đi HO được. Xin lỗi anh ở nước nào về?

-Tôi ở Canada. Tôi theo phái đoàn Unicef về đây để giúp những người không có điều kiện gắn tay chân giả. Hai hôm nữa tôi trở lại Canada. Năm sau tôi sẽ về lại Việt Nam để gắn tay chân cho một số anh chị em đã được khám và được chấp nhận tặng những bộ tay chân giả. Rất tiếc là tôi gặp anh muộn. Năm sau tôi trở lại Việt Nam,anh có thể lên Saigon gặp tôi và tôi sẽ giúp anh. Đây là carte của tôi. Anh đến văn phòng gặp cô thư ký và nói muốn gặp tôi như tên ghi trên carte. Nếu tiện anh cho tôi địa chỉ và số điện thoại để liên lạc. Anh bán vé số dạo rất mừng, viết tên, địa chỉ và số điện thoại đưa cho Bảo không quên nói lời cám ơn trong sự xúc động nghẹn ngào.

 

   Về Canada, Bảo kể câu chuyện người bán vé số dạo, cụt một chân và một mắt, ôm đàn hát bản nhạc Thủy thích cho Thủy nghe. Anh là sĩ quan thuộc chế độ cũ, cấp bậc thiếu úy. Anh tên Lê Minh Hiền. Nghe đến tên Lê Minh Hiền Thủy giật mình vội vàng hỏi chồng:

-Có phải nhà ở Long Xuyên không mình? Ngạc nhiên Bảo hỏi:

-Em có quen người này không? Để anh lấy địa chỉ xem em có quen không nhé! Đọc vội địa chỉ ghi trên giấy, Thủy xúc động nghẹn ngào nói với chồng:

-Anh à, em sẽ kể cho anh nghe một sự thật nhưng đã thuộc về dĩ vãng…. Bảo ngồi ngay ngắn lại và nói:

-Có gì em cứ nói anh nghe..

-Hồi xưa anh Lê Minh Hiền là bạn học của em. Tụi em có một thời gian yêu nhau nhưng nghiệt ngã không cho chúng em toại nguyện cho đến tận bây giờ Ơn Trên nào đưa đẩy cho anh gặp anh Lê Minh Hiền. Anh đã hứa giúp anh ấy thì đó cũng là phước phần của anh ấy. Nói xong Thủy vừa khóc vừa ngước nhìn chồng. Bảo rất xúc động nhìn vợ:

-Bạn em thì cũng như bạn anh. Chúng ta có khả năng giúp ai được việc gì thì tận tình giúp. Chúng ta ở bên nhau bằng tất cả tâm hồn thì không lý do gì anh nghi ngờ em. Em yên tâm. Năm tới anh và em cùng về. Anh đi công tác còn em hãy về quê thăm lại bạn bè và an ủi những người không may mắn như Minh Hiền. Bây giờ nếu em chủ động viết thư cho anh ấy cũng được nhưng chỉ sợ anh ấy mặc cảm khi biết em là vợ của anh. Tự ái của một người như anh ấy thì có thể sẽ không đến gặp anh…Thủy cảm động, không ngờ Bảo lại chu đáo đến thế. Quay qua ôm chồng, Thủy nghẹn ngào trong nước mắt hạnh phúc:

-Cám ơn mình…

Bảo vói tay tắt đèn. Thủy nằm gọn trong vòng tay yêu thương của chồng. Thủy có cảm giác mọi vật chung quanh đều ngầm chia sẻ hạnh phúc cùng nàng.

 

                                            Mai Bình Phương