Sáng nay là lễ khai giảng niên học mới. Ðây cũng là ngày đầu tiên tôi bước chân vào lớp đệ thất của trường trung học công lập tỉnh. Một cảm giác nôn nao đang tràn ngập trong tâm hồn tôi. Trước đây, trong những lúc có dịp đi ngang qua ngôi trường xây bốn từng lầu này, nỗi ước ao được ngồi học trong một phòng nào đó luôn thôi thúc tôi phải cố gắng thi vào cho bằng được. Ðứng ở một góc, tôi đảo mắt một vòng quanh sân trường. Tất cả ai cũng hớn hở trong bộ đồng phục mới. Nam sinh mặc quần-sọt, áo sơ-mi trắng ngắn tay và mang giày ba-ta trắng. Bên cánh nữ sinh thì thướt tha trong chiếc quần dài đen kín đáo, chiếc áo dài trắng phủ bên ngoài, tà áo tung bay như những cánh bướm mùa xuân và dưới chân các nàng là những đôi guốc dong mộc mạc hay những đôi săn-đan đắt tiền. Nghe dường như có mùi vải hồ mới quyện vào làn sương êm ả còn sót lại của đêm qua. Tôi muốn hòa mình vào bao nỗi hân hoan, rạng rỡ của mọi người để cố quên đi cái mặc cảm là mình nghèo hơn tất cả bạn bè, khi mình đang mặc bộ đồng phục may bằng các loại vải rẻ tiền. Và lòng tôi se lại bởi bao nỗi xót xa đang chạy khắp châu thân! Trên bầu trời xanh nhạt, từng đợt mây trắng đùn lên, trông xa như những đống bông gòn khổng lồ màu trắng tuyết đang lờ lững trôi qua ngang đầu! Tôi đưa tầm mắt nhìn ngang, từng cụm ba lá cờ vàng ba sọc đỏ được treo khắp nơi trong sân trường, cả ngoài cổng chánh, đang phất phới tung bay trong nắng ấm. Chưa có buổi ban mai nào đẹp hơn buổi sáng hôm nay! Trong phút chốc, tôi thấy lòng mình sung sướng lạ, bởi tôi đã đạt được ước nguyện là đã thi đậu vào trường trung học công lập duy nhất của tỉnh nhà. Cùng lúc, niềm hãnh diện cũng đang dào dạt dâng cao khi tôi thấy tên mình được ghi trong danh sách những học sinh đậu cao và được cấp học bổng nữa.
Một hồi chuông dài vang lên cắt ngang dòng suy tưởng, tôi vội vã cùng các bạn xếp hàng ngay ngắn để chuẩn bị làm lễ chào quốc kỳ đầu tiên trong đời tôi, trong sân ngôi trường thân yêu này…
Một năm học dài đã trôi qua. Cho dù có được giặt giũ và gìn giữ cẩn thận cách mấy đi chăng nữa, bộ đồng phục cũ của tôi cũng đã đến lúc phải thay thế. Nó đã theo tôi suốt bao ngày tháng êm đềm của tuổi học trò. Giờ đây thì phần đít quần đã trải qua hai lần đấp vá. Cái cỗ áo sơ-mi đã được tháo ra và may lại với phía trong lật ra phía ngoài, vì bề trái của cỗ áo hãy còn lành lặn. Tôi đang trong thời gian nghỉ hè, cho nên bộ đồng phục cũ được tôi xếp gói lại trong tờ nhật trình cũ và để bên đầu ván nằm. Tôi thường hay đi ra đồng ruộng với chiếc quần cụt và chiếc áo bà ba đen bị vá víu nhiều nơi, để phụ giúp ba tôi dẫn trâu đi ăn cỏ sau mỗi buổi cày. Còn hơn một tuần lễ nữa là đến ngày nhập học niên khóa mới. Tôi được lên lớp Đệ Lục. Tôi luôn ước ao cho gia đình mình được trúng vụ mùa lúa mới, để tôi xin má tôi may cho một bộ đồng phục mới. Ba tôi thì làm việc quần quật suốt ngày ở ngoài đồng. Cuộc đời của ba dường như định mệnh đã an bày, bắt buộc đôi tay phải gắn liền với cái cuốc, chiếc cày và đôi chân thì luôn gắn liền với ruộng rẫy tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác! Bao nhiêu mùa xuân đi qua chỉ hằn cho mái tóc thêm bạc, ba cũng không biết! Và dường như cái sức khỏe, vốn quý báu nhứt của đời người, đang dần yếu kém, trở nên xấu đi, đang tìm cơ hội để quật ngả ba, ba cũng không hay! Tất cả chắc cũng vì ba muốn cho gia đình được hạnh phúc, ấm êm, con cái học hành thành đạt. Má tôi luôn quán xuyến mọi việc trong nhà. Nhưng ách nước, tai trời không ai tránh khỏi, cảnh túng thiếu luôn bám theo gia đình tôi suốt bao năm qua. Tôi thương ba má tôi lắm! Có những đêm dài không ngủ, ngồi chong đèn học bài bên bộ ván xoài cũ kê ở gian phải nhà, ngó qua trên bộ ván xoài cũ kê đối diện phía bên kia, ba má tôi đang sải tay chân say giấc nồng sau một ngày lao động cực nhọc, trông như hai bức tượng gỗ, trong cái ánh sáng vàng vọt, yếu ớt của ngọn đèn dầu lửa, từ trên bàn thờ tổ tiên hắt xuống, thỉnh thoảng lung linh như sắp tắt mỗi khi có một cơn gió nhẹ lùa vô nhà qua khe cửa liếp phên tre…
Tôi định bụng sẽ mặc bộ đồng phục cũ thêm vài tháng nữa. Sau vụ mùa, khoảng ra giêng, tôi sẽ xin ba má cho tiền để đi may một bộ đồng phục mới. Nhưng tôi cảm thấy hình như mình đang cao lớn hơn một chút sau mấy tháng nghỉ hè. Cái cảm giác ấy làm cho tôi cảm thấy choáng ngộp trong nỗi lo âu, khắc khoải suốt mấy ngày qua. Ðang đêm, tôi choàng dậy, lôi bộ đồng phục cũ ra mặc vào người. Chao ôi! sao nó lại chật chội thế này? Thật lòng mà nói, tôi chưa dám xin tiền ba má để đi may một bộ đồng phục mới. Nhưng bây giờ thì tôi không thể không thưa việc ấy với ba má của tôi.
Hôm sau, lúc ăn bữa cơm chiều xong, thấy cả nhà đều đủ mặt, tôi đến bên xin má:
– Má cho con tiền để may bộ quần áo mới mặc đi học. Bộ cũ đã rách đít sờn vai, vả lại con mặc nó chật hết rồi!
Im lặng!
Một chốc, tôi lại nói thêm:
– Thứ hai tuần sau con lại nhập học rồi, chỉ còn hơn một tuần lễ nữa thôi!
Ba tôi đang ngồi đối diện với má tôi bên kia đầu bàn ăn được làm bằng những thanh gỗ tre, chợt nhìn tôi từ đầu đến chân, đoạn, tay quơ gói thuốc rê để trên bàn ăn rồi bước ra hiên trước, nét mặt đượm vẻ buồn! Không một ai biết ba tôi đang nghĩ gì ở ngoài kia, việc đồng áng ngày mai phải làm gì hay việc tôi xin may bộ quần áo mới! Nhưng có một điều mà tôi biết rất rõ là ba tôi thường hay ra ngoài đồng sớm hơn mọi lúc, khi có điều gì đó làm cho người phải lo âu hoặc suy nghĩ nhiều. Còn lại một mình ở gian nhà bếp, má tôi đang ngồi nhai trầu, mắt đăm chiêu nhìn lên gian nhà trên.
Ánh sáng yếu ớt của cây đèn chong nhỏ trên bàn thờ ông bà nội tỏa rộng ra như cố xua đi cái bóng tối âm u trong căn nhà tranh vách đất nhỏ hẹp này. Mắt tôi bỗng nhòa lệ! Tôi luôn cảm thông cho nỗi lo lắng và khổ tâm của ba má tôi. Bậc làm cha mẹ nào chắc cũng luôn gánh hết phần trách nhiệm về mình, chuyên cần làm việc cực nhọc để chỉ đánh đổi lại mỗi một điều duy nhất là nhìn thấy con mình ăn học được thành đạt sau này. Ngoài kia, giọng dế mèn đang rên rỉ, hiệp với tiếng nhạc sành lanh lảnh từng chập đưa lại, hòa lẫn vào tiếng một con thạch sùng nằm đâu đó trên kèo nhà đang than thân trách phận, đếm nhịp trường canh cho một bản nhạc về đêm ở miền đồng quê thôn dã…
Dựng chiếc xe đạp vào bên hông của nhà may VÂN, tôi rón rén bước vào cửa. Hơn một chục con mắt của các cô vừa thợ may vừa học việc đang dồn về phía tôi làm cho tôi khớp quá.
Cố lấy lại bình tĩnh, tôi nói với một cô ngồi ở ngoài cùng:
– Tôi muốn gặp dì Ba.
Một cô ngồi phía trong đã nhanh nhẩu trả lời:
– Dì Ba vừa đi chợ rồi! Anh đến may đồ phải không, để em đo cho anh nhé?
Tôi ngượng ngập cả người. Không dè cái cô này tấn công mình đột ngột quá. Tôi lại chợt nghĩ, mình có duyên nên người ta mới chọc ghẹo và tán chuyện cùng mình. Nhưng đã là con gái, sao lại quá quắt thế!
Thêm một giọng nữa của ai đó phát ra từ phía trong làm cho tôi nghe nóng rần lên trên hai gò má:
– Không phải ảnh đến may đồ đâu, ảnh có hẹn đến tìm em đó!
Thôi chết rồi! Chưa chi đã có hai cô giương cung bắn sẻ vào mình rồi, cô sau dày dặn kinh nghiệm hơn cô trước. Nếu như cứ tiếp tục bị các cô chơi trò “xa luân chiến”, không chừng tôi bị thương và bại trận, chịu thua nửa chừng! Tôi bối rối định muốn quay trở ra thì may quá, Lan vừa xuất hiện ở cửa buồng phía trong, đã cứu vãn cho tình thế đang nguy ngập của tôi.
Nàng nói lớn, như cho tất cả mọi người cùng nghe:
– Mấy chị đừng chọc ảnh nữa! Ảnh hay mắc cỡ nhưng học giỏi lắm đó!
– Tôi bình tĩnh trở lại, bởi lẽ câu nói của Lan làm cho tôi cảm thấy có chút man mát ở trong lòng. Do vậy, tôi nghĩ sẽ không có bất cứ lý do nào để phải giận các cô thợ may, tuy lí láu, nhưng xinh đẹp kia. Tôi mỉm cười với tất cả mọi người, đoạn tất tả đi theo Lan vào phía trong.
Lan là con gái duy nhất của dì Ba, chủ nhà may VÂN. Nàng rất đẹp, nên được cánh nam sinh bầu chọn nàng là hoa hậu của các lớp Đệ Thất. Tuổi nàng vừa độ trăng tròn mười sáu, vóc dáng thanh thót với làn da trắng mịn. Nàng cùng học chung trường với tôi, nhưng khác lớp. Năm nay lên lớp Đệ Lục, tôi đã được mười bảy tuổi ta rồi! Tuổi tối đa khi thi vào lớp Đệ Thất lúc bấy giờ là mười bốn cho nam sinh và mười lăm cho nữ sinh. Không biết vì lý do gì mà có rất nhiều học sinh thuở ấy lấy giấy khai sinh sụt lại vài tuổi để thi vào lớp Đệ Thất của trường trung học công lập của tỉnh. Riêng tôi, đã phải mất đi một năm học lại Lớp Nhất, chỉ vì tôi không có tờ khai sanh chính để ghi danh dự thi lấy Bằng Tiểu Học. Sau khi có Bằng Tiểu Học rồi, tôi lại phải mất một năm nữa ở một trường trung học tư thục khác. Giờ thì hằng ngày, tôi thản nhiên ôm sách vở bước qua cánh cổng của ngôi trường công cùng với các bạn học có cùng trang lứa tuổi đời, trong đó có Lan.
Không ai biết ba của Lan là ai, duy chỉ có điều mà ai cũng rõ là dì Ba thương yêu và cưng chìu nàng lắm. Có lẽ Lan không biết đến sự cực khó là gì. Nàng thường đi học trên chiếc xe đạp sườn làm bằng nhôm cứng sáng bóng và luôn mặc những bộ đồng phục bằng các loại vải đẹp và đắt giá. Với nàng, tôi có một kỷ niệm êm đềm mà có lẽ cho đến cuối đời, tôi không bao giờ quên được.
Một hôm, trên đường đi đến trường, ruột xe đạp bánh trước của tôi bị nổ ở ngang trước cửa nhà Lan. Thật là quỷ quái cho chiếc xe đạp cũ và ọc ạch này. Kìa, hình như Lan đang dẫn xe đạp từ trong nhà đi ra. Thoáng thấy nàng, tôi đâm ra bối rối lạ kỳ. Hai tay tôi vân vê mãi chỗ vỏ và ruột xe bị nổ, không dám ngó lên.
Một thoáng trôi qua, tôi nghe như có tiếng Lan từ phía sau lưng:
– Anh dẫn xe vào nhà em đi rồi trở ra chở em đi học, kẻo trễ giờ!
Tôi đứng lên nhìn Lan với vẻ ngượng, lúng túng chẳng biết phải làm sao! Có cái gì đó đang nghèn nghẹn bên trong cuống họng mình và trong lồng ngực thì hình như con tim đang muốn làm reo không chịu đập nữa.
Lan giục giã:
– Nhanh lên đi anh!
Khỏi phải nói, ai cũng biết rằng, trên đường lộ hai buổi đi về ngày hôm ấy, có rất nhiều người, nhất là cánh nam sinh đang soi bói, ganh tị nhìn tôi đèo Lan đi học trên chiếc xe đạp bóng láng của nàng. Tôi cảm thấy lòng mình lâng lâng một niềm vui nho nhỏ đang len lén đi vào hồn cùng chút hơi thở ấm của Lan đang truyền qua vai tôi từ phía sau lưng…
Hôm nay là ngày Chủ nhật. Ngày mai sẽ là ngày tựu trường. Nằm ngửa gối đầu trên hai bàn tay vòng dưới gáy, chân gác chữ ngũ trên bộ ván vừa làm giường ngủ vừa làm bàn học, tôi miên man với bao ý nghĩ trong đầu, vẫn chưa tìm ra được lối thoát cho cuộc đời mình. Hai người anh của tôi đều đã lập gia đình. Cuộc sống của họ cũng tạm ổn định với nghề gõ đầu trẻ ở bậc tiểu học. Ba má tôi cũng muốn tôi theo gót hai người anh. Hai ông bà thường cho cái nghề dạy học là một nghề nhàn nhã và cao quí, ít cực thân nhưng lại được nhiều người kính trọng. Hơn hai năm trước, hai người anh của tôi đều đã dọn ra ở riêng. Còn lại mình tôi, nhẹ gánh lo hơn trước nên ba má tôi thường khuyên tôi nên cố gắng học hành cho thành đạt để được nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng. Tôi nguyện sẽ thực hiện cho bằng được ý muốn của song thân để đền đáp chút công ơn dưỡng dục, sinh thành. Nhưng giờ thì có lẽ tôi sẽ không thể tiếp tục việc học nữa. Vụ mùa sắp tới, lúa thu hoạch may ra chỉ đủ để đóng lúa thuê cho chủ điền mà thôi. Mọi sinh hoạt của gia đình đều trông cậy vào mấy công rẫy dưa hấu, nhưng phải đợi đến giáp chạp ta mới thu hoạch để bán vào dịp Tết đến. Tôi định bụng sẽ thưa với ba má cho tôi được nghỉ học để phụ giúp ba tôi trong việc đồng áng. Xoay mình nhìn lên phía bàn thờ ông bà nội, chiếc đồng hồ reo chỉ hơn sáu giờ chiều! Lúc này, ông mặt trời thường hay đi ngủ sớm. Có lẽ ba má tôi đang trên đường từ rẫy dưa hấu lội bộ về nhà.
Hiện tại tôi chưa có tiền để đạp xe ra nhà may VÂN để lấy bộ đồng phục đặt may từ mấy hôm trước. Chợt nghe có tiếng mưa rơi trên mái tranh, tôi vội choàng dậy và bước ra cửa, định xem có vật gì phơi đâu đó bên ngoài lấy đem vô nhà. Mấy giọt mưa rơi xiêng xiêng trên vạt cỏ trước sân, dưới ánh nắng vàng hanh của buổi chiều tà. Kìa, Lan đang hấp tấp dẫn xe đạp từ ngoài ngõ đi vào.
Tôi vội chạy đến bên, vừa dang tay dành lấy chiếc xe đạp, vừa hối hả giục nàng:
– Lan chạy vào nhà nhanh lên kẻo bị ướt hết quần áo!
Bóng Lan vừa khuất sau khung cửa hẹp. Tôi cũng đã dựng chiếc xe đạp của nàng vào sát bên hiên trước nhà. Vừa bước vào, trong cái tranh tối tranh sáng trong căn nhà tranh chật hẹp, tôi vẫn thoáng thấy được những hạt mưa còn đọng lại trên mái tóc và cả trên gương mặt thon nhỏ của Lan. Những giọt nước mưa giờ đang lan rộng ra trên làn áo hồng mỏng, dính sát vào da thịt nàng. Một thoáng bẽn lẽn trôi qua, Lan vội đưa hai bàn tay ra phía sau vai kéo nhanh hai lọn tóc dài ra phía trước, bỏ xỏa đều xuống trên hai gò ngực đầy đặn, căng tròn. Tôi thẹn thùng quay đi, mặc cảm tội lỗi như vừa bị ai bắt gặp mình đang nhìn trộm một vật gì, dù trên đó không có treo bảng cấm nhìn!
Một phút trôi qua, Lan từ phía sau vừa đẩy vai tôi xô ra phía cửa vừa nói:
– Anh ra lấy gói đồ trên ba-ga xe đạp dùm em đi, chắc là nó bị ướt mẹp hết rồi!
Tôi vâng lời Lan như một cái máy, lúc trở vào, Lan chỉ gói đồ trên tay tôi, nói:
– Chờ mãi không thấy anh đến lấy quần áo để mai mặc đi học, nên má bảo em mang đến cho anh đó!
Tôi cảm động quá, chưa biết nói lời chi thì Lan đã vội vàng kéo người tôi rùn thấp xuống một chút, giọng nàng thỏ thẻ bên tai tôi:
– Em lén má, bảo mấy chị may thêm cho anh một bộ đồng phục và ba cái quần cụt nữa để anh có mà thay đổi, và em đi chợ mua cho anh ba cái xì-líp nữa đó, chịu không?
Tôi đứng chết trân một hồi lâu và tự hỏi lòng mình, Lan thương tôi đến như vậy sao? Rồi, như bạo dạn hơn mọi khi, tôi tiến đến đặt hai bàn tay mình lên đôi vai nhỏ của Lan, nhìn thẳng vào đôi mắt long lanh ươn ướt của nàng thật lâu. Tôi không biết, từ trong đáy mắt hay từ trên trán nàng, mấy giọt nước đang lăn dài xuống hai bên gò má đợi chờ. Tôi cảm thấy con tim mình đập mạnh hơn và nhanh hơn mọi ngày. Tôi tự trấn an lòng mình là từ nay hãy đừng có nhút nhát, rụt rè trước con gái nữa. Và đặc biệt trong buổi chiều nay, tôi không thể nào không dang rộng đôi cánh tay ra để đón nhận một người con gái đang nép vào người tôi. Một làn hương thơm trinh nữ tỏa nhẹ lan vào mũi khiến lòng tôi ngất ngây trong lần đầu tiên va chạm vào thân xác của một người con gái nơi chốn phàm tục này. Toàn thân Lan và tôi hình như đang từ từ cất lên cao khi tôi vừa nhận ra được tiếng của hai con tim đang hòa chung một nhịp điệu, trước nhanh sau chậm dần, để rồi sau đó, xung quanh tôi, mọi vật đang dần biến đổi thành một màu hồng.
Thật lâu! Bỗng Lan xô nhẹ tôi ra. Nàng quay qua mở gói giấy nhựt trình, bày ra mấy bộ quần áo lên mặt bộ ván. Mùi vải hồ mới lan nhẹ ra trong căn phòng nhá nhem tối.
Lan âu yếm nhìn tôi, giục:
– Anh mặc vào để em ngắm xem có vừa không!
Tôi mang mớ quần áo lủi vào trong buồng với lòng rộn vui hơn lúc nào hết. Tôi cảm thấy hình như có một “nụ hoa yêu” vừa mới chớm nở ở trong lòng, cùng lúc với ý nghĩ vừa mới thoáng qua trong đầu “Lan và mình đang cùng bên nhau đặt những bước chân mềm đầu tiên trên con đường mòn phảng phất mùi hoa thơm cỏ dại, hay đấy chỉ là một thứ tình cảm lâng lâng, chả đi đến đâu, thường chỉ xảy ra trong lứa tuổi học trò?”.
Ngoài kia, ánh dương đã tắt tự bao giờ…
NGUYÊN BÔNG