SỐ Ở ĐỢ

SỐ Ở ĐỢ

   Vào một ngày vừa mới chớm đông, tiết trời chiều hơi se se lạnh. Nơi một làng quê nằm ven bờ sông Vàm Cỏ Ðông, một nhóm dân quê lặng lẽ bước theo sau một cỗ quan tài thô sơ được đặt trên chiếc xe tang chỉ là một chiếc xe bò được đám đàn ông và con trai đang cố gắng kẻ kéo người đẩy, nhưng cỗ xe cũng chỉ lăn bánh cọc cạch và chậm chạp trên con lộ đất xuôi ra nghĩa địa làng. Bà con ở đây quan niệm rằng ‘‘sinh ký tử qui’’, con người từ lúc cất lên tiếng khóc chào đời chỉ là sống tạm nơi trần gian, lúc từ giã cõi thế, lại trở về với cát bụi. Cho nên, khi có một ai đó đã xuôi tay nhắm mắt rồi, người ta thường để cho linh hồn người chết được thanh thản bay về chốn hư vô, không còn mắc nợ nần gì với con trâu, con bò khi phải nhọc công kéo lê cỗ xe tang đưa xác thân họ về với lòng đất nơi nghĩa trang!

   Bà Trần Xuân vừa mới qua đời sau một cơn bạo bịnh! Nguyễn Tượng phải gánh lấy tang mẹ khi chàng vừa tròn mười tám tuổi, cái tuổi vừa mới chập chững những bước đi của người lớn để vào đời, mà phải bưng chiếc khai để bài vị của mẹ, lặng lẽ bước theo sau một bô lão dẫn đầu đoàn đưa ma trở lại nhà, khiến lòng chàng buồn vô hạn!

   Khi đã lo chôn cất cho mẹ xong, Nguyễn Tượng dẫn người cha già là ông Nguyễn Thân rời căn nhà nhỏ ọp ẹp dựng đậu trên đất làng để đi ở đợ, trông coi một trại ruộng cho ông Chủ Lương, một chủ điền giàu có, để trừ dần số tiền vay mượn để lo mai táng cho mẹ. Ngoài công việc do chủ giao, nếu như có ai mướn việc gì, hai cha con cùng nhau làm để mua sắm thêm cái ăn, cái mặc. Nguyễn Tượng lại giỏi nghề giăng câu lưới cá nên không bao lâu, chẳng những chàng đã trả được dứt nợ cho chủ mà còn dành dụm được một số tiền đủ để mua một chiếc xuồng nhỏ và một ít vật dụng cần thiết để làm phương tiện sinh nhai trên sông nước, một cái nghề mà chàng rất ưa thích.

   Nhưng, trời không chiều lòng người chịu khó làm ăn! Một năm sau ngày Nguyễn Tượng mất đi người mẹ thân yêu, ông Nguyễn Thân vì buồn nhớ vợ nên đã sanh bịnh, cũng đã bỏ chàng mà đi tìm người đầu ấp tay gối nơi chín suối! Nguyễn Tượng bối rối trong lòng, chẳng biết xoay trở ra sao. Chàng bèn rao bán lại chiếc ghe cũ vừa mới mua tạo được để lấy tiền lo cho cha. Nàng Lương Ngọc, cô con gái một của ông chủ điền, lúc bấy giờ cũng đã mười sáu tuổi. Nhan sắc của nàng tuy không đẹp cho lắm, nhưng dáng dấp trông cũng mặn mà, dễ thương nên những chàng trai quê ở đây thường dệt bao mơ ước được kết duyên cùng nàng. Nhưng, hình như Lương Ngọc chỉ chú ý đến anh lực điền Nguyễn Tượng tuy nghèo khó nhưng hiền lành kia mà thôi. Biết được ý định rao bán ghe của Nguyễn Tượng, Lương Ngọc tìm cách giúp đỡ chàng ngay. Nhân lúc mọi người đang bu quanh người chết, Lương Ngọc len lén bước đến đặt nhanh vào tay chàng một gói giấy nhựt trình nhỏ rồi quay đi thẳng. Tìm đến chỗ khuất nơi bụi chuối bên đầu hè, Lương Ngọc quay lại nhìn, vẫn thấy Nguyễn Tượng đang đứng chết trân, hết nhìn gói giấy trên tay mình, lại ngước trông về phía nàng. Lương Ngọc núng nẩy giậm đôi chân xuống mặt đất tỏ ý trách anh chàng sao quá chậm tiêu, không hiểu ý mình. Nàng vội đưa bàn tay trái ra vén vạt áo bà ba lên, bàn tay phải nắm lại ra dáng như đang cầm vật gì đó trong tay rồi lận nhanh vào lưng quần mình, đoạn đưa một ngón trỏ lên khoa qua khoa lại trước đôi vành môi thắm đang chu tròn ngầm bảo Nguyễn Tượng đừng nói cho ai biết. Nguyễn Tượng giờ mới hiểu, vội nhét nhanh gói giấy vào lưng quần mình, xong lủi vào bên trong trại ruộng đang có nhiều bà con đến đứng lố nhố quanh người chết để thăm hỏi, chia buồn và giúp chàng lo hậu sự cho cha…

Nguyễn Tượng lại phải tiếp tục đi ở đợ cho cô chủ, như một kiếp tầm luôn phải nhả tơ ra để trả nợ dâu. Chàng sống một mình như chiếc bóng cây khô đứng giữa cánh đồng không mông quạnh. Ðêm nay, vì buồn nhớ cha mẹ, nên Nguyễn Tượng nằm thao thức hoài không ngủ được. Chàng nghiêng mình nhìn ra phía khung cửa sổ trên tấm vách đất rộng. Mấy dãy lụa trăng xuyên qua song, đọng lại trên tấm thân trần nở nang của chàng tá điền lực lưỡng đang nằm trên chiếc đệm xếp đôi thành tấm nốp trải ra trên tấm vạt tre kê sát vách nhà kho ở phía trong. Chàng trồi dậy, bước đến xô hé tấm phên cửa qua một bên, lách mình ra sân phơi lúa trước nhà. Bầu trời đêm mát rượi. Vầng trăng tròn vừa mới nhô lên khỏi rặng cây xa, nơi phía trong bìa ấp. Muôn ánh trăng sao sáng vằng vặc đang trải nhung vàng trên cánh đồng tĩnh mịch, phơn phớt làn sương trắng mờ mờ. Nguyễn Tượng bâng khuâng nhìn về phía chiếc “đĩa bạc” treo phía đàng kia, cảm thấy sao thân phận mình giống như chú Cuội trong truyện cổ tích xưa, mãi mãi ôm mộng chưa thành dưới gốc đa già nơi Cung Quế! Nhưng chú Cuội còn có chị Hằng cận kề trên đó, còn mình, một thân trơ trọi, mấy ai chịu làm bầu bạn với một kẻ cùng đinh!

   Ðang nghĩ vẩn vơ, Nguyễn Tượng bỗng nhớ lại chuyện hồi chiều, lúc chàng đến tìm Lương Ngọc để nhờ nàng tính sổ nợ xem còn bao nhiêu, để chàng định liệu. Chàng nhẩm tính, với số tiền làm thuê vác mướn và tiền giăng câu bán cá mà chàng đã gởi hết cho nàng giữ bấy lâu nay, có lẽ đã đủ để trả tiền vay nợ và còn dư ra chút ít để chàng tìm mua một chiếc xuồng nhỏ và một ít đồ dùng cho cuộc sống nay đây mai đó trên sông nước, hầu thực hiện ước mơ ra đi để lập nghiệp ở xứ xa. Nguyễn Tượng rón rén theo cửa sau, bước vào bên trong căn nhà ngói cất theo kiểu hình chữ đinh. Ông Chủ Lương đã đi vắng. Nguyễn Tượng rảo bước lên nhà trên để tìm Lương Ngọc.

    Vừa mới nói ra chưa hết lời, Lương Ngọc đã khoa hai bàn tay ra phía trước, giương đôi ánh mắt tròn ươn ướt nhìn thẳng vào mặt Nguyễn Tượng, hỏi một câu dường như nàng đã biết được ý định của chàng đã có từ lâu:

   – Chừng nào anh đi?

   Nguyễn Tượng chưa biết trả lời nàng như thế nào, nên đáp một câu, đã vô tình xác nhận việc muốn ra đi lập nghiệp của mình:

   – Cũng chưa biết nữa!

   – Bộ anh muốn bỏ xứ này mà đi thiệt vậy sao?

   – Tui không có ý đó đâu cô chủ. Tui còn mồ mả của cha mẹ ở đây mà!

   – Anh nghĩ vậy là tốt rồi! Tui thấy anh nên ở lại đây, tiếp tục lo làm ăn để tạo dựng nhà cửa và còn phải trông coi mồ mả. ‘‘Sống cái nhà, thác cái mồ’’, ông bà xưa nói vậy, anh quên rồi sao? Vả lại, anh đi rồi ai lo việc ấy cho anh?

   Lương Ngọc chỉ nói với Nguyễn Tượng có mấy lời rồi bảo chàng hãy chờ nàng một chút. Nguyễn Tượng đành ngồi im lặng bên mép của một trong hai bộ ván gõ mun đen dày cả gang tay kê ở hai gian bên mà lòng thì buồn rười rượi!

   Ra vô nhà này mấy lần, nhưng hôm nay chàng mới có dịp đảo mắt nhìn quanh một lượt. Mấy cây cột giữa nhà to khoảng một vòng tay ôm. Mấy chiếc tủ thờ khảm xà cừ lên nước đen bóng láng, đứng sừng sững trước tấm vách lụa cao ngăn đôi phòng khách và phòng ngủ bên trong. Chàng cảm thấy mình quá nhỏ bé và lạc lõng trong căn nhà rộng lớn và sang trọng này.

   Chợt, Lương Ngọc từ trong cửa buồng bước ra, trên tay là một chiếc giỏ bàng lớn, nàng nói:

   – Xách giỏ này về đi!

   Nguyễn Tượng vội đứng lên, định nhắc lại việc xin tính sổ nợ với Lương Ngọc, nên còn trù trừ chưa chịu ra về, đã nghe nàng tiếp:

   – Về đi rồi mai mốt hãy tính!

   Nguyễn Tượng dư biết cái tính của cô chủ tự bấy lâu nay rồi. Mỗi câu, mỗi lời nàng thốt ra đều như một mệnh lệnh nên chàng vội đỡ lấy chiếc giỏ trên tay nàng và bước ra cửa.

   Nguyễn Tượng chẳng màng đến việc nhìn xem nàng Lương Ngọc cho chàng những gì đang nằm trong chiếc giỏ nghe nằng nặng dưới tay mình. Chàng lững thững bước trên con đường đất nhỏ hẹp đầy cỏ dại mọc len ra mặt lộ mà lòng rối như tơ vò! Nguyễn Tượng đưa tầm mắt nhìn vào khoảng không trước mặt. Mấy sợi khói bếp đang tỏa lên từ mấy nóc nhà tranh, quyện vào làn sương lam chiều mờ nhạt đang xô đuổi mấy tia nắng cuối cùng của buổi hoàng hôn còn vương vãi lại đó đây trên thôn.

   Xa xa phía cuối xóm, cạnh con đường làng là khu nghĩa trang, nơi có mộ phần của cha mẹ chàng nằm ở đó. Chàng thường mơ ước có được một mái ấm đơn sơ, dù chỉ là trên một vạt đất nhỏ nằm ven bên khu nghĩa địa làng, nơi cái xóm nghèo hẻo lánh này như mọi người dân quê làm ăn lam lũ ở đây.

   Nhưng, cái định số nghèo sao lại cứ bám theo vây hãm cuộc sống

luôn trong cảnh bần cùng, không chừa cho chàng một lối thoát! Không một tấc đất cắm dùi, cả một mái chòi tranh còn chưa có, lấy đâu ra tiền để tạo dựng một tương lai ‘‘sống cái nhà, thác cái mồ’’ như nàng Lương Ngọc đã nói với chàng lúc nãy!

    Nguyễn Tượng đi đã lâu rồi, Lương Ngọc vẫn còn đứng một mình trong căn nhà rộng thênh thang. Ánh mắt nàng dán trông theo từng gót chân trần của chàng trai quê đang rảo bước lần ra phía ngõ mà lòng rộn lên một niềm thương cảm rạt rào. Mỗi cuộc đời đều có một định số riêng của nó. Một dân quê hiền lành, chất phác, tận tụy lo làm ăn như Nguyễn Tượng mà lại phải gánh lấy cái định số nghèo thì thật không công bằng chút nào đối với chàng!

    Trở lại buồng riêng, Lương Ngọc nằm vật ra trên giường mà suy gẫm việc đời xảy ra hằng ngày quanh cái xóm nghèo này. Ðàn bà và con gái quê cùng trang lứa với nàng ở đây, ngoài việc làm lụng vất vả ngoài đồng, còn phải lo gánh vác mọi việc lặt vặt khác lúc trở về nhà. Khi hết việc là nằm lăn ra ngủ, trông như người chết. Chả bù với bọn đàn ông, con trai, lúc rảnh việc thường hay tụ tập lại rượu chè thâu canh, suốt sáng. Chỉ riêng mình Nguyễn Tượng, chàng sống thui thủi một mình như một kẻ vô can đang đứng bên lề nếp sinh hoạt tất bật ở đây. Cuộc sống của nàng và Nguyễn Tượng tuy có khác nhau, kẻ được ăn sung mặc sướng, người chịu thiếu thốn lầm than, nhưng vẫn có một nỗi buồn giống nhau là mất mẹ! Tuy chưa thật sự bước qua ngưỡng cửa của cuộc đời, nhưng Lương Ngọc vẫn có những xúc cảm xót xa trong lòng như bao người con gái khác khi tưởng tượng đến cảnh người đắp chăn êm trong căn nhà cao cửa rộng, kẻ chịu lạnh lùng nơi chòi vắng giữa đồng hoang…

   Năm ấy, nhờ trời mưa thuận gió hòa nên bà con nông dân nơi Xã An Tịnh được trúng vụ mùa gặt chính. Nhà nhà mừng vui, ai nấy đều hớn hở trong việc chuẩn bị đón cái Tết đang đến gần. Chiều ba mươi Tết, bà Chủ Lương, sau khi lo toan đủ mọi thứ cho chồng làm lễ cúng rước ông bà quá vãng về ăn Tết với gia đình xong, mới chịu đi nằm. Sáng sớm ngày mùng một, mọi người mới phát giác ra bà chỉ còn là một cái xác không hồn, đang nằm ngay ngắn trên giường, dáng như đang ngủ say.

   Lúc bấy giờ nàng Lương Ngọc chỉ mới lên bảy, lên tám.

   Kể từ sau khi đặt bài vị của vợ lên bàn thờ xong, người ta thấy ông Chủ Lương năng ra đồng hơn để đốc thúc đám nông dân vỡ đất trảng hoang để lập điền. Ông thường hay dẫn đứa con gái theo. Nhưng chỉ được hơn vài năm sau, ông lại đâm ra rượu chè be bét khi có một người đàn bà trẻ không biết từ đâu đến đây mua tạo một miếng đất đủ để dựng lên một mái nhà tranh tuy nhỏ nhưng khang trang và bày bán đồ tạp hóa trong cái sạp nhỏ dựng trước nhà. Người ta gọi đó là quán cô Năm.

   Những tá điền ở đây, trong những lúc rỗi việc, thường mời ông Chủ Lương ra cùng ngồi nhậu với họ và nói chuyện cà kê dê ngỗng trong cái quán độc nhất ở cái xóm nghèo này. Ðôi khi, ông Chủ quá chén say mèm, đám bạn rượu ngầm ‘‘cáp đôi’’ ông với cô chủ quán nên hè nhau ra về, bỏ ông nằm lại quán. Những lúc như vậy, cô bé Lương Ngọc được cô Năm bảo ban cơm nước tử tế. Thấy chuyện lạ, có người hàng xóm tò mò hỏi nhỏ ông Chủ, ông bảo “vì nhớ vợ nên vui chơi với anh em cho khuây khỏa trong cảnh gà trống nuôi con’’, còn ‘‘việc kia’’, ông chỉ mỉm cười và nói ‘‘làm gì có chuyện đó’’! Ngày tháng như thoi đưa và mọi người phải lo làm lụng quần quật suốt ngày để có miếng ăn, không ai rảnh rang và dư thời giờ để tìm hiểu xem cái tình cảm đặc biệt giữa ông Chủ Lương và cô Năm tiến triển đến giai đoạn nào. Nhưng, có điều mà ai cũng đều nhớ lại là, lúc mới tập tễnh biết nhậu, ông Chủ là người rời sòng rượu sau cùng, bởi tửu lượng của ông rất khá. Bây giờ, ông thường chỉ uống có vài chén đã kêu say và bò lên chiếc giường tre kế bên bàn nhậu mà ngáy khò khò. Bạn nhậu còn lại cũng đã ngà ngà hơi men, bèn kéo nhau ra về nên không một ai để ý tìm hiểu xem ông Chủ say rượu thật hay là giả bộ say để nuôi một ý đồ riêng tư nào đó trong lòng.

   Có điều, sáng ra, người ta lại thấy cha con ông Chủ vẫn sinh hoạt bình thường tại nhà của mình…

Nguyễn Tượng vác cuốc lần bước trở về đến sân trại ruộng thì trời cũng vừa chạng vạng tối. Từ những chòi ruộng nằm rải rác đó đây trên cánh đồng, vài ánh lửa đỏ lóe lên lập lòe, trông xa như những chiếc lưỡi dài le ra từ cửa miệng của loài ma trơi thường chỉ xuất hiện trong những đêm mưa gió đầy trời ở những vùng thôn quê hẻo lánh. Loài muỗi ruộng đánh hơi người, bay vo ve, tạt tới tắp vào mặt Nguyễn Tượng.

   Về tới nhà, chàng kéo cánh cửa ra vào sang một bên, đoạn bước vào bên trong trại. Chàng đến ngồi xuống cạnh đống tro bếp ở góc nhà, bươi ra tìm vài cục than đỏ đem vùi vào đầu con cúi rơm, đoạn khum lưng thổi phù phù. Chỉ vài phút sau, làn khói rơm màu trắng đục tỏa rộng khắp gian nhà, xua tan đi loài muỗi đói.

   Nguyễn Tượng bâng khuâng ngồi nhìn đăm đăm vào đầu con cúi đang ngún cháy liu riu chút lửa hồng. Mấy hạt lúa còn sót lại trong rơm nổ bung ra những hạt cớm thơm phưng phức.

   Qua màn lệ nhạt nhòa, Nguyễn Tượng thấy hình như có hình ảnh của cha mẹ mình đang lúc ẩn lúc hiện trong vùng khói xám lung linh bởi cơn gió nhẹ len qua cửa phên tre tạt vào. Chàng thấy tủi cho thân phận mình sống đơn lẻ, không có ai là thân bằng quyến thuộc giữa chợ đời này! Mấy giọt nước mắt từ đâu tận trong cõi lòng buồn tái tê của chàng trai trẻ nghèo khó bỗng ứa ra và rơi nhanh xuống nền đất lạnh trong căn trại quạnh hiu!

   Ngày trước, khi còn có mẹ quán xuyến việc nhà, mỗi khi chàng cùng cha từ ngoài đồng trở về, cả gia đình ngồi quây quần quanh mâm cơm đạm bạc bên ngọn đèn dầu ấm cúng.

   Lúc mẹ mất đi, chàng cũng còn có cha đỡ đần việc bếp núc mỗi khi chàng bận việc ở ngoài đồng. Giờ thì…

   Nguyễn Tượng đứng dậy, đưa hai bàn tay chai cứng lên quẹt nhanh qua mấy ngấn lệ còn đọng trên hai khóe mắt, đoạn vói tay lấy chiếc bao bàng treo thòng từ dưới mái nhà xuống đặt bên bếp lửa, chuẩn bị nấu cơm.

   Chàng đưa tay vào trong bị lấy bọc gạo ra, múc bỏ vào chiếc nồi đất vài vùa gạo và lách mình qua cửa, bước lần ra bên bờ miệng giếng trước sân rồi ngồi xuống đó vo gạo.

   Trong bầu trời thanh mát bao la lúc này, chỉ có vầng nguyệt sáng và muôn vì sao lấp lánh ở trên cao tỏa xuống và tỏ ý thân thiện muốn làm bầu bạn với chàng trong khoảng không gian rộng lớn này.

   Nguyễn Tượng cảm thấy lòng mình thanh thản trở lại. Chàng đưa tầm mắt đảo qua một vòng ở xung quanh và ngạc nhiên khi thấy dường như có bóng dáng của một người con gái mặc toàn quần áo đen như một bóng ma hiện ra lờ mờ trong làn sương đêm phơn phớt trắng. Chiếc bóng trông quen thuộc với chàng, đang tha thướt  lướt trên bờ mẫu đi về phía trại ruộng.

   Nguyễn Tượng đứng bật dậy và bước nhanh về phía người con gái đang khập khiễng bước thấp bước cao đang tiến dần về phía chàng, bởi chàng vừa kịp nhận ra chiếc bóng kia không ai khác hơn là nàng Lương Ngọc.

   Vừa đến bên, tưởng nàng Lương Ngọc mang gạo và thức ăn đến cho mình như những lần trước, Nguyễn Tượng vội đỡ lấy hai chiếc bị lớn trên tay nàng và lo lắng nói:

   – Cô chủ, chèn ơi, sao cô chủ không để đó ngày mai tui ra ngoài ấy lấy? Cô chủ đang đêm trời tối mà đi như thế này, rủi ro mà ông chủ biết được thì…

   Lương Ngọc biết Nguyễn Tượng không rõ được nguyên nhân khiến nàng phải lặn lội ra đây nên tỏ vẻ trách hờn:

   – Tui chờ anh mấy ngày rồi mà có thấy mặt anh đâu! Tui đi băng đồng như thế này, nếu có bề gì thì cho vừa lòng “người ta”!

  Nguyễn Tượng bước chậm rải theo sau lưng Lương Ngọc mà lo lắng ở trong lòng. Chàng chỉ nghĩ rằng nàng có mệnh hệ nào thì làm sao chàng gánh vác được hết tội lỗi do ông Chủ giáng xuống đầu mình, nên chàng đâu hiểu được ý tứ mà nàng vừa mới thố lộ ra. Vừa mới bước vào trong trại, Lương Ngọc đã sà xuống ngồi chồm hỗm trước vùng lửa nhỏ của than rơm hồng phát ra từ đầu con cúi un khói.

   Tưởng rằng Lương Ngọc bị lạnh lúc đi trong lớp sương chiều vừa mới phủ xuống cánh đồng, Nguyễn Tượng vội chạy về phía góc bếp vừa nói vói lại:

   – Ðể tui nhóm lửa lên cho cô chủ hơ kẻo bị cảm lạnh!

   Lương Ngọc ngồi đàng này nhìn sang, thấy Nguyễn Tượng đang lúi húi chất thêm mấy gốc cây khô nhỏ vào bếp mà lòng sung sướng vô bờ, bởi từ khi bước vào tuổi dậy thì cho đến bây giờ, đây là lần đầu tiên nàng được một chàng trai để ý lo lắng cho mình. Nàng đưa mắt nhìn quanh, gian trại rộng giờ đã trống trơn bởi đã qua vụ gặt, những bao lúa đã được chuyển vào lẫm ở trong xóm.

   Nàng tự cảm thấy mình quá nhỏ bé trong cái khoảng trống không

gian này nên rất cảm thông cho cuộc sống đơn chiếc của một người thanh niên trẻ.

   Nhìn sang bên cạnh, thấy cái bị bàng đang nằm tênh hênh dưới đất, nàng nghĩ lúc nãy bếp lửa còn lạnh tanh, nên nàng quay lại tra hỏi Nguyễn Tượng đang khom lưng thổi vào bếp:

   – Anh đã ăn cơm chưa?

   Nguyễn Tượng đâm ra bối rối, bởi nồi gạo chưa kịp vo còn bỏ ở ngoài thềm giếng.

   Nhưng chàng cũng vội đáp đại cốt cho xong chuyện:

   – Dạ, tui ăn cơm rồi cô chủ!

   Ðưa mắt nhìn quanh, Lương Ngọc chẳng thấy nồi cơm để ở đâu nên nàng nghi Nguyễn Tượng nói dối mình, bèn đứng lên đi đến bên cạnh chàng, hạch hỏi tiếp:

   – Ăn cơm rồi, vậy chớ nồi cơm và chén bát anh để ở đâu?

   Nguyễn Tượng vốn là một chàng trai chất phát, quê mùa lại ít nói, nay gặp nàng Lương Ngọc là một cô gái miệng lưỡi khôn ngoan, lanh lợi nên chàng khớp quá, chỉ biết làm thinh để thú tội nói dối của mình. Chàng đứng lên, rón rén bước ra cửa.

   Thấy bóng Nguyễn Tượng vừa bước ra, một con chuột đồng to từ trong nồi gạo vội phóng ra và lủi nhanh vào đám gốc rạ trong vạt ruộng trước sân. Nguyễn Tượng chẳng màng đến việc đó.

   Chàng đứng khoanh hai tay trước ngực mình, im lặng nhìn vào khoảng không gian trước mặt, nơi có muôn vì sao sáng lấp lánh ở một góc trời đêm xa thẳm. Ở trên đó, chàng vừa mới chợt nhận ra có chiếc bóng của nàng Lương Ngọc với vẻ trách hờn hiện ra trên gương mặt kiều diễm của nàng. Từ lâu, Nguyễn Tượng đã tự đặt mình vào thân phận của một kẻ tôi tớ trong nhà ông Chủ Lương và xem nàng Lương Ngọc như là cô chủ nhỏ của mình. Ðã có nhiều lần, các cô gái quê cùng trang lứa với chàng ở đây buông lời trêu chọc hay tỏ cử chỉ muốn làm thân với chàng, chàng còn chưa dám thuận tình, dám đâu thân phận nốp rách mà đèo bồng lên cao với cô chủ! Tuy lòng thì nghĩ như vậy, nhưng Nguyễn Tượng nhận thấy là trong mấy lúc gần đây, cô chủ hình như có vẻ quan tâm đến cuộc sống côi cút và hoàn cảnh khó khăn của mình. Khi thì Lương Ngọc cho chàng vài ba lít gạo, lúc cho một tĩnh nước mắm, lâu lâu lại may cho chàng một bộ bà ba bằng vải thâm đen. Những việc đó, không chỉ đơn thuần là để giúp đỡ cho kẻ khốn cùng, cho người ăn kẻ ở mà còn biểu lộ một tình cảm đặc biệt nào đó. Bây giờ, khi chợt nhớ đến câu nói của Lương Ngọc lúc nàng vừa mới đến…‘‘Tui đi băng đồng như vầy, có bề gì thì cho vừa lòng người ta’’, khiến Nguyễn Tượng mới hiểu ra và cảm thấy lòng mình lâng lâng một niềm vui khó tả.

   Còn lại một mình, Lương Ngọc căng mắt ra nhìn ánh lửa đỏ cháy bùng lên trên bếp, tỏa rộng khắp nơi, tạo chút cảm giác ấm cúng trong căn nhà tranh lạnh tẻ. Lương Ngọc bước đến bên chiếc giường ngủ của Nguyễn Tượng, đưa tay trải tấm nốp ra trên tấm vạt tre, đoạn ghé ngồi lên trên mép giường. Tiếng than củi nổ tí tách trên bếp than hồng làm cho nàng cảm thấy vui tai. Nhưng, tiếng động ộp ẹp nổi lên nghe khô khan đến khó chịu phát ra từ tấm vạt giường tre lại khiến cho lòng nàng thêm xót xa!

   Từ lúc còn nhỏ cho đến bây giờ, tuy sống cùng với bà con quanh năm chân lấm tay bùn với nghề ruộng rẫy ở vùng này, nhưng chưa có lần nào nàng được dịp thấy tận mắt cảnh sống chật vật, thiếu trước hụt sau như hoàn cảnh của Nguyễn Tượng ngày hôm nay. Bởi do thiếu sự dìu dắt, chăm sóc và dạy dỗ của người mẹ, lại bị khép kín trong khuôn khổ nếp sống gò bó của người cha, luôn ru rú trong nhà từ thuở bé thơ, cho nên lúc lớn lên, với trí thông minh bẩm sinh của mình, Lương Ngọc đã phải tự tìm hiểu, tự phán đoán để có được cái nhìn đầy thiện cảm với cuộc sống thực tế đầy khó khăn ở xã hội bên ngoài. Ðặc biệt hơn, trong những lần được cha sai đi ra đồng, Lương Ngọc có dịp tiếp xúc và chuyện trò cùng Nguyễn Tượng, nàng cảm nhận ra rằng cái anh chàng ở đợ cho nhà mình có một tính tình hiền hậu, thật thà, luôn luôn chăm lo làm ăn hơn những chàng trai nông dân ở đây thường hay rủ rê cha nàng cùng nhau uống rượu say sưa tối ngày.

   Lương Ngọc chợt nhớ lại lần trước, lúc Nguyễn Tượng đến nhà, hình như chàng có ý bảo nàng tính sổ nợ, nhưng nàng đã không chịu làm điều ấy, lại còn tỏ cử chỉ như muốn đuổi khéo nên chàng tiu nguỷu quay bước ra phía cổng, dáng đi thiểu não trông thấy thương và tội nghiệp quá!

    Những ngày kế tiếp sau đó, Lương Ngọc cảm thấy lòng mình trở nên xao xuyến lạ mỗi khi nhớ đến chàng trai trẻ ở một mình ngoài đồng vắng, chỉ cách nhà nàng hơn một cây số ngàn đường chim bay thôi, nhưng nàng tưởng chừng như xa cách ngàn trùng!

   Và nàng Lương Ngọc thực sự đã thầm yêu trộm nhớ chàng Nguyễn Tượng kể từ cái ngày đó.

   Bây giờ, nàng nghĩ, Nguyễn Tượng chí thú lo làm ăn, chắt chiu từng hạt gạo, từng cắc bạc để rồi một ngày nào đó, thế nào chàng cũng sẽ ra đi lập nghiệp ở xứ xa. Cho nên tối nay, Lương Ngọc đã phải thân gái dặm đường xa, mò mẫm một mình ra trại ruộng với một tâm ý riêng, bởi nàng lo nghĩ rằng nếu mình để lâu ngày mà không tính sổ nợ cho Nguyễn Tượng, có thể chàng ta tưởng rằng đã ở đợ đủ thời gian để trừ nợ, rồi lặng lẽ bước xuống ghe, buông xuôi cuộc đời mình theo đám lục bình trôi nổi bồng bềnh trên sóng nước theo từng con nước lớn ròng, chừng đó, bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm!

   Ðang nghĩ vẩn vơ, bất chợt có tiếng đàn chuột kêu chí chóe và rượt đuổi nhau sột soạt trên kèo nhà làm cho Lương Ngọc giật mình sợ hãi, bèn chạy tuồng một mạch ra ngoài sân để tìm Nguyễn Tượng.

Ðang nghĩ loanh quanh, Nguyễn Tượng bỗng giật mình quay lại khi nghe có tiếng của Lương Ngọc thốt lên ở phía sau:

   – Làm gì ra đứng ở đây? Bộ tính bỏ… “người ta” ở trỏng một mình cho chuột nó tha hả?

   Nguyễn Tượng đang đem hết những thiện cảm của mình ra dồn hết cho nàng Lương Ngọc thì nàng lại hiện ra ở trước mặt, khiến cho chàng e thẹn cúi nhìn xuống dưới chân mình.

   Chợt đâu lũ chuột đồng rượt cắn nhau la chí chóe trong đám rạ vừa mới gặt ở trước nhà, Nguyễn Tượng mới chợt nhớ lại cái nồi cơm bị một con chuột quỷ quái nào đó nhảy vào ăn trộm gạo lúc nãy nên đáp:

   – Tui vo gạo nấu cơm cô chủ à!

   – Vo gạo kiểu gì mà lâu quá vậy? Ðưa đây tui vo cho!

   Nói xong, Lương Ngọc đưa tay vén cao ống quần lên lưng, mắt nương theo ánh trăng sáng, thấy cái nồi nằm bên bờ giếng bèn ngồi sà xuống đó, một tay vịn cái nồi, tay kia quơ cái gáo dừa, khom lưng thò xuống giếng định múc nước. Nguyễn Tượng lo sợ nàng vô ý sẽ bị ngã té xuống giếng nước nên vội vã chạy đến giành lấy chiếc gáo trên tay nàng. Vô tình chàng vớ phải bàn tay Lương Ngọc. Một cảm giác mát lạnh, đê mê, từ một bàn tay chai cứng nắm chặt một bàn tay mềm mại, chạy ngược về phía con tim của mỗi người.

   Trong một tíc tắc, thời gian như dừng lại ở một chỗ, chẳng buồn trôi.

   Nhưng rồi Nguyễn Tượng cũng đã kịp rút bàn tay của mình về trong nỗi luyến tiếc, vụng về.

Chàng nói trong hơi thở dồn dập, như cố trấn áp con tim đang rạo rực, như sắp vỡ tan ra từng mảnh vụn trong lòng ngực mình:

   – Cô chủ vào trong đi, để tui còn vo gạo!

   Dưới ánh trăng đang trải lụa vàng xuống cánh đồng hoang lạnh, Lương Ngọc nheo một bên mắt liếc háy về phía đôi ánh mắt của Nguyễn Tượng đang nhìn chòng chọc vào mắt mình, nàng nói một câu hàm ý xa xôi mà nàng chưa biết chắc được chàng có hiểu thấu cho lòng mình hay không:

   – Anh biểu tui vô trong nhà để cho mấy con chuột của anh nuôi ở trong đó cõng tui chạy mất, rồi anh tính làm sao? Cứ ngồi thừ người ra đó mà nhìn “người ta” hoài, còn không chịu múc nước cho “người ta” vo gạo à?…

    Khi cơm nước xong, Nguyễn Tượng đã mấy lần hối thúc Lương Ngọc đứng lên để chàng đưa nàng trở lại nhà, nhưng Lương Ngọc vẫn cứ nằm dài ra trên chiếc nốp của chàng, chẳng chịu bước ra sân. Dưới chân giường, con cúi sắp tàn, chỉ còn vươn lên vài ba sợi khói trắng mỏng trong chút ánh sáng lờ mờ tỏa ra từ phía bếp. Lương Ngọc bắt đầu khoa tay đập muỗi bay vo ve trên má. Chừng như đã mỏi tay, Lương Ngọc lần tay giở mí chiếc nốp lên và chui gọn vô trong. Nằm yên một lát, Lương Ngọc lại giở mí nốp và thò đầu ngó ngoái ra ngoài, thấy Nguyễn Tượng đang đứng quay lưng về phía mình, phần lưng và cái đầu của chàng hiện ra trong khung cửa sổ, dáng bất động như một pho tượng gỗ mun đen.

   Nàng bật dậy thật nhanh, bước đến nắm lấy tay Nguyễn Tượng, giọng thiết tha:

   – Ði vào ngủ đi anh, đứng đó hoài, muỗi nó thui!

   Hai chiếc bóng, kẻ kéo người trì lại, cứ thế mà giằng co nhau mãi ở giữa vùng ánh sáng trăng từ ngoài sân xuyên qua mấy chấn song cửa sổ chiếu rọi vào trên mặt chiếc nốp vô tri đang đợi chờ. Nhưng cuối cùng, hai chiếc bóng kia cũng đã mất hút dưới lần nốp rộng thùng thình. Và, bên trong căn trại ruộng nằm trơ vơ giữa cánh đồng khuya hoang vắng giờ đã trở nên ấm cúng hơn, không còn tẻ lạnh, quạnh hiu như những tháng ngày đã qua…

   (Trích trong “Bên Dòng Rạch Nhỏ”, Truyện dài Nguyên Bông).