Như Loài Chim Biển

   Ðã hơn năm giờ chiều…

   Vừa bước xuống xe đò, Nguyễn vội vã leo lên ngồi sau lưng anh lái xe ôm và chỉ đường cho anh ta chạy ngay, chẳng cần hỏi giá cả. Chiếc xe lăn bánh chầm chậm trên con lộ đất nung, dưới tán râm mát của một hàng dừa cao, thân hơi nghiêng xiêu xuống mặt nước sông đang dâng đầy.

   Nguyễn bảo người lái xe dừng lại trước một căn nhà lá. Chàng đã nhận diện ra nó ngay không mấy khó khăn, bởi trước đây, chàng đã có đến vùng này những ba lần rồi.

   Lần đầu, cách nay đã trên ba mươi lăm năm. Trong một lần dừng quân qua đêm, Nguyễn đã từng ngồi uống trà nơi phòng khách với chủ nhân của ngôi nhà lá kia.

   Lần kế là vào khoảng hai tháng sau đó. Trong một trận chạm súng với địch, Nguyễn đã bị thương nhẹ và khi được xuất viện, chàng đã lần mò thẳng đến đây theo tiếng gọi của một ‘‘tiếng sét ái tình’’ đánh trúng ngay hồng tim của mình.

   Và lần sau cùng, cách lần trước đâu khoảng hơn một năm, cũng chỉ là do từ cái cơ hội tình cờ chụp được tấm giấy phép do ‘‘cụ Hồ ký’’, nên chàng mới được rời cái ‘‘quán trọ quân y viện’’ để tìm đến nơi này.

   Nhìn chung, cảnh quang vẫn như cũ, chỉ có khác là nơi phía bờ sông ở trước nhà, căn lán trại đóng ghe xuồng rộng dựng ve ra mé nước bây giờ không còn nữa.

   Và, Nguyễn thong thả gieo những bước chân chậm rải vào lối mòn của năm xưa, trong khi lòng thì đang rộn rã bởi một niềm vui nho nhỏ vừa bất chợt len vào làm ấm lại buồng tim tưởng chừng như đã hóa băng bởi những ngày tháng sống cô đơn, lạc lõng nơi xứ lạ quê người!…

   ***

   Sau khi trút sạch lớp bụi đường trên người bằng một lu nước sông lóng phèn xong, Nguyễn ngồi vào mâm cơm cùng với Lan và chờ Thanh, chồng nàng vừa từ trên văn phòng huyện trở về sau giờ tan sở, còn đang ở trong buồng tắm. Lan ngồi yên, lặng lẽ nhìn Nguyễn, cố tìm hiểu xem một nỗi riêng tư nào đó trong lòng của người ‘‘anh rể’’ từ lâu nàng đã từng thương mến và kính nể. Riêng Nguyễn, dường như chàng quên đi sự hiện diện của Lan trước mặt mình nên đảo mắt nhìn quanh khắp mọi nơi trong phòng, lòng dâng lên một niềm xúc cảm dạt dào.

   Và, trong những lần đến đây của hơn ba mươi lăm năm về trước như một đoạn phim ngắn đang diễn nhanh ra trước mắt chàng. Nguyễn đã từng ngồi trên chiếc ghế dựa bên chiếc bàn tròn đặt giữa gian nhà bếp để dùng cơm cùng với Lan và Duyên là chị gái của nàng, trong lần chàng xuất viện và lặn lội đến đây. Gian phòng ăn của ngày trước giờ trở nên sáng sủa hơn bởi ánh sáng từ chiếc bóng đèn dạ quang treo trên trần nhà tỏa xuống, thay thế cây đèn ống khói đốt bằng dầu hỏa được đặt ở giữa bàn, bây giờ không còn nữa. Các bức vách cũ được thay bằng lớp lá mới, mùi lá dừa nước xé đôi như hãy còn thoang thoảng quanh đây. Nền nhà cũng được tráng xi-măng nên trông có vẻ sạch sẽ và ấm cúng hơn ngày xưa. Trong lần thăm viếng không thông báo trước đó, Nguyễn có cái may mắn là ba má của hai chị em nàng đều ra tỉnh thăm ngoại và lúc đó Lan còn nhỏ chẳng biết gì, nên Duyên và Nguyễn được tự do trò chuyện với nhau suốt đêm…

   Nguyễn đang du hồn mình trở về với những kỷ niệm êm đềm của năm xưa, chợt có tiếng của Thanh kéo chàng trở về thực tại:

   – Anh Hai, cầm đũa đi! Hồi chiều, Lan có gọi điện thoại báo cho em biết là có anh đến chơi nên cô ta làm món cá tra nấu chua mà ngày xưa anh thích ăn để đãi anh đó!

    Nguyễn bồi hồi cảm động trước mối thiện cảm mà vợ chồng Lan đã dành cho mình. Nguyễn nhớ lại lần đó, Lan chỉ mới đâu khoảng mười ba mười bốn tuổi đầu. Lúc Lan vừa đi học về tới nhà, bị Duyên ăn hiếp, bảo cô ta mang lưới ra kéo bắt cá ở trong ao nằm cạnh bên hông nhà. Lan đã vui vẻ cầm chiếc lưới và nhảy ùm xuống vùng nước cạnh bên chiếc cầu vệ sinh ngay. Nàng lặn hụp một hồi, vớt lên được mấy con cá vồ mập ú nụ. Lúc Lan lên bờ, quần áo ướt ôm sát da, trông nàng suôn thẳng như một khúc gỗ quấn vải mới vừa được vớt lên từ dưới nước!

   Nguyễn hỏi thăm dò xem Lan có còn nhớ về chuyện năm xưa hay không:

   – Em nấu canh chua cá vồ đây là tự em mới vừa bắt từ dưới ao lên có phải không?

   Lan lại tưởng rằng bây giờ Nguyễn ớn ăn cái món cá nuôi dưới cầu vệ sinh như ngày trước, nên vội ‘‘thanh minh thanh nga’’ ngay:

   – Không có đâu anh, cái ao ngày trước ba đã lấp rồi! Bà con nuôi cá bằng bè dưới sông rồi rồi vớt lên đem đi bán đầy ở ngoài chợ. Bây giờ, nhà nước không cho nuôi cá dưới nhà cầu như vậy nữa đâu, anh đừng có sợ!

   – Anh đâu có sợ! Ngày xưa anh còn chẳng ngán, bây giờ anh cũng đâu có chê cái món đặc sản quê hương đó…

***
Ăn cơm xong, Lan lo dọn dẹp ở nhà bếp và Thanh cũng đã vào phòng mình để lo thu xếp các đồ lặt vặt để chuẩn bị chỗ nằm cho Nguyễn. Còn lại một mình, Nguyễn ra ngồi trên chiếc ghế dựa nơi phòng khách mà ngày xưa chàng đã từng ngồi đối ẩm với ba của Duyên trong lần Ðại đội của chàng dừng quân qua đêm trong khu vực nhà dân này. Và, bao kỷ niệm của ngày cũ từ đâu trong tiềm thức Nguyễn bỗng nhiên kéo về làm cho chàng nhớ lại, chuyện như mới xảy ra thôi…

   Khoảng hai giờ chiều ngày hôm ấy, Ðại đội của Nguyễn  được trực thăng đến bốc trước tiên và đem thả xuống trên sân vận động nằm sát bên hàng rào kẽm gai của Chi khu Giồng Riềng, trong khi Tiểu đoàn (-) còn đang lội bì bõm tận bên vùng hành quân ở Cần Thơ. Nguyễn chờ mãi đến hơn sáu giờ chiều, cái giờ mà các phi đội trực thăng vận tải quân đã trở về nằm ụ trong căn cứ của họ, vẫn chưa thấy tăm hơi của Tiểu đoàn(-) đâu cả. Nguyễn nghĩ Ðại đội của mình chắc đã bị đem đi bỏ chợ ở đây nên chàng cho anh em binh sĩ tắp vào khu nhà thờ Tin Lành nằm ở đầu sân vận động để chuẩn bị ‘‘khói lửa và lót ổ qua đêm’’, bởi vì với chiếc ăng-ten bảy đoạn của chiếc máy PRC25 không lục của chàng đã ở ngoài tầm liên lạc với Bộ chỉ huy Tiểu đoàn và cái anh chàng nào đó ở Trung tâm hành quân đã quên cho chàng tần số để liên lạc với Bộ chỉ huy Chi khu mà vài ba cái ăng-ten chà của nó thì đang nhô lên một cách ngạo nghễ ở một góc trời chiều trong xanh, bên cạnh là lá cờ vàng ba sọc đỏ đang tung bay trong gió lộng ở phía xa xa đàng kia.

   Nguyễn đang sắp xếp cho các Trung đội vào tuyến phòng thủ đêm thì Tâm, Âm thoại viên mang máy không lục, chạy đến trao cho chàng chiếc ống liên hợp.

   – Thẩm quyền Thanh Nga 1, tôi nghe!

   Một giọng nói có vẻ như ra lệnh vọng vào tai Nguyễn:

   – Anh chuẩn bị để tôi cho qua ‘‘số nhà’’ này và khi nào tới nơi, anh ‘‘Bắc Bình Cải Cách’’ cho tôi, nghe rõ trả lời?

   Nguyễn hơi bực với cái giọng bề trên của ai đó mà chàng đoán rằng nó ở ngay trong cái Ban 3 Chi khu kia chớ không phải ở đâu xa cả, nhưng, vì bản tính luôn thi hành lệnh của cấp trên nên Nguyễn trả lời ngay:

   – Tôi nhận rõ năm trên năm!

   Nguyễn chăm chú nhìn vào cái chấm đỏ bằng bút chì mỡ mà chàng vừa mới ghi vội lên trên tấm bản đồ quân sự. Chàng biết rằng từ đây đến điểm vừa mới nhận được kia, Ðại đội sẽ phải di chuyển ngang qua khu nhà lồng chợ, vượt qua một cây cầu gỗ bắt qua một nhánh kinh rộng và tiếp tục đi thêm non một cây số nữa mới đến nơi qui định trên phóng đồ hành quân đã vẽ. Nguyễn đã từng dẫn quân đi tăng phái nhiều lần cho các đơn vị khác, nên chàng hiểu và thấm thía với cái cảm giác khi đi làm nhiệm vụ “ở đợ” cho kẻ khác và bị họ đì cho đến trầy da tróc vảy như thế nào rồi! Và Nguyễn biết là kể từ giờ phút này, Ðại đội của chàng sẽ thuộc quyền sai khiến của Chi khu cho đến khi nào Tiểu đoàn (-) sẽ được bốc thả tiếp đến nơi này mới chấm dứt được cảnh ăn cơm gạo sấy để làm việc cho kẻ khác!

   Ông mặt trời dường như sắp chui xuống sau rặng cây xanh phía xa đàng kia, bỏ lại mấy vạt nắng vàng nằm ngủ yên trên thảm cỏ quanh ngôi Thánh đường Tin Lành. Từ mấy nóc nhà lá nằm sát bên hông của sân vận động, mấy vệt khói bếp màu trắng mỏng đang bốc lên cao và tan dần vào làn sương lam chiều màu trắng nhạt đang tỏa rộng khắp một vùng.

   Nguyễn cho anh em di chuyển theo đội hình hàng dọc tiến về phía có vùng ánh sáng của mặt trời chiều sắp lặn phản chiếu lấp lánh trên nóc mái tôn của ngôi nhà lồng đang nằm im lìm giữa hai dãy phố chợ.

   Nguyễn thấy cảnh sinh hoạt về đêm sắp diễn ra nơi đây cũng bình thường, chẳng có chút hơi hướng gì của chiến tranh cả. Dường như những cư dân ở đây đang an tâm trong cảnh sống thanh bình. Nhưng họ đâu có biết là ở một nơi cách đây khoảng mươi mười lăm cây số thôi, địch quân đang vây ráp các tiền đồn, làm mất đi khả năng bung ra hoạt động của các đơn vị Ðịa phương quân và Nghĩa quân đang đồn trú quanh vành đai để giữ an ninh cho xóm làng ở phía sau. Chúng cũng đang lăm le ý đồ lấn chiếm đến nơi này, đe dọa đến cuộc sống tưởng chừng như đang yên ổn ở đây! Do vậy, đơn vị của chàng đã phải rời vùng lãnh thổ trách nhiệm, theo lệnh mà cấp tốc đến đây, để ngày mai, chắc chắn sẽ phải nhảy vào vòng lửa đạn, nơi cái vùng Gò Quau mà đơn vị nào cũng ngại vào, để giải tỏa áp lực của địch.

   Mùi thức ăn từ các sạp của những người buôn bán đêm trong nhà lồng chợ và mùi cà phê từ trong chiếc quán nơi dãy phố đàng kia bay ập vào mũi làm cho Nguyễn thấy khó chịu ở trong lòng.

   Chợt Hòa, Âm thoại viên mang máy nội bộ chạy đến ghé nói nhỏ vào tai Nguyễn:

   – Ông thầy, mình tắp vô nhà lồng chợ ăn tô cháo lòng, xong uống ly cà phê sữa cho ấm bụng rồi…

   – Không được, tiếp tục di chuyển!

   Nguyễn từ chối ngay lời đề nghị của thằng em mà lòng xót xa vô hạn! Nguyễn cũng có cái ước ao như Hòa và anh em đồng đội khác. Nhưng đã hơn hai tháng rồi, đơn vị của chàng nay đây mai đó, lúc thì lủi mãi ở trong rừng từ vùng U Minh Thượng dài xuống vùng U Minh Hạ, khi thì ngày đêm băng đồng, vượt sông qua khắp các vùng sình lầy thuộc các Tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bặc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Chương Thiện.

   Kể từ sau cái Tết Mậu Thân năm 68, có lần nào đơn vị được về hậu cứ hay được ra chợ búa đâu để mà được ăn một tô cháo lòng hay uống một ly cà phê, cho dù đó là một ly ‘‘cà phê kho’’ trong một chiếc quán nhỏ nơi một ngôi làng nào đó nằm hẻo lánh xa    vùng phố thị ồn ào. Ðại đội do chàng chỉ huy đã từng nổi tiếng trước đây là chẳng bao giờ quậy phá trong những lần đóng quân dã chiến trong khu vực nhà dân chúng, thế mà hôm nay, có dịp ra thành thị, đã bị đuổi khéo cho đi nằm tiền đồn để giữ ấm cái lưng cho cái anh chàng Chi khu kia thì quả đã chẳng điệu nghệ chút nào đối với anh em binh sĩ. Nguyễn nghĩ rằng, dù sao thì bọn chàng cũng là khách mà, khi cần thì réo gọi, có chúng tôi ngay, sao lại vô ơn, bạc nghĩa như vôi như thế này!

   Nguyễn nhớ lại cái câu nói văn vẻ, nhưng có vẻ xỏ lá của ai đó ban tặng cho bọn chàng cái danh hiệu ‘‘Nữ Hoàng Bộ Binh’’ chỉ là một kiểu chơi trò ‘‘khích tướng’’ rẻ mạt đấy thôi!

   Vừa đi vừa nghĩ vẫn vơ, nên mắt Nguyễn chỉ lướt phớt qua khuôn mặt của một cô gái trẻ và một anh chàng lính chẳng biết của binh chủng nào đang đứng trò chuyện bên nhau ở trước sân của một cửa hàng may mặc rồi bước đi thẳng, bởi chàng nghĩ…‘‘thật không công bằng khi có biết bao chàng trai đang ngày đêm xem cây súng M 16 luôn có bên mình như một người tình muôn thuở, đến giờ này còn chưa được nghỉ ngơi sau một ngày hành quân mệt nhọc, lại có kẻ đang thảnh thơi đứng tán gái trước mũi mình’’. Nhưng giọng nói của anh chàng kia sao nghe hơi quen quen làm cho Nguyễn quay bước trở lại.

   Nhìn bảng tên trên ngực áo, Nguyễn mừng rỡ khi biết kẻ đang đứng đối diện với mình chính là Dương, ngày trước là thầy giáo Dương và cũng là người bạn học cũ của mình năm xưa ở quê nhà, chớ chẳng phải ai là người xa lạ cả.

   Bởi nghĩ vậy, nên khi thấy Dương đang đứng bên một người đẹp, Nguyễn nảy ra ý muốn chọc phá người bạn của mình một vố cho vui.

   Nguyễn vội kéo vành nón sắt trước trán xuống thấp một chút, đoạn bước đến nói với cô gái khi chàng vừa liếc thấy chiếc lon Trung sĩ nhất ‘‘cánh gà’’ nằm dưới chiếc phù hiệu của binh chủng Địa Phương Quân trên cánh tay áo trái của Dương:

   – Cô ơi, Trung sĩ nhất Dương đã có vợ con rồi đó, đừng có tin những gì anh ta nói nhen cô!

   Trong khi cô gái đứng ngây người ra, ngạc nhiên nhìn Nguyễn thì Dương đã nhảy bổ đến ôm choàng lấy chàng, thốt lên vui mừng:

   – Trời ơi, mầy đây sao, Nguyễn?

   Nguyễn cố đóng cho xong màn kịch, nên xô Dương ra và nói với vẻ mặt lạnh lùng:

   – Trung sĩ nhất lầm tôi với ai rồi đó!

   Chợt, Dương nhìn thấy chiếc lon Thiếu úy trên nấp trái của túi áo trận và cái tên NGUYEN trên ngực áo phải của Nguyễn, nên Dương biết tỏng ngay đây là bạn của mình năm xưa, bèn làm bộ ra mặt giận, đùa lại với người bạn lâu ngày mới gặp:

   – Tao mà lầm à! Hay là bây giờ mầy đã là sĩ quan rồi mầy quên bạn bè cũ chớ gì?

   Trung đội đi đầu vừa mới báo đã đến điểm. Nguyễn ra lệnh cho các Trung đội dừng lại, bố trí và chờ lệnh.

   Cô gái sau khi cúi đầu chào Nguyễn, lặng lẽ quay gót trở vào trong tiệm may, nơi có mấy cô bạn đang đứng chỉ trỏ ra phía Nguyễn và Dương.

   Nguyễn nói với bạn:

   – Bồ của mày đẹp lắm đó!

   – Không phải là bồ, mà là em nuôi thôi!

   – Sao tao nghi cái kiểu anh nuôi của mày quá, mai mốt rồi mày nuôi đẻ người ta luôn có phải không?

   – Không, em nuôi thiệt mà! Mày muốn làm quen với cô ta, tao giới thiệu cho!

   – Mày nói thì phải giữ lời đó!

   Thấy đã đến lúc phải chia tay để chạy theo đơn vị, Nguyễn hỏi:

   – Mày đang làm việc ở đâu vậy?

   – Ban 5 Chi khu này!

   – Tao là Ðại đội trưởng của Ðại đội 1, Tiểu đoàn 4/33. Mày hỏi Ban 3 Chi khu để biết tin tức của tao khi đang hành quân ở vùng này. Tối nay, có lẽ Ðại đội của tao sẽ qua đêm ở bên kia cây cầu gỗ, nếu không có gì trở ngại, ngày mai mày ra chợ gặp tao.

   Nói xong, Nguyễn quay gót bước nhanh cho kịp đồng đội đang chờ ở phía trước, trong lúc bên tai còn văng vẳng tiếng của Dương nói vói theo:

   – Nhà em nuôi của tao cũng ở trong xóm bên kia cầu đó!…

***
Căn nhà lá của năm xưa đã trở nên quen thuộc đối với Nguyễn trong lần trở lại này. Chỉ có điều khác là Lan đã có chồng và ba má nàng đã theo ra ở riêng với vợ chồng đứa em trai út, còn Duyên bây giờ không biết nàng đang ở đâu!

   Ðó là một ngôi nhà cất theo kiểu ba gian với toàn bộ không gian nằm dưới mái trước dành làm phòng khách. Mái phía sau được kéo dài thêm ra để ngăn chia ra làm hai phòng ngủ, có một lối đi chung cặp theo hông trái nhà dẫn xuống chái nhà bếp ở phía sau cùng. Bước vào cửa trước là một bộ bàn dài và bốn chiếc ghế dựa đặt ở gian giữa, trước một chiếc tủ búp-phê lớn kê ở sát vách ngăn phía trong và ở sát chiếc cửa sổ phía trước là một bộ phản rộng. Bên trong vách ngăn là một phòng ngủ rộng rải của Lan và kế bên trong là phòng ngủ vừa là phòng làm việc của Thanh. Hai vợ chồng lấy nhau đã lâu nhưng chưa có mụn con nào để mà ẳm bồng.

   Thanh trở ra ngồi trò chuyện với Nguyễn ở ngoài phòng khách.

   Lan lo dọn dẹp và thay đổi chăn màn ở trong phòng của Thanh cũng vừa xong xuôi nên nàng quay trở ra nói với chồng:

   – Anh à, anh Hai đi đường xa chắc là đã mệt mỏi lắm! Hãy để anh Hai đi nghỉ, mai nói chuyện tiếp!

   Vợ chồng Lan đưa Nguyễn vào trong phòng ngủ.

   Thanh nói để cho Nguyễn an tâm:

   – Mọi việc em đã lo toan hết ở trên huyện hồi chiều rồi. Anh Hai ngủ ngon nhen!

   Khi vào hẳn trong phòng, Lan đưa cho Nguyễn một quyển vở học trò rồi bùi ngùi nói với chàng trước khi vội vã theo chồng bước ra ngoài, hình như để cố giấu mấy giọt nước mắt đang lăn dài xuống má:

   – Anh Hai hãy đọc mấy dòng mà chị Hai của em dặn chỉ được đưa cho anh xem thôi, nếu như anh có tìm đến nơi này. Sau khi đọc xong, anh hãy nói cho em biết bây giờ chị Hai của em đang ở đâu nhe!

   Nguyễn ngả lưng xuống giường, vói tay kéo chiếc đèn nê-ông để bàn gần lại sát bên đầu giường. Chàng dán đôi mắt mình vào bìa quyển vở học trò một hồi lâu, đoạn áp sát nó lên trên ngực áo, để may ra còn cảm nhận được chút hơi hưởng quen thuộc nào còn sót lại từ trong quyển vở truyền sang buồng tim đang rạo rực, náo nức mong mỏi được trở về với những điệp khúc yêu thương của thuở chàng có Duyên ở bên cạnh mình trong căn nhà đầy kỷ niệm của năm xưa.

   Khu xóm nghèo đang ngủ yên dưới bầu trời đêm yên tĩnh. Không có tiếng đại pháo đếm nhịp trường canh và tiếng chó hùa nhau sủa bâng quơ như của đêm nào mà chàng đã tìm đến và dám ngủ lại đêm ở đây.

   Và Nguyễn bắt đầu giở từng trang trong quyển nhật ký của người tình xưa…

   Giồng Riềng, ngày…

   Thật là kỳ lạ! Cái ông Thiếu úy có cái dáng đẹp trai kia ở đâu không biết lại chợt đến đây mà nói những lời quá xàm xỡ với mình trước mặt anh Dương như vậy? Bộ đợi ông thông báo, người ta mới biết anh Dương đã có vợ con ở quê nhà à? Anh Dương đã tự khai thiệt hết trơn với bọn này rồi nên người ta mới nhận ảnh làm anh nuôi đó…

   Nhưng mà có chuyện này rất là lạ. Không biết tại sao, khi mình cúi đầu chào từ giã ông Thiếu úy ấy lúc ban chiều, ông ta nhìn vào mắt mình đăm đăm làm mình cất bước chân đi cứ như sắp bị té mấy lượt, làm tụi bạn được một phen chế giễu rằng mình đã bị ông ta hớp hồn rồi! Mầy đã bị người ta thôi miên rồi phải không Duyên?…

   Khi trên đường trở lại nhà, mình đang có ý định để đến sáng ngày mai đi tìm anh Dương để điều tra cái anh chàng kia cho ra lẽ. Nhưng lúc mình vừa đặt chân vô nhà thì Chúa ơi, anh ta đang ngồi oai vệ ngang trước mặt ba mình nơi phòng khách mà uống trà tỉnh bơ. Lùi ra thì không thể, vì đây là nhà của mình mà. Mình lại gật đầu chào anh ta thêm một lần nữa, vừa định lủi nhanh vào trong nhà thì đã nghe ba mình nói với chàng rằng…‘‘Thiếu úy cứ tự nhiên nằm nghỉ trên bộ đi-văn này đi!’’. Mình dừng lại, núp vào bên trong bức màn cửa, lén nghe anh ta đáp…‘‘Dạ, con cám ơn bác, để tụi con ngủ ở ngoài trại ghe cũng được rồi!’’. Xí! ba của người ta tốt bụng như vậy mà còn làm bộ, làm tịch hoài!…

   Vừa bước vào buồng, đã nghe có tiếng xì xào ở nhà sau nên mình đến xem chuyện gì xảy ra ở dưới bếp. Thì ra có mấy anh chàng lính đang nấu nước sôi để đổ vào mấy bọc cơm sấy đã khui miệng, đang để trên bàn ăn. Một anh lính đã nhận ra mình nên hỏi…‘‘Có phải cô là người nói chuyện với bạn của Thiếu úy tui hồi chiều không?’’. Mình lại gật đầu thay cho câu trả lời rồi bước tới mở cái cánh cửa của chiếc tủ gạt-măng-giê ra, bưng mấy món ăn mà má đã để dành cho mình, để tặng cho họ. Chỉ ăn cơm gạo sấy với đồ hộp như vậy thôi sao? Thật là tội nghiệp!…

  

   Giồng Riềng, ngày…

   Ðêm qua, mình đi ngủ lúc hơn mười hai giờ khuya, trong khi ba mình còn ngồi tâm sự với người ta ngoài phòng khách. Mình đã tự dặn lòng là phải thức dậy sớm để ra xem người ta ngủ trên cái đi-văn kia hay là ở ngoài trại ghe cho biết! Lúc mình giật mình thức giấc thì đã hơn tám giờ sáng. Mình nằm trên giường mà lóng tai nghe động tĩnh ở xung quanh. Tứ bề yên lặng! Mình bước vội ra phòng khách, chiếc đi-văn vẫn trống trơn như mọi ngày! Mình bước ra sân, vẫn không tìm thấy bóng dáng của một anh chàng lính nào, kể cả ngoài trại đóng ghe của ba mình ở phía bờ sông cũng vậy! Thật là tiếc quá! Phải chi mình rán thức suốt trong đêm qua, chắc mẩm là mình đã khám phá ra ngay cái bí mật là người ta đã ngủ ở đâu rồi!

   Hỏi ba mình ư? Kỳ lắm, ai lại đi hỏi ba mình như vậy, mắc cỡ thấy mồ!…


Giồng Riềng, ngày…

   Trưa nay, khi đang ngồi ăn cơm trưa với mấy nhỏ bạn trong tiệm may, bỗng đâu có mấy loạt đạn pháo binh bắn ra từ phía Chi khu vọng lại làm inh tai mọi người. Tự nhiên mình thấy như nhói đau ở trong tim, không biết nguyên do từ đâu, từ âm vang của những tiếng nổ phát ra từ nòng súng đại pháo hay bởi tại người ta đã… lén gieo vào lòng mình một nỗi niềm gì đó mà không chịu báo trước cho mình hay, để mình đỡ phải chịu cảnh hồi họp, mong chờ! Mình ra đứng tựa cửa ngoài, ngóng nghe xem tiếng đạn bay và rơi nổ ở vùng nào. Thì ra tiếng đạn rơi nổ đì đùng vang lại từ phía Gò Quau, nơi đã từng xảy ra nhiều trận chiến đẫm máu trước đây!…

  

  Từ phía sân vận động, tiếng nổ của động cơ trực thăng vang dậy một góc trời. Ðoàn trực thăng, vừa mới thả tốp lính này xuống, lại vội vã cất cánh bay đi ngay, một lúc sau lại tiếp tục thả tốp lính khác xuống nữa, từng chặp, từng chặp như con thoi. Và lính ở đâu đang di chuyển ngang qua nhà lồng chợ, đông như kiến cỏ. Mình trông cho anh Dương ra chơi để hỏi xem việc gì đã xảy ra, nhưng chắc rằng anh Dương đã bị cấm trại rồi! Ðành chịu vậy thôi!

 

   Ngoài vườn, chỉ có lũ côn trùng đang cùng nhau hòa tấu một bản trường ca giữa đêm trường tĩnh mịt, âm vang đẩy đưa lúc thì như ai oán, não nùng, khi thì như nỉ non than khóc cho thân phận hẩm hiu của chính mình và cho cả những ai đó kém may mắn trong cuộc đời!

   Chiến tranh đã là một thứ vô hình tượng nằm giữa lằn ranh của sự sống và sự chết, của bình an và loạn lạc. Nhưng tự nó đã có sức cám dỗ mãnh liệt, một bên là những kẻ đang theo đuổi một mục đích mơ hồ và không tưởng, đưa nhân loại lần đến chỗ tự diệt mà không biết và một bên là những con người cùng mang chung một hoài bão, một lý tưởng hiện thực nhằm tạo cho mọi người có một cuộc sống thương yêu, hòa ái với nhau. Hai luồng tư tưởng đó đối đá nhau quyết liệt, gây ra những hậu quả thương đau mà kẻ đứng giữa là người dân lành phải gánh chịu những thảm họa liên tục từ hai phía, tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt, không chỉ riêng trên dãy đất thân yêu nhỏ bé này, mà cho toàn cả quả địa cầu nữa!

   Ðối với Nguyễn, là một người lính, một khi đã có quyết định đi theo tiếng gọi của non sông là chàng đã chấp nhận tất cả hiểm nguy đang chờ đợi mình ở ngoài chiến trường. Tuy đã có đôi lần bị tạm loại khỏi cuộc chơi, phải vào quân y viện nằm nghỉ xả hơi, sự mất mát về thể xác tuy không nghiêm trọng, nhưng bù lại cũng đã cho Nguyễn những kỷ niệm êm đềm khó quên trong suốt đời quân ngũ của mình. Ðó là sự viếng thăm của những người em gái ở hậu phương đã là niềm an ủi lớn lao khiến cho vết thương của người chiến sĩ mau lành lặn hơn.

   Và Nguyễn lại đưa quyển nhật ký lên ngang tầm mắt mình…

   Giồng Riềng, ngày…

   Anh Dương lại ra tiệm may chơi và báo cho mình một tin buồn là… Nguyễn đã bị thương ngày hôm qua và đã được đưa về Quân y viện Phan Thanh Giản ở Cần Thơ! Mình hỏi anh Dương… ‘‘Có chắc là anh Nguyễn không?’’, thì ảnh trả lời rằng… ‘‘Sao lại không chắc, máy truyền tin báo về rõ rang là Thẩm quyền của Thanh Nga 1 đã ‘‘Bắc Bình Tư Tưởng’’, là bị thương đó, thì là nó chớ ai!’’.

    Mình mới nghe anh Dương nói tới đó là mình đã muốn xỉu rồi! Cũng may là mấy nhỏ bạn không để ý tới việc đó, chớ tụi nó mà biết mình chết ngất vì cái tin kia thì mình biết phải độn thổ ở đâu cho khỏi bị tụi nó chế giễu’’…

   Mình đã có cái quyết định nói dối với má là đi nhóm Ðạo ở Cần Thơ chỉ là để đi thăm Nguyễn. Không biết Nguyễn đã bị thương nặng nhẹ ra sao và lúc gặp mình, anh có vui vẻ mà tiếp mình không?…

   Giồng Riềng, ngày…

   Nhỏ Duyên ơi! Sao mi lại tự vấy lấy khổ tâm như thế này! Mi đã dối cha gạt mẹ để tức tốc lên thăm Nguyễn sớm như vậy mà cũng đã muộn màng hơn kẻ khác! Khi mình vào đến nơi giường bệnh, đã thấy có một cô gái trẻ đẹp đến thăm người ta trước hơn mình rồi!

   Mình chưa là cái gì của Nguyễn nên mình đâu có lý do nào để hỏi han hay thắc mắc cô gái kia là ai. Mình buồn bã lui gót, bởi nghĩ mình là kẻ đến sau, nếu còn nán lại ở đây, chỉ làm ngứa con mắt người khác mà thôi!

   Vừa mang mối sầu tuyệt vọng ra tới cửa đã nghe tiếng của người ta ngọt như đường phèn ở sau lưng…‘‘Em về nhà đi, vài bữa nữa xuất viện anh sẽ tìm đến tạ lỗi cùng em, ngoan, nghe lời anh đi để anh thương’’.

   Xí! người ta coi mình như là con nít nên mới dỗ ngọt mình như vậy! Mà cũng không biết tại sao mình lại dễ tin lời người ta để rồi riu ríu ra bến xe đò mà đi về một mình!…

   Không phải đợi về tới nhà mình mới nằm vật vã ra mà khóc đâu! Vừa bước ra khỏi cửa Trại 2 của Quân y viện là mình đã khóc như mưa bấc rồi! Nhỏ Duyên ơi! Sao ngươi lại ngoan ngoản đến như vậy? Nếu trong vài ba ngày nữa mà người ta không đến, chắc mầy phải đi chết quá Duyên ơi!…

   Hôm nay mình không đi may, chỉ nằm ở nhà để khóc cho đã!

 Má thấy mắt mình sưng chùm bụp, má gặng hỏi, mình lại nói dối là… ‘‘Tại đi đường bị gió bụi bay vào mắt’’. Thật là dễ sợ cho cái tài nói dối của con nhỏ Duyên này quá!…

   Anh Dương ơi! Sao anh không chịu ra để em bắt đền anh cái việc người ta đã có bồ rồi mà anh còn giới thiệu với em làm chi, để em phải vương mang nỗi khổ đau đang trĩu nặng trong lòng như thế này!…

 

   Bây giờ đã là tiết cuối tháng mười nên trong những cơn gió thoảng đưa về có chút hơi lạnh báo hiệu cho một mùa đông nữa sắp về. Nguyễn lại để quyển nhật ký qua một bên, bước xuống giường, định đi tìm một tách trà uống cho ấm bụng. Hồi chiều, Lan nói rằng đã bỏ vào ấm trà vài lát gừng để cho chàng uống đỡ phải đau bụng vì lạ nước, nhưng chàng đã có uống thử, thấy vị trà hơi mặn, cái vị mặn của nước sông đã lóng phèn, nên lại thôi. Nguyễn nhớ lại lần chàng ngồi đối ẩm với ba của Duyên khi đơn vị dừng quân nơi đây. Cũng với cái bình trà chắc cũng được pha với nước sông lóng phèn thôi, nhưng sao chàng uống lại thấy ngon một cách lạ lùng. Hay là tại lúc đó có người đẹp đang núp bên trong bức màn cửa, len lén nhìn ra nên chàng chẳng để ý đến mặn hay lạt chăng? Còn bây giờ, không có Duyên ở nơi đây, cho dù Lan có bỏ tí gừng và tí đường vào trà, cũng chỉ tổ thêm cay, làm sao có được cái hương vị thơm ngon, chan chứa niềm cảm xúc lâng lâng của ngày xưa được!

   Trở vào trong mùng, Nguyễn lại đọc tiếp…

Giồng Riềng, ngày…

   Hôm nay, mình phải đợi đến trưa, lúc mà tụi bạn đã đến tiệm may rồi, mình mới đưa Nguyễn ra chợ Giồng Riềng để chàng lên xe đò về quê thăm nhà. Vết thương nơi bắp chân trái của anh nay đã kéo da non ‘‘làm miệng’’ rồi nên anh đi đứng có vẻ tự nhiên hơn, chả bù với lúc mới đến, anh đi cà nhắc trông thấy mà thương! Lần đầu tiên khi mình thay băng và rửa vết thương cho anh, má ghé mắt thấy sao đó nên lúc ra nhà sau má bảo mình… ‘‘Đừng có gì với nó, vết thương sẽ làm độc thêm ra và có thể bị cưa đến tận đầu gối đó!’’. Mình đang chả hiểu ra làm sao, má đã mắng cho một câu để nhớ cả đời… ‘‘Cái con nhỏ này, đã hơn mười tám tuổi rồi mà còn khờ khạo quá, đừng có nghe lời nó dụ dỗ mà ‘‘ăn nằm’’, mà ‘‘ngủ chung’’với nó, biết rõ chưa?’’. Dạ biết, thì con đã biết là ai đi cho không cái mà người con gái phải gìn giữ khi mà người ta chưa cho ba má uống rượu mừng. Nhưng mình lại hỏi má… ‘‘Cái việc bị cưa chân kia đâu có liên quan gì đến việc ‘‘ăn nằm với nhau?’’. Má giải thích là… ‘‘Phải kiêng cữ, vì vết thương nó kỵ với hơi hám của đàn bà con gái, con đã hiểu chưa?’’…

    Tối qua, mình nằm bên nhỏ Lan mà trằn trọc hoài không ngủ được. Nhỏ Lan thì ngáy khò khò. Mình đã quên lời má dặn nên mò qua phòng kế bên, căn phòng của ba má đã nhường cho Nguyễn nằm để được kín đáo hơn. Mình nằm bên anh như vậy rất lâu, và hình như có chút hơi ấm kỳ lạ đang ngấm chảy qua da thịt mình. Rồi Nguyễn chợt xoay qua ôm mình và đưa tay lần xuống phía dưới bụng. Mình nhanh tay chộp lấy bàn tay anh mà kéo lên và giữ chặt nó trong bàn tay mình. Anh hỏi… ‘‘Bộ em không thương anh sao?’’. Mình đáp… ‘‘Em thương anh nên mới lén qua đây với anh nè!’’. Anh lại nói… ‘‘Đã vào tới đây rồi sao lại tiếc với anh?’’. Chợt nhớ lại lời má dạy, mình nói… ‘‘Em đâu tiếc cái mà anh muốn, nhưng nếu như em chiều anh rồi vết thương không lành, em khổ tâm lắm!’’. Ðột nhiên, Nguyễn rút bàn tay ra và xoay mình nằm ngửa trở lại. Yên lặng! Mình rất mừng trong lòng khi đoán chừng rằng Nguyễn đang nằm bất động, chắc là đã cảm thông rồi, nên mình lặng lẽ trở về phòng…

  

   Nguyễn xếp quyển vở lại và để nó xuống bên cạnh chiếc gối và vói tay ấn cái công tắc để tắt đèn. Một cơn gió nhẹ theo vùng ánh sáng nhỏ len qua khung cửa sổ mở rộng lọt vào trong phòng. Ngoài kia, vạn vật có lẽ đang co mình nằm ngủ yên dưới bầu trời đầy trăng sao lung linh, huyền diệu. Nguyễn lại liên tưởng về những hành động không mấy tốt đẹp của mình trong quá khứ, quả đúng như những suy nghĩ mà Duyên đã viết. Chàng quen với Duyên đã lâu, nhưng tuyệt nhiên chưa có ai nói với nhau lời nào liên quan đến chữ yêu thì tại sao chàng lại muốn làm điều càn rỡ như vậy? Trong khi không được ai mời, chàng lại ngang nhiên lết cái chân què của mình đến gia đình nàng để làm phiền lòng mọi người trong lúc mà ở đây, trong những đêm tối mịt mùng, những “người anh em phía bên kia’’ có thể lẻn về bất cứ lúc nào để bắt buộc bà con tập họp lại để tuyên truyền và xin ủng hộ vật chất cho ‘‘cách mạng’’.

   Nguyễn nhớ lại lời ba của Duyên đã nói để cho chàng an tâm trước lúc ông vác cây súng Carbine M1 ra khỏi nhà… ‘‘Cứ ở trong nhà, tui là Trưởng toán Nhân Dân Tự Vệ ở đây, tui sẽ cho anh em canh gác kỹ, tụi nó không lọt qua được cái chốt của tụi này đâu, đừng có sợ!’’. Còn má của Duyên thì tự bà xách giỏ đi chợ hằng ngày để lo bồi dưỡng từng miếng ăn, thức uống cho chàng. Ðã vậy, lúc Nguyễn từ giã ra đi, chẳng những bà đã giúi vào túi chàng một nắm tiền mà còn nói… ‘‘Con cất đi để có mà xài, nếu sau này con không phải là rể thì cũng là con trai của ba má’’!

   Cũng may là Nguyễn đã nghĩ ra lẽ, nên chẳng dám làm điều gì xàm xỡ quá đáng đối với Duyên trong suốt thời gian chàng tá túc ở đây.

   Nguyễn nằm gối trên hai bàn tay đan nhau dưới gáy, cố dỗ mình vào giấc ngủ, nhưng hai mắt chàng vẫn mở ra thao láo mà nhìn xuyên qua nóc mùng như thể để lục tìm lại trong ký ức mình bóng dáng của người yêu xưa đang trôi giạt ở một nơi nào đó trên mặt quả địa cầu rộng bao la này.

   Và Nguyễn lại trồi dậy và bật đèn lên đọc tiếp…

Giồng Riềng, ngày…

   Anh Dương lại cho biết đơn vị của Nguyễn đã rời vùng hành quân để đi tái hấp ở Trung Tâm Huấn Luyện Thất Sơn rồi. Mình rất mừng vì Nguyễn được tạm lánh hiểm nguy, ít ra cũng được một thời gian ngắn. Chiến tranh là chết chóc, là chia ly, là đau thương, nên mình không có sự mong muốn nào khác hơn là Nguyễn được bình an, lành lặn lúc trở về với mình…

   Lần này thì mình khỏi cần phải viện dẫn lý do đi nhóm Đạo, má cũng vui vẻ cho mình đi thăm Nguyễn. Mình đang lo không biết xin ba ra sao thì má nói rằng… ‘‘Để việc đó má lo cho’’…

 

   Nhớ lại lần đó, sau khi được xuất viện, Nguyễn trở lại đơn vị đúng vào lúc Tiểu đoàn đang chuẩn bị đi ‘‘tái hấp’’ ở Trung Tâm Huấn Luyện Thất Sơn, Châu Ðốc. Các Tiểu đoàn bộ binh thuộc Vùng IV thay phiên nhau vào trung tâm này để học lại các bài học của năm xưa ở quân trường. Người ta đã là lính ‘‘có sạn’’ trong đầu, bao năm vào sanh ra tử, kinh nghiệm đầy mình, giờ lại bắt phải ngồi xếp bằng dưới đất nơi bãi tập, súng gác bên vai phải để nghe mấy cái lý thuyết xưa như trái đất ấy thì không có gì chán cho bằng! Nhưng nếu cho rằng cấp trên gởi các đơn vị chủ lực về đây để thay phiên nhau giữ an ninh vòng đai cho các tân binh đàn em Ðịa phương quân và Nghĩa quân an tâm mà lo học tập thì nghe còn có lý hơn nhiều!

   Thường ngày, Nguyễn dẫn Ðại đội của mình đến giao cho các huấn luyện viên nơi bãi tập xong là leo lên xe Jeep tìm đến các tụ điểm đá gà chọi ở gần đó để xem cho biết với người ta. Nguyễn ngạc nhiên khi thấy có một “ngài” mang chiếc lon Thiếu tá vàng hực trên ve áo trận đang hăm hở quăng cá độ với đám thanh niên ở đây. Cái thứ ngôn ngữ ‘‘mầy, tao’’ được họ mang ra sử dụng nghe thật chướng tai! Thật là tủi cho thân phận của những ai đang ngày đêm phải đối diện với khói đạn và tử thần, không mời gọi nhưng biết đâu nó sẽ đến với bất cứ một ai vào một ngày không đẹp trời nào đó mà không chịu báo trước!

   Nguyễn chờ cho có con gà nào thua độ, cứ bỏ ra năm trăm đồng bạc là mua được một con, đem về cùng anh em vặt lông và sơ chế thành các món nhậu với rượu đế của vùng Bảy Núi, không phải để có thêm nhiều can đảm mà tiếp tục ‘‘cuộc chơi’’ đang diễn ra hằng ngày như ăn cơm bữa trên mảnh đất đau thương này, mà là để tạm quên đi ba cái chuyện đời tréo ngoe cẳng ngỗng kia trong trường đá gà!

   Ðến sáu giờ chiều, nếu Ðại đội đến phiên trực chính, thì anh em chịu thương chịu khó vui vẻ cùng nhau lủi vào chân núi Thất Sơn để suốt đêm thức trắng không phải để ngồi nhập thiền bên tay súng, mà là canh chừng phía trước mặt, để vừa giữ mạng sống cho riêng mình vừa để cho khung trời phía sau luôn được an bình dài lâu! Những lúc không phải đi nằm tiền đồn đêm như vậy, anh em binh sỉ phải ra nằm trong các chiếc lều poncho dựng dọc theo hàng rào phòng thủ của trung tâm để thách thức cái nắng như nung của ông mặt trời lúc ban ngày và lúc đêm về, ngồi lắng tai nghe lũ côn trùng rí re trong đám cỏ dại ở ngoài kia trong khi vừa làm nhiệm vụ người lính gác giặc, vừa liền tay đập muỗi!

   Có một khoảng hàng rào khá dài của trung tâm đã bị đặc công địch lén bò vào cắt gọn và tấn công vào trung tâm ngày nào, bây giờ vẫn còn trống trải tan hoang ra đó, chẳng ai buồn tu bổ lại, trong khi những buổi ăn chơi, nhảy đầm ì xèo được tổ chức đều đặn thâu đêm suốt sáng ở phía cái cột cờ có lá quốc kỳ đang tung bay trong gió lộng kia thì làm sao tránh khỏi cảnh mũi lòng khi bao chiến sĩ đang ‘‘trơ gan cùng tuế nguyệt’’ cho đặng!

   Nguyễn nhớ rõ như in ở trong đầu là trong một lần chàng dẫn Ðại đội của mình đi nằm tiền đồn ở một điểm sát gần bên chân núi. Nguyễn chọn vị trí qua đêm cho đơn vị mình nơi những cái chốt cũ, nhưng không biết vì sao lại bị san bằng đi, chỉ còn lại những đường giao thông hào nằm dưới tán của mấy gốc xoài cổ thụ là còn có thể sử dụng được khi cần thiết.

   Ðến nửa đêm, Trung Tâm Hành Quân báo cho chàng biết là anh chàng ‘‘Phở bắc’’ sẽ nấu vài ‘‘tô phở đặc biệt’’ gởi cho những “người anh em phía bên kia’’.

   Nguyễn chấm tọa độ đó lên bản đồ, thấy đường đạn đạo sẽ từ nơi vị trí đặt súng đại pháo ở trung tâm huấn luyện bay qua ngang đầu của đơn vị chàng và điểm rơi ở một nơi cách điểm chốt của Ðại đội khoảng một cây số. Trên nguyên tắc, đó là một khoảng cách an toàn! Nhưng Nguyễn lại không an tâm với cái lối chơi ‘‘bắn yểm trợ qua đầu’’ của các anh chàng pháo thủ, nên chàng ra lệnh cho tất cả binh sĩ xuống hết dưới giao thông hào.

   Khi hữu sự, ai cũng biết là giao thông hào hay hố cá nhân sẽ bảo vệ đến chín mươi phần trăm mạng sống của binh sĩ trong lúc chiến đấu. Ðàng này, chỉ là để tránh một sự rủi ro một phần ngàn có thể xảy ra thôi mà bắt anh em phải xuống dưới đó và đội nón sắt trên đầu cho chắc ăn là lệnh của một cấp chỉ huy nhát gan, chắc chắn sẽ bị thuộc cấp phàn nàn không ít là ông thầy đày đọa em út! Ðó là chưa kể đến việc rắn rít đang há mồm ra chờ đâu đó ở trong hang hố! Nhưng cái một phần ngàn không an toàn đó đã xảy ra với Ðại đội của Nguyễn!

   Nguyễn đang ngồi dưới giao thông hào, ngước mắt nhìn lên bầu trời hình như thấp xuống hơn ở trên đầu, vừa để nhớ người yêu vừa chờ đợi ‘‘mấy tô phở’’ bay qua đầu mình! Chỉ có mấy vì sao đêm đang nhấp nháy qua kẽ lá cành cây ở trên kia cảm thông cho người chiến sĩ xa nhà! Bỗng đâu, ‘‘rầm, rầm’’ vang lên trong ánh lửa sáng rực, mấy tiếng nổ chụp liên tiếp, nghe đinh tai nhức óc đã chụp ngay trên những tán xoài!

   Nguyễn vội đưa chiếc ống liên hợp lên miệng và hét vào đó, bởi chàng chẳng còn có thời gian để nói theo qui luật truyền tin:

   – Ngưng ‘‘Tắc Xi’’ ngay! Ngưng “Tắc Xi’’ (tác xạ) ngay!

   Trong chút ánh sáng lờ mờ của những vì sao đêm trên trời tỏa xuống, Nguyễn vẫn thấy được cảnh cát sỏi, bụi đất, cành lá bay phủ mịt mù trong dãy giao thông hào nhỏ hẹp! Tất cả im lặng! Anh em đều chết hết rồi sao? Nguyễn thầm nghĩ như vậy! Còn bản thân mình thì sao? Nguyễn nhớ lại là lúc nãy, hình như có một vật gì cứng như… sắt bay chạm đánh cốp vào nón sắt của mình! Chàng đưa tay sờ lên chỗ đó! May là nhờ có hai lớp nón sắt che chở, nếu không, cái chỗ thường dùng để đội nón đã không còn có dịp để mà đội nón nữa!

   Có tiếng của ai đó vang lên nơi chiếc ống liên hợp:

   – Thanh Nga 1, đây ‘‘Phở bắc’’, anh xem mấy ‘‘tô phở’’ tôi vừa gởi tới anh có ‘‘ngon’’ không? Trả lời.

   Nguyễn hét vào máy:

   – Ngon cái con mẹ gì! Anh chơi trên đầu em út của tui mà còn hỏi ngon hay không ngon là sao?

   Im lặng! Nguyễn quờ quạng đi len lỏi từ đầu đến cuối dưới dãy giao thông hào đầy bụi khói để kiểm tra tình hình. Chàng mừng thầm khi tất cả các Trung đội đều báo cáo vô sự!

   Âm thoại viên lại trao cho Nguyễn chiếc ống liên hợp và nói có ông “Ðại Bàng” muốn gặp.

   – Thẩm quyền Thanh Nga 1, tôi nghe Ðại Bàng.

   – Anh cho tôi biết ‘‘con cái’’ của anh nó như thế nào rồi?

   Nguyễn đoán rằng ông Chỉ huy trưởng đã hay chuyện vừa rồi, nên đáp:

   – Em út của tôi đều ở dưới hố trước rồi nên vô sự, chỉ phải một phen kinh hồn bạt vía thôi!

   Ngày hôm sau, lúc sáu giờ chiều, trong khi Nguyễn đang chờ Ðại đội khác ra thay thế phiên trực thì chàng đã trực tiếp nghe lịnh của Ðại Bàng qua máy truyền tin.

   Chàng đưa ống nói lên miệng:

   – Thẩm quyền của Thanh Nga 1, tôi nghe Ðại Bàng.

   – Anh và tất cả ‘‘con cái’’ tiếp tục ở lại tại chỗ chờ lịnh, nghe rõ trả lời?

   – Tôi nhận rõ năm trên năm! Nguyễn trả lời một câu… xụi lơ trong nỗi ngao ngán, ê chề!

   Chàng đoán biết rằng ông Chỉ huy trưởng lo sợ chàng sẽ dẫn quân về… quậy về cái chuyện mấy “tô phở” xảy ra trong đêm qua, nhưng ông đâu có biết cái tính cố hữu của chàng là an phận mà thi hành lệnh của cấp trên, bởi chàng thường thấy chuyện “cá lớn ăn hiếp cá nhỏ” là chuyện thường xảy ra trong quân đội, chàng không dại gì đi chống đối lại cho thiệt thân.

    Nguyễn lại đọc tiếp:

   Giồng Riềng, ngày…

   Mình đến trước cổng của Trung tâm lúc mười hai giờ trưa. Thật là mắc cỡ muốn chết được khi bị cái anh chàng Quân cảnh gác cổng hạch hỏi lung tung làm mình đâm ra lúng túng.

   Mình trình căn cước và tư xưng là em gái quen đến thăm anh là Thiếu úy Nguyễn của Sư đoàn 21 đóng ở đây. Anh ta lại nói… ‘‘Nếu cô là bà xã hay là người yêu của Thiếu úy Nguyễn thì được, còn em gái chỉ mới quen thì không được vào thăm!’’.

   Mình tưởng thật, định hỏi cho ra lẽ thì may quá, anh Nguyễn đang lái xe Jeep cũng vừa chạy ra đến cổng.

   Trên đường trở vào trong căn cứ, mình hỏi anh Nguyễn… ‘‘Tại sao Quân cảnh nói là chỉ có vợ hoặc người yêu mới được vào thăm?’’ thì anh Nguyễn đáp… ‘‘Thì phải rồi, ai cho người dưng vào đây làm chi!’’. Mình lại thắc mắc… ‘‘Nhưng em nói em là em gái quen với anh mà tại sao họ lại không cho em vào?’’. ‘‘Thì khi họ gọi máy vào báo, anh phải xác nhận với họ rằng em là bà xã họ mới cho em vào đó!’’.

   Mình làm bộ giận, hỏi Nguyễn… ‘‘Vậy chớ anh cho em làm vợ của anh hồi nào mà ba má của em không hay không biết gì hết vậy?’’. Nguyễn đáp… ‘‘Nếu em không chịu vậy thì để anh chở em ra trả lại ngoài cổng nhen!’’. Vừa nói xong, Nguyễn vội đạp thắng xe thật nhanh làm cho toàn thân của mình nhào ra phía trước, trán mình va mạnh vào mặt kính chắn gió! Mình chỉ nghe “cốp” một tiếng rồi gục đầu xuống! Trong khi mình đang hai tay ôm đầu mà khóc nức nở, chợt có tiếng của Nguyễn bên tai mình… ‘‘Cho anh xin lỗi, em có sao không?’’. Mình biết là Nguyễn chỉ nói đùa với mình và chỉ là một sự vô ý để xảy ra tai nạn thôi. Nhưng mình cố làm lớn chuyện hơn… ‘‘Thì anh cứ đưa em trở ra ngoài cổng đi!’’. Vừa thốt xong, mình lại hối hận ngay về cái cử chỉ nhõng nhẽo rất là vô duyên vừa rồi của mình, bởi Nguyễn đưa mình trả ra cổng thật thì chỉ còn có một cách duy nhất là… ôm đầu máu mà quay về nhà thôi! Bỗng nhiên, Nguyễn nhoài người sang kéo hai tay mình xuống và đặt ngay lên cái cục u ở trên trán mình một chiếc hôn dài, nồng ấm…

   Thật là vất vả cho Nguyễn khi hằng ngày anh phải vừa lo cho lính vừa lo cho mình. Nguyễn cho biết là mình lên thăm anh nhằm lúc Ðại đội của anh vừa mới xuống phiên trực chính, nếu không thì mình phải ra về vì anh còn đang nằm tiền đồn ở trong chân núi! Nhìn các tấm poncho dựng lên thành những căn lều tạm bợ nằm phơi nắng rải rác dọc theo hàng rào kẽm gai trong cùng mà cảm thấy lòng mình xót xa, thương cho cuộc đời gian truân của những người lính chiến! Nguyễn đưa mình vào một căn hầm nổi, nóng như lò thiêu được dựng đơn sơ trên mặt đất, chỉ vỏn vẹn có bốn bức vách bằng những bao cát chất sơ sài, nóc được phủ bằng mấy tấm vỉ sắt và một lớp bao cát nữa ở bên trên. Trong hầm, có hai anh lính trẻ đang nằm trực máy truyền tin trên hai trong ba cái võng giăng ra ở ba góc. Chiếc võng còn lại mình đoán chắc là của Nguyễn. Chàng nói với hai anh lính đang bẽn lẽn với độc một chiếc quần cụt ở trên thân… ‘‘Hai cậu hãy nghĩ giúp xem tôi phải làm sao trong cái hoàn cảnh này?’’. Một trong hai anh lính nói… ‘‘Thiếu úy đừng có lo, để tụi này ra ở đậu với anh em khác ở ngoài kia là xong ngay!’’. Anh kia nhìn mình rồi nói tiếp… ‘‘Mai mốt có vợ của tụi em lên, Thiếu úy nhường… phòng lại cho tụi em là được rồi!’’. Mình quay ra đứng trước cửa hầm mà thầm ngượng ngùng cho chính bản thân mình!…

   Chiều lại, Nguyễn chở mình ra cổng, vào một căn nhà lá của dân nằm trước cổng trung tâm để xin tắm rửa nhờ, nhưng phải trả tiền sòng phẳng! Ðến bữa ăn chiều, Nguyễn muốn đưa mình ra chiếc quán ở trước cổng trại, nhưng mình không chịu vì quá mắc cỡ, nên mình chỉ ăn cơm lính với Nguyễn mà thôi!…

   Tối lại, bầu trời tối đen như mực ở bên ngoài! Mình nằm yên bên trong chiếc võng hai lớp mà nghe muỗi nó vờn ở xung quanh! Tiếng của Nguyễn từ chiếc võng bên kia… ‘‘Em ngũ chưa vậy Duyên?’’. Mình đáp… ‘‘Dạ chưa anh à!’’. Anh lại hỏi… ‘‘Chắc tại lạ chỗ chớ gì?’’. Mình chưa kịp đáp, đã nghe tiếng của Nguyễn nói như van lơn ở sát bên mình… ‘‘Cho anh nằm chung với em cho vui nhen!’’. Mình không đồng ý cái chuyện…vui đó, nhưng Nguyễn đã ngoan cố leo lên nằm cạnh bên mình trên võng cho bằng được! Và nhỏ Duyên ơi, lúc trời mới vừa chạng vạng tối, bên tai mi còn được nghe lũ côn trùng nỉ non cho thân phận mình từ phía lán cỏ ngoài hàng rào kẽm gai ở ngoài kia đưa lại, giờ thì mi phải bắt chước chúng mà khóc cho thân phận của mình ra sao đây khi, cái mà má mi luôn dặn dò là phải gìn giữ, mi lại đem cho không  người mà mi đã thương yêu kia rồi!…

   Nguyễn thoáng bàng hoàng như người vừa mới tỉnh dậy sau một cơn mê tình ái dài. Chàng nhớ lại từng kỷ niệm đã có trong khoảng thời gian chàng quen với Duyên trước đây, trong đó, việc Duyên đã “ưng chịu” làm chàng ray rức trong lòng nhiều nhất! Chàng biết rằng Duyên vì yêu mình thật sự nên nàng đã buông xuôi, chẳng còn giữ gìn cái mà trước đó nàng thường xin Nguyễn hãy cảm thông cho nỗi khổ tâm của đời người con gái chưa chồng mỗi khi chàng đề nghị đến việc đó. Nàng nói… ‘‘Hãy vì yêu thương em mà gìn giữ cho em đến lúc ba má em được ăn miếng trầu cay và được uống ly rượu nồng, được không anh?’’. Bây giờ, câu chuyện tình lỡ làng của năm xưa, tưởng chừng như đã nằm yên trong một xó xỉnh nào đó trong quá khứ của trên hơn ba mươi lăm năm về trước, bỗng nhiên như sống lại trong lòng Nguyễn!…

   Sáng hôm đó, khi Nguyễn trở lại hậu cứ Trung đoàn để trả tấm Giấy Phép Xuất Viện thì được nhân viên của Ban 1 cho biết là chàng phải có mặt tại hậu cứ một trăm phần trăm để chờ trình diện ‘‘Ông Ba Râu’’ (Trung đoàn trưởng) còn đang bận bay trên vùng hành quân. Nguyễn chẳng hiểu vì lý do gì quan trọng mà chàng phải gặp một cấp chỉ huy lớn như vậy, thì được vị sĩ quan hậu cứ trưởng cho biết là Bộ Tổng Tham Mưu đã ra một Bưu Điệp chấp thuận đơn của ba má xin cho chàng được phục vụ tại vùng nguyên quán với lý do ông bà đã già trên sáu mươi tuổi và có con đang phục vụ nơi khác vùng nguyên quán trên hai năm, nhưng ông Trung đoàn trưởng muốn giữ chàng lại để giao cho chức vụ Ðại đội trưởng Ðại đội Trinh sát của Trung đoàn thay thế cho vị Ðại đội trưởng đương nhiệm thuyên chuyển sang đơn vị khác! Nguyễn rất vui khi hay tin này, bởi đây là cái cơ hội tốt để cho chàng được thăng quan tiến chức nhanh hơn, chả bù với những năm tháng trước đây, chàng đã từng vào sanh ra tử đến nỗi phải vào Quân y viện nằm dưỡng sức hai lần, mà mấy tấm huy chương cao quý hoặc được thăng cấp đặc cách tại mặt trận, hay lên lon nhiệm chức thì đều vào tay kẻ khác, cho nên chỉ có mấy thứ huy chương như bạc và đồng là loại bèo nhất thì năm khi mười họa mới được xem như một đặc ân mới đến tay của một cấp Thiếu úy quèn như là Nguyễn để đeo chơi trên ngực áo mà thôi.

   Nhưng Nguyễn lại nghĩ, đến giờ phút này, cấp chỉ huy mới nghĩ đến mình thì đã quá muộn màng quá rồi!

   Chuyện gì thì cũng có nguyên do của nó. Ông Trung đoàn trưởng có ý chọn Nguyễn để giữ chàng ở lại chỉ vì trong hơn một năm qua, trong chức vụ Ðại đội trưởng, tuy chỉ mới là Thiếu úy thôi, chàng đã “nổi” nhờ lập được vài chiến công, tuy không mấy gì hiển hách, nhưng cũng đủ để có chút tự hào với các bạn đồng ngũ có cùng chức vụ như chàng. Còn chuyện có lệnh thuyên chuyển sang đơn vị khác để phục vụ, đi hay ở là do quyền quyết định của Nguyễn, ông Trung đoàn trưởng không có quyền để giữ bất cứ một thuộc cấp nào một khi họ đã có lệnh thuyên chuyển của cấp trên cao hơn. Cái chức vụ Ðại đội trưởng Ðại đội Trinh sát của Trung đoàn, tuy có hách thật, nhưng đối với Nguyễn bây giờ nó không còn có sức quyến rũ chàng như mơ ước trước đây nữa, bởi vì ở đây không có sự tưởng thưởng công bằng và xứng đáng với công trạng mà người lính đã vì một lý tưởng nào đó mà hằng ngày phải đem cái mạng sống quý báu của mình ra không phải chỉ để đùa giỡn với tử thần cho vui, mà đó là một nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng của một người trai trong thời loạn!

   Và chỉ trong một ngày sau, Nguyễn đã cầm cái Sự Vụ Lệnh trong tay và đi ra phi trường Sóc Trăng để xin tháp tùng một chuyến bay quân sự về Cần Thơ và sau đó, chàng đáp máy bay Air Vietnam về Sài Gòn. Và cũng từ đây, Nguyễn biết rằng mình sẽ khó có cơ hội để có thể gặp lại Duyên như trước đây…

Giồng Riềng, ngày…

   Hơn tháng nay, mình không có lúc nào quên được cái đêm đầy ám ảnh đó! Nỗi lo sợ càng dâng nhiều mỗi khi mình đưa tay đặt lên trên bụng để dò xem “nó” ra làm sao rồi! Mình nhớ lại, hôm đưa mình ra về, vì chiều lại, Ðại đội của Nguyễn đến phiên lên trực chính, lại phải đi làm tiền đồn trong chân núi, anh đã vừa ôm hôn vừa an ủi mình trước mắt mấy anh chàng Quân cảnh đang đứng trước cổng trung tâm làm mình quá thẹn thùng, nhưng mình lại an tâm hơn với những gì anh đã hứa… ‘‘Anh sẽ trở lại với em vào một ngày gần đây thôi, hãy luôn nhớ về anh nhen Duyên!’’. Không biết tại sao lúc ấy mình lại nói với Nguyễn… ‘‘Em sẽ chờ anh, nhưng nếu anh mà bỏ em, em sẽ đi tu cho anh vừa lòng!’’. Cái con nhỏ này thật là quá lảng nhách, mi muốn đi tu ở chùa nào thì cứ tự nhiên mà đi tu, can dự gì đến người khác mà mi hăm dọa trước như vậy!…

   Bẵng đi một thời gian khá lâu, mình không gặp lại Nguyễn. Mỗi lần anh Dương ra chơi, là một lần chất chồng thêm nỗi nhớ ai kia đang đi trong vạn dặm mờ xa! Mình không còn dám dọ hỏi xem Nguyễn bây giờ đang ở phương trời nào như trước đây mình đã từng dò la tin tức nơi anh Dương nữa! Mình rầu muốn chết đi cho rảnh, mà anh Dương thì chẳng an ủi gì, lại còn nói… ‘‘Nó như một cánh chim trời, nay đây mai đó, anh cũng chịu thua không lần tìm ra tung tích của nó nữa!’’ làm mình đang buồn càng thêm rầu thúi ruột hơn! Lạy Chúa, xin Người hãy thương xót mà dẫn lối đưa đường để người mà con yêu thương nhất trên cõi đời này sớm trở về với con!…

   Hôm nay, lại thêm một ngày buồn nữa đã đến với mình, bởi vì anh Dương đã được Bộ Quốc Phòng biệt phái về Bộ Quốc Gia Giáo Dục để tiếp tục đi dạy học như lời anh đã nói là trước đây anh làm nghề gõ đầu trẻ trước khi bị động viên vào lính. Hết Nguyễn, giờ lại đến lượt anh nuôi Dương cũng sắp sửa phải ra đi theo một nhiệm vụ mà tổ quốc đang cần họ. Và anh Dương chắc chắn rồi cũng sẽ như Nguyễn thôi, mang theo trọn gói hành trang về nơi phương trời lạ, chẳng hề để lại tung tích gì lại phía sau lưng ở những nơi mà họ đã đi qua, có chăng là khung trời đầy kỷ niệm buồn cho những ai lỡ dại dột một giờ để phải riêng mang bao nỗi nhớ thương mãi mãi một mình!… 

   Ðã từ lâu, mình gác bút chẳng thèm viết ba cái vớ va vớ vẩn của đời mình nữa, chỉ vì mình muốn vứt đi bao nỗi nhớ nhung vào vực thẳm của thời gian để tự nó chìm sâu vào sự lãng quên! Nhưng mình phải cầm lại cây bút, không phải để hy vọng ngòi bút thép vô tri này có sức mầu nhiệm nối kết đưa may cho mình gặp lại người xưa chắc là đang đẩy đưa cuộc tình với một người con gái nào đó trên bước đường mà anh đang đi, mà bởi vì trưa nay, khi mình ra nhà lồng chợ để mua thức ăn vừa trở lại tiệm may thì mấy nhỏ bạn kéo mình đến bên chiếc radio để ngồi nghe một tin tức đặc biệt có giá trị như một lời tuyên bố đầu hàng! Thế là hết rồi sao?…

   Mấy ngày qua, Lan cứ theo hỏi mình… ‘‘Sao mà em thấy chị Hai buồn quá vậy, lúc nào cũng khóc!’’. Cái con nhỏ xem khù khờ vậy mà tinh khôn đáo để, chẳng giấu giếm gì được nó. Mình có thố lộ bất cứ việc gì liên quan đến Nguyễn đâu mà nó vẫn biết hết trơn. Hay là má đã bật mí cho nó hay mọi việc đã xảy ra rồi cũng nên! Nếu không vậy thì làm sao nó dám nói… ‘‘Em nghe mấy anh lính ở đây nói rằng sẽ đi ‘‘trình diện học tập cải tạo’’ theo chỉ thị của ‘‘cách mạng’’, không biết anh Hai bây giờ ra sao!’’. Em bảo chị đi tìm anh Hai của em ư? Biết tìm nơi đâu khi bao cánh chim ngàn đã từng vùng vẫy khắp các vùng trời quê hương yêu dấu, giờ bị bắt buộc phải xếp cánh rời khỏi vùng trời quen thuộc, bởi một trận cuồng phong vừa mới ập về, nếu có cơ may được sống sót cũng chỉ là để tra chân vào kiếp sống tù đày mà thôi! Anh Nguyễn ơi, anh đã gieo vào lòng em một khối sầu da diết không nguôi rồi quay mình đi thẳng, thì hãy để cho dòng định mệnh đẩy xô con thuyền tình không trọn của riêng em đến một bến bờ nào đó em cũng cam chịu vậy! Bây giờ, em chỉ biết ôm em gái mình vào lòng mà khóc, khóc cho thật nhiều để may ra những giọt nước mắt khóc cho người dưng này sẽ cảm thông cho em mà cuốn trôi theo bao nỗi ưu tư và sầu muộn đang nặng trĩu trong lòng!…


   Nguyễn lại bỏ quyển nhật ký xuống bên đầu giường, vói tay ra ngoài mùng ấn cái công tắc đèn. Bóng đêm đen lại trở về với căn phòng lạnh buổi chớm đông. Rải rác đó đây trong xóm, tiếng gà gáy rộ lên báo hiệu trời sắp sáng.

   Chàng lắng tai nghe mấy tiếng động lụp cụp ở bên ngoài. Có lẽ Lan đã thức dậy và đang lo việc bếp núc ở nhà sau. Nguyễn nhìn lên mặt dạ quang của chiếc đồng hồ đeo tay. Ðã hơn năm giờ sáng! Vào giờ này ở bên Mỹ, Nguyễn chỉ mới từ sở làm trở về nhà, nên chàng thức trắng suốt đêm qua chỉ để làm bạn với quyển nhật ký của Duyên cũng không phải là chuyện lạ. Càng đọc, Nguyễn càng thương cảm cho thân phận người tình hơn, bởi trong suốt bao nhiêu năm qua, chàng là hình ảnh của một kẻ bạc tình như trong ý nghĩ của Duyên, qua đó nàng đã không thể nào ngăn chận được bao nỗi đau buồn lẫn xót xa đang hằng đêm gặm nhắm cõi lòng nàng!

   Bây giờ, Nguyễn rất mong được gặp lại Duyên, dù ở bất cứ nơi nào trên dãy đất thân yêu này, nên ngay từ chiều hôm qua, chàng đã mấy lượt dọ hỏi Lan, nhưng nàng chỉ có khóc để thay cho câu trả lời mà thôi! Trời đêm tháng mười quả đã dài thêm ra và chỉ trong hơn mười tiếng đồng hồ thôi, bao nỗi nhớ nhung người tình cũ từ đâu đó kéo về chất chồng thêm lên ở trong lòng Nguyễn. Những kỷ niệm êm đềm của thời trai trẻ cũng đã đầy ấp trong tâm khảm chàng. Cái tâm trạng của chàng bây giờ giống như một kẻ sợ phải soi gương vì không muốn thấy mái tóc mình ngày càng trở nên màu muối nhiều hơn màu tiêu; hay trong những lúc chiều về, bất chợt nhìn lại phía sau nơi đoạn đường đời mình đã trải qua, cảm thấy sao giống như đang trong cảnh hoàng hôn xuống dần nơi xứ lạ, mịt mù và đơn côi trong khi công danh và sự nghiệp của mình thì hãy còn bềnh bồng như mấy cụm lục bình trôi xuôi ngược theo từng cơn nước lớn ròng trên bao khúc sông rộng của ngày xưa! Nguyễn cũng chẳng biết mình tìm lại Duyên để làm gì khi tuổi đời ngày càng quằn thêm trên đôi chân mà ngày xưa chàng chưa một lần biết mỏi trên khắp các nẻo đường hành quân qua các vùng lầy lội ở Miền Tây! Ngày tàn của một cuộc chiến, tuy đã chấm dứt cái cảm giác chết chóc rợn người xảy ra liền sau mỗi khi nghe có tiếng súng nổ từ đâu đó vọng về, nhưng cũng chính nó đã gieo bao cảnh tàn tạ, chia ly cho bao con người vô tội và hậu quả của nó vẫn còn kéo dài dai dẳng mãi chẳng bao giờ dứt!

   Nguyễn đứng lên kéo cái thanh sắt khóa và đẩy nhẹ cánh cửa sổ ra. Mấy tia nắng đầu tiên len theo cơn gió nhẹ lọt vào phòng. Tiếng một con gà mẹ đang tục mồi đám gà con đâu đó bên hông nhà gợi cho Nguyễn nhớ lại trong lần chàng xuất viện và lần mò đến đây, Duyên đem gạo rải ra trước sân nhà để dụ bắt gà làm cơm đãi khách, nhưng chàng đã ngăn không cho Duyên làm như vậy. Chàng đùa với Duyên… ‘‘Em bắt gà của ba làm thịt, lúc bị ba đánh, anh không có dám nhào vô đỡ đòn cho em đâu!’’. Duyên xí một hơi dài rồi nói… ‘‘Lính gì mà nhát gan như thỏ đế! Thôi, để lát nữa nhỏ Lan về, em bảo nó xuống ao lưới bắt cá tra…’’.

   Rồi như chợt nhớ ra điều gì, nàng nói tiếp…‘‘Ủa, sao lạ vậy cà! Hồi nãy, ba em cho phép hồi nào mà anh gọi bằng ‘‘ba’’ nghe ngọt xớt như vậy?’’. Nguyễn vừa đáp vừa bước theo Duyên trở vào nhà… ‘‘Thì anh tập gọi như vậy cho quen, không được sao?…

   Nguyễn rinh chiếc ghế dựa bước ra sân trước, đặt xuống cạnh gốc dừa bên bờ sông và để quyển nhật ký lên trên mặt ghế. Chàng cười thầm cho cái lối “cua gái” đốt giai đoạn của mình trước đây. Nguyễn đến đứng yên lặng bên bờ sông nhìn Lan đang ngồi giặt quần áo trên chiếc cầu ván bắt ve ra mí nước sông đang lúc thủy triều lên cao.

   Ngày trước, lúc chiều về, trước khi trời sắp nhá nhem tối, Nguyễn đứng từ trong nhà ngó ra thấy hai chị em của Duyên cũng đứng trên chiếc cầu này và để nguyên quần áo đang mặc trong người rồi hè nhau nhảy ùm xuống nước và lội ra giữa dòng sông để tắm, đâu cần phải cầu kỳ là lóng phèn cho nước nó trong rồi mới tắm được. Lan đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ cao chỉ bằng nửa gang tay, chăm chú vò quần áo trong chiếc thau to bằng nhựa màu xanh. Mái tóc dài búi tròn cao lên xế sau đỉnh đầu, còn sót lại mấy sợi tóc con đen nhánh phủ lòa xòa trên chiếc gáy trắng nõn nà vươn nghiêng trên đôi bờ vai tròn nằm dưới làn vải mỏng của chiếc áo cánh màu hồng. Lan bây giờ là hình ảnh của Duyên năm xưa với những đường nét gợi cảm đang trên đà phát triển đến mức tuyệt hảo dưới bàn tay của đấng hóa công.

   Lan ngưng tay, ngước nhìn lại phía sau lưng, bởi nàng có cái cảm giác như có ai đang nhìn trộm mình. Nguyễn vội đưa tầm mắt mình về phía xa bên kia bờ sông. Mấy căn nhà lá lụp xụp, mà ngày trước chàng đã cho một Trung đội vượt sông qua nằm tiền đồn ở bên đó, vẫn còn nằm ngủ im lìm trong làn sương sớm đang giăng giăng trên các ngọn cây.

   Lan đứng dậy, bước rón rén đến đứng bên cạnh Nguyễn, nói:

   – Anh Hai thức dậy rồi à, để em vào nhà pha cà phê cho anh và anh Thanh uống nhen!

   Nguyễn vội ngăn lại, không phải trong nỗi cay cú, mà là thật lòng:

   – Thôi em ạ, anh đã cai cà phê và thuốc lá từ độ buông súng. Em cứ lo cho Thanh đi!

   Ðợi cho Lan đi rồi, Nguyễn mới quay trở lại ngồi xuống ghế và đọc tiếp…

Giồng Riềng, ngày…

   Mấy tháng nay, mình chẳng dám ló mặt ra bên ngoài, chỉ nằm dài ở nhà nên có nhiều thời gian để suy ngẫm về bao thứ chuyện xảy ra mà lũ bạn cho biết lúc đến thăm khi thấy mình không ra tiệm may. Ðứa thì đưa tin… ‘‘Tất cả lính tráng và công chức đều bị lùa vào trại tập trung hết rồi và ở đâu đó trên miệt Sài Gòn, những ai ăn rồi ngồi không để chỉ lo chưng diện sơn móng chân, móng tay lòe loẹt đều bị cho là phi lao động nên đã bị rút móng sạch sẽ hết trơn rồi!’’. Ðứa thì lại nói… ‘‘Những ai có liên quan đến ‘‘ngụy quân và ngụy quyền’’ đều bị theo dõi nghiêm nhặt’’. Việc để móng tay và móng chân dài thì mình chỉ có việc tẩy sơn và cắt ngắn nó đi là yên chuyện. Còn mình chỉ mới là người yêu của Nguyễn, chưa là vợ của lính mà cũng bị kết tội vạ lây hay sao?…

   Em đã phải phập phòng lo sợ trong một thời gian khá lâu để chờ đợi cái ngày mà người ta mời em lên để hỏi về cái tội mà em đã quen anh. Rồi cái ngày ấy cũng đã đến! Nhưng, người ta chỉ có mời em tham gia vào đội văn công của tỉnh, vì em có một giọng hát mà người ta cho rằng nghe hay hay, cũng như anh đã biết đó! Chắc là họ chưa hay biết gì về chuyện của chúng mình. Thật hú hồn!

   Anh Nguyễn ơi, anh hãy hứa là đừng giận em khi em đã đáp lại lời mời gọi hợp tác đó. Và cái quyết định của em ngay trong lúc này đây, em cũng chưa biết nó đúng hay là sai. Ðã yêu anh, thì em vẫn chỉ biết có anh trong suốt cuộc đời này mà thôi. Cái lý tưởng và những hình ảnh hào hùng của bao chàng trai thế hệ hằng theo đuổi trước đây, trong đó có anh, em vẫn luôn kính phục và ngưỡng mộ trong lòng!

   Sự hiến dâng cái cao quí nhất đời con gái của em cho người mình yêu đâu chỉ đơn thuần là một sự thỏa mản về sinh lý và nó đã trở thành vô nghĩa rồi chăng? Bây giờ em chỉ có thể nói với anh rằng… “Hãy tin tưởng vào em đi, bởi vì, biết đâu dưới bóng của một chiếc ô dù nào đó có thể giúp cho cuộc đời của em được yên thân và trong lúc em đang gặp phải cái hoàn cảnh khó khăn hiện tại, nó có thể mở ra cho em một lối thoát, một sinh lộ dẫn đến việc mà em hằng mơ ước là chúng ta sẽ được trùng phùng vào một ngày đẹp trời nào đó nơi một bến bờ xa lạ?

   Mộng ước của em như vậy có xa vời lắm không anh?…

   Anh ơi, ngày mai em sẽ phải đi trình diện nơi nhiệm sở mới rồi! Và nếu như sau này anh có dịp được đọc những gì em ghi lại ở đây, anh sẽ đoán được dự ước của em trong tương lai.

   Em chẳng lường trước được sự hên xui, may rủi như thế nào trong những bước đi sắp tới, nhưng em hy vọng đó là con đường duy nhất mà em chỉ có thể chọn để hy vọng chúng ta còn có thể gặp lại nhau mà thôi.

   Và kể từ nay, mong anh hiểu cho là em không tiện để tiếp tục trải lòng mình ra trên những trang giấy học trò này nữa. Xin tạm biệt anh và xin cho em được trân quí và gìn giữ hình bóng cùng những kỷ niệm của người mà em yêu nhất trên cõi đời này trong gói hành trang của mình, bởi vì có như vậy, em mới có thêm nhiều can đảm và nghị lực để cho cuộc hành trình tiến về phía trước được như ý muốn…


   Nguyễn thật sự bị hụt hẫng trước sự gác gút dừng lại quá bất ngờ của Duyên. Chàng đang muốn được đọc tiếp những nét chữ nắn nót mềm mại của người tình để sau đó đưa vào cất giữ kỹ trong tâm khảm mình. Cái cảm giác chới với và nuối tiếc giống như một kẻ đang bị khát mà trên tay thì đang cầm một ly nước, hy vọng sẽ được tận hưởng giây phút đê mê, sảng khoái khi dòng nước mát đang từ từ chảy qua cổ họng mà ngấm vào ruột gan mình, lại bị ai đó giằng giật lấy và hất đổ đi!

   Nguyễn lật thêm vài trang nữa, nhưng chỉ toàn một màu giấy trắng trinh nguyên như tấm lòng trước sau như một của Duyên. Trong những dòng chữ cuối cùng của Duyên, Nguyễn đoán biết rằng thế nào rồi nàng cũng sẽ vượt biên khi có cơ hội, để tìm đến một bến bờ tự do mà nàng ước ao sẽ gặp được chàng ở đó!

   Và cái hy vọng sẽ được gặp lại Duyên trong lần trở lại này đã tan biến ngay trong lòng Nguyễn!

   Chàng xếp quyển vở lại và để nó lên ngay nơi con tim đang bồi hồi và xót xa cho một cuộc tình đã vở tan của chính mình! Nguyễn cảm thấy không còn chút hy vọng nào để tiếp nối lại cung đàn xưa còn đang bỏ dở nửa chừng, bởi Lan cho biết là lần nhận được tin tức cuối cùng của chị mình cũng đã sau cái ngày tan thương của đất nước đến những bốn năm rồi!

   Và cũng chính tự bản thân Nguyễn, chàng đã buông trôi mạng sống của mình trong một cuộc hành trình vượt biển đầy gian lao, khổ cực cho dù trước đó chàng chưa đoán được điểm đến sẽ là một bến bờ nào đó nơi một phương trời vô định, hay là phải vùi thân xác mình vào vũng âm thanh ngàn đời của sóng biển vỗ rì rầm!

   Sự ra đi của Duyên cũng sẽ như vậy thôi, chỉ là một sự phó thác vận mệnh mình nổi trôi theo một định số chỉ mong tìm được một lần may mắn trong trăm nghìn lần rủi ro mà thôi!

   Ngoài kia, một chiếc vỏ lải đang lướt qua trên quãng sông rộng. Mấy con chim én ở đâu chợt vụt tới bay qua luyện lại, chắc là để đớp mấy con sinh vật nhỏ bị động nên tung mình bay lên từ mấy cụm hoa tím ngoi lên từ mấy đám lục bình đang chao đảo trên mặt sóng nhấp nhô. Nguyễn cảm thấy ươn ướt trên đôi khóe mắt mình và qua màn lệ nhá nhem, chàng thấy màu nước sông đục ngà ngà kia bỗng nhiên biến thành một màu xanh biên biếc của biển cả mênh mông và mấy đôi cánh nhỏ của loài én biển kia cũng đã trở thành những đôi cánh rộng của loài hải âu to lớn đang bay lướt trên mặt đại dương như thể đang tìm hớp đám phiêu sinh vật đang phiêu bồng trên mặt sóng.

   Và trong khung trời xanh bao la nơi có bầy chim trời đang vầy đoàn đó, Nguyễn cảm thấy hình như có đôi ánh mắt của Duyên đang lung linh, chập chờn như tỏ vẻ trách hờn cho duyên kiếp bẽ bàng lẫn nuối tiếc về một mộng ước chưa thành! Có phải chăng linh hồn của một người con gái chung tình nhưng bạc phận kia, cùng với bao con người có cùng chung số phận lạc loài như nàng, đã hóa thân như loài chim biển, tháng ngày cứ mãi là đà ôm sát mặt sóng nước trùng dương bao la như thể đang đi tìm kiếm để nhập lại xác thân mình đã bị rơi chìm vào một hố sâu nào đó giữa lòng đại dương sâu thẳm?..

NGUYÊN BÔNG