Ngày ấy cũng đã xa, hơn ba chục năm trời trôi qua, đời người ngắn lại. Những nghịch cảnh, những trớ trêu của cuộc đời nghĩ lại chỉ là phù du. Canh bạc nào chẳng có người thắng kẻ thua. Huống hồ một canh bạc chính trị lớn, thật bẩn thỉu. Người ta đã đánh cá không bằng những đồng tiền thưởng, mà bằng tuổi trẻ của cả thế hệ đang lớn lên. “Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau”. Câu hát ngày nào mà bây giờ hay bất cứ lúc nào hát lên cũng đúng. Cái mai sau ấy như một lời hứa hẹn của tương lai, chứ hiện tại thì khác hẳn. Thế hệ anh đã hy sinh cho cuộc chiến. Các nhà lãnh đạo hồi đó đã không khéo tay để “nướng” trọn cả một thế hệ trẻ, như đã nướng chiếc bánh quá lâu, cháy khét. Bây giờ còn lại bao nhiêu đứa rải rác khắp các thành phố lớn nhỏ trên thế giới. Những ông cụ non chưa đủ tuổi để hưởng tiền già, ngồi tụ họp với nhau, nói chuyện “dĩ vãng” vàng son? Những trận đánh ngoạn mục chỉ người cùng lớp tuổi mới cảm thông.Nói chuyện chiến tranh trong xã hội hòa bình đang đua đòi chạy theo vật chất. Xa vời quá và cũng không phù hợp với lớp người vẫn cho mình là giới thức thời, họ đã tránh né phần đóng góp của mình cho cuộc chiến chung. Còn với lớp trẻ, chiến tranh là cái quái gì đối với những tân tiến của khoa học giã tưởng ngày nay. Với những anh hùng người máy như “Rambo” “Rocky”…lớp người trẻ họ thờ ơ cho rằng quá mất thì giờ để nghe chuyện xưa cũ. Những gì đã xẩy ra trong rừng sâu nước độc ở một nơi nào đó trên mảnh đất có tên là Việt Nam . Thật thế, nếu họ muốn thì chỉ bỏ vài “đôla” mua một vé ciné là có đầy đủ. Ngoài cảnh bom rơi đạn nổ còn có cả bóng dáng đàn bà trong chiến trận của màn ảnh mầu đại vĩ tuyến. Ôi Việt Nam quê hương anh, thật bẽ bàng! Chiến trận Việt Nam đã không được tô mầu và thi vị hóa. Lớp cha, anh chỉ còn biết ngậm ngùi. Hình ảnh ngày xưa mình đã tham dự, đã hy sinh nay còn lại những gì? Chẳng còn gì thật, Lộc nghĩ như thế trong cơn say, và cũng biết chẳng còn ai có thì giờ đi bắt bẻ ý viết của một người đang “xỉn”. Lộc đã loạng quạng mượn đôi chén để bắt đầu kể chuyện.
Gạt bỏ những trận đánh lớn, đánh nhỏ, những kế hoạch tham mưu chiến thuật phiền toái mà chỉ tạm là người ngoài phố, bàng quang nhìn thấy gì lúc cửa nát nhà tan? Lộc không nhìn với đôi mắt mất thần của kẻ tạm gọi là thua cuộc mà chỉ quan sát như một ống kính vô hồn thâu lại những hoạt cảnh mà người đời gọi là biến cố.
Ngày ấy Lộc còn là một phi công chiến đấu, hàng ngày xách dù đi bay chung với đồng đội, đời thật vui. Nhiều phi vụ hiểm nguy nhưng với tuổi trẻ, đó là dịp được thử thách với đường bay can trường thật đẹp của tuổi mới lớn đi ướp mộng đời. Bầu trời bao la, soải cánh chim bằng, tự do và thoải mái. Trên trời cao xanh có những lúc anh đã dan rộng đôi cánh như muốn ôm cả vũ trụ vào đôi tay bé nhỏ. Ôm lấy cuộc đời mà mình đã ấp ủ từ lâu, nay mới được thỏa chí tang bồng. Sau những chuyến bay như thế, êm ái cũng có mà nhiều khi toát mồ hôi lạnh cũng có. Lộc trở về với cuộc sống bình thản như trăm vạn thằng con trai mới lớn khác. Lộc hí hửng đi đón người yêu bé nhỏ của buổi tan trường, thâu nhận những dỗi hờn vu vơ hay vài chuỗi cười dí dỏm. Chàng đã tạm quên đi những hiểm nguy vừa qua của mấy giờ trước đó đã đùa giỡn trên không trung, đem mạng sống ra thách thức với thế trận. Đôi khi Lộc thấy trong anh hình như có hai trạng thái trái ngược hẳn nhau. Khi lâm trận, trên trời cao, hung hăng như con cọp xám, lúc xuống đất hiền lành như con cừu non vụng dại.
Lộc rất yêu đời, nhưng cuộc sống chẳng dễ dàng như chàng nghĩ. Biến cố lớn đã tràn đến như bão táp dữ dội tàn phá tất cả. Con sóng đỏ được yểm trợ bởi ngoại bang tràn ngập biến thành cảnh mới, tan hoang. Nhà cửa sụp đổ với pháo đạn và người dân hốt hoảng chạy tìm kiếm chỗ dung thân. Một cuộc bạo động? Không, đó là cuộc giải phóng thứ hai, sau lần giải phóng hụt năm Mậu Thân sáu tám để lại biết bao cảnh tang thương. Bẩy năm sau một cảnh tượng hãi hùng hơn thế nữa, do người bạn thân tình ngoại quốc phản bội đã tiếp tay, đồng lõa. Như một gả bán công khai của đồng minh cho loài yêu xanh tinh quái Cộng Sản. Cô gái lỡ thời Việt Nam đành cúi mặt lên xe hoa đã được trang hoàng bằng những mắt dây kẽm gai, chịu đựng những sóng gió ba đào. Ngày bắt đầu với số phận ấy, Lộc đã nhìn thấy gì?
Một Tân Sơn Nhất yêu thương niềm nở, tiếp đón thường ngày những lần chạm bánh, nhẹ như những nụ hôn phớt qua trên má người yêu. Phi cơ đủ các loại trở về đây sau một ngày bay bổng mệt nhoài. Hôm nay đây khác hẳn, đã bẽ bàng đón nhận đau thương bằng những trái đạn pháo của con tầu bội phản. Bắt đầu từ chiều hai mươi chín tháng tư bẩy mươi lăm, phi đạo đã bị trải bằng những vết đạn và một vài quả bom nhỏ của hai chiếc A.37 phản nghịch. Sáng ngày hôm sau, cảnh tượng hãi hùng hơn. Ngay từ nửa khuya về sáng, Tân Sơn Nhất vẫn còn trong hơi sương và những vết đạn lửa bắn chéo nhau vội vã không xé tan được làn sương mỏng quái ác ấy. Nhiều hoa tiêu từ những trại độc thân đang tìm cách trở vào phi đoàn. Họ trở lại đây, chỗ hội họp hằng ngày, nơi gắn bó với con tầu mà chúng đã vô tình như nối chặt cuộc sống tình cảm từ bao giờ. Những liên hệ mật thiết của phi công trẻ tuổi đầy nhiệt huyết với con tầu chung thủy thân yêu, chứa đầy kỷ niệm của những lần thao túng trên chiến trận.
Tới gần bảy giờ sáng, sương mới bắt đầu tan, Lộc thấy trên trời còn mờ mờ bóng chiếc phi cơ độc nhất AC 119 còn đang bận với vòng bay. Tiếng động cơ nổ như gọi mời những cánh chim còn say ngủ hãy thức dậy nhập đoàn. Số đạn trên tầu bây giờ chẳng còn bao nhiêu, bảy ngàn bộ trên cao, con tầu bồn chồn muốn nhập cuộc vào vòng bắn. Bay thêm một vòng nữa để nhận định tình hình rồi quyết định rời độ cao xuống thấp hơn. Ở năm ngàn bộ, những khẩu súng máy trên tàu bắt đầu làm việc. Trải làn đạn đầu tiên vào vùng Hạnh Thông Tây, khu có một cao điểm là nóc chuông nhà thờ, phía tây bắc vòng đai phi trường. Làm nao núng những dàn súng phòng không của địch, những khẩu súng cối và bọn điều chỉnh tác xạ đang chờ lệnh tấn công. Vòng bay kế tiếp đã làm hoảng sợ những tên địch đang bị xiềng chân vào càng súng phòng không mà chúng phải sống chết ở lại giữ điểm then chốt chiến lược. Chiếc AC 119 sau khi làm được vài vòng phía bên trái mục tiêu vừa đổi hướng cho trục tiến, vô tình tránh được chiếc hoa tiễn SA-7 tầm nhiệt đầu tiên bay lên. Chiếc tầu vẫn anh dũng vào sát mục tiêu hơn trong vòng bay kế tiếp, mong muốn diệt được ổ súng phòng không lợi hại này. Không may ngay lúc đó, một hỏa tiễn tầm nhiệt khác phóng lên, trúng ngay máy số hai, xé nát con tầu, cắt ngang chiếc cánh bên phải, xăng nhớt văng ra xa, nổ bùng theo bụm lửa đỏ ngầu. Con tầu mất thăng bằng, với lực sẵn có đã xô nó vào vòng xoáy mãnh liệt. Sức ly tâm làm tung mấy khẩu súng 7.62 ly và đã đẩy người xạ thủ ra chơi vơi ngoài không trung. Chiếc tầu bốc lửa mang theo hình hài của phi hành đoàn cuộn tròn theo con lốc xoáy của khối sắt nặng nề đang vung vãi trên không. May thay có một cánh dù vừa bung nhưng chưa kịp nở tròn thì chân người xạ thủ đã chạm đất. Trọng lực của trái đất làm nẩy thân anh như một trái banh xẹp. Phi hành đoàn của đại úy “Thành Đen”, chiếc tầu thứ hai sau chiếc C 130 trong vòng chưa đầy một tháng của sư đoàn V không quân, lâm nạn.
*
Trời vẫn còn mù sương, nhưng người ta có thể nhận diện nhau, những khuôn mặt quen thuộc hàng ngày. Bây giờ nhóm phi công từ các khu cư xá độc thân mới qua được trạm kiểm soát ngăn khu đậu máy bay để vào phi đoàn chờ lệnh. Nắng cũng bắt đầu lên cao, tiếng súng nổ cũng bớt dần rồi ngưng. Người ta cũng tưởng chỉ có thế thôi rồi một ngày mới lại bắt đầu với sinh hoạt bình thường như mọi ngày. Các quán cà phê sẽ đông người và ở đó người ta sẽ bàn tán sôi nổi về trận đánh đêm qua. Xôn sao hồi hộp như một trận túc cầu quốc tế được tường thuật trên đài phát thanh. Nhưng không, còn hơn thế nữa, nó như một trận đấu quyền anh chỉ nghỉ đôi phút để sửa soạn cho một hiệp đấu khác gây cấn hơn. Khoảng tám giờ sáng, loạt pháo thứ hai đã câu vào căn cứ Tân Sơn Nhất một cách thật chính xác. Những đám cháy từ những chiếc phi cơ trúng đạn nơi bãi đậu đã chứng tỏ lần pháo này có sự điều chỉnh hữu hiệu của tiền sát viên pháo binh cộng sản. Dẫy phi cơ khổng lồ C.130 – sau chuyến bay đêm qua, ngoan ngoãn đậu trong ụ phía đối diện khu phi trường dân sự – bây giờ chịu bó tay nằm đó để nhận những trái đạn pháo quái ác của cộng sản đỏ. Nằm bất động, thúc thủ chịu trận như con “kình ngư” bị sa vào vùng nước cạn. Chiếc máy bay đầu tiên trúng đạn đang bốc cháy, sức nóng bốc lên cao thật nhanh với ngọn lửa đỏ đậm quyện vào đám khói đen của nhiên liệu và dầu mỡ. Mùi khét lẹt của dây điện và vật liệu bằng chất nhựa cháy tỏa ra nhanh chóng. Người ta tiên đoán và đang chờ đợi một tiếng nổ long trời lở đất khi mà ngọn lửa cháy sém tới bình xăng nơi cánh. Phi đoàn 435 vận tải tọa lạc gần đó với số nhân viên phi hành không đầy đủ đã bắt đầu thấy xôn xao. Họ lo sợ cho những con tầu khác bị cháy lây. Nhiều phi công vội vã không chờ lệnh, đã tự động chạy ra di chuyển con tầu thân yêu ra xa đám lửa, sang một vị trí khác an toàn hơn. Đây là một phản ứng tự nhiên, vì có dời con tầu đi chỗ khác chăng nữa thì chúng vẫn ở lẩn quẩn quanh đây trong tầm tác xạ hữu hiệu của địch quân. Đợt pháo kích này hơi lâu làm thiệt hại thêm một chiếc tầu C. 130 nữa. Trong ánh nắng vàng tươi của buổi bình minh, trớ trêu thay bầu trời Tân Sơn Nhất bỗng chốc biến thành hỏa mù. Trên bãi đậu, một con tầu đang bốc cháy, biến thành bất khiển dụng vĩnh viễn, nằm trong ụ chịu đựng như những nấm mồ của định mệnh chờ sẵn. Con tầu ít ra trong những giây phút cuối cùng, nó vẫn tự hào rằng đêm qua còn về kịp nơi bến đậu cũ hằng ngày của phi trường mẹ, để rồi theo ngọn lửa sáng nay, bị cưỡng bức tức tưởi, ra đi như một nghiệp số.
Tới mười giờ sáng, trời vẫn nắng. Cái nắng ban mai của Saigon một ngày thật đẹp trời nhưng đau xót bẽ bàng để chứng kiến những biến động đổi đời của một dân tộc hiền hòa đang bị phản bội và bị bán đứng cho Cộng Sản. Phi đoàn 435 vận tải tuy đang xáo trộn vì tình thế, nhưng kỷ luật rất cao. Người ta vẫn kiên nhẫn chờ lệnh. Ngoài sân bay trước mặt, một chiếc trực thăng biệt phái đã bắt đầu quay máy rồi làm thủ tục cất cánh. Lác đác có vài nhân viên phi hành trực thăng khác đang chạy với theo để lên tầu quá giang trở về đơn vị gốc vùng IV chiến thuật.
Mười giờ ba mươi, vị thiếu tá trực phi đoàn 435 gọi điện thoại tới phòng hành quân chiến cuộc. Không ai trả lời, hoặc giả không có ai dám trả lời. Trước tình trạng mịt mờ này, ông quay điện thoại qua Không đoàn 33 chiến thuật. Tình trạng vẫn không khá, dường như chẳng có ai rảnh rỗi để ngồi ôm điện thoại như thường ngày. Suy nghĩ vài phút, ông gọi lại phòng hành quân chiến cuộc bằng số điện thoại khác. Nhưng tình trạng vẫn tăm tối mịt mù. Trước tình cảnh ấy, Đại úy H. trưởng tầu của phi hành đoàn túc trực hành quân trong ngày buộc miệng chửi thề.
Thỏa cơn tức, ông quay sang vị Thiếu tá thúc dục:
– Thiếu tá, đã đến lúc chúng ta phải tự lo. Gia đình chúng tôi còn kẹt lại ngoài Côn Sơn từ đêm qua.
Vị thiếu tá quay lại hỏi cộc lốc:
-Phi đoàn còn bao nhiêu trưởng tầu?
– Tôi không rõ, sáng nay chỉ thấy lác đác vài ông. Anh em vào phi đoàn không đầy đủ có lẽ vì kẹt đường.
Mẩu đối thoại chỉ có thế và rồi Lộc nghe có tiếng nổ thật gần, làm rung chuyển căn nhà gỗ hai từng lầu. Anh thấy vị Thiếu tá nói nhỏ vài câu với mấy người trưởng tầu đứng quanh đó. Rồi họ chạy đi lấy túi bay, không kịp lãnh dù. Mấy người hoa tiêu phụ ngơ ngác đứng nhìn. Rồi khẩu lệnh ra, chia nhóm hoa tiêu phụ thành từng nhóm hai ba người một. Lời dặn dò không có tính cách như một lệnh.
-Các anh “co pilot” theo từng toán một ra lấy tầu. Ông nào nhiều kinh nghiệm sẽ bay ghế Co Pilot, ông nào bay yếu ngồi ghế …trưởng tầu. Tôi nói rõ, bay ghế trưởng tầu không có nghĩa là trưởng tầu mà trái lại các ông này phải nghe lệnh của…Co Pilot.
Một cái lệnh? Chao ôi! điên đảo thay lúc giao thời. Đó là một cái lệnh hay là lời dặn dò của buổi chợ chiều? Ôi chua xót làm sao! cái giờ phút cuối của một không lực đứng vào hàng thứ tư trên thế giới đang tan rã.
Rồi Lộc nghe:
-Các anh đi từng toán một, cách nhau năm phút. Xe “Pick Up” không đủ và dễ gây xáo trộn. Lên trời sang tần số “Guard” để liên lạc. Có hai nơi nên tới đó là phi trường Côn Sơn và phi trường Utapao Thailand .
Nói xong, họ trao nhau những mẩu giấy nhỏ có ghi tần số truyền tin của phi trường tới. Lộc chỉ nghe được có thế thôi rồi thì tản mạc, phi đoàn bỏ hoang. Trong giây lát mọi người biến đi như một câu chuyện phù thủy biến hóa truyền kiếp. Tấm bản đồ trên tường với những tọa độ mật, vẫn được phủ bằng tấm màn vải dầy vô tư. Ngăn tủ bản đồ phi hành, tài liệu huấn luyện, tiểu sử và chiến tích từng phi công, những kế hoạch, những dự định tương lai vẫn còn để nguyên. Chỉ thiếu những hình ảnh của chiến tranh đang tàn phá ngoài kia. Tất cả để lại thật ngăn nắp như một ngẫu nhiên phải có. Lộc rời phi đoàn mà chẳng dám nhìn lại lần chót. Biết mình đa cảm và Lộc vẫn sợ tình cảm rồi sẽ lôi dòng nước mắt trong buổi phân ly. Khi đã xa chốn này, không hiểu anh có đủ can đảm để xóa tan những kỷ niệm vương vấn giăng mắc nơi đây. Phòng họp hành quân, nơi mà chiếc máy lạnh cũ vẫn đều đều rên rỉ tạo những âm thanh đều đều như cố ru ngủ trong những buổi trưa hè nóng như thiêu đốt của Saigon mùa nắng hạ.
Đó là chuyện cũ, còn bây giờ Lộc phải tự cứu lấy thân, phải nhẩy vọt ra khỏi vùng nguy hiểm này. Chiếc xe Honda mầu đậu xanh Lộc mới cho sơn lại tuần trước, thay dầu máy và thay đôi vỏ xe mới hiệu Michelin đàng hoàng như một liên đới chót đưa anh ra bến đậu phi cơ. Tội nghiệp, đến giờ phút này mà nhiều người như Lộc, vẫn tin tưởng vào tính hình đất nước, vẫn hy vọng vào một may mắn nhiệm mầu vào giờ chót. Chiếc xe mà Lộc đã cẩn thận trả giá từng đồng khi quyết định mua nó và đã săn sóc để nó được gần với anh, bây giờ tiễn đưa Lộc ra đây trên sân đậu ngổn ngang những đám cháy. Những vết đạn cầy sâu của quân thù làm loang lỗ sân đậu. Cảnh tượng ở đây có thể nói còn tàn bạo và nguy hiểm hơn cả với những cảnh do phim ảnh cố tạo nên. Lộc vội vã đi tìm phương tiện thoát thân. Anh đảo qua hết dẫy này rồi sang dẫy khác. Phi cơ nhiều quá, đủ loại nhưng thiếu người điều khiển. Trên sân người ta chạy dáo dác chưa biết về đâu, và anh cũng vậy đi tìm kiếm phi cơ. Lộc là phi công chiến đấu mới vừa được thuyên chuyển về phi đoàn vận tải, chưa được huấn luyện trên những chiếc tầu to lớn như thế này. Trời ơi tiếc quá! Giá mà Lộc điều khiển được nhỉ.
Có một chiếc C130 đang Taxi thật chậm, ngoằn ngoèo tránh những mảnh sắt vụn vương vãi trên sân. Ngớ ngẩn như đứa bé tập lái xe đạp ba bánh chập chững lần đầu. Lộc thấy nơi cửa sổ phòng lái, người phi công chính dơ tay vẫn anh và chỉ về phía sau tầu. Gác vội chiếc xe Honda Dame, Lộc chạy vội vàng lại phía cửa hậu đã được mở sẵn. Gió cánh quạt thổi, đẩy anh đi như không muốn cho anh lại gần. Chiếc áo bay căng phồng, Lộc như người đang lội ngược dòng nước. Cuối cùng anh cũng bám được vào thành tầu. Người ta kéo anh lên. Theo đà tay kéo, Lộc ngã chúi vào trong lòng tầu. Ngồi thu mình dưới sàn như một kẻ hèn nhát, chạy trốn. Lộc đang rời bỏ quê hương và gia đình. Hình ảnh bố mẹ, anh chị em quây quần bên nồi cơm đạm bạc đang chờ Lộc về. Những trái cà trắng phau phau, và bát canh mà mẹ anh vội vàng nấu chưa kịp ăn. Nhìn con, mẹ dặn về sớm. Bát canh rau ngót, Lộc biết mẹ để dành cho anh từ chiều hôm qua vẫn còn đó. Những miếng giò thịt heo trắng mịn màng mà bao giờ cũng vậy, bà múc cho anh nhiều nhất nhà. Nhưng bây giờ Lộc không trở lại được. Anh tưởng tượng đến những âu lo của người thân khi thấy anh biệt tích rồi hớt hãi đi kiếm tìm. Saigon ơi! gia đình đó, thôi vĩnh biệt tất cả. Ra đi mà không biết ngày trở về. Kỷ niệm nào còn vướng chân anh buổi tan trường. Thời gian nào còn quyện tuổi học trò. Tình yêu thuở mới lớn yêu đương một chiều. Thôi hết thật rồi những chiều thứ bảy dạo phố ngắm nhìn những tà áo mỏng đủ mầu bay trong gió. Tuổi thanh niên của Lộc đó, hết rồi, nó đã quá ngắn ngủi và đau thương. Quanh đây trong bầu không khí ngột ngạt với những bộ mặt mất thần ưu tư. Lộc biết rằng mình mới ra khỏi vùng lửa đạn. Rồi con tầu đi về đâu? Anh chỉ biết lờ mờ rằng tầu đang rời khỏi địa phận Việt Nam. Nó vội vã bỏ lại tất cả, vùng đồng bằng ruộng thẳng cánh cò bay hay miền núi đồi cao nguyên mầu mỡ của đất nước thân yêu. Bây giờ lênh đênh trong lòng tầu, đành phó mặc tất cả cho bàn tay người phi công đưa đẩy chuyến tầu viễn xứ.
Hơn nửa giờ đồng hồ sau, tâm hồn Lộc mới bình được đôi chút, và cái tò mò đang nẩy nở mãnh liệt, thôi thúc trong anh. Đứng dậy, Lộc nhìn qua cánh cửa sổ. Ngoài trời vẫn còn nắng, phản chiếu ánh sáng bảy mầu long lanh của vòng quay nơi đầu cánh quạt động cơ. Dưới kia là biển cả với mầu xanh biếc của vùng nước mặn. Ra đi với cuộc đời mới, Lộc chẳng còn gì ngoài chùm chìa khóa vẫn còn nguyên trong túi quần. Thấy cộm, Lộc lấy ra đặt nó trong lòng bàn tay. Lắc đầu chán nản anh nghĩ thầm “rồi đây nó sẽ trở thành vật lưu niệm duy nhất, đánh dấu một thời đã qua”. Lộc mất mát quá nhiều, kể cả tuổi trẻ. Những ngày tháng rong chơi rồi cũng sẽ mất và tiếp nối bằng những ngày dài biệt xứ tay trắng tay. Lộc chẳng muốn nghĩ thêm gì nữa, phải chăng định mệnh đã an bài?
Quá mệt, Lộc ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Một giấc ngủ thật bình yên đến khi nghe tiếng bánh xe chạm mặt phi đạo Lộc mới choàng dậy. Ngơ ngác nhìn chung quanh. Tầu vào bến đậu. Lộc dụi mắt ngạc nhiên vì vẫn có những người lính không quân Việt Nam ra tiếp đón như thường ngày. Tiếp đón một phi vụ không được báo trước. Theo dòng người, Lộc bước xuống phi cơ. Ngoài trời nắng vẫn còn chói chan và gió biển thổi mạnh. Cơn gió có mùi vị khác với gió của thành phố nơi anh ở.
Côn Sơn là đây, có người cho Lộc biết như thế. Một hòn đảo phía nam của dải đất hình chữ S. Và anh đã bàng hoàng xúc động. Lộc chưa ra khỏi đất nước anh. May quá Lộc còn có ngày trở về. Anh vươn vai, chưa biết đi về đâu và phải làm gì bây giờ. Nhìn trước mặt, bãi biển xa tắp tận chân mây, phía đằng sau là núi đồi xanh ngắt.
-Anh có thấy gì tại sân đậu TSN trước khi tầu cất cánh không?
Tiếng một người lạ đến làm quen. Lộc trả lời:
-Thấy chứ, ai mà chẳng thấy cảnh khói lửa hãi hùng ấy.
Người bạn mới quen nhìn thẳng vào mắt Lộc nói:
– Không, tôi muốn nói đến người phi công bị tầu cán, nằm sóng soài trên mặt đất.
Lộc ngạc nhiên hỏi vội:
– Hả, chuyện thật không?
Giọng trả lời quả quyết:
-Chính mắt tôi trông thấy mà.
Chuyện hi hữu thật, phi công mà bị máy bay cán chết ở dưới đất. Nếu quả đúng như vậy thì đây cũng không phải là lần đầu tiên Lộc nghe được cái tin như thế. Mấy năm trước đây khi nghe một chuyện thật trớ trêu, anh đã bùi ngùi thương tiếc. Tại phi trường Pleiku, chỉ sau vài phút rời tầu, một ông quan tư tầu bay đã bị cán chết. Quái ác thay lại bị chính con tầu B-57 mình vừa điều khiển vài phút trước đó. Bây giờ trong hoàn cảnh này Lộc lại nghe thêm một tin tương tự. Một ông quan năm phi công cũng bị cán chết bởi C.130, loại tầu mà chính ông ta đã từng bay nhiều giờ. Trong những trường hợp hi hữu như thế này, có thể gọi là sinh nghề tử nghiệp không? hay đó chỉ là số mạng.
*
Ở lại Côn Sơn qua một đêm, những chiếc tầu C 119 đáp vội chiều qua, vẫn còn nằm rải rác quanh đây, bây giờ không sử dụng được nữa vì thiếu nhân viên kỹ thuật. Nghe nói dường như mỗi sáng, nhân viên kỹ thuật phải điều chỉnh hệ thống gì đó ở cánh quạt thì tầu mới quay máy được. Lộc không phải là dân kỹ thuật nên không được biết. Chỉ biết rõ có một điều duy nhất bây giờ là, với số gia đình của nhân viên phi đoàn C 130 nay lại cộng thêm với số người mà tầu C 119 chở ra đây, chắc chắn với hai chiếc C 130 còn lại, không thế nào chở hết được số người hiện có tại đảo. Người ta đang lo và tiên đoán sẽ có một sự lộn xộn tranh dành có thể đem tới sự ẩu đả sẽ xẩy ra. Mới sáng sớm, người ta làm danh sách lên tầu. Ưu tiên dành cho nhân viên của phi đoàn C 130 trước nhất. Rồi tới các phi công của các loại tầu chiến đấu, đa số là F 5, A 37. Còn dân trục thăng may mắn hơn vì có một số tầu từ phi trường Bình Thủy bay tới, ghé qua đây đổ tí xăng cho an toàn, rồi lên đường ra hạm đội.
Quang cảnh lấy xăng thật vui, mới đầu mấy ông C 130 chê xăng nhớt ở vùng tỉnh lẻ, sau đó tính toán lại thấy lượng xăng không đủ để bay qua ThaiLan. Lệnh cấm đổ xăng được ban ra khẩn cấp. Xăng để dành cho C 130 mà thôi. Thế là cảnh ta về ta tắm ao ta, mấy ông C 130 cởi trần để tát gầu sòng. Những chiếc nón sắt được chuyền cho nhau để múc từng nón đầy xăng JP4, kéo lên cao, đổ vào miệng bình xăng nhỏ xíu. Khi người Hoa Kỳ chế tạo những chiếc máy bay này chắc chắn họ không bao giờ ngờ được có ngày hôm nay. Cái hình ảnh “hò dô ta” chỉ xẩy ra một lần duy nhất như thế trong cảnh tượng thật đau lòng này. Ôi không quân danh tiếng muôn đời. Cả tiếng đồng hồ, những chiếc nón sắt đầy xăng được luân chuyển hầu như chẳng thấm vào đâu với cánh đại bàng C 130. Trong bối cảnh ấy, trên phi đạo, một chiếc Dakorta C47 đang vội cất cánh. Họ về lại Saigon cùng với những người đổi ý không muốn rời quê hương, trở về lại nơi sinh sống hàng ngày. Người phi công của chiếc tầu này có lẽ trong lúc hấp tấp đã bỏ quên gia đình. Lộc không biết họ về lại thật hay họ đã “xé lẻ” trước tình trạng nhận thấy số người ứ đọng đứng quanh đây.
Ông Thiếu tá H. xuất thân từ trường võ bị Đàlạt gọi mời họp. Tất cả có bốn ông tá không quân trên hòn đảo thanh vắng này. Cả bốn ông đều là phi công nhưng lái các loại tầu khác nhau. C 130, C 119, F 5 và L19. Mặc dù Bộ Tư lệnh Sư đoàn V Không quân đã đề cử một ông tá khác ra đây từ chiều hôm trước để điều hành, nhưng bây giờ tình hình đã thay đổi ngay khi có lệnh tan hàng từ đài phát thanh. Ngay khi bắt đầu buổi họp khẩn cấp này, ông Thiếu tá H. đã tỏ ra là người có bản lĩnh. Ông nói thật rõ ràng. “Cấp bậc cao nhất ở đây là Thiếu tá, tôi không kể thâm niên, vì là sĩ quan hiện dịch xuất thân từ trường Võ Bị Quốc Gia. Tôi có bổn phận và trách nhiệm phải điều hành công việc này”. Mới đầu thì có tiếng xù xì, nhưng sau rồi cũng êm vì tất cả nhận thấy có lý. Mười lăm phút sau, một L19 đã nhận lệnh cất cánh đi tìm tầu Hải Quân Hoa Kỳ ngoài khơi để liên lạc. Sau đó chiếc L19 đã đáp lại Côn Sơn. Có tin đã liên lạc được với Hải Quân Hoa kỳ và họ đang tìm cách để gọi một thương thuyền, ghé vào đảo để đón dân tị nạn.
Tưởng một điều cũng nên nói rõ ở đây, Côn Sơn là một trung tâm nhốt tù cộng sản lớn nhất của Việt Nam. Bây giờ trong tình trạng hỗn quân hỗn quan, không ai coi trại tù cả. Mặc dù sau cuộc trao trả tù binh vừa qua nhưng một số tù nhân vẫn còn lại đủ để gây khó dễ cho nhóm gia đình quân nhân vừa tới đảo. Thể theo lời yêu cầu của Thiếu tá H., Tiểu khu Côn Sơn đã cho tăng cường một Tiểu đội giữ an ninh phi trường. Tiểu đội này chia làm hai tổ, gác giữ hai đầu con đường dẫn tới phi đạo. Hai khẩu đại liên ba mươi hướng về phía trại tù. Nhưng độ vài giờ sau, dường như hai khẩu súng này đã đổi hướng. Thấy vậy Thiếu tá H. giục anh em và gia đình lên tầu. Số dân còn lại đông quá, cũng may là họ rất kỷ luật và kiên nhẫn đợi chiếc thương thuyền đang cặp bến.
Trên đường bay nhỏ của đảo Côn Sơn, chiếc C130 chót cất cánh nặng chĩu, khó khăn với đường bay thật ngắn mà sức chở đã quá sức ấn định. Đã tới cuối phi đạo rồi mà tầu thì vẫn còn lưỡng lự chưa chịu lên. Gió quạt của bốn động cơ bán phản lực thổi bụi cát bay mù cuối sân. Người ta thấy nước biển tung tóe sát bánh xe và con tầu cứng đầu vẫn lầm lì không chịu cất cánh lên cao. Như một phản ứng tự nhiên, có vài người vội vã chạy dọc theo phi đạo tiến về hướng biển, tưởng rằng con tầu sẽ gặp khó dễ. Nhưng không, nó đã chuyển mình. Trông xa như một tầu ngầm vừa trồi lên khỏi mặt nước. Tầu ở vị thế sà sà mặt biển rất lâu như gượng gạo né tránh làn nước mặn đang cố với tay xoa bụng tầu. Con tầu càng lúc càng xa bờ đất liền. Bao nhiêu con mắt vẫn hồi hộp ngó theo, cầu mong sao cho nó tai qua nạn khỏi. Chiếc C130, hiền từ nhẫn nại như một con diều hâu già uể oải, bay thật thấp ra mãi tận ngoài khơi rồi cuối cùng nó cũng gượng gạo lên được. Nó bắt đầu bay vòng lại chậm chạp với độ nghiêng cánh thật lơi. Vòng qua phi đạo lần chót, khoảng một ngàn bộ trên cao, nhẹ lắc cánh như còn lưu luyến, rồi ngập ngừng bay về hướng tây bắc, giã từ tất cả những cam go, hãi hùng để chấp nhận một tương lai rất gần mà chẳng ai biết sẽ ra sao.
Ôi Côn Sơn! sóng biển vô tư đập vào bờ đá, bọt biển trắng xóa tung tóe dưới chân Lộc. Lệ ướt tràn mi liệu nước mắt có mặn bằng hơi bụi bọt biển, đang vương mí mắt. Vào phút chót, nhớ tới bà mẹ già, nhớ tới gia đình, anh em và bát canh rau ngót đượm vị ngọt mùi thịt heo và những trái cà pháo trắng đơn sơ, Lộc đã quyết định ở lại đây trên mảnh đất cằn cõi này, đứng một mình bơ vơ, lạc lõng nhìn cánh chim trời. Lộc cúi đầu thầm nghĩ. Nó sẽ bay về đâu? Thôi hết rồi! con chim đang lủi thủi lặng lẽ giã từ tất cả, rời xa phi đạo, con đường bay nho nhỏ, mẩu đất cuối cùng của quê mẹ thân yêu. Nó chao cánh, lưu luyến, nghiêng mình chào vĩnh biệt vùng trời hoang vắng.
Bóng dáng con tầu viễn xứ chìm vào chân mây, nhỏ xíu như cánh nhạn cô đơn. Bất giác Lộc dơ cao tay, vẫy chào lần chót, miệng lẩm bẩm “…thôi nhé bay đi, bay thật xa đi cánh chim nhỏ hiền hòa…”.
Đào Quang Vinh